Trách nhiệm của ông chủ nhà nước?

Cát Tường

Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai, còn toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định

Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định mà chỉ đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là nhà nước.

Như vậy cần phải làm rõ quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Cụ thể, một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan. Điều này thể hiện ở việc luật chưa thể chế hóa một số quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Hiến pháp năm 2013, Điều 53 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Tuy nhiên, Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định mà chỉ đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai chưa xác định rõ, chi tiết việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai. Luật cũng chưa thể hiện được sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm trong quản lý đất đai; giá trị tăng thêm của đất (địa tô chênh lệch) chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên; vi phạm về đất đai, khiếu kiện về đất đai còn phức tạp.

Đã vậy, Luật Đất đai còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ giữa các luật, còn mâu thuẫn, chồng chéo với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định: Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; Nhà nước thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tuy nhiên, Luật Đất đai không chỉ quy định nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh mà còn mở rộng phạm vi cho phép nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Từ những vấn đề trên dẫn đến chuyện giá đất còn mang nặng tính “áp đặt” theo chủ đích nào đó từ phía nhân danh Nhà nước.

Một trong những nguyên tắc định giá đất tiếng là “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” nhưng trên thực tế hầu như thoát ly khỏi giá cả thị trường. Điều này dễ dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, giá bồi thường quá xa giá thị trường. Mặc dù luật có nói đến tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập… do vậy giá đất còn mang nặng tính “áp đặt”.

Trước đây, theo Luật Đất đai 2003, chỉ đầu mối là Sở Tài chính chủ trì toàn bộ công tác xác định và thẩm định giá đất cụ thể. Còn theo Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014 của Chính phủ, công tác này được phân chia cho 2 đầu mối: Sở Tài nguyên – Môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất cụ thể; Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh để thẩm định phương án giá đất.

Cơ chế này đã dẫn đến quy trình hành chính xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất thiếu tính minh bạch, thiếu tính liên thông, có sơ hở tạo ra cơ chế xin-cho, nhũng nhiễu, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Ngoài ra theo quy định về nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thì giá làm cơ sở bồi thường khi nhà nước thu hồi đất do UBND cấp tỉnh quy định thường có mức chênh lệch với giá trị thị trường. Điều này khiến cho người sử dụng đất gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại tình hình canh tác, sản xuất và sinh hoạt sau khi bị thu hồi đất.

Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp không được giải đáp thắc mắc kịp thời có thể dẫn đến người sử dụng đất không đồng ý về giá đất bị thu hồi…

C.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in luật đất đai. Bookmark the permalink.