“Không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế”, chuyện thời sự mà cũ

Trương Huy San

Chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Sẽ không có kinh tế thị trường nếu không thiết lập được ranh giới rõ ràng cho các quan hệ dân sự và kinh tế. Câu chuyện “hình sự hóa” các quan hệ này đã được bàn luận rất nhiều từ đầu thập niên 1990s. Tuy nhiên, vì không thực sự có nhà nước pháp quyền nên không thể có kinh tế thị trường, tình trạng này chưa bao giờ khắc phục được.

Đành rằng, “tư bản thân hữu” vẫn đang chủ đạo nền kinh tế. Nhưng, sở dĩ có “tư bản thân hữu” là vì thể chế vẫn tiếp tay cho các quan tham. Bắt doanh nhân mà không lần tới được quan tham thì chỉ thiết lập lại trật tự (ai thay thế làm thân hữu của ai) chứ không thể chống tham nhũng cũng như thiết lập thị trường hoàn chỉnh.

Sau Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu lại vấn đề này một cách nghiêm túc. Cách tiếp cận cho dù rất tích cực này nếu chỉ để cứu vãn thị trường vốn sau các vụ bắt giữ vừa rồi thì sẽ không có tác dụng ngay cả tức thời. Để tránh hình sự hóa quan hệ dân sự và kinh tế cần phải được tiến hành đồng thời hai việc chính.

Cải cách thể chế để hạn chế tối đa việc quan chức lấy quyền lực nhà nước, sử dụng công cụ hành chánh can thiệp vào các hoạt động của doanh nghiệp (quyền giao đất, bản chất là phân phối lợi tức địa tô và giấy phép con…).

Trừ những hành vi vi phạm pháp luật một cách hiển nhiên (lừa đảo có nạn nhân cụ thể, giao dịch nội gián trong chứng khoán…), chỉ nên xử lý hình sự các doanh nhân (nếu có) sau khi đã xử lý hành chánh (nhất là tội trốn thuế) và sau khi phá sản. Tránh hiện tượng doanh nghiệp phá sản chỉ vì bị xử lý hình sự.

Bắt quan chức dù ở cấp nào cũng không tác động vào thị trường lớn như bắt các doanh nhân. Chống tham nhũng, vì thế, phải luôn nhắm đúng “chủ thể” của nó là thể chế và quan tham. Thể chế không trao quá nhiều quyền lực cho các quan can thiệp vào thị trường thì “tư bản” sẽ chọn cách vận hành theo các nguyên lý của thị trường thay vì làm “thân hữu” để vừa phải hầu hạ, vừa mất tiền, vừa rủi ro trăm thứ.

PS: Do không để phá sản mà chủ nhân một số ngân hàng đã phá sản trên thực tế sau khi được quan chức tiếp tay thôn tính những ngân hàng mạnh hơn giờ lại đang có thể rung đùi vì cổ phiếu đã tăng giá sau khi được cứu.

T.H.S.

Nguồn: FB Trương Huy San

This entry was posted in Quản lý kinh tế. Bookmark the permalink.