Trương Quang Đệ
Tuổi già hay mất ngủ, mà mất ngủ sinh ra suy nghĩ vẩn vơ, cảm thấy cuộc đời sao ngổn ngang trăm mối. Thực ra chẳng có gì hệ trọng, chỉ những kẻ dở hơi chập mạch mới băn khoăn dằn vặt kiểu sợ thiên thể rơi vào đầu khi ra khỏi nhà. Những suy nghĩ vẩn vơ đó xuất phát từ nhận định rằng nước ta có vô số viện nghiên cứu, đông đảo người tài, nhưng không hiểu sao có những chuyện bé nhỏ tồn đọng lâu dài không ai ngó tới.
Một: Suy nghĩ về các vua Hùng. Theo thiền sư Lê Mạnh Thát, những chuyện vua Hùng, Mỵ Châu Trọng Thủy là những huyền thoại lấy từ tài liệu Phật học do các bậc cao tăng Trung Quốc biên soạn. Các sử gia chép lại các tài liệu ấy, coi như thật, viết thành sử chính thống mà không có khám phá chứng cứ nào đáng tin cậy cả. Nếu ta chấp nhận chuyện các vua Hùng là có thật, ta chấp nhận luôn gốc gác sắc tộc Việt từ phía Bắc xuôi về Nam. Điều này không khớp với nhận định của nhân chủng học hiện đại, những khám phá của ngành này cho rằng dân ta vốn từ phía Đa Đảo vùng Nam Á đi lên phía Bắc. Ngôn ngữ học cũng xác nhận điều đó vì tiếng Việt thuộc ngữ hệ Môn-Khmer gốc Nam Á với cấu trúc cú pháp ly tâm, trong khi tiếng Hán thuộc ngữ hệ khác, với cấu trúc cú pháp hướng tâm. Tiếng Việt do thời gian dài Bắc thuộc, vay mượn từ vựng Hán khá nhiều, nhưng trong ngôn ngữ, cái phân định sự khác biệt là cú pháp và hình thái chứ không phải từ vựng.
Hai: Ai thống nhất đất nước sau mấy trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh, Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ hay Vua Gia Long – Nguyễn Phúc Ánh? Muốn xét đoán khách quan vấn đề nhạy cảm này tôi thấy cần phân biệt hai yếu tố khác nhau: sự kiện và con người. Sự kiện thống nhất đất nước là cả nước từ Nam chí Bắc trước đó chia thành các vùng cát cứ của vua chúa khác nhau, nay quy về một mối dưới quyền cai quản của một vị vua duy nhất. Về con người, ta có hai vị tùy quan điểm chính trị mà được coi là tạo ra sự kiện trên. Việc vua Gia Long thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc với quốc hiệu Việt Nam là một thực tế lịch sử. Dầu ghét ông ta thế này thế nọ cũng không thể bác bỏ việc hiển nhiên. Khi vua Quang Trung còn sống, lãnh thổ nước ta có ba miền do ba anh em Tây Sơn cai quản. Vùng cực Nam đất nước là vùng tranh chấp giữa quân Tây Sơn của Nguyễn Lữ và quân của chúa Nguyễn do Nguyễn Ánh, tức Gia Long về sau chỉ huy. Vua Quang Trung khi mất chỉ để lại cho con là Quang Toản phần đất từ Thuận Hóa trở ra. Vì thế dầu ta có ngưỡng mộ vua Quang Trung đến mấy cũng không thể gán việc thống nhất đất nước cho Người được. Nói thêm đôi chút suy nghĩ cá nhân về Vua Gia Long. Vị vua này bị các nhà sử học chính thống lên án là đã dựa vào quân Xiêm, quân Pháp (của Công Ty Đông Ấn) để đánh tan quân Tây Sơn. Thực ra sau khi cầm quyền ông chẳng nhượng gì cho Xiêm cho Pháp cả, ngoài việc nới lỏng hơn cho việc truyền đạo Thiên Chúa. Cái mà tôi bực mình nhất với Gia Long là khi lên cầm quyền, ông gạt phăng Pháp ra một bên để thần phục Nhà Thanh, xây dựng Việt Nam theo chế độ phong kiến cổ hủ. Đáng ra ông phải dựa vào Phương Tây để duy tân đất nước, theo cách Minh Trị Thiên Hoàng bên Nhật. Một cơ hội bị bỏ lỡ, y như biết bao cơ hộ khác bị bỏ lỡ trong lịch sử!
Ba: Ai viết bài cho Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh đọc trưa 30 tháng Tư năm 1975 tại Đài phát thanh? Điều kỳ khôi là phải 47 năm sau Quân Ủy Trung ương mới xác định được ai giả ai thật. Tuy sự việc đã rõ nhưng không thấy trên khen ai chê ai cả. Đúng là điều mà dân thường không thể hiểu nổi.
Bốn: Đến lúc nào không phải tốn kém khi cho con cháu đi học? Cuối thế kỷ 19, Jules Ferry – Bộ trưởng Giáo dục quốc dân Pháp đề ra phương châm “giáo dục bậc tiểu học cưỡng bách, miễn phí và thế tục (không tôn giáo)”. Chủ trương ấy được Pháp áp dụng vừa cho chính quốc vừa cho các thuộc địa trong đó có Đông Dương. Ngày nay dân chúng ngỡ ngàng thấy việc học quá tốn kém, sách giáo khoa mỗi năm mỗi thay đổi, giá sách khá cao so với thu nhập người dân. Sao vậy nhỉ? Ngày xưa lương giáo viên tiểu học đủ để nuôi sống cả gia đình đông đúc. Nay giáo viên không sống được bằng lương, phải làm thêm một hay hai ba việc khác hoặc bày chuyện dạy thêm rất tiêu cực. Các nhà quản lý giáo dục nghĩ sao đây?
Ngành y tế cũng có những vấn đề tương tự: chi phí của ngườì dân cho sức khỏe quá cao, đội ngũ y tế không được trả công đầy đủ khiến đông đảo nhân sự bệnh viện công chuyển sang các bệnh viện tư. Các bệnh viện thường xuyên quá tải.
Năm: Những gì dạy cho con trẻ có được cân nhắc kỹ không? Con trẻ thường được tiếp xúc với các truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và các đoạn văn trích dẫn. Một số thầy cô dạy tiếng Việt cho người nước ngoài phản ánh rằng người nước ngoài không hiểu được tại sao truyện cổ tích Việt Nam tôn vinh những con người tàn nhẫn như cô Tấm trong truyện “Tấm Cám” giết mẹ kế, giết em một cách quá dã man. Trong truyện “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa”, thằng Cuội giết một lúc 5 con hổ con vô cớ. Truyện ngụ ngôn “Trí khôn của ta đây” thì lấy làm thích thú với các mẹo vặt, khôn ranh, không trung thực. Kể ra Viện Văn học, trong đó có Ban Văn học Dân gian nên kiến nghị cho Bộ Giáo dục loại bỏ những truyện như vậy. Cũng nên loại bỏ việc tôn vinh Chí Phèo, một cặn bã xã hội, coi anh ta là đại diện cho tầng lớp bị áp bức.
Sáu: Viết làm sao, đọc làm sao bây giờ? Ta có đủ cả: Viện Hàn lâm, Viện Ngôn ngữ, hàng loạt giáo sư, học giả… nhưng khi viết tên các quốc gia trên thế giới thì mỗi người một phách, mỗi tờ báo một cách riêng. Hiện nay nước được nhắc đến hàng ngày hàng giờ trên báo chí và các phương tiện truyền thông là nước gì nhỉ? U-cờ-ren, U-cờ-rai-na, Ukraina, Ukraine và còn gì nữa? Cũng tương tự người ta hay nói đến một thành phố chẳng biết nên gọi là gì: Mạc Tư Khoa, Mas-cơ-va, Moscou, Moscow và còn gì nữa? Có lẽ trong khi chờ đợi nhà nước ra quy định cụ thể, ta học theo ngành bưu điện mà dùng tên các nước bằng tiếng Anh cho xong.
Nhiều chuyện lo nghĩ vẩn vơ nữa nhưng tạm dừng ở đây, hy vọng có thể chợp mắt trong dăm mười phút.
T.Q.Đ.
Nguồn: FB Truong Quang De