Chân dung Vladimir Putin (P3)

Nguồn: Roger Cohen, “The Making of Vladimir Putin,” New York Times, 26/03/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1, Phần 2

Một nhà lãnh đạo ngày càng táo bạo

Chặng đường 22 năm cầm quyền của Putin, trên nhiều phương diện, phản ánh sự táo bạo ngày càng gia tăng. Ban đầu, ý định của ông là khôi phục trật tự ở Nga và giành được sự tôn trọng của quốc tế – đặc biệt là ở phương Tây – ông tin rằng chỉ có một nước Nga giàu mạnh nhờ nguồn thu từ dầu mỏ và vũ khí công nghệ cao mới có thể đứng vững trên thế giới, có thể triển khai lực lượng quân sự, và chỉ gặp phải sự phản kháng yếu ớt.

“Quyền lực, đối với người Nga, là vũ khí. Chứ không phải là nền kinh tế,” Bermann, cựu Đại sứ Pháp, người đã theo sát quá trình Putin quân sự hóa xã hội Nga trong thời gian bà ở Moscow. Bà đặc biệt bị ấn tượng bởi các video hoành tráng về vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh tiên tiến được trình chiếu trong lúc Tổng thống phát biểu trước cả nước vào tháng 03/2018.

“Không ai chịu lắng nghe chúng tôi,” Putin tuyên bố. “Bây giờ các người phải lắng nghe chúng tôi.” Ông nói thêm, “Những nỗ lực nhằm ngăn chặn Nga đã thất bại.”

Nếu quả thật Putin, như những gì ông tin tưởng, là hiện thân cho vận mệnh cường quốc thần bí của nước Nga, thì mọi ràng buộc đều đã bị phá vỡ. “Lần đầu tiên gặp ông ấy, tôi đã phải nghiêng người một chút để hiểu ông ấy đang nói gì,” Rice, cựu Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ. “Tôi đã chứng kiến Putin đi từ hơi nhút nhát, khá nhút nhát, sang kiêu ngạo, và bây giờ là hoang tưởng.”

Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển này xuất hiện sau quyết định vào phút chót của Obama hồi năm 2013 – không không kích Syria dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã vượt qua “lằn ranh đỏ” của Mỹ, là cấm sử dụng vũ khí hóa học. Thay vào đó, Obama mang yêu cầu tiến hành chiến tranh trình lên một Quốc hội miễn cưỡng, và dưới sự đe dọa của Mỹ cũng như áp lực từ Moscow, al-Assad đã đồng ý tiêu hủy vũ khí.

Sự lưỡng lự của Tổng thống Mỹ dường như đã để lại ấn tượng cho Putin. “Điều đó mang tính quyết định, tôi nghĩ thế,” Hollande, cựu Tổng thống Pháp, người đã chuẩn bị sẵn sàng các máy bay chiến đấu để tham gia cuộc tấn công quân sự vốn đã được lên kế hoạch, nói, “Nó mang tính quyết định đối với mức độ khả tín của Mỹ, và có hậu quả nhất định. Sau đó, tôi tin rằng, Putin đã coi Obama là kẻ yếu.”

Điều chắc chắn là Putin đã nhanh chóng tăng cường nỗ lực nhằm mở rộng quyền lực của Nga.

Bằng cách phế truất nhà lãnh đạo được Moscow hậu thuẫn trong một cuộc nổi dậy đẫm máu vào tháng 02/2014, và theo đó từ chối lời mời trị giá hàng tỷ đô la từ Putin để gia nhập Liên minh Á-Âu thay vì theo đuổi một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu, Ukraine đã làm điều không thể tha thứ. Hành động ấy, đối với Putin, là bóng ma kinh hoàng của các cuộc cách mạng màu biến thành hiện thực. Ông nhấn mạnh rằng đó chính là một “cuộc đảo chính” do Mỹ hậu thuẫn.

Thế nên, sau đó Putin đã sáp nhập Crimea và dàn dựng xung đột quân sự ở miền đông Ukraine, tạo ra hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn.

Hai thập niên trước đó, vào năm 1994, Nga đã ký một thỏa thuận được gọi là Bản ghi nhớ Budapest, theo đó Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình để đổi lấy lời hứa được tôn trọng chủ quyền và biên giới hiện có. Nhưng Putin chẳng mảy may quan tâm đến cam kết đó.

Heusgen nói rằng thời khắc quyết định đối với Merkel là khi bà hỏi Putin về “những người lính áo xanh nhỏ” – những người lính Nga cải trang – xuất hiện ở Crimea trước khi Nga sáp nhập bán đảo vào tháng 03/2014. “Tôi không liên can gì đến họ,” Putin đáp một cách thiếu thuyết phục.

“Ông ta đã nói dối bà ấy – dối trá, dối trá, dối trá,” Heusgen nói. “Kể từ đó, bà ấy bắt đầu nghi ngờ Putin nhiều hơn.” Bà sẽ nói với Obama rằng nhà lãnh đạo Nga “đang sống trong một thế giới khác”.

Sau đó, khi Putin ra lệnh cho lực lượng Nga tiến vào Syria, và vào năm 2016, phát động đợt ném bom ác liệt vào Aleppo, Merkel nói với Putin rằng đợt không kích cần phải dừng lại. Nhưng nhà lãnh đạo Nga không hề suy suyển.

Một tòa nhà bị phá hủy trong đợt không kích ở Aleppo, Syria, tháng 10/2016 (Karam Al-Masri/Agence France-Presse — Getty Images)

“Ông ta nói rằng có một số chiến binh Chechnya và những kẻ khủng bố đang ở đó, ông không muốn họ quay trở lại, và ông sẽ đánh bom toàn bộ Aleppo để tiêu diệt họ,” Heusgen nói. “Đó là một hành động tàn bạo cùng cực. Ý tôi là, anh có thể tàn bạo đến mức nào nữa chứ?”

Dối trá và tàn bạo: Các phương pháp cốt lõi của Putin nay đã hiển hiện. Ngoại trưởng Lavrov đã trình bày điều đó một cách rõ ràng tại Hội nghị An ninh Munich 2015.

Trong một bài phát biểu dữ dội hệt như bài phát biểu của Putin vào năm 2007, Lavrov cáo buộc người Ukraine tham gia vào một cuộc “bạo lực dân tộc” đặc trưng bởi các đợt thanh trừng sắc tộc nhắm vào người Do Thái và người gốc Nga. Ông tuyên bố việc sáp nhập Crimea xảy ra là do một cuộc nổi dậy của nhân dân, đòi “quyền tự quyết” theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Theo Lavrov, Mỹ được thúc đẩy bởi khát vọng thống trị toàn cầu vô độ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, châu Âu đáng lẽ ra nên xây dựng “ngôi nhà chung châu Âu” – một “khu kinh tế tự do” từ Lisbon đến Vladivostok – chứ không phải mở rộng NATO về phía đông.

Nhưng không có nhiều người lắng nghe ông. Khác với các quốc gia thân cận với Nga, Mỹ và hầu hết châu Âu đã ngó lơ với một niềm tin hiếm khi bị đặt câu hỏi, rằng mối đe dọa từ Nga, dù có gia tăng, nhưng vẫn được kiềm chế; rằng Putin là một người có lý trí, và sẽ cân nhắc việc sử dụng vũ lực dựa trên các phân tích nghiêm túc về chi phí-lợi ích; và rằng hòa bình châu Âu được đảm bảo. Các nhà tài phiệt đầu sỏ tiếp tục biến “Londongrad” thành nhà của mình, còn Đảng Bảo thủ Anh Quốc rất vui vẻ nhận tiền từ họ. Những nhân vật nổi tiếng ở Đức, Pháp, và Áo cũng hoan hỉ đón nhận các chức vụ ngồi không ăn lương cao từ Nga. Đó là những cái tên như Gerhard Schröder, cựu Thủ tướng Đức, và François Fillon, cựu Thủ tướng Pháp. Dầu khí của Nga cứ thế tràn vào châu Âu.

Nhiều trí thức lỗi lạc, bao gồm Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Vĩnh viễn của Viện Hàn lâm Pháp và một chuyên gia về lịch sử Nga, đã bảo vệ Putin mạnh mẽ, ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine đã cận kề. “Mỹ đã làm mọi cách để hạ nhục Nga,” bà nói với một người phỏng vấn trên truyền hình Pháp, gợi ý rằng việc giải thể đồng thời NATO và Hiệp ước Warsaw sẽ có lợi hơn cho thế giới.

Còn cựu Tổng thống Donald J. Trump thì chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích Putin, thậm chí, ông còn thích tin vào Tổng thống Nga hơn là các cơ quan tình báo của chính ông trong vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Tổng thống Donald J. Trump và Putin tại Helsinki, Phần Lan, năm 2018 (Doug Mills/The New York Times)

“Nhìn lại, đáng lẽ chúng ta nên bắt đầu từ rất lâu những gì mà giờ đây chúng ta phải làm trong thời gian gấp rút,” Bagger, nhà ngoại giao cấp cao của Đức, nhận xét. “Tăng cường sức mạnh cho quân đội của chúng ta và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Thay vào đó, chúng ta chọn mở rộng nguồn cung từ Nga. Và kéo theo mình một đội quân rỗng tuếch.”

Ông nói thêm, “Chúng ta không nhận ra rằng Putin đã dệt mình vào một thần thoại lịch sử và đã suy nghĩ theo các phạm trù của một đế chế 1.000 năm. Anh không thể răn đe một người như vậy bằng các biện pháp trừng phạt.”

Chiến tranh ở Ukraine

Điều không tưởng có thể xảy ra. Lựa chọn chiến tranh của Nga ở Ukraine là minh chứng cho điều đó. Khi chứng kiến sự việc, Bermann nói với tôi rằng bà nhớ đến những câu thoại trong The Human Stain (Vết nhơ trần thế) của Philip Roth: “Mối nguy của lòng thù hận là, một khi bắt đầu, bạn sẽ nhận lại gấp trăm lần so với điều bạn muốn. Một khi đã bắt đầu, bạn không thể dừng lại.”

Sự cô lập của Covid-19, hẳn là đã trở nên tồi tệ gấp đôi bởi chứng sợ vi khuẩn, đã khiến nhà lãnh đạo Nga áp đặt điều mà Bagger gọi là “dàn xếp bất thường” đối với bất kỳ ai đến gặp ông, mọi ám ảnh của Putin về 25 triệu người Nga mất đi đất mẹ sau khoảnh khắc tan rã của Liên Xô dường như đã tích tụ lại.

“Chuyện gì đó đã xảy ra,” Bermann, người từng được Putin tươi cười chào đón khi bà trình ủy nhiệm thư đại sứ vào năm 2017, nói. “Ông ấy đang nói với một cơn thịnh nộ và giận dữ mới, một kiểu điên rồ.”

Rice cũng bất ngờ y hệt, “Chắc chắn có gì đó khác biệt,” bà nói. “Ông ấy không kiểm soát được cảm xúc của mình. Có gì đó không đúng rồi.”

Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Putin ở hai đầu đối diện của chiếc bàn dài hơn 6m vào tháng trước, ông nói với các nhà báo trên máy bay của mình rằng, ông nhận thấy Tổng thống Nga thiếu tự nhiên, xa cách, và không kiên định về mặt ý thức hệ hơn so với cuộc gặp trước đó giữa hai người vào năm 2019. Các trợ lý của Macron mô tả Putin đã thay đổi cả về diện mạo, khuôn mặt ông sưng húp. “Hoang tưởng” là từ được cố vấn ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Pháp chọn để mô tả bài phát biểu của Putin ngay trước thềm chiến tranh.

Việc Ukraine khiến Putin bị ám ảnh theo một cách vô cùng đáng lo ngại đã được thể hiện rõ trong bài luận 5.000 từ The Historical Unity of Russians and Ukrainians (Sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine) mà ông đã viết trong cô lập vào mùa hè năm ngoái, và đã phân phát cho các thành viên của lực lượng vũ trang. Sử dụng những lập luận trải dài từ thế kỷ 9, ông cho rằng “Nước Nga thực sự đã bị cướp.” Ukraine hiện đã trở thành ngôi nhà cho những tư tưởng “cực đoan và tân phát xít” nhằm xóa bỏ bất kỳ vết tích nào của Nga.

Ông viết, “Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép các lãnh thổ lịch sử của mình và những người gần gũi với chúng ta đang sinh sống ở đó được sử dụng để chống lại nước Nga. Và với những kẻ sẽ thực hiện một nỗ lực như vậy, tôi muốn nói rằng, theo cách đó, họ sẽ phá hủy đất nước của chính họ.”

Nhìn lại, ý định của Putin đã thể hiện rõ từ nhiều tháng trước cuộc xâm lược. Eltchaninoff, tác giả người Pháp, tin là vậy. “Tôn giáo của chiến tranh đã tự xác lập chính nó,” ông nói. “Putin đã thay thế sự thật bằng một câu chuyện hoang đường.”

Nhưng tại sao lại là bây giờ? Từ lâu Putin đã kết luận rằng phương Tây yếu kém, chia rẽ, suy đồi, đi theo chủ nghĩa tiêu dùng cá nhân và thói lăng loàn. Đức vừa có một nhà lãnh đạo mới, còn ở Pháp sắp diễn ra bầu cử. Quan hệ đối tác với Trung Quốc đã được củng cố. Tình báo kém cỏi đã thuyết phục Tổng thống Nga rằng chí ít thì quân đội của ông cũng sẽ được chào đón như những người giải phóng tại những vùng rộng lớn ở miền đông Ukraine. Bagger nói, Covid-19 “đã tạo cho ông ta cảm giác cấp bách, rằng thời gian không còn nhiều nữa.”

Hollande, cựu Tổng thống Pháp, chọn cách giải thích đơn giản hơn: “Putin say sưa với thành công của mình. Trong những năm gần đây, ông ấy đã thắng rất nhiều.” Ở Crimea, ở Syria, ở Belarus, ở châu Phi, ở Kazakhstan. “Putin tự nhủ: ‘Ta đang chiến thắng ở khắp nơi. Vậy có chỗ nào thất bại không? Không đâu cả.”

Nhưng điều đó đã không còn đúng nữa. Chỉ bằng một cú đánh duy nhất, Putin đã tập hợp NATO, chấm dứt tình trạng trung lập của Thụy Sĩ lẫn chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Đức, thống nhất một Liên minh châu Âu thường hay chia rẽ, gây khó khăn cho nền kinh tế Nga trong nhiều năm tới, kích động một cuộc di cư ồ ạt của những người Nga có học thức, và củng cố điều mà ông liên tục phủ nhận sự tồn tại, chứng minh nó theo cách không thể xóa nhòa: quốc gia Ukraine. Ông đã bị vượt mặt bởi Tổng thống Ukraine nhanh nhẹn và can đảm, Volodymyr Zelensky, người mà ông từng chế giễu.

“Ông ấy đã lật đổ mọi thành tựu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình,” Gabuev, thành viên cấp cao của Trung tâm Carnegie Moscow, hiện ở Istanbul, nhận xét. Còn đối với Hollande, “Putin đã phạm phải sai lầm không thể khắc phục được.”

Tổng thống Biden đã gọi Putin là “tên vũ phu”, “tội phạm chiến tranh” và “kẻ giết người.” “Vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền,” ông nói tại Ba Lan. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga vẫn duy trì được sự ủng hộ mạnh mẽ ở trong nước, cũng như khả năng kiểm soát chặt chẽ các cơ quan an ninh của mình.

Quyền lực khiến người ta suy đồi – đó là điều ai cũng biết rõ. Dường như có một khoảng cách rất lớn, giữa người đàn ông được lòng cả Hạ viện Đức vào năm 2001 nhờ một bài phát biểu hòa giải, và nhà lãnh đạo giận dữ mắng mỏ “bọn phản quốc” bị phương Tây dụ dỗ, những người “không thể làm gì nếu không có gan ngỗng, hàu, hoặc cái gọi là quyền tự do về giới,” trích từ bài phát biểu của ông về những kẻ cặn bã và phản bội trong tháng này. Nếu chiến tranh hạt nhân vẫn là một khả năng xa vời, nó đã ít xa vời hơn hẳn so với một tháng trước – khi trở thành một chủ đề của những cuộc trò chuyện trên bàn ăn tối ở khắp châu Âu, trong lúc Putin theo đuổi công cuộc “phi phát xít hóa” một quốc gia có lãnh đạo là người Do Thái.

Có vẻ như, sau khi đã thử nghiệm một ý tưởng mới – về một nước Nga hội nhập với phương Tây – Putin, năm nay 70 tuổi, sẽ quay lại với điều đã khắc sâu trong tâm trí của mình: thế giới thời thơ ấu của ông, sau chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, với nước Nga một lần nữa giải phóng người Ukraine khỏi chủ nghĩa Quốc xã, và Stalin được khôi phục lại tầm vóc anh hùng.

Sau khi hoàn thành việc thủ tiêu các phương tiện truyền thông độc lập, và việc Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược không phải là “chiến tranh” và giải tán Memorial International, tổ chức nhân quyền hàng đầu đang thu thập thông tin về cuộc đàn áp thời Stalin, Putin đã quay trở lại cội nguồn của mình trong một quốc gia độc tài toàn trị.

Röttgen, người từng đứng lên vỗ tay hoan hô Putin cách đây 21 năm, nói với tôi rằng, “Tôi nghĩ ở thời điểm này, hoặc ông ấy thắng, hoặc là một dấu chấm hết cho ông ấy. Chấm hết về mặt chính trị, hoặc chấm hết về mặt thể chất.”

Binh sĩ Ukraine dùng hình của Putin làm bia tập bắn, tháng 1/2022 (Tyler Hicks/The New York Times)

Roger Cohen là Trưởng Văn phòng Paris của New York Times. Ông là cây bút phụ trách chuyên mục từ năm 2009 đến năm 2020. Ông đã làm việc cho tờ Times hơn 30 năm qua và đã từng là phóng viên nước ngoài cũng như biên tập viên nước ngoài.

This entry was posted in Putin. Bookmark the permalink.