HRW: quyền trẻ em tại VN bị xâm phạm qua học trực tuyến

2022.05.27

clip_image002

 Hình minh hoạ: Một em gái được mẹ giúp học trực tuyến lớp văn ở một cửa hàng ở Hà Nội hôm 16/9/2021. AFP

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có nền tảng học tập trực tuyến do Chính phủ cung cấp hoặc tài trợ. Những nền tảng này bị báo cáo đã truyền dữ liệu của học sinh cho các công ty quảng cáo (AdTech). Ngoài ra, Việt Nam cũng bị đánh giá là không có bất kỳ một chính sách bảo vệ quyền riêng tư khi các em bị bắt buộc phải học trực tuyến, nhất là trong thời gian phong toả do đại dịch COVID-19.

Quyền trẻ em bị xâm hại khi học trực tuyến ở VN

Nội dung này được nêu ra trong báo cáo Governments Harm Children’s Rights in Online Learning (tạm dịch: Chính phủ gây hại đến Quyền trẻ em trong học tập trực tuyến), do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) công bố hôm 25/5.

Theo Báo cáo này, có 49 quốc gia đông dân nhất trên thế giới áp dụng phương pháp học trực tuyến đối với học sinh trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng nổ. Biện pháp này đã gây tổn hại đến quyền riêng tư của trẻ em bằng việc cho sử dụng các sản phẩm giáo dục trực tuyến của các công ty công nghệ giáo dục (EdTech).

Có đến 89% trong số các sản phẩm được dùng có khả năng theo dõi hoặc giám sát trẻ em, thu thập dữ liệu cá nhân như danh tính, nơi ở và thói quen của trẻ… Hầu hết các trường hợp này đều là bí mật và không có sự đồng ý của trẻ hoặc phụ huynh.

Báo cáo còn nhấn mạnh rằng có nhiều Chính phủ trực tiếp xâm phạm Quyền riêng tư của trẻ bằng việc tự phát triển hoặc tài trợ cho các nền tảng hay chương trình học trực tuyến bị phát hiện truyền dữ liệu của trẻ em cho các công ty quảng cáo. Chính phủ Việt Nam cũng thuộc số này.

Trang web học trực tuyến của Việt Nam được nêu tên trong báo cáo này là OLM.vn. Trang web này cũng không có bất kỳ chính sách bảo vệ quyền riêng tư nào cho người dùng.

Trang web vừa nêu tự giới thiệu là có mục đích dạy, học và thi dành cho học sinh, giáo viên và nhà trường bậc phổ thông. Trang web này được phát triển bởi hai trung tâm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội là Trung tâm Phát triển Giáo dục & Công nghệ số và Trung tâm Khoa học tính toán.

OLM đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu đến các cơ sở giáo dục sử dụng để giảng dạy và học tập trực tuyến trong thời gian dịch COVID-19.

Để được tham gia vào các lớp học trực tuyến trên trang web này, học sinh đăng ký tài khoản với các thông tin cá nhân như họ tên, tên đăng nhập, email và số điện thoại…

clip_image004

Trang web OLM cung cấp dịch vụ học trực tuyến cho trẻ ở Việt Nam. Hình chụp màn hình OLM

Kinh nghiệm thực tế

Một giảng viên tại Hà Nội yêu cầu được giấu danh tính nói với RFA rằng việc cung cấp các thông tin cá nhân cơ bản như tên tuổi, số điện thoại, email để tham gia lớp học trực tuyến là điều bắt buộc, học sinh không thể từ chối được. Và điều mà giảng viên này cảm thấy bất tiện nhất khi dạy online là nhà trường buộc phải bật camera trong các lớp học:

“Cái mà tôi cảm thấy không hài lòng khi mà học online từ góc độ người học và người dạy đó là mình phải bật camera. Có những hình ảnh riêng tư trong gia đình mình không muốn chia sẻ nhưng bị bắt buộc bật lên, cho nên tôi cảm thấy bị ảnh hưởng và tôi không muốn như vậy.

Lo ngại lớn nhất đó là cảm giác như là mọi thông tin mình giảng bài hoặc thông tin trong lớp học của cả cô và trò đều không được đảm bảo an toàn, có cảm giác là sẽ có một bên thứ ba giám sát song song.

Và việc học online này thì cũng là một cơ hội rất là tốt để hacker có thể truy cập và biết được là mình đã dạy và nói những gì.”

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa, từ Hà Nội nói với RFA rằng về góc độ nhà trường thì chắc chắn là sẽ không trao thông tin cá nhân của các em học sinh cho một bên nào khác, tuy nhiên, các trường học cũng không có các chính sách hay giáo trình hướng dẫn các em kỹ năng bảo mật trên không gian mạng:

“Nhà trường thì chắc chắn là sẽ không trao thông tin cá nhân của các em học sinh cho một bên nào khác hết, nhưng mà hiện học sinh phải tự bảo vệ mình.

Ngành giáo dục cũng không có các chương trình nào giảng về các điều đó cho các em học sinh cả, nhưng những lúc rảnh giáo viên vẫn nói cho các em biết.”

Ông H, hiện đang ở TPHCM, là phụ huynh của hai con nhỏ bắt buộc phải học online trong học kỳ đầu của niên học này, cho biết sau khi các con học online thì các tài khoản cá nhân, hoặc các trang web mà ông truy cập xuất hiện nhiều quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến trẻ em hoặc vấn đề mà ông và các con quan tâm:

“Thực ra thì mình cũng có lo ngại. Tuy nhiên mình không có quyền từ chối. Thậm chí là những bé đang học mà có sự cố về camera là cô giáo nhắc liền.

Các tài khoản mà mình đã đăng ký học online thì sau đó có những vấn đề nào mình đang quan tâm là liên tục bị hiện các quảng cáo về các sản phẩm đó. Có thể nó thu thập thông tin của mình để trục lợi ở trong đó”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong hầu hết các trường hợp, trẻ em không thể từ chối việc bị giám sát và thu thập dữ liệu vì việc học online là bắt buộc ở nhiều nước trong thời gian phải ở nhà do đại dịch.

Những thông tin cá nhân chi tiết có thể sẽ được bán hoặc chia sẻ với các nhà môi giới dữ liệu, cơ quan thực thi pháp luật, Chính phủ hoặc những người khác muốn có thông tin về một nhóm người nhất định.

Hiểu biết về bảo mật ở Việt Nam còn hạn chế

Theo nhận định của vị giảng viên giấu tên, gần như toàn bộ phụ huynh đều không có ý kiến gì về các vấn đề bảo mật danh tính cho con em mình khi học trực tuyến, điều đó cho thấy hiểu biết về Quyền riêng tư của người dân Việt Nam còn chưa cao:

“Những quyền cơ bản, quyền riêng tư và quyền được đảm bảo thông tin cá nhân là những khái niệm ít người biết. Bởi vì những cái đó không được nhắc đến ở đâu cả thông tin đại chúng không nhắc đến.

Có thể khẳng định là đại đa số người dân Việt Nam không hề biết đến cái gọi là quyền bí mật thông tin cá nhân. Vì thế cho nên khi mà con cái học online thì đa phần phụ huynh học sinh sẽ không để ý đến điều này.”

Ông H, cũng xác nhận với RFA rằng không có một phụ huynh nào trong lớp của các con ông đề cập đến vấn đề bảo mật thông tin, đảm bảo an ninh cá nhân trên không gian mạng cho các con.

Theo Human Rights Watch, quyền riêng tư là một quyền con người. Nó là quyền tự chủ và tự kiểm soát cuộc sống của một người; là khả năng tự xác định chúng ta là ai trong thế giới này, theo các hoàn cảnh riêng của mỗi người. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt hơn về sự riêng tư và không gian để các con phát triển, vui chơi và học tập.

Do đó, tổ chức này kêu gọi các Chính phủ nên thông qua và thực thi luật về bảo vệ dữ liệu trẻ em, nhằm cung cấp các biện pháp ngăn chặn việc thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em. Các công ty nên ngừng ngay việc thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu của trẻ em theo những cách thức có nguy cơ hoặc xâm phạm quyền của chúng.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Nhân Quyền, Quyền trẻ em. Bookmark the permalink.