Liệu Trung Quốc có đứng ra ngăn cản cuộc xâm lược của Nga?

Chi Phương

Nga đã yêu cầu viện trợ kinh tế và quân sự từ Trung Quốc hôm Chủ Nhật 13/03/2022,  để tiến hành cuộc chiến ở Ukraina và tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Washington lập tức cảnh báo Trung Quốc không nên hỗ trợ Maxtcơva dưới bất cứ hình thức nào. Được xem là đồng minh có sức mạnh tương đương với Nga, đâu là quan điểm của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraina, giúp Nga tiếp tục tham chiến hay đứng ra can ngăn?

Liệu ai có thể chấm dứt chiến tranh  Ukraina?  Châu Âu và các nhà ngoại giao Mỹ đã làm việc tích cực để kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ. Họ hy vọng rằng đất nước được cho là đủ mạnh và gần gũi với Nga có thể thay đổi kế hoạch của Vladimir Putin. Vào ngày 8/3, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về chiến tranh và hi vọng rằng ông Tập có thể chủ động tham gia với tư cách là bên trung gian để đưa ra thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Thế nhưng có vẻ như không ai còn hy vọng vào điều này.

Trung Quốc cũng bị tổn hại do chiến tranh Ukraina

Cuộc chiến mà Nga châm ngòi, không nghi ngờ gì nữa, tác động xấu đến Bắc Kinh. Lượng dầu khí mà Trung Quốc nhập khẩu lớn hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Cuộc khủng hoảng Ukraina đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Bắc Kinh cần nguồn cung năng lượng, kim loại và khoáng sản để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp để nuôi sống khoảng 1,4 tỷ dân của mình. (Cả Nga và Ukraina đều là những nhà cung cấp lúa mì và các sản phẩm lương thực khác. Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng, tùy thuộc vào việc chiến tranh kéo dài trong bao lâu, cuộc xung đột này có thể khiến giá lương thực tăng 8 % đến 20 % vào năm nay). Kể từ khi quân đội Nga tràn sang lãnh thổ Ukraina, Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác phải trả giá đắt hơn nhiều cho các nguồn nguyên liệu kể trên.

Trong tuần qua, Trung Quốc thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây “sẽ ảnh hưởng đến tài chính toàn cầu, năng lượng, giao thông vận tải và làm bất ổn chuỗi cung ứng, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch”. Bằng việc công khai đổ lỗi các lệnh trừng phạt tạo ra những biến động nêu trên, ông Tập cẩn thận, tránh đề cập, quy trách nhiệm cho Putin, nhưng ông biết rằng gây chiến ở Ukraina là một lựa chọn, ông cũng biết ai đưa ra lựa chọn này.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina cũng tổn hại đến uy tín quốc tế của Trung Quốc. Tập Cận Bình hiểu rằng châu Âu và Hoa Kỳ sẵn sàng cáo buộc Trung Quốc là đồng phạm của Nga. Vào tháng trước tại dịp lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, ông Tập và ông Putin đã gặp nhau và thể hiện rõ ràng “tình bạn mới nổi” của cả hai. Bắc Kinh và Matxcơva đưa ra tuyên bố chung khẳng định rằng quan hệ của họ “không có giới hạn” nào. Hai tuần sau đó, Nga xâm lược Ukraina. Nếu như ông Tập biết được Putin nghĩ gì, thì điều này nói lên được gì về thể loại quan hệ đối tác trong tương lai mà Trung Quốc có thể thực hiện với châu Âu và Mỹ? Hoặc Tập Cận Bình có thể làm gì ở châu Á?

Cuối cùng, cuộc chiến của Nga ở Ukraina đã làm thay đổi các yếu tố địa chính trị, bất lợi cho Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc, quốc gia khổng lồ mới trỗi dậy, đã được hưởng lợi rất nhiều từ những bất đồng giữa châu Âu và Mỹ liên quan đến việc tạo ra một thế giới như thế nào và đâu là cách tốt nhất để bảo vệ thế giới đó.

Nguy cơ NATO ở châu Á

Ba thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều nước phương Tây, bao gồm cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ, đã đặt câu hỏi về mục đích và giá trị của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này đã làm giảm bớt nguy cơ cho Trung Quốc về việc có thể các lãnh đạo phương Tây sẽ mở rộng NATO sang châu Á hoặc làm việc với các đối thủ của Trung Quốc để xây dựng một liên minh tương tự như NATO nhằm dập tắt tham vọng khu vực của Trung Quốc. Thế nhưng, chiến tranh Ukraina ngay lập tức đã tạo ra sự đoàn kết giữa châu Âu và Mỹ và cả trong nội bộ châu Âu. Đây là điều chưa từng xảy ra từ những năm 1980. Sự thống nhất này đã vạch ra cho NATO một mục đích rõ ràng hơn và tạo ra một “cảm giác cấp bách mới“, đồng thời đặt ra câu hỏi cho Washington và các đồng minh châu Âu về cách mà Trung Quốc có thể làm để gây bất ổn cho châu Á cũng giống như việc mà Nga đang làm ở sườn đông châu Âu.

Với những lý do trên, chiến tranh Ukraina kết thúc sớm là điều có lợi cho Trung Quốc.

Động cơ hỗn hợp

Nhưng Trung Quốc có nhiều động cơ đan xen nhau. Trong khi Putin đang làm việc không mệt mỏi trong những năm gần đây để gây mất ổn định cho các nước láng giềng nào không chịu hoặc ít hợp tác với Matxcơva và vạch lại các ranh giới thời hậu Chiến tranh Lạnh thì Trung Quốc lại thu được lợi nhiều từ thực tế nguyên trạng quốc tế. Cho dù ông Tập có thích hay không thì tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây. Không giống như Nga, Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự ổn định toàn cầu mang tính tương đối và các mối quan hệ thương mại tích cực với châu Âu và châu Mỹ.

Ông Tập cũng biết rằng quan hệ đối tác với Nga mang lại giá trị thấp hơn nhiều so với châu Âu và Mỹ. Vào năm 2021, giao thương của Trung Quốc với Nga đạt mức cao nhất, lên đến 147 tỷ đô la. So với 756 tỷ đô la với Mỹ và 828 tỷ đô la với châu Âu. Các doanh nghiệp Âu Mỹ đóng vai trò là nguồn đầu tư vô giá và với Bắc Kinh đồng thời cung cấp khả năng tiếp cận các công nghệ mới rất quan trọng mà Trung Quốc sẽ cần dùng tới để tăng cường sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị.

Thế nhưng vị lãnh đạo tối cao của Trung Quốc có lý do chính đáng để xây dựng tình hữu nghị với Putin. Việc Washington thay đổi thái độ rõ rệt với Trung Quốc đã thyết phục được nhiều người ở Bắc Kinh rằng Mỹ quyết tâm kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Ông Tập chắc chắn đã phải chú ý đến các kế hoạch “xoay trục sang châu Á“ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hay sự thay đổi chiến lược an ninh của Washington, từ việc đặt trọng tâm truyền thống ở châu Âu và Trung Đông, hướng sang việc can dự sâu hơn vào châu Á.  Sau đó, đến lượt Donald Trump, cựu Tổng thống Hoa Kỳ đã phát động cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ chống lại Trung Quốc. Đến nay, mặc dù hiện giờ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nói “nhẹ nhàng”  hơn Trump về vấn đề Bắc Kinh, nhưng Biden không hề thay đổi đường lối chính sách mà Trump đưa ra.

Chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc có nhiều khách hàng và đối tác thương mại, nhưng Trung Quốc dường như cần một đối tác mạnh và chia sẻ các ý tưởng. Từ nhiều năm nay, đồng minh thực sự và duy nhất của Trung Quốc là Bắc Triều Tiên, còn Nga thì được xem là một đối tác bổ trợ rất giá trị. Trong khi Mỹ coi sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh như là một câu chuyện đã xong, thì cả ông Tập và ông Putin đều nói đến sự sụp đổ của Liên Xô và vụ Thiên An Môn cùng cuộc nội chiến ở Trung Quốc, với những từ ngữ cay đắng. Hơn nữa, Tập Cận Bình và Putin đều có cùng một tham vọng to lớn: chấm dứt quyền bá chủ thế giới của Mỹ tại các nơi được cho là địa bàn của họ. Lợi ích thương mại rất quan trọng nhưng có chung thế giới quan cũng quan trọng không kém.

Các động cơ hỗn hợp của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng trong các lựa chọn của Bắc Kinh từ hai tuần qua. Các quan chức Nga vào đầu tuần này cho biết Trung Quốc đã từ chối cung cấp cho các hãng hàng không Nga các thiết bị quan trọng mà hãng Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu không còn chấp nhận cung cấp nữa (do các lệnh trừng phạt). Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông do Nhà nước Trung Quốc quản lý đã công khai đưa tin ủng hộ Nga. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng công khai đồng thuận với các tuyên bố gần đây của Nga, cho rằng Mỹ đang hỗ trợ chương trình vũ khí sinh học bất hợp pháp ở Ukraina.

Putin – người bạn đồng hành thực sự của Tập Cận Bình

Hiện tại, Trung Quốc sẽ nói những điều “nhẹ nhàng” về việc các bên cần phải có thái độ bình tĩnh để chấm dứt chiến tranh Ukraina và cuộc chiến kinh tế của phương Tây chống lại Nga. Ông Tập sẽ cố gắng khiến châu Âu giảm bớt nghi ngờ về sự đồng tình của mình với Nga qua việc đồng ý với họ về tầm quan trọng trong việc sử dụng ngoại giao để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, trong khi Tập Cận Bình xem châu Âu và Mỹ như là những đối tác thương mại cần thiết thì ông ta coi Putin là người bạn đồng hành thực sự.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu rằng khả năng của mình cũng có hạn để buộc Putin xuống thang. Bất luận Bắc Kinh muốn gì, Putin sẽ vẫn tiếp tục cuộc chiến này cho đến khi nào Nga đạt được một điều gì đó khả tín mà ông ta có thể tuyên bố rằng đó là thắng lợi bền vững dài lâu. Trung Quốc phải vượt qua cơn bão này, và cũng giống như bao người khác, hi vọng chiến tranh sớm kết thúc.

C.P.

Nguồn: rfi.fr/vi

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc. Bookmark the permalink.