VOA Tiếng Việt
Đức Giáo hoàng Phanxicô hội kiến Tổng thống Malta George Vella trong “Phòng Đại sứ” của dinh tổng thống ở Valletta, Malta, ngày 2 tháng 4, 2022. Vatican Media/Handout via REUTERS
Đức Giáo hoàng Phanxicô ngầm chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin trong những phát biểu rõ ràng nhất của ông tới thời điểm này về việc Nga xâm lược Ukraine, nói rằng một “kẻ chuyên quyền” đang kích động xung đột vì lợi ích dân tộc chủ nghĩa.
Moscow phát động vào ngày 24 tháng 2 điều mà họ gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm giải trừ quân sự và “giải trừ phát xít” nước láng giềng. Đức Giáo hoàng đã bác bỏ cách mô tả này, gọi đó là chiến tranh.
“Từ miền đông của Châu Âu, từ đất nước mặt trời mọc, bóng tối của chiến tranh giờ đã lan rộng. Chúng ta từng nghĩ rằng các cuộc xâm lược các nước khác, chiến sự man rợ trên đường phố và các mối đe dọa nguyên tử là những kí ức ảm đạm của thời quá vãng,” Đức Giáo hoàng nói trong một bài phát biểu trước các quan chức Malta sau khi đến đảo quốc Địa Trung Hải này thực hiện chuyến thăm hai ngày.
“Tuy nhiên, những cơn gió băng giá của chiến tranh, vốn chỉ mang lại chết chóc, hủy diệt và hận thù, đã ập xuống cuộc sống của nhiều người và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, ông nói.
“Một lần nữa, kẻ chuyên quyền nào đó, đáng buồn thay đang chìm đắm trong những tuyên bố lỗi thời về lợi ích dân tộc chủ nghĩa, đang kích động và khơi mào xung đột, trong khi những người bình thường cảm thấy cần phải xây dựng một tương lai mà, hoặc sẽ được chia sẻ, hoặc không có gì cả,” ông nói.
Đức Giáo hoàng trước đây đã lên án mạnh mẽ điều mà ông gọi là “sự gây hấn phi lý” và tố cáo “những hành động tàn bạo” trong chiến tranh.
Nhưng ông chỉ trực tiếp nhắc đến Nga trong những lời cầu nguyện, chẳng hạn như trong một sự kiện toàn cầu đặc biệt vì hòa bình vào ngày 25 tháng 3, theo Reuters.
“Giờ trong đêm tối của chiến tranh đang giáng xuống nhân loại, hãy đừng để giấc mơ hòa bình tàn lụi!” ông nói vào ngày thứ Bảy.
Ông một lần nữa chỉ trích ngành công nghiệp vũ khí và bày tỏ phiền muộn về sự nhiệt tình phai nhạt đối với hòa bình xuất hiện sau Thế chiến thứ Hai, nói rằng xung đột lợi ích và hệ tư tưởng đã “tái xuất mạnh mẽ trong sự dụ dỗ của chế độ chuyên quyền, các hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc (và) sự hiếu chiến lan rộng.”
Trước đó, khi được một phóng viên trên máy bay hỏi liệu ông có đang cân nhắc lời mời đến thăm Kyiv hay không, Đức Giáo hoàng trả lời: “Có, việc đó đang được cân nhắc”. Ông không cho biết thêm chi tiết, theo Reuters.
Nguồn: VOA Tiếng Việt