Phản biện ý kiến của ông Đỗ Ngà

04/06/2022

Nguyễn Đình Cống

4-6-2022

Vừa rồi ông Đỗ Ngà công bố bài báo “Nên dẹp bỏ Quốc hội”. Đó là một ý kiến khá hay, thể hiện một cái nhìn và đánh giá đúng về Quốc hội, đưa ra một đề xuất dũng cảm.

Ông viết: ‘Thực ra nhà nước CS chả khác nào nhà nước phong kiến. Mà nhà nước phong kiến thì chả cần Quốc hội họ vẫn điều hành đất nước theo cách của họ. Nhà nước CS cố lập ra Quốc hội để làm gì? Chỉ để cho có vẻ khác phong kiến. Chỉ vậy thôi. Trong Quốc hội này, hễ ông/bà nào biết luật sai thì lại không nhiệt tình sửa lại theo quyền lợi dân, mà ai không biết luật thì phát biểu ngây ngô cho có. Vậy thì duy trì Quốc hội làm gì? Nên dẹp đi cho đỡ tốn tiền dân. Ai mà chả biết nó vô dụng?

Tôi đồng ý với ông Đỗ Ngà là Quốc hội hiện nay vô dụng, nhưng chỉ vô dụng đối với dân và đất nước, nhưng lại hữu dụng đối với Đảng thống trị. Họ rất cần một Quốc hội gồm những nghị sĩ theo cơ cấu, một phần là các nghị gật, một phần gồm những kẻ ngây ngô. Một Quốc hội như vậy chỉ tiêu tốn tiền của dân một cách quá lãng phí.

Trên thế giới từng xảy ra một số trường hợp Quốc hội không đủ năng lực, bị giải tán để dân bầu ra Quộc hội mới. Cần dẹp bỏ, giải tán những Quốc hội kém năng lực, bù nhìn. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thì mới đạt được một nửa yêu cầu. Sau khi dẹp bỏ được cái Quốc hội làm cảnh với nhiều nghị gật thì phải tiếp tục vận động, đấu tranh để cử tri bầu ra được những người thực sự đại diện cho trí tuệ của dân tộc. Đó là một cách tích cực của việc dân chủ hóa đất nước trong hòa bình.

Ông Đỗ Ngà đã có một nhận xét rất đúng rằng nhà nước cộng sản và nhà nước quân chủ, phong kiến có cùng bản chất. Nhưng ông chưa vạch ra điều khác biệt cơ bản. Nhà nước quân chủ có Chính danh, họ cai trị với phương châm Quang minh chính đại. Họ tự nhận là độc tài, có toàn quyền cai trị, họ không có nhu cầu dối trá để che đậy bản chất. Cộng sản có cùng bản chất với chuyên chế nhưng lại tìm mọi cách che đậy, mà một trong những cách đó là tạo nên nền dân chủ hình thức, giả hiệu bằng những biện pháp giả danh, dối trá. Ông Đỗ Ngà cho rằng Cộng sản lập ra Quốc hội cho có vẻ khác phong kiến. Đúng là cho nó có vẻ khác, nhưng không phải chỉ có thế mà họ nhằm thực hiện mưu đồ dối trá, lừa phỉnh rằng “Ta đây dân chủ gấp nhiều lần bọn tư bản”.

Xin hỏi, dân tộc, đất nước có còn cần dân chủ hóa hay không? Nếu không cần thì xóa bỏ Quốc hội bù nhìn là xong một chuyện. Khi mà dân chủ hóa vẫn còn là nguyện vọng, vẫn còn là yêu cầu của nhân dân thì sau khi xóa bỏ được Quốc hội bù nhìn phải làm sao bầu chọn ra được một Quốc hội đủ năng lực. Rất hy vọng ông Đỗ Ngà và những người nặng lòng với đất nước sẽ có những suy nghĩ và đóng góp cho công việc quan trọng này.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

_______

 

Nên dẹp Quốc hội

04/06/2022

Đỗ Ngà

2-6-2022

Những ngày qua, trên nghị trường lại xuất hiện những ông nghị/bà nghị phát biểu rất ngây ngô kiểu như dùng sân vận động chứa nước mưa cho thành phố, nào là khen hàng xóm đẹp là bạo hành gia đình, nào nhìn gợi tình là quấy rối tình dục vv… Điều này chứng tỏ dàn đại biểu Quốc hội của chính quyền CS rất kém chất lượng. Giống như diễn trò câu giờ hơn là đóng góp nghiêm túc để sửa đổi luật pháp cho hoàn chỉnh hơn. Những người này thà đừng làm đại biểu Quốc hội, bầu họ chỉ để tốm tiền dân chứ chả có ích gì.

Quốc hội Việt Nam nó không như quốc hội ở các nước dân chủ, những người được gọi là “đại diện cho dân” ở xứ này chỉ toàn là đảng viên, họ đang kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tự cách chọn đại biểu như thế thì về bản chất họ không đại diện cho dân rồi. Vì không đại diện cho dân nên họ chẳng bao giờ có những cuộc tiếp xúc với người dân thực sự để nhận phản hồi. Những cuộc họp cử tri của đại biểu Quốc hội trong chế độ này chỉ là trò diễn, cử trị được Mặt trận Tổ Quốc chọ lựa để làm màu. Vậy nên, Đại biểu Quốc hội Việt Nam chẳng bao giờ tiếp nhận được những phản hồi xuất phát từ bức xúc của dân thật sự.

Để nhận ra lỗ hổng của luật pháp thì hoặc là Đại biểu nhận sự phản hồi của cử tri, hoặc là tự nghiên cứu tìm hiểu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những phản hồi của cử trị lại không phản ánh được cái khiếm khuyết luật pháp. Vì vậy để phát hiện ra sự khiếm khuyết của luật pháp, đại biểu Quốc hội chỉ có thể tự tìm hiểu về luật và tìm ra lỗ hổng đó.

Làm việc ở ngành tòa án và ngành Công an tiếp xúc với Luật pháp là chủ yếu. Tuy nhiên, những quan chức trong ngành này nếu phát hiện ra lỗ hổng, họ sẽ không sửa hoặc sửa sao cho có lợi cho họ mà thôi. Lấy ví dụ như Luật Biểu Tình, Bộ Công An tìm mọi cách để trì hoãn. Hay Luật đất đai cũng thế, ở Hội nghị TW5 ĐCS đã họp bàn về bộ luật này nhưng chẳng sửa gì vì lợi ích đất đai là bổng lộc của quan chức và của đảng. Đấy minh chứng rõ ràng về hành động bảo vệ quyền lợi cho thiểu số của đại biểu quốc hội trong chế độ này.

Đã là quan chức nhà nước thì luôn phải làm việc với pháp luật, không làm việc với cấp luật do Quốc hội ban hành thì cũng làm việc với loại luật thấp hơn như Nghị định, Thông tư … Chỉ có ngành tòa án và ngành Công an là thường xuyên làm việc với Luật pháp, còn lại những quan chức chính phủ hay các quan chức ở chính quyền địa phương thuộc quyền quản lý của các Ủy ban Nhân dân Tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương thì họ thường xuyên làm việc với cấp luật thấp như Nghị định, Thông tư vv…

Vấn đề là loại luật cấp thấp ở Việt Nam. Những Nghị định, Thông tư được phát hành vô tội vạ, nó vừa lộn xộn vừa chồng chéo, đôi khi mâu thuẫn với luật pháp. Chính vì thế rất nhiều người dù hàng ngày làm việc với Nghị định, Thông tư nhưng họ chẳng biết gì về phần luật trong phạm vi trách nhiệm của họ. Chính vì thế mới có những phát biểu ngây ngô trước nghị trường.

Năm 2013 chính quyền CS Việt Nam cho biết mỗi ngày họp Quốc hội mất 1 tỷ đồng. Nếu quy ra giá hiện nay với mức lạm phát trung bình 5%/năm thôi thì con số cũng 1,6 tỷ đồng, nếu tính lạm phát 7%/năm thì so với thời giá hiện tại là 2 tỷ đồng. Mỗi ngày quẳng từ 1,6 đến 2 tỷ để cho những ông nghị/bà nghị phát biểu xàm xí như thế thì quả là lãng phí. Lỗ hổng luật vẫn không vá được mặc dù đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để diễn trò bầu cử năm 2021 và bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi ngày để họp trong suốt 5 năm.

Thực ra nhà nước CS chả khác nào nhà nước phong kiến. Mà nhà nước phong kiến thì chả cần Quốc hội họ vẫn điều hành đất nước theo cách của họ. Nhà nước CS cố lập ra “Quốc hội” để làm gì? Chỉ để cho có vẻ khác phong kiến. Chỉ vậy thôi. Trong Quốc hội này, hễ ông/bà nào biết luật sai thì lại không nhiệt tình sửa lại theo quyền lợi dân, mà ai không biết luật thì phát biểu ngây ngô cho có. Vậy thì duy trì Quốc hội làm gì? Nên dẹp đi cho đỡ tốn tiền dân. Ai mà chả biết nó vô dụng?

Đ.N.

Nguồn: FB Soi

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.