Một hệ lụy từ cuộc chiến Nga – Ukraine

3-4-2022

Nguyễn Ngọc Chu

1. CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH TIẾP NHẬN THÔNG TIN

Đánh giá một vấn đề phụ thuộc rất nhiều nhân tố. Quan trọng bậc hàng đầu là các nhân tố sau đây.

1/. Lượng thông tin có được. Lượng thông tin có được càng nhiều càng tốt, càng nhiều mặt càng tốt, càng trung trực, khách quan càng tốt. Để diễn tả vai trò quan trọng của lượng thông tin, câu truyện dân gian của người Việt ‘thầy bói xem voi’ là một điển hình. Năm thầy bói xem voi, mỗi người sờ một bộ phận, nên con voi trở thành 5 đồ vật khác nhau.

2/. Mức độ sai số của thông tin. Thông tin thu nhận được có sai số. Do quá trình truyền tải thông tin bị nhiễu, do thông tin bị lẫn lộn, ẩn trú, che giấu, làm giả…

3/. Góc nhìn thông tin. Đứng ở vị trí khác nhau, cùng một thông tin, mà “ảnh thông tin” thu được sẽ khác nhau. Vị trí ở đây, bao gồm cả không gian thời gian, địa lý, lịch sử, hoàn cảnh địa vị…

4/. Năng lực thu nhận thông tin. Mỗi người có một năng lực cá nhân về thu nhận thông tin. Năng lực này phụ thuộc vào trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, môi trường sống…

5/. Lợi ích. Lợi ích có thể làm thay đổi bản chất thông tin, đón nhận và truyền tải thông tin theo hướng phục vụ lợi ích.

Còn những nhân tố khác nữa. Nhưng 5 nhân tố trên cho ta thấy tại sao cùng một sự việc mà quan điểm lại khác nhau, gây tranh cãi, có lúc mang tính đối kháng, sống còn.

2. TÔN TRỌNG TỰ DO CHÍNH KIẾN

Vì quá trình tiếp nhận thông tin và phân tích thông tin không đơn giản, cho nên mới dẫn đến những chính kiến khác nhau. Sự kiện càng phức tạp, thì chính kiến càng xa cách, đối lập. Bởi thế, không có cách nào khác là phải TÔN TRỌNG TỰ DO CHÍNH KIẾN. Trong nghiên cứu khoa học, TÔN TRỌNG TỰ DO CHÍNH KIẾN là chìa khoá mở ra các phát minh sáng chế. Trong quản lý nhà nước, TÔN TRỌNG TỰ DO CHÍNH KIẾN là phép giữ nước, là con đường làm cho quốc gia giàu có, cường thịnh.

3. CHIA RẼ LÀ TỰ LÀM YẾU MÌNH

Cuộc chiến Nga – Ukraine đang làm cho một bộ phận người Việt tự chia rẽ. Nếu biết TÔN TRỌNG TỰ DO CHÍNH KIẾN thì làm sao phải chia rẽ?

Khi bỏ phiếu cho nước Anh rời khỏi EU, trong một gia đình, vợ bỏ phiếu thuận, chồng bỏ phiếu chống. Có vì quan điểm trái ngược mà dẫn đến phải ly dị, thù ghét? Không.

Cuộc sống hàng ngày đòi hỏi con người phải bày tỏ chính kiến. Nếu chính kiến khác nhau mà kéo theo sự giận dữ, thù ghét, chia rẽ, từ bỏ bạn bè người thân – thì còn ai dám bày tỏ chính kiến trái chiều?

Chia rẽ là làm yếu mình. Khi TÔN TRỌNG TỰ DO CHÍNH KIẾN thì không thể chia rẽ. TÔN TRỌNG TỰ DO CHÍNH KIẾN phải là nguyên tắc đá tảng trong một xã hội văn minh.

Với những vấn đề hệ trọng của quốc gia, thì phải dựa vào TỰ DO CHÍNH KIẾN của toàn dân để quyết định.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Thông tin, Tự do chính kiến. Bookmark the permalink.