Nguyễn Đình Cống
Sáng nay (ngày 7 tháng 4), đọc được hai bài báo, có những ý hay, tôi rất muốn bàn thêm cho rộng đường dư luận. Đó là bái của VOA “Quy hoạch nhân sự – chính phạm của mọi scandal” (1) và bài của GS Tương Lai “Sự thật lịch sử bị đánh tráo có còn là lịch sử nữa không” (2).
Bài “Quy họạch nhân sự…” đã đánh trúng vào chỗ hiểm của “Đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản độc quyền toàn trị”.
Nhiều người cho rằng Quy hoạch cán bộ là đường lối đúng đắn, sáng suốt, là thể hiện trách nhiệm cao của lãnh đạo đương chức, rồi ra sức cổ vũ, ca ngợi. Đó là nhận thức rất nhầm, do thiếu trí tuệ. Thực ra đây là cách làm của những kẻ độc tài hoặc chịu ảnh hưởng nặng của độc tài, muốn tìm người trong hàng ngũ thân tín, dưới quyền để kế tục mình, để thực hiện những điều do mình mong muốn, do mình vạch ra. Như thế thì chỉ tạo ra những tay sai càng ngày càng kém, tìm đâu ra được người hiền tài.
Trong một bài trước đây tôi có viết : “Đường lối cán bộ của Cộng sản phạm một số điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ” thì “Quy hoạch cán bộ…” phạm vào cả ba điều ấy như bài của VOA đã đề câp. Sau khi phân tịch vụ scandal Việt Á, bài báo kết luận: “Nếu cấu trúc từ hạ tầng đến thượng tầng vẫn theo kiểu đó – tổ chức đảng các cấp tiếp tục giành, giữ quyền lựa chọn, sắp đặt nhân sự từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm thì sẽ còn vô số… scandal khác!”
Tôi xin thêm; Đã tạo ra vô số scandal mà gỡ mãi chưa xong.
Ông Nguyễn Phú Trọng có nói một câu tương đối đúng, rằng “Cán bộ là then chốt của mọi then chốt”. Nói thì tạm nghe được, nhưng làm thì quá dở. Cách làm như hiện nay chủ yếu tạo ra được nhiều cán bộ kém thông minh, chỉ có lắm mưu mô, dùng then chốt bằng gỗ, bên ngoài bóng đẹp mà bên trong có nhiều sâu mọt.
Ông Trọng còn chủ trương loại bỏ những người tỏ ra “Tham quyền lực”. Đó là cách nói lập lờ, làm cho người ta nhầm với những người “Muốn có quyền lực” để thực thi những tư tưởng tốt đẹp. Nếu nói chống tham quyền lực thì đã vô hình trung đồng nhất quyền lực với xấu xa. Cái cần chống là sử dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Một số người có tư tưởng tiến bộ, họ phải có được quyền lực mới thực hiện được. Những người này rất dễ bị loại vì bị gán ghép vào loại tham quyền lực, họ rất khó lọt vào quy hoạch nhân sự của Đảng.
Vậy để chọn được cán bộ có phẩm chất xứng đáng thì cần loại bỏ chủ trương quy hoạch nhân sự.
Về bài “Sự thật lịch sử…” thì qua GS Tương Lai và cũng qua nhiều điều đã biết được tôi thấy rằng không hiểu vì lý do gì, việc tương đối đơn giàn mà người ta phải tốn bao công sức để làm cho phức tạp. Đó là chiếc xe tăng nào đầu tiên vào Dinh Độc lập và ai đọc cho Dương Văn Minh viết tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975. Việc giữa những người Việt với nhau mà để mấy chục năm, phải nhờ đến bà người Pháp và ông người Đức. Tôi có nói vui rằng, chuyện này vào tay tôi, với cương vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng hoặc Quân ủy Trung ương thì chỉ cần khoảng một giờ là xong. Đó là tôi mời hai người lên văn phòng, trước mặt lãnh đạo và báo chí, hai ông trình bày và tranh luận. Trước khi các ông trình bày tôi yêu cầu các ông thề là chỉ nói sự thật. Cần gì họp nhiều cuộc và trong các cuộc họp đó không có cả hai ông.
Kể chuyện cho một ông bạn già nghe, tôi bị ông phê phán là quá kém nên không hiểu được lý do mà người ta làm phức tạp hóa vấn để tưởng chừng là đơn giản. Ông nói cho tôi nghe lý do mà ông nghĩ ra, nhưng tôi không tán thành. Tôi cứ nghĩ mãi, ngoài phẩm chất của người tranh giành thì còn có thứ gì sâu xa hơn làm nảy sinh những chuyện như thế và phẩm chất của những người có trách nhiệm phân xử sao lại yếu đến thế. Phải chăng họ có chức quyền là nhờ Quy hoach cán bộ.
Xin cám ơn GS Tương Lai về bài viết.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
BVN chú thích:
(1) Xin xem: voatiengviet.com
(2) Xin xem: viet-studies.net