Thưa các bậc làm cha mẹ!

Mạc Văn Trang

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'ACVĂNTRANG TRANG Cha mẹ và con trẻ'Có thể là hình ảnh về 6 người và trẻ em

Có bạn “còm” vào bài tôi viết “NGÀNH GIÁO DỤC NÊN LÀM GÌ?” (trước vấn nạn học sinh tự tử), bảo tôi viết một bài với cha mẹ học sinh về vấn đề này.

Thực ra con trẻ tự tử do áp lực học tập chỉ là “giọt nước tràn ly” có nguyên nhân bao trùm là mối quan hệ tồi tệ giữa cha mẹ và con cái. Về vấn đề này tôi đã đề cập nhiều chuyện trong cuốn sách “CHA MẸ VÀ CON TRẺ” và cuốn “TÂM LÝ LỨA TUỔI và GIÁO DỤC”, các vị nên tìm đọc và nhiều cuốn sách của các tác giả khác nói về quan hệ cha mẹ và con trẻ, về giáo dục gia đình…

Trong bài viết này, tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều vắn tắt, gợi mở để cùng suy nghĩ.

1. Người Việt ta có truyền thống gắn bó tình cảm gia đình, con cái được giáo dục lòng hiếu thảo với cha mẹ… Đó là điều tốt đẹp cần gìn giữ.

Nhưng khi cha mẹ đem tình cảm, mong ước của mình ép con phải tuân theo, đòi hỏi con phải “đền ơn, đáp nghĩa” theo mong muốn của cha mẹ… thì hỏng.

Tình cảm không có được bằng cưỡng ép. Tình cảm là sự đồng cảm, rung động giữa hai bên mới có được. Khi cha mẹ và con cái sống trong bầu không khí ấm áp, cảm thông, quan tâm lẫn nhau, tôn trọng nhau, trò chuyện với nhau, chia sẻ được mọi điều suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn, khó khăn, trắc trở … thì sao con cái có thể bỏ nhà ra đi, có thể stress, trầm cảm, tự tử? Cha mẹ tạo ra được đời sống tình cảm gia đình như vậy, tự nhiên con cái sẽ biết yêu quý cha mẹ, yêu thương lẫn nhau, biết “đền ơn đáp nghĩa” cha mẹ một cách tự nhiên, mà không cần phải đòi hỏi, không cần phải “diễn” như kiểu lãnh đạo đi tặng quà “người có công” mỗi dịp có sự kiện gì đó!

2. Người Việt ta có truyền thống coi trọng sự học, vượt lên thân phận nghèo hèn bằng con đường học tập là điều tốt đẹp. Mà trẻ em ta cũng có khả năng học tập ngang với trẻ em Âu – Mỹ, chứ không thua kém. Đó là cái vốn quý giá của dân tộc ta.

Nhưng nhiều bậc cha mẹ sai lầm ở chỗ, cứ muốn con mình phải “học giỏi”, phải “tiên tiến”, “xuất sắc”… bằng hoặc hơn con nhà người ta và nhằm cho con thi vào trường Ngoại Thương, Kinh tế, Công an, Y Dược, Công nghệ Thông tin … Không được như ý thì buồn bực, thất vọng, đau khổ.

Thưa các vị, tạo hoá sinh ra mỗi con người là một cá thể độc đáo, có một không hai; có vậy ta mới nhận ra người thân quen trong hàng tỉ người, nếu không thì lẫn lộn, loạn xạ hết! Đời sống tinh thần nói chung và năng lực mỗi con người cũng vậy, không ai giống ai. Ông cha ta từng nói: “Cha mẹ sinh con,Trời sinh tính”! Hãy coi đứa con là do Trời/Chúa trao cho mình nuôi dưỡng. Giáo dục là phát huy những “năng lực sẵn có” mà tạo hoá ban cho nó, chứ không phải áp đặt ý muốn chủ quan của cha mẹ lên đứa trẻ.

Tại sao khi ta trồng một cái cây, nuôi một con vật, ta phải tìm hiểu rất kỹ, quan sát nó hàng ngày để lựa mà chăm bón, cho ăn uống, chăm sóc sao cho thật phù hợp mới hy vọng nó sống và phát triển tốt, còn khi ta nuôi dạy con trẻ lại rất tùy tiện, không chú ý quan sát, tìm hiểu đặc điểm của mỗi đứa trẻ để chăm sóc, giáo dục cho thật phù hợp để nó phát triển tự nhiên, vui sướng…?

Con người mới sinh ra là sinh vật yếu nhất, không thể tự kiếm sống và lớn lên được. Nhưng con người lại phát triển rất nhanh, nhất là về trí khôn, ý thức về bản thân và khả năng sáng tạo. Lúc đứa trẻ mới ra đời phải được người lớn chăm sóc giáo dục 100% nhưng đứa trẻ khôn lớn đến đâu, người lớn phải “lùi dần” ra để trẻ tự làm lấy những gì nó có thể làm. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ (và giáo viên) phải có những thay đổi căn bản cách ứng xử để trẻ từng bước trưởng thành, nhất là các thời điểm khi trẻ 3 tuổi, 6 tuổi, 11 tuổi, 15 – 16 tuổi, 17- 18 tuổi…Trưởng thành nghĩa là biết tự ý thức, tự suy nghĩ, tự quyết định, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm một cách có lý lẽ…

Nếu con đến 18 tuổi, cha mẹ bảo: Con trưởng thành rồi, muốn chọn học gì, làm gì, yêu ai, sống như thế nào … tự con quyết định lấy, con cần hỏi gì thì bố mẹ tư vấn thôi. Như vậy là giáo dục thành công. Còn ngược lại thì giáo dục thất bại.

Các vị thử kiểm lại xem giáo dục của mình có đúng không? Có thành công không?

(Nếu chưa thành công thì đành tự an ủi: Cái nước mình nó thế, như cô giáo Trần Thi Lam từng viết:

“Đất nước mình ngộ quá phải không anh

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi”…

Thế rồi rút kinh nghiệm, dặn con cháu mình: Đừng như bố mẹ, ông bà!).

3. Giáo dục con quan trọng nhất là giúp nó trưởng thành và có một nghề nghiệp/công việc phù hợp.

Học nhồi nhét cực khổ, huỷ hoại cả tuổi thơ để có bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng vẫn chưa trưởng thành, chưa có một nghề nghiệp/công việc để tự nuôi sống mình và có ích cho xã hội thì giáo dục thất bại.

Cha mẹ phải chịu khó tìm hiểu xem con trẻ có khả năng và hứng thú về lĩnh vực nào, nghề nghiệp gì, hãy tạo điều kiện cho con thực hiện điều đó. Không cứ phải bằng cấp nọ kia mới là thành công.

Tôi có người quen, chồng là GS, vợ là TS, cậu con trai học Đại học Bách khoa năm thứ 2, đi làm thêm “bưng bê” cho một hàng ăn, rồi yêu con gái chủ tiệm, bỏ đại học để học nghề nấu bếp ở nhà hàng. Bố mẹ vật vã muốn chết. Họ tìm tôi “cứu con trai họ”! Sau khi tìm hiểu, tôi bảo hãy tôn trọng quyết định của cháu. Họ giận dữ, ghét tôi. Họ tập trung hết sức bồi dưỡng cho cô con gái học lớp 10 để đi Mỹ du học… Ông bố buồn bã uất hận, xuất huyết não, bán thân bất toại; bà chăm ông được mấy năm cũng tiều tuỵ xác xơ. Mấy năm trước tôi đến thăm, ông bà đều bảo, may mắn có vợ chồng thằng Hiếu nó ở gần chăm sóc chu đáo lắm, chứ trông vào con Huyền thì chết khô. Nó học đại học rồi lấy chồng Tây, nó cưới nhau chúng tôi đâu có sang được. Mà đến giờ vợ chồng nó cũng chưa về thăm…

Có nhiều chuyện tương tự như vậy lắm. Cho nên quan trọng của giáo dục không phải là học nhồi nhét thật nhiều, có nhiều bằng cấp, mà là hướng dẫn con có lối sống lành mạnh, từng bước tự lập để trưởng thành; học ít thôi, nhưng học phải nghĩ, phải phải hành, phải trải nghiệm trong đời sống và tìm được một công việc phù hợp, yêu thích để sống tử tế và có ích cho xã hội. (Học nhiều thứ vô bổ đầy đầu, mụ người, rồi sau lại phải vứt bỏ, tẩy rửa, làm nhiều việc vô ích, phí hoài tuổi trẻ, sau hối tiếc thì muộn rồi).

Thưa quý vị, trao đổi chuyện giáo dục thì dài lắm. Xin phép tạm dừng ở đây.

9/4/2022

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.