Dan Bilefsky, Kissinger suggests that Ukraine give up territory to Russia, drawing a backlash, The New York Times, May 24, 2022
Bauxite Việt Nam dịch
Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, ảnh chụp vào năm 2020. Những tuyên bố của ông Kissinger về Ukraine tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã gây ra phản ứng dữ dội.
Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng 98 tuổi, người đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp mối quan hệ bất hòa của Mỹ với Liên Xô, đã có lời khuyên cho Ukraine: Nhượng lãnh thổ để làm hòa với Nga.
Hôm thứ Hai, phát biểu qua đường dẫn video tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Kissinger nói rằng việc thất bại trong việc khởi động lại các cuộc đàm phán với Nga và sự xa lánh Điện Kremlin hơn nữa sẽ gây ra những hậu quả lâu dài nghiêm trọng đối với sự ổn định ở châu Âu.
Ông nói: “Các cuộc đàm phán cần phải bắt đầu trong hai tháng tới, trước khi nó tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua”. Ông nói thêm: “Lý tưởng nhất là đường phân chia nên trở lại nguyên trạng”, dường như ám chỉ việc khôi phục các biên giới của Ukraine như trước khi chiến tranh bắt đầu vào tháng Hai. “Theo đuổi cuộc chiến ngoài thời điểm đó không phải vì quyền tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại chính nước Nga”.
Ngay sau khi ông Kissinger thốt ra những lời đó, những tuyên bố của ông đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội và đang còn lan rộng hơn nữa. Nhiều nhà phê bình cho rằng người đàn ông nổi tiếng rao giảng chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế lại đang gợi ý một điều quá phi thực tế.
“Thật đáng tiếc khi cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ tin rằng việc từ bỏ một phần lãnh thổ có chủ quyền là một cách để đạt được hòa bình cho bất kỳ quốc gia nào!”, Inna Sovsun, một thành viên của Quốc hội Ukraine, viết trên Twitter.
Richard N. Haass, Chủ tịch của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ, đã viết trên Twitter rằng, đề xuất của ông Kissinger “có thể sẽ bị Ukraine từ chối vì yêu cầu Ukraine từ bỏ quá nhiều và cũng bị Putin từ chối vì cho Nga quá ít”.
Hầu hết người dân Ukraine cũng bác bỏ ý tưởng này. Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Kyiv công bố hôm thứ Ba cho thấy 82% người Ukraine nói rằng họ không muốn nhường lãnh thổ cho Nga.
Trong các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng Ba, các quan chức Ukraine cho biết đất nước của họ đã sẵn sàng tuyên bố trung lập vĩnh viễn – từ bỏ triển vọng gia nhập NATO, một yêu cầu quan trọng của Nga – và thảo luận về các yêu sách lãnh thổ của Nga. Nhưng vấn đề nhượng bộ lãnh thổ là vô cùng nhạy cảm ở Ukraine, với nhiều người Ukraine kiên quyết rằng nước này không nên nhượng bộ lãnh thổ hoặc tuân theo yêu cầu của Nga.
Nga chiếm Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và trong 8 năm qua, các lực lượng Ukraine đã chiến đấu chống lại những kẻ ly khai do Nga hậu thuẫn đang kiểm soát một vùng rộng lớn ở khu vực phía đông Donbas.
Ông Kissinger, vị cao tăng của chính sách thực dụng, là người từng gây ra nhiều tranh cãi. Khi ông được trao giải Nobel năm 1973 do nỗ lực đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, các nhà phê bình đã phàn nàn, chỉ ra chiến dịch ném bom tàn khốc của Mỹ ở Campuchia trong nhiệm kỳ của ông. Hai thành viên của Ủy ban Nobel đã từ chức để phản đối việc ông được trao giải.
Garry Kasparov, kiện tướng cờ vua người Nga và là nhà hoạt động chính trị, đã viết trên Twitter rằng lập trường mới nhất của ông Kissinger về Ukraine không chỉ vô đạo đức mà còn “đã được chứng minh là sai lầm lặp đi lặp lại nhiều lần”.
Đề cập đến Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, ông Kasparov nói thêm: “Việc nhượng bộ các cường quốc, chìu theo tham vọng của Putin và Tập Cận Bình là không bền vững, vì các nhà độc tài thì chắc chắn cần xung đột. Đây không phải là Chiến tranh Lạnh”.
D.B.
—
Dan Bilefsky là một phóng viên quốc tế, có trụ sở tại Montreal; trước đây, là tại London, Paris, Prague và New York. Ông là một phần của nhóm đã giành được Giải thưởng George Polk năm 2022 cho cuộc điều tra về vụ ám sát tổng thống Haiti. Ông là tác giả của bộ phim kinh dị tội phạm có thật “The Last Job”. @DanBilefsky