Kiểu mẫu để làm gì

Nguyễn Đình Cống

Khi thấy Tổng Bí thư gật đầu và khoát tay mạnh mẽ, dứt khoát nói như đinh đóng cột rằng Thanh Hóa nhất định trở thành một tỉnh kiểu mẫu, tôi buột miệng “Kiểu mẫu để làm gì nhỉ?”. Câu ấy bị ngay người nhà phê phán: “Ông lẩm cẩm rồi, kiểu mẫu là để nêu gương chứ còn để làm gì nữa”. Ờ nhỉ, không khéo mình lẩm cẩm rồi chăng. Đảng có cả quyết định về nêu gương kia mà. Một người nêu gương, trăm vạn người nêu gương, cả tỉnh nêu gương, cả nước nêu gương thì tốt quá chứ sao. Nhưng rồi đêm nằm suy nghĩ mới thấy mình chưa lẩm cẩm.

Người ta, làm việc tốt, việc thiện thì cố mà làm hết khả năng rồi được đến đâu hay đến đó, hưởng đến đó. Đã làm tốt rồi còn cần làm tốt hơn. Việc tốt sẽ phát huy tác dụng mà người khác có thể noi theo, làm theo. Đó là tác dụng nêu gương, một tác dụng phụ. Làm tốt là vì lương tâm, vì trách nhiêm chứ mục đích chính không phải để làm gương, không nhằm nêu gương. Nếu ai đó làm việc cốt để nêu gương thì việc đó mất ý nghĩa tốt đẹp. Khi không có người để nêu gương thì họ sẽ không làm. Vì vậy quyết định cán bộ phải nêu gương có phần trái logic. Việc nêu gương khác với việc gương mẫu. Phải chăng gương mẫu là tự giác làm tốt công việc theo trách nhiệm và lương tâm.

Phải chăng phấn đấu trở thành kiểu mẫu để nêu gương là một trá hình của thói thích hư danh, thích được ca ngợi, thích được nổi tiếng. Dân gian có câu “Được tiếng khen ho hen suốt đời”.

Thanh Hóa trở thành kiểu mẫu thì chủ yếu lãnh đạo được tiếng khen, còn một số cán bộ cấp dưới và dân chúng không khéo sẽ ho hen suốt đời. Trước đây có vài đơn vị nổi tiếng một thời, được ca ngợi hết mức, nhưng rồi tàn lụi rất nhanh chỉ vì muốn nêu gương, chỉ vì thói hư danh của lãnh đạo.

Đã qua rồi phong trào tỉnh, huyện, xã anh hùng. Xã bên cạnh anh hùng, xã mình kém gì họ mà không được, phải chạy cho bằng được để nhân dân phấn khởi, để lãnh đạo được mở mày mở mặt chứ. Rồi đến Xóm văn hóa, Thôn văn hóa…Phải chạy cho được chứ lại thua kém người ta về danh hiệu à. Có thể thua kém người ta về thực chất, nhưng danh hiệu thì phải chạy cho được. Bây giờ đến Tỉnh kiểu mẫu.

Người dân Thanh Hóa nghĩ sao về việc rồi đây tỉnh của họ được phong tước hiệu Tỉnh Kiểu mẫu. Chắc rằng có một số người sẽ phổng mũi, tự hào. Họ là những ai. Phải chăng là những người ham thích hư danh. Còn đại đa số nhân dân thì sao. Dân Thanh đã từng sáng tác bài ca nổi tiếng: “Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào, định đẩy sang Lào, thì Lào không nhận. Toàn dân nổi giận…”. Bây giờ được trở thành Kiểu mẫu để quan trên trông xuống, thiên hạ trông vào thì chưa biết sẽ có thêm bài ca nào, như thế nào.

Tôi hết sức cầu mong cho không những Thanh Hóa mà mọi tỉnh, mọi miền của đất nước phát triển một cách bền vững về mọi măt, kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, sức khỏe, đạo đức, bảo vệ được thiên nhiên và môi trường, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc thật sự cho toàn dân. Còn kiểu mẫu hay không là không quan trọng, không cần quan tâm.

Quan tâm quá đến kiểu mẫu chứng tỏ đầu óc còn hạn hẹp.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Thi đua. Bookmark the permalink.