Ba kịch bản kết thúc cuộc chiến

Thomas l. Friedman
BVN dịch

Trận chiến Ukraine đang diễn ra trước mắt chúng ta có khả năng trở thành một chuyển biến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Hai và là cuộc đối đầu nguy hiểm nhất trên thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Tôi thấy có ba kịch bản có thể xảy ra để kết thúc câu chuyện này. Tôi gọi chúng lần lượt là “thảm họa toàn diện”, “thỏa hiệp bẩn thỉu” và “sự cứu rỗi”.

Kịch bản thảm họa hiện đang diễn ra: Trừ phi Vladimir Putin tự thay đổi hoặc bị phương Tây ngăn cản, ông ta có vẻ sẵn sàng giết càng nhiều người càng tốt nếu cần và phá hủy càng nhiều cơ sở hạ tầng của Ukraine càng tốt để xoá bỏ một quốc gia Ukraine độc lập tự do, xoá bỏ văn hóa Ukraine và loại bỏ các lãnh đạo của Ukraine. Kịch bản này có thể dẫn đến các tội ác chiến tranh với quy mô chưa từng thấy ở châu Âu kể từ thời Đức Quốc xã ­– những tội ác có thể khiến Vladimir Putin, những người bạn của ông ta và nước Nga trở thành những kẻ bị khinh ghét trên toàn cầu.

Thế giới toàn cầu hóa và kết nối chưa bao giờ phải đối phó với một nhà lãnh đạo bị cáo buộc tội ác chiến tranh ở mức độ này mà lại là lãnh đạo của một đất nước có diện tích đất trải dài 11 múi giờ, là một trong những nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn nhất thế giới và sở hữu kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất so với bất kỳ dân tộc nào.

Cứ mỗi ngày mà Putin từ chối dừng chiến tranh, chúng ta lại tiến gần hơn đến cánh cổng địa ngục. Với mỗi video TikTok và cảnh quay trên điện thoại di động cho thấy sự tàn bạo của Putin, thế giới sẽ ngày càng khó quay mặt đi. Nhưng sự can thiệp sẽ có nguy cơ châm ngòi cho cuộc chiến đầu tiên có liên quan đến vũ khí hạt nhân ở trung tâm châu Âu. Và việc để Putin biến Kyiv thành đống đổ nát với hàng nghìn người chết – cách mà ông ta đã chinh phục Aleppo [ở Syria – BVN chú thích] và Grozny [ở Chechnya – BVN chú thích] – sẽ cho phép ông tạo ra một Afghanistan châu Âu, làm lan tràn những người tị nạn và sự hỗn loạn.

Putin không có khả năng dựng lên một nhà lãnh đạo bù nhìn ở Ukraine rồi cứ để mặc ông ta ở đó: Con rối sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy vĩnh viễn. Vì vậy, Nga cần phải trú đóng vĩnh viễn hàng chục nghìn quân ở Ukraine để kiểm soát nước này, và người Ukraine sẽ bắn vào họ mỗi ngày. Thật đáng sợ khi Putin không hề nghĩ đến việc cuộc chiến của mình sẽ kết thúc như thế nào.

Tôi ước gì Putin chỉ muốn Ukraine không gia nhập NATO, nhưng sự tham vọng của ông ta còn hơn vậy. Fiona Hill, một chuyên gia hàng đầu về Nga của Mỹ, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Politico hôm thứ Hai, rằng Putin tin vào một thứ gọi là “Russky Mir” hay “Thế giới Nga”; theo đó, người Ukraine và người Nga là “một dân tộc”; và nhiệm vụ của ông ta là “thống nhất tất cả những người nói tiếng Nga ở tất cả những vùng đất mà tại một thời điểm nào đó đã từng thuộc về Nga hoàng”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Putin tin rằng quyền và nghĩa vụ của ông ta là thách thức cái mà Hill gọi là “một hệ thống dựa trên quy tắc trong đó những thứ mà các quốc gia muốn không được thực hiện bằng vũ lực”. Và nếu Hoa Kỳ và các đồng minh của họ cố gắng cản đường Putin – hoặc cố gắng làm bẽ mặt ông ta như cách mà họ đã làm với Nga vào cuối cuộc Chiến tranh Lạnh – thì ông ta đang báo hiệu rằng ông ta sẵn sàng làm chúng ta phát điên. Hoặc, như Putin đã cảnh báo một ngày trước khi đặt lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao, bất kỳ ai cản đường ông ấy nên sẵn sàng đối mặt với “hậu quả mà họ chưa từng thấy” trước đây. Thêm vào tất cả những điều này là các báo cáo gắn liền với sự đặt câu hỏi về trạng thái tinh thần của Putin, và bạn đang có một bức tranh rất đáng sợ.

Kịch bản thứ hai là bằng cách nào đó, quân đội và người dân Ukraine có thể cầm cự đủ lâu trước cuộc tấn công chớp nhoáng của Nga, và các lệnh trừng phạt kinh tế bắt đầu gây tổn hại sâu sắc đến nền kinh tế của Putin, rồi cả hai bên đều cảm thấy buộc phải chấp nhận một thỏa hiệp bẩn thỉu. Đó có thể là để đổi lại việc ngừng bắn và rút quân của Nga, các vùng đất phía đông của Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga trên thực tế sẽ được chính thức nhượng cho Nga, và Ukraine sẽ tuyên bố rõ ràng là không bao giờ gia nhập NATO. Đồng thời, Mỹ và các đồng minh sẽ đồng ý dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt gần đây đối với Nga.

Kịch bản này khó xảy ra, vì về cơ bản, Putin sẽ phải thừa nhận rằng ông không thể đạt được mục đích của ông ta là đưa Ukraine trở về với đất mẹ Nga sau khi đã phải trả một cái giá quá lớn về mặt kinh tế và sinh mạng của những người lính Nga. Còn Ukraine sẽ phải chính thức nhượng một phần lãnh thổ của mình và phải chấp nhận rằng Ukraine sẽ là vùng vành đai giữa Nga và phần còn lại của châu Âu – mặc dù ít nhất nước này sẽ duy trì nền độc lập trên danh nghĩa của mình, và cho dù có như vậy thì rồi không chắc Putin sẽ để Ukraine yên.

Cuối cùng, kịch bản ít có thể xảy ra nhất nhưng lại có kết quả tốt nhất đó là người dân Nga sẽ thể hiện sự dũng cảm và sự khao khát tự do của mình giống như những gì người dân Ukraine đang thể hiện, và sẽ cứu vãn tình hình bằng cách phế truất Putin.

Nhiều người Nga chắc hẳn đang bắt đầu lo lắng rằng chừng nào Putin còn là nhà lãnh đạo của họ, thì họ sẽ không có tương lai. Hàng nghìn người đang xuống đường để phản đối cuộc chiến điên cuồng của Putin. Họ đang làm điều này, chấp nhận sự rủi ro về sự an toàn của chính họ. Và mặc dù còn quá sớm để nói, nhưng sự phản kháng của họ khiến bạn tự hỏi liệu cái gọi là rào cản sợ hãi có bị phá vỡ hay không, và liệu một phong trào quần chúng cuối cùng có thể kết thúc triều đại của Putin hay không.

Ngay cả đối với những người Nga giữ im lặng, cuộc sống của họ cũng đột nhiên bị gián đoạn theo nhiều cách khác nhau. Như đồng nghiệp Mark Landler của tôi viết:

“Ở Thụy Sĩ, lễ hội âm nhạc Lucerne đã hủy bỏ hai buổi hòa nhạc giao hưởng có nhạc trưởng người Nga. Tại Australia, đội tuyển bơi lội quốc gia cho biết họ sẽ tẩy chay một giải vô địch thế giới tổ chức tại Nga. Tại khu trượt tuyết Magic Mountain ở Vermont, một người pha chế đã đổ những chai vodka Stolichnaya xuống cống. Từ văn hóa đến thương mại, từ thể thao đến du lịch, thế giới đang xa lánh Nga bằng vô số cách để phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir V. Putin”.

Và sau đó còn có “thuế Putin” mới mà mỗi người Nga sẽ phải trả vô thời hạn cho niềm vui có ông ấy làm tổng thống. Tôi đang nói về tác động của các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng do thế giới văn minh áp đặt lên Nga. Hôm thứ Hai, ngân hàng trung ương Nga đã phải đóng cửa thị trường chứng khoán Nga để ngăn chặn sự bán tháo chứng khoán Nga và buộc phải tăng lãi suất cơ bản trong một ngày lên 20% từ 9,5% để khuyến khích mọi người nắm giữ đồng rúp. Dù vậy, đồng rúp đã giảm khoảng 30% so với đồng đô la – hiện nó có giá trị chưa đến 1 cent US.

Vì tất cả những lý do đó, tôi phải hy vọng rằng ngay lúc này ở đâu đó trong Điện Kremli, có một số quan chức quân sự và tình báo cấp cao của Nga, những người thân cận với Putin, đang bí mật gặp nhau ở Điện Kremlin và nói ra những gì họ hẳn phải nghĩ: Hoặc là Putin đã mất khả năng vạch chiến lược vì bị cô lập trong đại dịch hoặc là ông ta đang cố gắng phủ nhận các quyết định sai lầm của việc đánh giá thấp sức mạnh của người Ukraine, Mỹ, các đồng minh và xã hội dân sự toàn cầu nói chung.

Nếu Putin tiến lên và san bằng các thành phố lớn nhất của Ukraine và thủ đô Kyiv của nó, ông ta và tất cả những người bạn của ông ta sẽ không bao giờ được nhìn thấy lại các căn hộ ở London và New York mà họ đã mua bằng các của cải đánh cắp. Sẽ không còn Davos [nơi đóng trụ sở của Diễn đàn Kinh tế thế giới và có khu giải trí trượt tuyết lớn thứ hai của Thụy Sĩ] và không còn St. Moritz [một thị trấn nghỉ mát của Thuỵ Sĩ]. Thay vào đó, tất cả họ sẽ bị nhốt trong một nhà tù lớn có tên là Nga, với quyền tự do đi lại giữa Nga và Syria, Crimea, Belarus, Triều Tiên, Trung Quốc. Con cái của họ sẽ bị đuổi khỏi các trường nội trú tư nhân từ Thụy Sĩ cho đến Oxford.

Hoặc họ hợp tác để lật đổ Putin hoặc tất cả sẽ cùng chia sẻ không gian cách ly như trên của ông ta. Điều tương tự cũng xảy ra với công chúng Nga.

Tôi nhận ra rằng kịch bản cuối cùng khó xảy ra nhất trong tất cả, nhưng nó là kịch bản hứa hẹn nhất về việc đạt được giấc mơ mà chúng ta đã mơ khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 – một châu Âu hoàn toàn và tự do, từ Quần đảo Anh đến vùng Ural.

T.I.F.

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.