Tìm hiểu “lý lịch” nước Nga để lý giải cho hôm nay Nga xâm lược Ukraine

Lê Phú Khải

Nước Nga trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất là một nước tư bản trung bình với rất nhiều yếu tố lạc hậu. Với dân số 174 triệu người, Nga chỉ đạt 7,5 tỷ đô la tổng thu nhập quốc dân và 43 đô la bình quân đầu người. Trong khi đó, Mỹ với dân số hơn 97 triệu người đã đạt 34,4 tỷ đô la, gấp 5 lần Nga về tổng thu nhập quốc dân và 351 đô la bình quân đầu người, gấp 8,5 lần Nga. Các nước: Anh – 10,9 tỷ đô la và 237 đô la; Đức – 10,5 tỷ đô la và 154 đô la; Pháp – 7,3 tỷ đô la và 183 đô la (*).

Nói Nga là nước tư bản có trình độ phát triển trung bình là nói theo lối thống kê. Thực ra Nga vẫn là một nước nông nghiệp. Năm 1913, nông nghiệp chiếm 58% tổng sản phẩm quốc dân, nông dân chiến 2/3 dân số (*). Nga mới thoát khỏi chế độ nông nô năm 1861. Nông thôn Nga rất lạc hậu và phụ thuộc vào đại địa chủ. Đó là một nước Nga của chế độ nông nô chuyên chế dưới thời của Alexander Đệ Nhất, lạc hậu so với châu Âu lúc đó, nối tiếp là thời Nikolai Đệ Nhất tàn bạo. Hãy nghe những vần thơ phẫn nộ của Puskin (1799-1837) lúc nhà thơ mới 18 tuổi:

Tôi muốn ngợi ca tự do cho trần thế

Tôi muốn đạp vào những tàn bạo gian tham

Đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng!

Sau những chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại đánh tan tác đội quân xâm lược của Napoléon (Pháp) (1812-1814), nước Nga lại buồn thảm trở về với chế độ nông nô. Buồn thảm và căm giận đã giương cánh buồm cho nước Nga đi đến cuộc khởi nghĩa của những người Tháng Chạp năm 1825. Đây là cuộc tấn công đầu tiên vào chế độ nông nô chuyên chế của Nga Hoàng do những trí thức quý tộc tiến bộ lãnh đạo. Khởi nghĩa 1825 bị dìm trong biển máu. Chế độ phong kiến ở Nga kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20 khi Nga thua Nhật trong chiến tranh 1904-1905, và đây là lần đầu tiên một nước phương Tây thua trận một nước châu Á.

Cách mạng dân chủ tư sản tháng 2/1917 do Kerenski lãnh đạo thành công. Nhưng chỉ cuối năm đó, 11/1917, cách mạng vô sản nổ ra và nhà nước vô sản chuyên chính tồn tại suốt 74 năm cho đến khi độc tài Putin lên nắm quyền cho đến hôm nay.

Rõ ràng, suốt chiều dài lịch sử, nước Nga chưa bao giờ tiếp cận được với những giá trị văn minh phổ quát của nhân loại. Tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp quyền… chưa bao giờ là những “luồng khí quyển xã hội” lưu hành chính thống trên đất nước mênh mông này!

Tôi có một trải nghiệm mắt thấy tai nghe. Đó là đầu năm 1991, tôi được cơ quan cử đi làm việc với Ban Việt ngữ Đài Phát thanh Đối ngoại Mát-xcơ-va. Đó là một thời điểm lịch sử hiếm hoi mà một nhà báo nước ngoài được có mặt tại Nga. Vì, chỉ đến cuối năm đó, Liên Xô tan rã! May mắn hơn nữa là các bạn trong Ban Việt ngữ Đài Mát-xcơ-va nói tiếng Việt trôi chảy, am hiểu thời thế. Ngày làm việc đầu tiên, chị Irina, Trưởng ban Việt ngữ hỏi ông Trưởng đoàn Việt Nam của tôi: Sang công tác lần này, đồng chí muốn tìm hiểu những điều gì? Ông Trưởng đoàn của tôi nêu một lô những yêu cầu… Irina ghi chép cẩn thận. Đến lượt tôi, tôi trả lời: Chẳng tìm hiểu cái gì cả (!). Chị Irina nói: Sao lạ thế?! Tôi lại trả lời: Từ Hà Nội sang Mát, tôi như anh nhà quê ra tỉnh. Tiếng Nga lại một chữ bẻ đôi không biết thì tìm hiểu cái gì! Nhưng được đi máy bay của hãng Aeroflot 350 chỗ ngồi, các cô tiếp viên Nga đẹp như sao trên trời, sang đây thấy ga tàu điện ngầm lộng lẫy như cung điện, thế là tìm hiểu rồi chứ còn gì nữa! Cả phòng làm việc cười ầm!

Chính vì lẽ đó mà ngày làm việc cuối cùng, Trưởng ban Việt ngữ Irina hỏi tôi: Vậy là anh Phú Khải không định tìm hiểu điều gì à? Tôi trả lời: Có đấy, nhưng hơi khó! Irina bảo tôi: Vậy anh cứ nói! Tôi trình bày muốn gặp một trí thức hàng đầu ở Mát để tìm hiểu về công cuộc cải tổ, đổi mới ở Liên Xô. Không ngờ Irina kéo tay tôi đi ngay. Chị cho biết, sẽ đưa tôi đi gặp mặt một giáo sư viện sỹ, Trưởng ban cải cách Hiến pháp Liên Xô! Tôi mừng run cả người! Đến nơi, Irina nói: Anh Phú Khải hỏi đi! Tôi nói: Thưa giáo sư viện sỹ, tôi đọc sách, thấy Lê-nin nói: Nền dân chủ ở Liên Xô gấp triệu lần nền dân chủ ở phương Tây, thế thì còn phải cải cách cái gì?! Chẳng biết Irina dịch thế nào mà tôi thấy chị nói rất lâu. Sau đó vị giáo sư viện sỹ trả lời. Irina dịch: Chúng tôi đang nghiên cứu Montesquieu!

Nghe xong câu nói đó, tôi cúi chào vị giáo sư đáng kính và lôi tay Irina ra về!

Vậy là nước Nga hơn hai thế kỷ sau còn đang “nghiên cứu” Montesquieu (1689-1755), nghiên cứu về tam quyền phân lập, mà Tổng thống Zelensky được dân bầu hôm nay lại hướng về phương Tây thì anh chàng KGB Putin độc tài đang muốn làm “Nikolai tàn bạo” làm sao không nổi điên lên được (!).

Người phương Tây có câu ngạn ngữ: Những cái gì có lý thì nó tồn tại, và ngược lại: những cái gì tồn tại thì nó có lý. Cứ xem cả loài người văn minh đang xiết chặt hàng ngũ đứng bên Tổng thống Zelensky và nhân dân Ukraine thì những kẻ đang nhắm bắn vào phụ nữ, vào trẻ em, vào thánh đường… ở Ukraine không có lý gì để tồn tại cả!

(*) Liên Xô 70 năm trên đường khai phá, Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), NXB Tổng hợp Phú Khánh, 1987.

Sài Gòn, 3/4/2022

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.