Gặp lại nàng sau 13 tháng

Huỳnh Ngọc Chênh

(Ảnh ba tù nhân lương tâm lúc chưa bị bắt)

Hôm qua ngày 7/5/2022, tròn 13 tháng Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt, bị cô lập khỏi xã hội và gia đình.

Quá thời hạn tạm giam sau hai lần gia hạn, cơ quan điều tra không kết thúc điều tra để đưa ra tòa xét xử lại đưa Nguyễn Thúy Hạnh vào viện pháp y tâm thần.

Tại viện pháp y, Hạnh được hưởng theo quy chế bệnh nhân nên tui và em trai Hạnh được vào thăm nàng cùng lúc.

Sau 13 tháng cách biệt, tui và nàng lại nhìn thấy nhau qua lớp kiếng. Hạnh có gầy đi nhưng vẫn trẻ trung và xinh đẹp như xưa. Chúng tôi bắt ống nghe lên nói chuyện. Hạnh khá trầm tĩnh, không lộ ra chút nào xúc động, còn tui thì phải cố nuốt nước mắt vào trong để không làm ảnh hưởng đến Hạnh. Câu đầu tiên nàng nói là khen tui tuy để tóc râu bạc phơ nhưng nhìn vẫn thấy trẻ và nghệ sĩ, nàng thích lắm. Rồi ngay sau đó nàng nói, em lo cho anh quá, lo anh cô độc một mình, lo không ai chăm sóc cho anh… áp lực lớn nhất của em khi ở trong tù hơn 1 năm qua là nghĩ đến hình ảnh anh thui thủi một mình, vì em mà anh phải chịu khổ … Tui ngắt lời nàng, trời ơi, anh ở ngoài sung sướng lắm, vào Nam ra Bắc, vui cùng chim bướm cỏ cây, vào thành phố thì lúc nào cũng có bạn nhậu, về chiến khu thì chim chóc bay quanh, lại ngắm nhìn cây cối mình trồng lớn lên hàng ngày … vui lắm, thân em trong tù khổ sở lại đang bệnh tật không lo. Nhưng nàng nghiêm giọng nói, em rất mong anh tìm một người phụ nữ khác để sống đến cuối đời, để lo lắng cho anh, em sẵn sàng ký đơn ly dị nếu người đó muốn cưới anh. Rồi nàng nhắc đến chuyện trước đây khi đi giám định y khoa nàng đã viết hai lá thư dài, một lá gởi cho con và các anh chị em, một lá gởi cho tui, khuyên tui nên tìm người phụ nữ khác, nàng nhờ một bệnh nhân ở cùng nàng khi ra viện mang về cho tui, nàng hỏi tui có nhận được không. Tui nói, thư cho con thì nhận được còn thư cho tui thì không, nàng than trời. Tui cười bảo có lẽ anh chàng đó đọc thư em viết, thương quý em, sợ anh nghe theo lời khuyên tìm người khác bỏ em tội, nên đã giấu lá thư đi không trao cho anh, xui cho anh quá.

Rồi nàng hỏi thăm về mọi người, hỏi về Trần Bang, bạn học và bạn chiến đấu của nàng vừa bị bắt, nàng lo cho anh ấy không có ai thăm nuôi vì đang sống độc thân. Nàng hỏi thăm về các gia đình TNLT, hỏi về nhiều người lắm, tui nói mọi người đều quan tâm lo lắng cho em, nàng nói nhờ tui gởi lời cám ơn tất cả mọi người, tui hứa sẽ nói lại, rồi sau đó lôi nàng về với chuyện của nàng, bảo nàng kể chuyện hồi mới bị bắt như thế nào, khám xét nhà ra sao, nàng nói khi bắt nàng có đến 50 người bao vây đông đặc từ dưới sảnh chung cư lên đến căn hộ. Tui hỏi ở trong trại giam thế nào, nàng nói, được đối xử bình thường, giam chung với hai người khác, cả ba luôn đối xử tốt với nhau, giúp đỡ nhau.

Chuyện ăn uống thì nàng bảo thôi khỏi kể, kinh lắm. Còn những đồ anh mua căn tin ký gởi vào hàng tháng chỉ có sữa tươi và nước suối là dùng tốt, còn lại thì chẳng ra gì. Mỗi lần đi thăm nuôi, tui đều mua qua ký gởi căn tin nửa con gà luộc vì biết nàng thích món đó lắm, sau khi gởi xong tưởng tượng cảnh nàng cùng các bạn ăn gà mà lòng tui rưng rưng hạnh phúc. Bây giờ nghe nàng nói, gà anh ký gởi chẳng ăn được chút gì, vì tệ hơn thứ gì tệ nhất. Ôi trời!

Hỏi cung thì suốt cả năm chỉ có 5 lần, chỉ do một nữ nhân viên hỏi, tập trung vào những bài trả lời phỏng vấn của nàng với báo đài nước ngoài, về quỹ 50K.

Cái nàng mong ngóng nhất là tin tức về gia đình, hoàn toàn mù tịt, nàng nói, lòng em như lửa đốt, không biết làm sao nhắn gởi ra những điều cần căn dặn, mỗi lần nghĩ đến gia đình, còn bao nhiêu việc dở dang mà không có em làm sao giải quyết. Tui cười bảo, không có em thì mọi việc vẫn được giải quyết ổn thỏa, dòng đời vẫn trôi chảy, chẳng có chuyện chi sai sót. Mọi người và anh chỉ sốc thời gian đầu, bối rối tháng đầu, sau đó dần quen đi.

Thuốc chữa bệnh trầm cảm mua bạc triệu gởi vào cho nàng bốn tháng một lần, mỗi lần gởi thấy nhân viên y tế trại giam ra kiểm kê, đếm cẩn thận từng viên thuốc, tưởng nàng sẽ được uống, ai ngờ họ vứt hết, chỉ xem toa mua lại thuốc khác thế vào, nhưng thiếu hai loại thuốc trong bốn loại mà bác sĩ Vy ở SG chữa trị cho nàng kê ra.

Hai anh em tui luân phiên nhau nói chuyện với nàng được hơn nửa tiếng đồng hồ. Bao nhiêu thông tin trong ngoài bị ngăn chặn lại hơn 1 năm qua được trào ra nhưng vẫn không kịp vì hết giờ.

Hiện tại nàng nằm ở khoa chữa trị bắt buộc, ở cùng phòng với sáu bệnh nhân . Các bệnh nhân khác đều có thể dùng điện thoại để liên lạc với người nhà, thậm chí có thể vào mạng, riêng nàng và Lê Anh Hùng không được phép dùng điện thoại. Khoa của nàng 15 bệnh nhân đều là nữ, không hiểu sao lại lọt một tù nhân nam vào là blogger Lê Anh Hùng nổi tiếng, được cho là không bị bệnh nhưng vẫn bị cưỡng bức vào chữa bệnh. Ngày đầu tiên nhập viện, nàng gặp Lê Anh Hùng ngoài sân, chị em vồ vập nói chuyện, nhưng sau đó khi về phòng, nàng được nghe lệnh cấm nói chuyện với Hùng. Những ngày sau, khi ra sân, nàng và Hùng chỉ đến gần nhìn nhau chứ không được nói với nhau lời nào.

Tui có một thông tin vui muốn nhắn đến Lê Anh Hùng vậy chừ không biết làm sao, có một phụ nữ giỏi giang thông minh ở SG rất thương mến Hùng nhờ tui chuyển lời đến Hùng là cô ấy sẵn sàng chờ đợi Hùng…

Nguyễn Trung Lĩnh của Hội Anh em dân chủ cũng được đưa vào đây chữa bệnh bắt buộc nhưng ở bên khu nam nên nàng không được gặp.

Viện pháp y cho phép người thân vào thăm nhiều lần trong tháng, mỗi lần chỉ 2 người. Sau tui và em trai nàng, những người thân khác của nàng sẽ đến thăm nàng những lần sau.

Nhìn theo bóng nàng bé nhỏ, lủi thủi đi vào, sau khi chia tay nhau, lòng tui trùng xuống …

Về nhà cả buổi tối ngồi uống rượu một mình, chẳng thể nào viết lách được gì dù biết nhiều bạn bè và người thân ngóng tin nàng.

Sáng nay thức dậy trễ, người trống rỗng, uể oải xuống sân tập thể dục thì đã thấy hai “tô bánh canh” bày sẵn ra đó tự bao giờ, may mà chiều hôm qua đã đi thăm nàng, hôm nay và các ngày sau không thể bước ra khỏi nhà. Chợt nhớ lại những ngày nàng bị canh gác và theo dõi triền miên trước khi bị bắt, thương quá.

H.N.C.

Nguồn: FB Huynh Ngoc Chenh

This entry was posted in Nguyễn Thúy Hạnh, tù nhân lương tâm, Tù nhân tâm thần. Bookmark the permalink.