Ukraine và bóng ma Quốc xã

Gideon Rachman, “Ukraine and the shadow of the Nazis,” Financial Times, 09/05/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Khi cả hai bên đều cáo buộc kẻ thù là hậu duệ của Hitler, thỏa hiệp dần trở thành điều không tưởng.

Đã không có chiến thắng nào để Vladimir Putin có thể ăn mừng trong Ngày Chiến thắng. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Nga đang sa lầy trong một cuộc chiến tàn khốc, bất phân thắng bại, và ngày càng nhục nhã.

Trước khi có bài phát biểu quan trọng tại Quảng trường Đỏ, kỷ niệm chiến thắng trong Thế chiến II, Tổng thống Nga có ba lựa chọn – nhưng không có lựa chọn nào trong số đó là tốt cả. Ông có thể bắt đầu xuống thang trong cuộc chiến ở Ukraine, điều có nghĩa là thừa nhận rằng Nga đã không đạt được hầu hết các mục tiêu của mình. Ông có thể cố gắng thúc đẩy tinh thần quân đội và quốc gia, nhưng không thông báo về một thay đổi lớn trong chính sách. Hoặc ông có thể leo thang, bằng lời nói hoặc hành động – chẳng hạn như tuyên bố lệnh động viên quân sự, hoặc ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Lần này, Putin đã chọn phương án thứ hai – và điều đó cho thấy ông đang bế tắc đến mức nào. Ông không tìm được con đường nhanh chóng dẫn đến chiến thắng. Nhưng thất bại là điều không thể chấp nhận được.

Bằng cách một lần nữa dán nhãn cho chính phủ Ukraine là “tân Quốc xã,” Putin đã đẩy mình vào một góc tối luận điệu. Rốt cuộc thì, làm sao người ta có thể thỏa hiệp với chủ nghĩa phát xít? Nhưng Putin không phải là nhà lãnh đạo duy nhất khẳng định rằng mình đang tái chiến đấu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong bài phát biểu ngày 09/05 của riêng mình, Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, cũng cáo buộc Nga đã lặp lại “những tội ác khủng khiếp của chế độ Hitler.”

Thế chiến II cũng ảnh hưởng lớn đến cách mà Mỹ và các đồng minh NATO nghĩ về cuộc xung đột ở Ukraine. Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, vừa cáo buộc Nga “bắt chước chủ nghĩa phát xít” trong thập niên 1930.

Một gói viện trợ khổng lồ trị giá hàng tỷ đô la cho Ukraine, vừa được Quốc hội Mỹ thông qua, có tên gọi là “Đạo luật Vay-Thuê nhằm Bảo vệ Nền dân chủ Ukraine” (Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act). Chắc chắn họ đang cố ý nhắc lại Đạo luật Vay-Thuê (Lend-Lease Act) của Mỹ năm 1941 – trong đó Mỹ chuyển giao vũ khí cho Anh để chống lại Đức Quốc xã.

Có một mối nguy hiểm rõ ràng trong một tình huống mà cả hai bên đã tự thuyết phục – ở một mức độ nào đó – rằng họ đang chiến đấu chống lại kẻ thù Quốc xã. Nó khiến một thỏa hiệp hoặc dàn xếp hòa bình trở nên khó khăn hơn nhiều. Người ta đã không cho Hitler một “lối thoát.”

Thế chiến II kết thúc với việc xe tăng Nga tiến vào Berlin, và Hitler chết trong boongke của chính mình. Nhưng Đức Quốc xã không có vũ khí hạt nhân. Thật khó để hình dung một cuộc đua về đích trong thời đại hạt nhân – bởi “đích” đó có thể là Ngày Tận thế.

Sự thật là, đằng sau những luận điệu về Quốc xã ấy, có một số dấu hiệu cho thấy tất cả các bên đều đã chấp nhận rằng một “chiến thắng toàn diện” là điều không thể. Điện Kremlin đã điều chỉnh các mục tiêu chiến tranh của mình. Mục tiêu ban đầu là chiếm Kyiv và lật đổ chính phủ Ukraine đã bị hủy bỏ – hay chí ít là, bị trì hoãn vô thời hạn. Người Nga thậm chí còn đang phải chật vật để đạt được mục tiêu chiến tranh sửa đổi, là chiếm Donetsk và Luhansk.

Đối mặt với tình huống này, Putin cuối cùng có thể quyết định chấm dứt xung đột – sau khi giành được một số cam kết “phi phát xít hóa” ở Ukraine trên danh nghĩa, và đảm bảo về sự trung lập của nước này. Zelensky đã tỏ ý rằng ông sẽ chấp nhận trung lập, để đổi lấy một số đảm bảo an ninh của phương Tây.

Tuy nhiên, như các quan chức cấp cao ở Washington nhìn nhận, vấn đề trọng tâm hiện nay là lãnh thổ. Putin vẫn chưa thể chấp nhận một thỏa thuận hòa bình mà trong đó Nga hoàn toàn chẳng thu được gì – đổi lại cho việc hàng nghìn binh sĩ bị thương hoặc thiệt mạng. Nhưng Zelensky không thể chấp nhận một dàn xếp hòa bình yêu cầu Ukraine phải nhượng thêm lãnh thổ, ngoài Crimea.

Trong lúc người Nga gặp khó khăn, liên minh phương Tây đang ngày càng bị cám dỗ để triển khai các mục tiêu chiến tranh mở rộng hơn. Đường lối chính thức của Mỹ tuyên bố các mục tiêu của nước này vẫn giữ nguyên kể từ ngày 24/02, thời điểm Nga bắt đầu xâm lược. Mục tiêu chính là giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga và duy trì sự tồn tại của Ukraine như một quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện những tiếng nói có ảnh hưởng tại Washington, London, và các thủ đô khác, chẳng hạn như Warsaw, những người hiện đang nhìn thấy cơ hội “đẩy Nga ra khỏi chính trường thế giới”, như lời một cựu quan chức Mỹ. Suy nghĩ đó được phản ánh trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tháng trước, rằng Mỹ hiện đang tìm cách “làm suy yếu” Nga vĩnh viễn.

Làm cho Nga suy yếu vĩnh viễn rõ ràng sẽ là một chiến thắng lớn về địa chính trị đối với phương Tây. Nó sẽ làm giảm mối đe dọa an ninh đối với châu Âu, diệt trừ đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc, và tăng mức độ khả tín cho lời khẳng định của Tổng thống Joe Biden, rằng “nước Mỹ đã trở lại”.

Nhưng việc công khai áp dụng một chính sách “nước Nga yếu” cũng chứa đựng những rủi ro đáng kể. Nó làm tăng nguy cơ leo thang – bao gồm cả leo thang hạt nhân. Nó cũng có thể xác thực câu chuyện của Điện Kremlin, rằng cuộc chiến được thúc đẩy bởi lòng thù hận của NATO chống lại Nga, chứ không phải mong muốn xâm lược của Nga đối với Ukraine, từ đó có thể làm suy yếu sự ủng hộ quốc tế đối với các nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga.

Nhận thức rõ tất cả những điều này, Nhà Trắng đang cố gắng để truyền tải đúng thông điệp (message discipline) trong liên minh phương Tây. Sử dụng những luận điệu mạnh mẽ hơn không chỉ dẫn đến nguy cơ leo thang trên chiến trường, mà còn khiến cho việc đạt được dàn xếp hòa bình trở nên khó hơn rất nhiều.

Thực ra, bất chấp tất cả những câu chuyện về chủ nghĩa Quốc xã và vay-thuê, ví dụ tương đồng nhất [đối với chiến tranh Ukraine] chính là cuộc chiến Afghanistan – trong suốt hơn một thập niên, Mỹ và các đồng minh đã hỗ trợ người Afghanistan chống lại quân đội Liên Xô chiếm đóng nước họ [trong những năm 1980]. Một số quan chức phương Tây thậm chí còn gợi lại Chiến tranh Chiến hào 1914-1918, khi hai phe đối đầu dọc theo một chiến tuyến dài trong suốt nhiều năm.

Một kết luận ảm đạm là hồi kết của cuộc chiến này vẫn đang còn ở rất xa.

Nguồn bản dịch: https://nghiencuuquocte.org/2022/05/12/ukraine-va-bong-ma-quoc-xa/#more-45553

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.