Thái
Tuần rồi tôi nhận lời mời đến Harvard Kennedy School để dự sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, đối thoại với các giáo sư và khách tham dự. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội thông báo cho Mr. Chính và nội các biết tình hình an ninh mạng rất tệ ở trong nước.
Chiều thứ Sáu 13/5/2022 tôi hạ cánh ở Boston. Tôi ở Charles Hotel, sát bên Harvard. Khách sạn đẹp, lịch sự, đắt lòi mắt. Tôi ăn tối với vài người bạn ở một nhà hàng có món risotto rất ngon trong khu Little Italy.
Tối đó tôi thức đến gần sáng để soạn câu hỏi. Thật ra tôi muốn phát biểu ý kiến, nhưng hội nghị chỉ cho phép khách tham dự đặt câu hỏi, tôi phải tìm cách biến ý kiến thành câu hỏi.
Câu hỏi của tôi hơi dài vì tôi muốn giải thích bối cảnh. Tôi chỉnh từng chữ, cuối cùng cũng tạm hài lòng. Coi đồng hồ thấy hơn 6h sáng. Đêm nay bác không ngủ, hy vọng ngày mai các bố sẽ không khiến bác ngủ bù trong phòng họp.
—
9h sáng thứ Bảy, bạn tôi chở đến khu người Việt ăn sáng. Người mới từ Việt Nam sang khi đến các khu người Việt ở Mỹ chắc sẽ ngạc nhiên và thất vọng lắm. Ủa sao Mỹ mà quê quê, dơ dơ thế này? Không chỉ Boston, mà San Jose hay Westminster cũng vậy. Sài Gòn sang chảnh bao nhiêu, sang đến Little Saigon thấy giống như đi xuống miệt Chắc Cà Đao.
Tôi về lại khách sạn thì cũng đã giữa trưa. Hội thảo bắt đầu lúc 2h chiều. Ban tổ chức nói nên vô sớm để có chỗ ngồi và gặp những khách mời khác.
M. soạn sẵn một bộ đồ vest khá bảnh mua ở New York cách đây mấy năm, nhưng do quên nhờ khách sạn ủi nên rốt cuộc tôi mặc quần jean, một chiếc sơ mi mua ở Việt Nam cách đây 15 năm và một chiếc blazer mới được khách hàng tặng năm ngoái. Nhìn cũng được. Tôi muốn chỉnh chu hơn, nhưng tự nhủ quan trọng mình sẽ nói gì.
Khi tôi đến phòng hội thảo đã thấy lác đác vài người. Tôi chào xã giao, trò chuyện với một vài người. Tôi thấy một người nhìn rất quen mà mãi không thể nhớ là ai. Tôi tính đến hỏi, nhưng thấy hơi ngại nên thôi. Đến cuối buổi, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đến bắt tay, tự giới thiệu tôi mới nhớ. Bác sĩ Hiếu không phải là người duy nhất tôi thấy quen mà không biết là ai. Có khi tôi thấy họ trên TV cũng không chừng.
Hội trường có năm hàng ghế. Tôi ngồi ở hàng thứ ba. Hàng đầu và thứ hai dành cho đoàn của chính phủ. Lúc đoàn vào mới biết hàng đầu dành cho các bộ trưởng. Tôi đếm phải có hơn 10 bộ trưởng. Một người bạn mới quen nói nhỏ không biết họ đi hết thì ai ở nhà làm việc nhỉ. Có lẽ đây là một chuyến đi quan trọng của Việt Nam.
Ban tổ chức giới thiệu Mr. Chính là Thủ tướng thứ hai sau Mr. Phạm Văn Khải đến phát biểu tại Harvard, trong đoàn còn có 6 vị bộ trưởng từng học ngắn hạn ở đây. Một anh nhà báo bình luận vậy thì phải xem lại chất lượng đào tạo của Harvard :-).
Chương trình học mà ban tổ chức nhắc đến có lẽ là Vietnam Executive Leadership Program. Tôi đã đến nói chuyện vào năm 2019. Năm đó tôi thấy đoàn Việt Nam và các giáo sư Harvard làm việc nghiêm túc, nhưng tôi không rõ tác động thế nào đến chính sách của Việt Nam. Mr. Nguyễn Văn Bình đi Harvard về là nghỉ hưu luôn.
Bài phát biểu của Thủ tướng khá dài, ý tưởng tôi thấy na ná bài phát biểu tại CSIS. Tôi không biết bài này quan trọng cỡ nào, nghe nói mỗi câu chữ đều có ít nhiều ý kiến của các thành viên nội các.
Tôi không có đủ chuyên môn để bình luận bài phát biểu. Về phong thái tôi thấy Thủ tướng có vẻ là người bộc trực, tự tin. Dường như ông ấy hơi mệt (do di chuyển nhiều?) và hơi thiếu chuẩn bị, bài phát biểu nhiều đoạn lặp lại, kéo dài hơn dự kiến.
Trước khi kết thúc, Thủ tướng nói đại loại như tôi đến đây chia sẻ chân thành, nghĩ sao nói vậy. Lúc đó tôi không hiểu sao Thủ tướng nói vậy, vì nghe có vẻ như Thủ tướng đang giãi bày. Sau hội thảo, xem đoạn video Thủ tướng tán gẫu với bộ sậu tôi mới hiểu.
Sau phát biểu của Thủ tướng là màn đối thoại giữa thành viên chính phủ và các giáo sư Harvard. Đại diện Việt Nam ngoài Thủ tướng có ông Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng KHĐT), ông Nguyễn Hồng Diên (Bộ trưởng Công Thương) và bà Nguyễn Thị Hồng (Thống đốc NHNN).
Mỗi người được phát biểu 5’, nhưng màn này cũng nằm ngoài chuyên môn, nên tôi chỉ còn nhớ bà Thống đốc phát biểu súc tích còn cựu bí thư Tịnh Xuyên có vẻ hơi đốp chát.
—
Sau cùng cũng đến màn tôi chờ đợi là đặt câu hỏi. Ai muốn đặt câu hỏi thì giơ tay, moderator là một vị giáo sư Harvard. Không biết đã có tiền lệ chưa, nhưng đây là lần đầu tôi dự một hội nghị mở với lãnh đạo cấp cao Việt Nam mà ai cũng được phép tự do đặt câu hỏi. Một tiến bộ đáng hoan nghênh.
Thủ tướng trực tiếp trả lời. Khi trả lời xong câu hỏi nào, Thủ tướng đều kết thúc bằng câu hỏi, “Không biết tôi trả lời vậy có được chưa/có đúng không?”. Tôi nghĩ đây là một thái độ cầu thị và khiêm tốn hiếm gặp ở các quan chức. Có những quan chức gặp gỡ chuyên gia với tâm thế biết tuốt, chỉ bảo đủ thứ.
Tôi nhớ nhất câu hỏi đầu tiên của một bạn sinh viên trẻ. Bạn hỏi Việt Nam sẽ làm gì để giải quyết vấn đề Trung Quốc xây đập làm biến đổi dòng chảy và lưu lượng nước sông Mekong. Du học sinh Harvard có khác, gặp lãnh đạo phải hỏi như vầy, chứ không chỉ tranh thủ khúm núm tươi cười chụp hình up Facebook.
Tôi hồi hộp giơ tay không biết mình có được chọn đặt câu hỏi không, nhưng rốt cuộc may mắn được chọn. Tôi xin lỗi trước vì câu hỏi dài, nhưng cũng bị moderator nhắc nhở hai lần, nên cuối cùng phải rút ngắn, không như ý muốn.
Tôi giới thiệu tôi là một hacker người Việt đang sống và làm việc ở Mỹ. Cùng với một vài đồng nghiệp rất trẻ, chúng tôi đã có thể xâm nhập vào nhiều hệ thống máy tính trọng yếu của Việt Nam, với sự đồng ý của người quản lý. Nếu chúng tôi làm được như vầy, tưởng tượng những nhóm hacker quân đội hay tội phạm có tổ chức sẽ còn làm được gì nữa.
Có lẽ chỉ là cảm nhận cá nhân, hay do tôi bị moderator nhắc, nhưng tôi thấy không khí trong phòng có vẻ căng thẳng hơn khi tôi nói đến đây. Một số tờ báo trong nước khi trích dẫn câu hỏi của tôi cũng bỏ qua ý này.
Tôi nghĩ câu hỏi dự kiến của tôi vui và hóc búa hơn, nhưng do bị nhắc hai lần, không thể trình bày hết ý, nên rốt cuộc tôi chọn một câu hỏi khá dễ, rằng liệu chúng tôi có thể giúp gì để nâng cao an ninh mạng cho Việt Nam.
Thủ tướng trả lời đại loại như nước nào cũng gặp vấn đề này (ý là Mỹ cũng bị hack hoài mà đòi đi giúp chúng tôi, lêu lêu) và Việt Nam muốn được hỗ trợ hoàn thiện chính sách, đào tạo con người.
Sau tôi còn khá nhiều người giơ tay muốn hỏi, nhưng moderator bất ngờ tuyên bố kết thúc hội nghị, có lẽ do đã vượt thời gian dự kiến quá nhiều. Hình như chỉ có 4 người kể cả tôi được đặt câu hỏi, hơi ít.
Ban tổ chức yêu cầu mọi người ngồi yên chờ Thủ tướng và đoàn rời khỏi khán phòng mới được đứng dậy. Tôi thấy hơi tiếc, không hiểu sao đoàn không ở lại nói chuyện trực tiếp một chút nhỉ. Những cuộc trao đổi off-the-record bên lề hội nghị thường sẽ cởi mở và thẳng thắn hơn nữa.
Tôi đến đây là để nói cho càng nhiều người biết càng tốt tình trạng an ninh mạng yếu kém của Việt Nam. Sau hội nghị, bạn tôi hỏi có thấy đáng công không? Tôi thấy cũng tạm được, vì rốt cuộc tôi cũng đã cung cấp được thông tin quan trọng nhất. Chỉ hơi tiếc tôi đã không nhấn mạnh điểm yếu an ninh mạng đang tạo ra một rủi ro ở cấp hệ thống, có thể gây sụp đổ nền kinh tế Việt Nam.
—
Sau hội thảo tôi đi uống vài ly với vài người trong ban tổ chức. Ai quan tâm và thật lòng muốn đóng góp, giúp đỡ đất mẹ Việt Nam, tôi đều xem là bạn. Tôi nghĩ chuyến đi này tôi đã tìm được nhiều người bạn mới. Trò chuyện với họ, tôi không thể không nghĩ đến một vấn đề đã khiến tôi bận tâm lâu nay, đó là làm sao đóng góp cho Việt Nam nhiều hơn mà không đánh mất chính mình.
Đứng ở ngoài, độc lập với hệ thống thì tiếng nói sẽ ít có nguy cơ bị quyền lợi hay quan hệ chi phối, nhưng tác động sẽ chậm, khó quan sát. Can dự trực tiếp, tức là bắt tay vào làm luôn, tác động sẽ nhanh và rõ ràng hơn, nhưng có nguy cơ bị chính hệ thống mà ta muốn thay đổi nghiền nát.
Có lẽ tôi sẽ phải đứng chàng hảng. Chỗ nào làm được thì làm, chỗ nào cần chửi vẫn phải chửi. Nếu mình rõ ràng, sòng phẳng thì đúng là mẹ nó, sợ gì!
T.
Nguồn: Blog Thái