Thanh Trúc
Hình minh hoạ: Nông dân Bắc Ninh cầm banner đến trước cổng văn phòng Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội hôm 21/3/2012 phản đối lãnh đạo địa phương câu kết với doanh nghiệp lấy đất của dân. Reuters
Cải cách Luật Đất đai là lời kêu gọi từ trước của ông Nguyễn Phú Trọng, được nhấn mạnh trở lại vào lúc Hội nghị Trung ương 5 được triệu tập từ ngày 4 đến ngày 10/5.
Tổng Bí thư ĐCSVN khẳng định 70% số vụ việc khiếu nại trên toàn quốc liên quan đến đất đai, nhiều người bị bỏ tù vì quản lý đất đai yếu kém và làm sai.
Hôm 5/5 vừa qua, một ngày sau khi Hội nghị Trung ương 5 nhóm họp, sáu tổ chức Xã hội dân sự trong nước đồng ký tên phổ biến một Kiến nghị có tên ‘Tuyên Bố Chống Tham Nhũng và Sửa Đổi Luật Đất Đai’.
Theo nhận định của các nhà quan sát, Hội nghị Trung ương 5 đang diễn ra, lời kêu gọi cải cách Luật Đất Đai của lãnh đạo cao nhất mà dư luận được đánh tiếng từ trước, đến Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi Luật Đất Đai cùng thời điểm… có thể gây chú ý nhưng không tạo hiệu quả thay đổi khi vì cơ bản vẫn ‘Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý’.
“Luật Đất đai do ĐCSVN chủ trương là một luật trái với Đạo Trời, trái với lòng dân, phản tiến bộ. Đất đai là sở hữu toàn dân là một hình thức tước đoạt chứ gì nữa, nó gây ra nhiều thảm họa cho dân, tạo ra vô số tham nhũng và tội ác. Vì thế mà phải hủy bỏ nó, làm ra luật khác hợp đạo hơn, tiến bộ hơn”.
Đó là nhận định của Giáo sư Nguyễn Đình Cống, đại diện Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, một trong sáu tổ chức Xã hội dân sự cùng thiết lập bản Tuyên bố ngày 5/5 vừa qua. Ông nói:
“Các Tổ chức Xã hội dân sự ra Tuyên bố về Luật Đất đai là để đòi Chính quyền trả lại Đất cho dân. Việc này chắc ông Trọng không muốn làm”.
Đại diện CLB Lê Hiếu Đằng, ông Lê Thân, cho biết Việt Nam từng thông báo sửa đổi Luật Đất đai từ những năm 2003, 2013 và 2018 nhưng không có gì khác biệt tính đến lúc này:
“Ông Nguyễn Phú Trọng nói 70% những vụ khiếu kiện liên quan đến vấn đề đất đai, thực chất người ta tổng kết là 80%, và gần 80% cán bộ các cấp bị xử lý cũng liên quan tới đất đai. Mới đây thì hai ông Bí thư và hai ông Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị xử lý. Vậy thì 30 năm từ khi Bình Thuận tách khỏi Thuận Hải, nhiệm kỳ nào của Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cũng bị kỷ luật”.
Xem ra tình trạng tham nhũng đến lúc này đã quá là nghiêm trọng, ông Lê Thân nói tiếp:
“Thế nhưng cải cách thế nào, có triệt để hay không và có cứu Đảng được hay không phải còn chờ xem. Nói rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nghĩa là đất không của ai cả. Như vậy Nhà nước mới thực sự là ông chủ của đất, được quyền ban phát cho dân sử dụng, và nhớ là khi cần thì Nhà nước thu lại”.
Đây chính là cơ sở, vẫn lời ông Lê Thân, để nhà cầm quyền ĐCSVN tự tung tự tác, đè đầu cởi cổ gây bất công xã hội, cũng chính là điều được nhấn mạnh, được lập đi lập lại trong bản Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi Luật Đất đai của các Xã hội dân sự:
“Xét về bản chất của chính sách đất đai là nhằm phục vụ bọn tham nhũng, bọn có quyền kết hợp làm ăn bất chính gây bất công xã hội. Cái này làm sao mà dân chịu đưng được.”
“Nếu kỳ này mà vẫn giữ cái chính sách ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý’ thì không được. Phải chuyển qua chính sách đa sở hữu, tức là có đất do Nhà Nước quản lý và có đất do dân sở hữu thực sự là tài sản của họ.”
“Nặng nhất trong vấn đề tham nhũng là đất đai, chuyện chống tham nhũng ở đây trước nhất là cứu Đảng. Đảng suy cho cùng nó ung nhọt như thế mà nguồn cơn là đất đai, cải cách đất đai ở đây chính là cứu Đảng”.
Tiếp lời đại diện CLB Lê Hiếu Đằng, đại diện Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, nhà giáo Hoàng Dũng, cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã mặc nhiên nhìn nhận đất đai là một vấn đề thực sự vì chiếm tới 70% đơn từ khiếu kiện cả nước:
“ĐCSVN đã rất nhiều lần họp hành, Luật Đất đai cũng cất lên đặt xuống rất nhiều lần, 2003 rồi 2013 rồi 2018. Luật mà sửa tới sửa lui như vậy đủ biết là có chuyện. Tuy nhiên bất chấp sự lo lắng từ người lãnh đạo cao nhất Đảng, chúng tôi cho là rất khó vì sửa là phải làm lại Hiến Pháp chứ không phải từ những luật bên dưới.”
“Bây giờ chỉ nói sửa Luật Đất đai thì phải nói là có thể sửa trong phạm vi hợp lý tương đối thôi. Còn nói sửa cái nguồn gốc và giao cho người dân quyền sử dụng đất thật sự đó là chơi chữ để mị dân.”
“Vụ Thủ Thiêm là một minh chứng, người ta nhân danh Nhà nước để thu hồi và đền bù cho dân một số tiền bèo bọt mà đầu tư và thu lại thì không biết bao nhiêu lần. Có chuyện làm sai luật chứ không phải không, nhưng vấn đề là bản thân luật không thể chấp nhận được”.
Vì vậy, theo Giáo sư Hoàng Dũng, biết khó mà vẫn phải làm, phải gắn vấn đề tham nhũng vào Luật Đất đai để nhà cầm quyền thấy dân oan không sai.
“Cái logic của nó là như thế. It nhất nó có hai tác dụng, thứ nhất nó đánh thức khát vọng dân chủ, có khi bùng nổ theo kiểu Đồng Tâm, Dương Nội, nhưng cũng có người ôm nỗi đau khổ, oan ức… Bản Tuyên bố như thế này có thể nuôi dưỡng khát vọng dân chủ trong người dân. Mặt khác nó góp phần làm cho Nhà nước thấy rõ hơn cái áp lực của việc phải thay đổi”.
Từ 2003 đến 2018, vẫn lời nhà giáo Hoàng Dũng, dẫu rằng vấn đề then chốt nhất là ‘sở hữu toàn dân’ vẫn không thay đổi, nhưng về phương diện kỹ thuật thì có thay đổi chặt chẽ hơn:
“Ngày xưa chính quyền địa phương muốn đuổi dân đi để chiếm đất thì dễ hơn bây giờ rất nhiều. Bây giờ thì không dễ vì chặt chẽ hơn. Tuy là chặt chẽ nhưng cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Chúng ta hy vọng thay đổi dần thôi. Trong ngắn hạn tôi không hình dung được Luật Đất đai thay đổi một cách triệt để được đâu”.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, CLB Nguyễn Trọng Vĩnh, bổ túc ý kiến của Giáo sư Hoàng Dũng:
“Ông Nguyễn Phú Trọng ở Hội nghị Trung ương buộc lòng phải nói ra một số sự thật, một số thôi chứ không phải là toàn bộ. Vì không thể tiếp tục che đậy được nữa thành phải công nhận mà thôi, chứ thực lòng ông Trọng không muốn đem quyền sở hữu cho dân cho nước đâu. Việc ông kêu gọi cái cách luật chủ yếu nhằm vào quyền lợi của Đảng chứ không phải vì nước vì dân đâu. Sửa đổi thì chắc là có sửa một chỗ này một chỗ kia, bịt lổ hỗng này lỗ hỗng nọ. Phải thay đổi toàn bộ thì mới đạt nguyện vọng của người dân, sửa mà không khéo thì Việt Nam có câu sửa chỗ hà ra chỗ hổng thôi.”
Kỳ vọng vào sự thay đổi Luật Đất Đai hôm nay – ngày mai là một ảo tưởng, Hội nghị Trung ương 5 kỳ này và cả bản Tuyên bố của các Xã hội dân sự phải vạch ra cho được là chính sách ‘áp giá đền bù’ mới là đầu mồi là cốt lõi của tham nhũng trước nay.
Đây là chia sẻ qua điện thư của một blogger giấu tên, một nhà quan sát thời cuộc, từng có thời gian dài làm việc trong cơ quan công quyền Đảng và Nhà nước:
“Người dân bao nhiêu năm nay khốn khổ, cãi cọ, kiện tụng và đầu tranh lên tới trung ương vì cái chuyện áp giá đền bù không sát với giá cả thị trường, thậm chí cách xa ghê gớm với giá thị trường. Đây là cái lớn nhất ta có thể nhìn thấy trong tham nhũng. Ai cũng hiểu giải tỏa đất vào một công trình hay dự án mà áp giá đền bù không xứng đáng thì dẫn đến giá cả những khu đất đó, và cả các khoảnh đất bị trưng thu liền kề, sẽ tăng vọt lên gấp nhiều lần không thể tưởng tượng được. Điều này chỉ quan chức trưng thu và doanh nghiệp can dự mới hiểu được chứ người dân ở đó chưa chắc đã biết.”
“Cấp nào được quyền và cấp nào được tham gia chuyện giải tỏa đền bù? Từ lâu đã có chuyện chính quyền địa phương sử dụng cơ quan công lực để mà hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết chuyện đền bù đất. Người dân bức xúc đấu tranh thì chính quyền đứng đằng sau doanh nghiệp và công an để xử lý như vụ Văn Giang hay nhiều vụ khác”.
Dường như đã có chút ít thay đổi, blogger giấu tên trình bày tiếp, là đẩy vấn đề doanh nghiệp phải làm việc sát với dân hơn:
“Vì nếu để quan chức chính quyền tham gia nó lại sinh tham nhũng. Không thỏa thuận được, không giải quyết được cho dân thì đừng tham gia, thậm chí dùng xã hội đen để mà đối phó với dân thì các anh phải đối mặt với pháp luật và hình phạt. Đấy, muốn kiến nghị và muốn thay đổi thì phải đi sâu vào những điểm ấy”.
Chuyện sở hữu toàn dân hay không sở hữu toàn dân đương nhiên là dấu mốc cực kỳ quan trọng. Sửa từ Hiến Pháp và từ trong Luật Đất đai cũng vô cùng quan trọng, nhưng đừng ảo tưởng rằng sửa và bỏ cái sở hữu toàn dân ấy là có thể thay đổi hoàn toàn một sớm một chiều.
Nói một cách khác, blogger nhắc lại, cả hệ thống phải tự nguyện thay đổi, bởi nếu không thì cách làm luật, bộ máy hành chính liên quan đất đai từ trung ương đến địa phương với những con người như vậy trong hệ thống thừa sức đẻ ra những qui định, và nó tiếp tục diễn ra tình trạng tham nhũng về đất đai không khác gì và không khác mấy so với từ trước đến nay.
T.T.
Nguồn: RFA Tiếng Việt