RFA Tiếng Việt
Ảnh chụp màn hình
Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa đưa một nhà báo, ứng viên Đại biểu Quốc hội độc lập ra xét xử phúc thẩm mà không hề thông báo cho gia đình hay luật sư, trái lại còn cho nhân viên an ninh canh nhà của gia đình và các nhà hoạt động nhân quyền khác trong hai ngày.
Hôm 22 tháng 4/2022, vợ của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng là bà Đỗ Lê Na cho biết, bà không hề nhận được thông báo gì từ tòa án mà phải đến khi đi thăm nuôi chồng mình thì cán bộ trại giam mới cho biết chồng bà đã bị đưa ra xét xử phúc thẩm.
Bà Đỗ Lê Na thuật lại với phóng viên Đài Á Châu Tự do về vụ việc như sau:
“Hôm 19 tháng 4 vì không có việc gì phải đi ra ngoài nên tôi không biết là người ta có đến canh nhà tôi, tuy nhiên là vào buổi trưa, tầm 11 giờ khi con trai tôi đi học về thì cháu bảo rằng có người đến canh nhà mình.
Sau khi tôi và con trai ăn cơm xong thì có một người bạn của anh Hùng nhắn tin hỏi thăm, cô ấy hỏi là có phải hôm nay xử phúc thẩm anh Hùng không?”
Được biết, người này cũng bị an ninh canh cửa vào hôm 19 tháng 4, và được một nhân viên an ninh cho biết rằng lý do bị gác cửa là vì hôm đó diễn ra phiên xử phúc thẩm của ông Hùng.
Bà Đỗ Lê Na cho biết sau khi nghe tin thì đã lên mạng tìm kiếm thông tin nhưng không tìm được bất cứ tin tức nào về phiên toà phúc thẩm của chồng bà.
Và phải đến ngày 22 tháng 4, khi bà Na tới trại giam để tìm hiểu thì thông tin trên mới được xác minh. Bà nói:
“Hôm nay, sau khi thu xếp chuyện gia đình thì tôi quyết định lên trại giam số 1 để trước hết là gửi đồ cho chồng tôi, và thứ hai là tôi mặc định rằng chồng tôi không gửi đơn kháng án thì cho đến thời điểm này gia đình sẽ được phép thăm nuôi, do đó mà tôi hỏi về thông tin thăm gặp.
Sau khi tôi trình bày như vậy thì nhân viên của trại giam bảo là chờ họ để họ kiểm tra thông tin cho tôi, sau khi chờ khoảng vài phút thì họ ra gặp tôi và nói rằng đúng là chồng của chị đã được xử phúc thẩm, và xử hôm 19 tháng 4.”
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì chỉ duy nhất tờ tạp chí Kiểm sát – cơ quan của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là có đưa tin về phiên tòa này vào hôm 20/4, và cho biết lý do đem ra xét xử là do ông Lê Trọng Hùng có đơn kháng cáo cho rằng mình không phạm tội theo Điều 117, mà phạm theo Điều 331, tức là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
Theo bản tin trên thì Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi của ông Hùng là “rất nghiêm trọng vì trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia, phỉ báng chính quyền nhân dân, và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây mất ổn định trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa và sự thống nhất về nền tảng chính trị, tư tưởng của quốc gia, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân và thể chế chính trị của Nhà nước.”
Do vậy ông Hùng bị tòa tuyên y án sơ thẩm là 5 năm tù giam và 5 năm quản chế sau khi chấp hành xong án tù.
Khi được hỏi cảm nhận về sự việc chính quyền đem người thân ra xét xử nhưng không thông báo, bà Đỗ Lê Na cho biết:
“Sau phiên xử sơ thẩm chồng tôi thì tôi nghĩ rằng mọi trò xử án của nhà cầm quyền Hà Nội cũng chỉ là trò hề thôi, và tôi coi rằng cái việc xử án và cái bản án họ áp đặt lên chồng tôi là không có giá trị.
Tuy nhiên hôm nay khi chính thức được phía trại giam xác nhận là có một phiên toà phúc thẩm như thế, diễn ra một cách công khai không ai ngờ như vậy thì nói thật là cảm giác của tôi, không thể nói là không tức giận.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên đài Á châu Tự do về căn cứ pháp lý để chính quyền tổ chức một phiên toà bí mật như trường hợp của ông Lê Trọng Hùng, luật sư Hà Huy Sơn thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết rằng luật hiện hành không quy định toà án phải thông báo cho gia đình khi tiến hành xét xử một bị cáo.
Trong khi đó thì sau khi phiên xét xử sơ thẩm kết thúc, các luật sư bào chữa cũng hết quyền hạn bảo vệ quyền lợi cho ông Hùng, do vậy họ không được cung cấp bất cứ thông tin nào về tình trạng của ông này.
Ông Lê Trọng Hùng, sinh năm 1979, là một cựu nhà giáo, được nhiều người biết đến sau khi tham gia làm báo độc lập, đặc biệt là chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube, có tên CHTV. Nội dung chủ yếu là phản biện chính sách, và tố cáo tham nhũng, sai phạm trong cưỡng chế đất đai.
Ông Hùng thường mua sách Hiến pháp hiện hành của Việt Nam để phát cho người dân, đồng thời nộp đơn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 hồi năm 2021 và hứa sẽ vận động thành lập Tòa bảo hiến nếu trúng cử.
Ông Hùng sau đó bị bắt tạm giam vì bị cho rằng đã phạm tội “phát tán tài liệu chống nhà nước” trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra.
Nguồn: RFA Tiếng Việt