Vladimir Putin, tham vọng và hậu quả

11.03.2022

Trần Trung Đạo


VNTB – Vladimir Putin, tham vọng và hậu quả

Tháng 4, 2014, một tháng sau khi Nga cưỡng chiếm bán đảo Crimea, trong một bài viết về chính sách đối ngoại của Mỹ, người viết có nhấn mạnh “Rất nhiều bài viết và phân tích về tham vọng bành trướng của Putin. Điều quan trọng nên nhớ, tham vọng của Putin không dừng lại ở bán đảo Crimea mà là Ukraine” (Chính Luận Trần Trung Đạo, Cổ Loa xuất bản 2014, trang 149).

Nhận định “tham vọng của Putin không dừng lại ở bán đảo Crimea mà là Ukraine” không phải là một lời tiên đoán vu vơ nhưng rút ra từ các luận điểm về nhân cách của Putin và các mối quan hệ quốc tế thời kỳ này.

Vladimir Vladimirovich Putin

Vladimir Vladimirovich Putin sinh tháng 10 năm 1952 tại Saint Petersburg trong một gia đình có cha là thương phế binh trong mặt trận Leningrad. Trong giai đoạn đó, hầu hết học sinh đều mơ ước trở thành Yuri Alekseyevich Gagarin, phi hành gia Liên Xô bay vòng quanh trái đất, Putin lại mơ ước trở thành một nhân viên mật vụ KGB. Tác phẩm “Thanh kiếm và Lá Chắn” được chuyển thành phim nhiều tập đã làm say mê cậu thiếu niên hiếu động Putin. Khoảng mười tuổi, cậu Putin theo học võ Sambo, một loại võ thuật Nga phối hợp giữa Judo, Karate và đô vật.

Báo Ysatoday giới thiệu tám tác phẩm viết về Putin mà độc giả nên đọc nếu muốn biết về Putin, trong số đó có tác phẩm Người không mặt (The Man Without A Face) của Masha Gessen. “Người không mặt” vẽ lại con đường Putin đã đi qua từ khi sinh ra, khôn lớn và trưởng thành. Putin có một thời thiếu niên phá phách được nuôi dưỡng trong nhà tập thể vì có cha là thương phế binh.

Sau khi tốt nghiệp trường luật Leningrad State University năm 22 tuổi, Putin gia nhập KGB. Putin được huấn luyện trong các trường đào tạo phản gián Nga. Những năm sau đó hoạt động của ông ta hoàn toàn đóng khung trong lãnh vực an ninh tình báo. Vì có một đời sống khá bí mật nên phần lớn chi tiết trong tiểu sử của Putin đều do ông kể lại và không thể kiểm chứng.

Putin bắt đầu như một nhân viên KGB cấp thấp ở Saint Petersburg cho đến khi được điều sang làm nhân viên tình báo ở thành phố Dresden, Đông Đức.

Dù sao, sau 16 năm trong nghề và không có nhiều cơ hội tiến thân, Putin cũng được thăng đến chức vụ Trung tá KGB. Nghề an ninh tình báo của Putin chấm dứt sau sự sụp đổ của Liên Xô. Ông trở về Saint Petersburg và bắt đầu các hoạt động chính trị.

Putin, mầm mống độc tài

Năm 1996 Putin lên Moscow để tham gia chính quyền của Boris Yeltsin. Vận dụng cơ hội bất ổn chinh trị và khoảng trống lãnh đạo Nga trong nhiệm kỳ sau của Boris Yeltsin, chỉ ba năm, từ một người mới đặt chân vào sinh hoạt chính trị ở thủ đô Moscow, Vladimir Putin trở thành Thủ tướng, quyền Tổng thống và Tổng thống.

Năm 1999, quan điểm độc tài của Putin thể hiện trong bài viết Nước Nga trước thềm Thiên niên kỷ (Russia At The Turn Of The Millennium) ký tên ông ta mặc dù được các nhà phân tích cho là kết quả của một nhóm trong đó có Putin: “Tôi chống lại việc khôi phục hệ tư tưởng nhà nước chính thức ở Nga dưới mọi hình thức. Không nên có một hiệp ước dân sự cưỡng bức trong một nước Nga dân chủ. Hiệp ước xã hội chỉ có thể là tự nguyện. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải đạt được sự đồng thuận xã hội về các vấn đề cơ bản như mục tiêu, giá trị và định hướng phát triển, điều mà phần lớn người Nga mong muốn và hấp dẫn. Sự thiếu vắng các hiệp định và thống nhất dân sự là một trong những lý do tại sao cải cách của chúng ta rất chậm chạp và đau đớn. Phần lớn sức lực được dành cho việc tranh giành chính trị, thay vì xử lý các nhiệm vụ cụ thể của công cuộc đổi mới nước Nga”.

“Đồng thuận xã hội” trong quan điểm Putin không đặt trên các giá trị dân chủ phổ quát mà đặt trên các “giá trị truyền thống” từ thời Nga hoàng. Giá trị đó theo Putin phát xuất từ ba đặc điểm (1) lòng yêu nước (patriotism), (2) chế độ trung ương tập quyền (statism), (3) đoàn kết xã hội (social solidarity).

Cũng trong bài viết đó, Putin cho rằng “Nga đã và sẽ vẫn là một cường quốc. Quốc gia được quy định trước bởi các đặc điểm không thể tách rời về địa chính trị, kinh tế và nền văn hóa đang tồn tại. Các đặc tính này xác định tâm lý của người Nga và chính sách của chính phủ trong suốt lịch sử và không thể làm khác hơn trong hiện tại”.

Putin và bộ máy tuyên truyền

Là một người được rèn luyện và học tập dưới chế độ CS, các phương pháp Putin dùng để đối nội cũng như đối ngoại đều là các phương pháp CS. Putin xem tuyên truyền và bạo lực là hai vũ khí quan trọng để duy trì cai trị. Thay vì dựng Putin thành những “anh hùng xã hội chủ nghĩa” như anh hùng mỏ than Alexey Stakhanov thời LX, bộ máy tuyên truyền qua các công ty quan hệ công chúng (PR) do Putin thuê mướn dựng Putin thành những nhân vật trong phim hoạt họa hay trò chơi điện tử thích hợp với thị hiếu trẻ em như Putin dũng sĩ, Putin câu cá, Putin đấu võ, Putin săn bắn, Putin đấu bò, v.v..

Hiện đại hơn các kỹ thuật tuyên truyền CS trước đây, các công ty PR ngày nay áp dụng các phương pháp tâm lý học để chinh phục ý thức của người nghe. Không ít người Nga thật sự tin Ukraine là một quốc gia phát-xít và một ngày không xa sẽ tấn công Nga. Những lời tố cáo dối trá này không chỉ phát ra từ đội ngũ dư luận viên mà chính từ cửa miệng của Putin.

Trong lãnh vực đối ngoại, Putin đặt Mỹ và NATO vào vị trí thù địch và khai thác mọi cơ hội để gia tăng sức mạnh Nga. Điều đó có lý do. Nhưng thay vì hiện đại hóa Nga và cạnh tranh phát triển như trong vài năm đầu, Putin dùng các biện pháp vô cùng thất nhân tâm để bành trướng ảnh hưởng Nga. Lấy Syria làm ví dụ. Những cuộc dội bom không phân biệt của không quân Nga đã san bằng nhiều làng mạc Syria. Phần lớn những người chết và bị thương là thường dân vô tội.

Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (Treaty of Friendship and Cooperation) giữa Liên Xô và Syria ký từ 1980 không còn liên quan gì đến Nga vẫn được Putin dùng như một cái cớ để can thiệp vào Syria, thực chất là bảo vệ chế độ độc tài Hafez al-Assad. Cả thế giới đều biết không có bàn tay Putin, số phận Hafez al-Assad cũng chẳng khác gì Ben Ali của Tunisia, Hosni Mubarak của Ai Cập hay Muammar Gaddafi của Lybia.

LHQ và Liên đoàn Các Quốc gia Á Rập (Arab League) ước lượng khoảng 400 ngàn dân Syria, tương đương với 2% dân số đã chết. Tổ chức Ân xá Quốc tế ước lượng khoảng từ 5 ngàn đến 13 ngàn người chết vì tra tấn trong các nhà tù của Hafez al-Assad.

Giấc mơ của Putin về thời vàng son của Đế quốc Nga

Nhận thức về “giá trị truyền thống” của Putin phản ảnh truyền thống hay nói khác hơn là quan điểm chủ nghĩa dân tộc của Nga thời đế quốc kéo dài gần 200 năm (1721-1917) từ thời Peter Đại đế cho đến khi Nicholas II và gia đình bị CS giết ngày 17 tháng 7, 1918.

Lãnh thổ của Đế quốc Nga thời cực thịnh trải rộng 36 triệu cây số vuông từ Bắc Băng Dương, xuống Hắc Hải qua Biển Baltic, sang Alaska và ngay tại Bắc California của Mỹ cũng từng có vùng Fort Ross thuộc lãnh thổ Nga (Mỹ mua lại Alaska của Nga năm 1867 giá 7.2 triệu dollar, khoảng 2 xu một mẫu. Fort Ross do một người Mỹ mua lại của một công ty Nga giá 19,788 dollar).

Quan điểm lịch sử Nga của Putin thể hiện khá rõ trong luận văn “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine” (On the Historical Unityof Russiansand Ukrainians) công bố vào 12 tháng 7, 2021 để biện minh cho hành động xâm lược Ukraine sắp tới.

Luận văn cho thấy Putin quả thật sống trong quá khứ. Ông viết: “Người Nga, người Ukraine và người Belarus đều là con cháu của Rus cổ đại, là nhà nước lớn nhất ở châu Âu. Người Slav và các bộ lạc khác trên toàn lãnh thổ rộng lớn – từ Ladoga, Novgorod, Pskov đến Kiev và Chernigov – được ràng buộc với nhau bởi một ngôn ngữ (mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Nga cổ), quan hệ kinh tế, sự cai trị của các hoàng tử của triều đại Rurik… Sự lựa chọn tâm linh của Thánh Vladimir, người vừa là Hoàng tử của Novgorod vừa là Hoàng tử của Kiev, vẫn quyết định phần lớn mối quan hệ của chúng ta ngày nay”.

Nếu giải thích lịch sử theo cách của Putin, phần lớn các quốc gia Châu Âu hiện đại sẽ không còn tồn tại vì hoặc là phần của Nga hay của Đức hay của Ba Lan hay của Thụy Điển, hay thậm chí của những tay cướp biển Viking.

Với đầu óc thiên triều đó, Putin vẫn nhìn sang các nước lân bang trong cách nhìn của các Nga hoàng thế kỷ 18.

Hàng rào an ninh chung quanh Nga

Công tâm mà nói, việc quan tâm đến an ninh ngoài biên giới Nga của Putin là một quan tâm có cơ sở. Tuy nhiên các biện pháp mà Vladimir Putin áp dụng đối với các nước nhỏ có cùng biên giới với Nga là những chính sách có tính cưỡng bách, lỗi thời và phi nhân không khác gì Hitler trước đây và Tập Cận Bình hiện nay.

Bán đảo Crimea chỉ là bước thăm dò phản ứng của Phương Tây tương tự như trường hợp của Hitler khi chiếm vùng Sudetenland của Tiệp Khắc dọn đường cho việc tiến chiếm toàn bộ Cộng hòa Tiệp vào tháng 3, 1939. Dù là Nga hoàng, Nga cộng hay Nga Putin đều nhấn mạnh đến việc thiết lập một hàng rào an ninh chung quanh Nga. Bán đảo Crimea chỉ là một khoảng nhỏ trong “không gian sinh tồn” của Nga. An ninh chính của Nga là hành lang Ukraine, lãnh thổ lớn thứ hai, nằm ở phía Đông Nga.

Putin nuôi dưỡng các thành phần cai trị độc tài và thần phục ông ta chẳng khác gì các nước chư hầu thần phục Nga hoàng thời phong kiến. Khi có một biến cố xảy ra trong nội bộ một quốc gia láng giềng có thể tạo ảnh hưởng bất lợi cho Nga, Putin thường cất quân sang đánh dẹp dưới danh nghĩa “bảo vệ hòa bình và ổn định” theo “lời mời” của nước nhỏ như trường hợp xung đột Armenia-Azerbaija vào tháng 5, 2021.

Các nhà độc tài như Alyaksandr Lukashenka của Belarusia, Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan hay cha con nhà Aliyev của Azerbaijan là những bằng chứng dùng độc tài cai trị chư hầu của Putin.

Lukashenka cai trị Belarusia suốt 28 năm qua từ khi Liên Xô tan rã tới nay. Nazarbayev làm Tổng thống Kazakhstan suốt năm nhiệm kỳ. Năm 2019, Nazarbayev từ chức nhưng vẫn tiếp tục cai trị đất nước với chức vụ danh dự “lãnh đạo quốc gia”. Heydar Aliyev và sau đó con trai Ilham Aliyev cai trị Azerbaijan từ 1993 đến nay.

Các dân tộc bất hạnh vùng Trung Á chịu đựng dưới ách CS bảy mươi năm để rồi khi ách CS vừa đước tháo gỡ lại phải thay bằng ách độc tài từ 1991 tới nay.

Nga trong thế kỷ 21

Nếu không có khối lượng vũ khí nguyên tử kế thừa từ thời Liên Xô, Nga không phải là một cường quốc. Trong một cuộc chiến tranh quy ước (không dùng vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân), Nga không phải là đối thủ của Mỹ và nhiều nước khác.

Nga cũng không phải là một siêu cường kinh tế. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Nga đứng hàng 11 trên thế giới, sau Ý, Canada và cả Ba Tây. Theo các nhà phân tích kinh tế, các biện pháp trừng phạt sẽ đẩy Nga xuống xa hơn.

Nền kinh tế Nga phát triển một chiều vì tùy thuộc rất nhiều vào giá dầu hỏa. Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới. Các nguồn lợi tức từ tài nguyên thiên nhiên chiếm tới 60 phần trăm trong GDP của Nga. Khi giá dầu cao, GPD của Nga tăng nhưng khi giá dầu hạ GPD giảm và nền kinh tế lâm vào suy thoái như trường hợp suy thoái kinh tế tài chánh Nga vào những năm 2009 và 2014.

Một bài học về sự sụp đổ của LX còn đang được đem ra bàn là bài học về chiến tranh năng lượng. Năm 1986, Saudi Arabia gia tăng sức bơm từ 2 triệu thùng lên 10 triệu thùng một ngày làm giá dầu từ 30 dollar hạ xuống tới mức chỉ còn khoảng 10 dollar một thùng. Nợ nước ngoài của Liên Xô tăng vọt lên tới 50 tỉ dollar. Giá dầu quá thấp đã đẩy nền kinh tế đang suy thoái của Liên Xô xuống vực và là một trong nhiều lý do làm sụp đổ cả cơ chế Cộng sản.

Châu Âu tùy thuộc nhiều vào dầu hỏa Nga. Để tránh khủng hoảng năng lượng, trong đợt đầu khi trừng phạt Nga, Mỹ và đồng minh tránh trừng phạt trực tiếp vào dầu hỏa. Nhưng để đánh gục nền kinh tế Nga, trừng phạt về dầu hỏa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là biện pháp không tránh khỏi.

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, quốc gia bị trừng phạt chịu nhiều thiệt hại không có nghĩa các quốc gia trừng phạt không bị thiệt hại. Nhưng trường hợp Mỹ và Nga thì khác. Khi trừng phạt Nga, Mỹ và đồng minh cũng thiệt hại nhưng không nhiều so với sự thiệt hại của Nga.

Mỹ chỉ xuất cảng sang Nga 6.3 tỉ Mỹ Kim và nhập cảng 23.6 tỉ Mỹ Kim trị giá hàng hóa. Hai con số đó quá nhỏ so với việc Mỹ xuất cảng 306 tỉ sang Canada, 276 tỉ sang Mexico, 150 tỉ sang Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Hendrik Mahlkow, một nhà nghiên cứu thương mại tại Viện Kiel về Kinh tế Thế giới ( Kiel Institute for the World Economy), Đức, cho biết “các lệnh cấm vận thương mại sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến Nga so với các đồng minh phương Tây”.

Về đời sống người dân, Nga vẫn còn là một nước nghèo. Putin tự hào Nga là một cường quốc nhưng GDP theo đầu người của Nga chỉ mới đạt tới 10,800.00 Mỹ Kim, đứng tận hàng thứ 85 trên thế giới sau cả những nước đang phát triển như Chile, Hy Lạp và nhiều nước khác.

Putin và nhóm đặc quyền lợi ich Nga (Russian Oligarch)

Để làm giàu nhờ chia chác và củng cố chiếc ghế quyền lực, Putin dựng chung quanh ông ta một hàng rào gồm những Oligarch trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là kinh tế tài chánh.

Danh từ Oligarch rút ra từ danh từ Cổ Hy Lạp có nghĩa “cai trị bởi một nhóm nhỏ” và tại Nga phần đông nhóm nhỏ này là những thương gia xuất hiện trong thời kỳ tư nhân hóa nền kinh tế.

Nhiều trong số các Oligarch Nga trước 1991 còn hai bàn tay trắng. Những nhà giàu nhờ “móc ngoặc” này thường thích khoe khoang qua hình thức các siêu du thuyền. Một chiến dịch săn các siêu du thuyền của các Oligarch Nga vừa được tung ra. Cảnh sát Ý bắt một siêu du thuyền trị giá 65 triệu euro của tỉ phú Nga Alexey Mordashov. Một siêu du thuyền khác trị giá 50 triệu euro thuộc quyền sở hữu của Gennady Timchenko cũng bị giữ. Các việc bắt giữ du thuyền tương tự đã diễn ra tại Pháp, Đức. Hai Dân Biểu Mỹ Tom Malinowski (Dân chủ) và Joe Wilson (Cộng hòa) còn dự tính soạn thảo Đạo luật Du thuyền vì Ukraine (Yachts for Ukraine Act) với nội dung tịch thu và bán các du thuyền của các Oligarch Nga bị trừng phạt lấy tiền viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Các nhà tư bản Mỹ và Châu Âu cũng làm giàu nhưng phần lớn họ dùng lợi nhuận để đầu tư trở lại giúp kích thích nền kinh tế phát triển cao hơn. Các Oligarch Nga không nhìn thấy những chân trời phát minh hay thậm chí sở hữu những kiến thức đó. Các tỉ phú Nga thường gởi tiền lời bất chính của họ vào các ngân hàng Thụy Sĩ.

Bà Brooke Harrington, Giáo sư xã hội học tại Dartmouth College viết trên tạp chí The Atlantic ngày 3 tháng 5 vừa qua so sánh cách khoe khoang tiền của giữa các tỉ phú Nga và tí phú Mỹ và Anh: “Các tỷ phú như Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson đua nhau khoe khoang để phóng phi thuyền vào không gian giữa sự phô trương rầm rộ của các phương tiện truyền thông, thay vì kín đáo tận hưởng vận may của họ một cách riêng tư”.

Không may cho các Oligarch Nga. Thụy Sĩ vừa phá bỏ nguyên tắc trung lập và chẳng những “ngăn cấm các thương vụ của ngân hàng trung ương Nga qua trung gian các ngân hàng Thụy Sĩ mà còn đóng băng” tài khoản của các Oligarch.

Nga, quốc gia tham nhũng trầm trọng nhất Châu Âu

Theo Transparency International Index of Corruption năm 2019 và 2020, Nga là quốc gia tham nhũng tệ hại nhất Châu Âu.

Tại Nga, giống như mọi chế độ độc tài khác, làm ăn nhỏ “móc ngoặc” với các cấp nhỏ, làm ăn lớn “móc ngoặc” với cấp lớn và làm ăn lớn nhất nước “móc ngoặc” với không ai khác hơn là Vladimir Putin. Mức chia chác giữa Putin và tầng lớp Oligarch Nga đối với công chúng vẫn còn là một bí mật nhưng với tình báo Mỹ chắc là không.

Theo tạp chí Fortune, Putin khai tài sản của ông ta chỉ có tiền lương 149 ngàn dollar một năm, sống trong căn nhà rộng 70 mét vuông, một chiếc xe kéo và ba chiếc xe riêng. Nhưng cũng theo tạp chí uy tín này, tài sản của Putin có thể lên đến 200 tỉ dollar, bằng ba phần tư tổng sản lượng nội địa của cả nước Việt Nam năm 2021. Theo điều tra của Reuter, chỉ riêng khu nhà bên Hắc Hải được gọi là “Putin’s Country Cottage” đã trị giá tới 1.4 tỉ dollar.

Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3 tháng 3, 2022 viết về tội ác của các Oligarch Nga: “Những cá nhân này đã làm giàu cho chính mình với chi phí của người dân Nga, và một số đã nâng các thành viên trong gia đình của họ lên những vị trí cao cấp… Những cá nhân này và các thành viên gia đình của họ sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, tài sản của họ ở Hoa Kỳ sẽ bị đóng băng và sẽ bị chặn sử dụng”.

Hầu hết các quốc gia đồng minh của Mỹ đều áp dụng các biện pháp tương tự.

Putin sa lầy tại Ukraine

“Gia tài gầy dựng 30 năm chỉ để đốt cháy trong một tuần” là câu mà báo chí trong những ngày này dùng để ám chỉ các biện pháp quân sự sai lầm của Putin đối với Cộng hòa Ukraine. Trong cơn ác mộng kinh hoàng nhất Putin cũng không thấy một thực tế Nga như hôm nay. Putin đánh giá thấp sức mạnh của lòng yêu nước của người dân Ukraine, cơ chế chính trị Mỹ, đoàn kết của NATO, liên minh tin cậy quốc tế và tình cảm nhân loại dành cho Ukraine.

Như đã chứng minh nhiều lần trong lịch sử loài người, trong đó có Nga, cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc khác với nội chiến. Một Đề đốc Hoàng Hoa Thám của Việt Nam với võ khí thô sơ đã giữ Yên Thế 30 năm cho đến khi ngài bị ám sát. Một Đại úy Władysław Raginis của Ba Lan với quân số chỉ từ 350 đến 700 người đã giữ căn cứ Wizna, biên giới Ba Lan-Đức, ba ngày chống lại đạo quân 42 ngàn dưới quyền Thống chế Đức Heinz Guderian. Khi hết đạn, Đại úy Władysław Raginis ra lịnh binh sĩ sống sót đầu hàng riêng ông ta chọn tự sát bằng lựu đạn.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống can đảm Volodymyr Zelensky, cuộc chiến bảo vệ đất nước của Ukraine đã chinh phục tình cảm và hậu thuẫn của cả thế giới. Bộ máy tuyên truyền Nga đem nghề nghiệp đóng phim cười của TT Volodymyr Zelensky để mỉa mai nhưng quên rằng ông ta đã học đủ năm năm từ 1995 đến 2000 tại Trường Luật thuộc Viện Đại học Kinh tế Quốc gia Kyiv (Kyiv National Economic University). TT Mỹ Ronald Reagan, cha đẻ của chiến lược “Hòa bình qua sức mạnh” đánh gục LX cũng từng là diễn viên điện ảnh. Putin vẽ chân dung TT Zelensky như một Phát-xít nhưng không soi gương để thấy chính mình mới là Phát-xít. Tổng thống Zelensky hỏi lại Putin “Làm thế nào tôi có thể là một Phát-xít?” Tổng thống Zelensky gốc Do Thái. Ông nội của ông ta may mắn sống sót nhưng ông cố và ba anh em của ông nội đều bị giết trong Holocaust. Quyết định cùng sống cùng chết với Ukraine của ông đã thay đổi hướng đi của lịch sử châu Âu.

Nga bị cô lập 

Nước Nga chưa bao giờ bị cô lập hơn những ngày này. Lần đầu kể từ sau Thế chiến thứ Hai, sự trừng phạt của Mỹ và đồng minh đối với một quốc gia với mức độ tinh vi và chi tiết như trừng phạt Nga. Không chỉ các chính phủ Mỹ, Châu Âu và đồng minh mà, tính tới ngày 9 tháng3, 2022, một danh sách 310 công ty lớn nhỏ từ hãng xe, hãng máy bay, hãng điện thoại, hãng tín dụng, cho tới hãng bia cũng tham gia trừng phạt qua việc rút ra khỏi Nga.

Tiệm bán thức ăn nhanh McDonald’s mở ở Moscow lần đầu tiên ngày 31 tháng 12, 1990 khi Liên Xô chưa sụp đổ. Sáng hôm đó, người dân Nga sắp hàng nhiều cây số để mua ăn thử món “French fries” và “Big Mac”. Hôm thứ ba, 8 tháng 3, 847 tiệm McDonald’s đóng cửa với lý do như Tổng giám đốc Chris Kempczinski phát biểu “Không thể làm ngơ trước sự chịu đựng của con người đang diễn ra tại Ukraine.”

Putin đem vũ khí nguyên tử ra hù dọa, nhưng điều đó không biểu hiện sức mạnh của Nga mà thể hiện sự tuyệt vọng trong đường cùng của Putin. Ông ta sẽ làm gì với kho võ khí hạt nhân? Không đợi gì Mỹ mà ngay cả các cấp cao nhất trong quân đội Nga cũng buộc lòng có phản ứng nếu Putin thật sự muốn dùng tới đòn nguyên tử. Một đất nước mênh mông bao bọc bằng 12 biển lớn nhưng Nga chỉ có vỏn vẹn một hàng không mẫu hạm Admiral Kuznetsov đang hoạt động. Suốt ba chục năm dưới sự cai trị của Putin, Nga không chế tạo được một hàng không mẫu hạm nào. Nhờ giá dầu tăng, dự trữ nước ngoài của Nga có trên 600 tỉ dollar nhưng số tiền đó Putin dự phòng để đáp lại các cuộc trừng phạt kinh tế của Mỹ. Hôm nay phần lớn số tiền đó đã bị “đóng băng”. Trong lãnh vực kỹ thuật tiên tiến, theo tạp chí Global Finance, Nga đứng hàng thứ 46 trên thế giới sau cả Ukraine, thứ 44.

Chính trị thế giới đang thay đổi cấp bách và sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng Nga, Mỹ, NATO mà ảnh hưởng cả Trung Quốc. Hơn cường quốc nào khác, Trung Cộng cần ổn định để chạy đua với Mỹ và từng bước bành trướng ra Thái Bình Dương. Trung Quốc không thể bỏ Putin, đồng minh cần thiết trong giai đoạn này, nhưng cũng không thể ủng hộ công khai. Tập Cận Bình có nghị trình riêng, ngắn hạn trong kế hoạch năm năm lần thứ 14 và dài hạn trong diễn văn dài ba tiếng rưỡi đồng hồ tại Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 năm 2017, nên không thể để xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn.

Chuyến đi thăm Trung Quốc của Putin được báo chí Nga thổi phồng nhân dịp Thế vận hội mùa đông vừa qua về ý định không khác nhiều so với chuyến đi thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình, 29 tháng 1, 1979, trước khi xâm lăng Việt Nam. Putin muốn có sự ủng hộ công khai của Trung Quốc trong chiến tranh với Ukraine. Tuy nhiên, Thông cáo chung Trung-Nga công bố ngày 4 tháng 2, 2022 dài đến 5392 chữ bản tiếng Anh, không bàn trực tiếp đến xung đột Nga-Ukraine và thậm chí không có một chữ Ukraine nào.

Mục đích trước mắt của Putin, giống như mọi chế độ xâm lược khác trong lịch sử hiện đại, có thể đoán được theo từng bước: (1) Bằng mọi giá chiếm cho được Ukraine, (2) dùng khẩu hiệu cùng một nguồn gốc Rus cổ đại để ổn định đời sống và lấy lòng dân Ukraine, (3) thiết lập một chế độ bù nhìn lâm thời và sau đó bầu lên một lãnh đạo thân Nga qua bầu cử gian lận, (4) đàm phán có điều kiện với Mỹ, Châu Âu và đồng minh để rút quân.

Mục đích đó sẽ không đạt được. Nga sẽ sa lầy trong một cuộc chiến lâu dài và khó thoát. Khác với sa lầy tại Afghanistan (1879-1989) trước đây, lần này không chỉ sa lầy quân sự mà còn quan trọng hơn là sa lầy kinh tế và xã hội. Vũ khí quân đội Ukraine được hàng chục quốc gia viện trợ hiện đại hơn nhiều những vũ khí du kích quân Afghanistan dùng bốn mươi năm trước. Người dân Ukraine không xa lạ gì với người Nga nên không cần phải trốn tránh trong rừng núi. Hình ảnh một người dân Ukraine cho lính Nga mượn phone gọi mẹ cho thấy họ sẵn sàng chết để bảo vệ chế độ dân chủ tự do nhưng không sợ hãi hay oán ghét người dân Nga.

Cuộc chiến xâm lược của Nga đối với Ukraine đã làm nhiều chính phủ chủ hòa Âu Châu thức tỉnh. Trước đây một tháng, các chính phủ như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary vẫn còn nghĩ Putin chỉ hăm dọa. Hôm nay họ biết rằng tám mươi năm sau Thế chiến thứ Hai, chiến tranh vẫn là giải pháp không tránh khỏi của những xung đột có tính triệt tiêu và hơn bao giờ hết sự liên minh tin cậy giữa các quốc gia dân chủ là yếu tố quyết định để thắng các chế độ độc tài.

Niềm tin vào sức mạnh cuta nền dân chủ

Giả thiết vì một bất đồng nào đó giữa Putin và Alexander Lukashenko, nhà độc tài Belarus, khiến Putin tức giận cất quân sang đánh Belarus, liệu Mỹ và đồng minh có trừng phạt Nga cùng một mức độ như khi Nga đánh Ukraine hiện nay? Câu trả lời là không. Ngoại trừ những tuyên cáo ngoại giao, Mỹ sẽ không có biện pháp ủng hộ Belarus nào đáng kể.

Một chế độ độc tài sống trên xương máu và sự chịu đựng của cả dân tộc không xứng đáng được bênh vực hay bảo vệ.

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, chiến lược và an ninh Châu Âu, một trong những lý do Mỹ và đồng minh cương quyết ủng hộ Ukraine bởi vì Ukraine là một nước cộng hòa, dân chủ, độc lập và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Đồng ý rằng nhiều thế hệ lãnh đạo Ukraine đã phạm phải những sai lầm như Viktor Yanukovych hiện còn đang trốn tránh ở Nga và xã hội Ukraine vẫn còn đầy tham nhũng. Tuy nhiên, nền tảng dân chủ vẫn còn đó. Cơ chế dân chủ như cánh buồm giữ con tàu Urkaine không bị chệch hướng sang độc tài quân phiệt hay hoàn toàn lệ thuộc vào Nga như Belarus hay những nước Trung Á. Với niềm tin vào chế độ cộng hòa và sự ủng hộ của đại đa số nhân loại, Ukraine sẽ thắng trận chiến cuối cùng chống xâm lược Nga.

Nhưng phải chăng việc Mỹ, NATO và 141 nước “đòi hỏi Nga phải rút quân khỏi Ukraine” là những yếu tố quyết định cho tương lai của Ukraine?

Không phải. Máu và nước mắt của từng người dân và từng người lính Ukraine đang chảy trên sông Dnieper, chảy trên đường phố Kyiv, Kharkiv, Mariupol, Kherson mới thực sự tưới lên những mầm xanh hy vọng của cộng hòa Ukraine hôm nay và mai sau.

T.T.Đ.

Việt Nam thời báo gửi BVN

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Putin. Bookmark the permalink.