Tại sao cuộc chiến tranh Nga – Ukraine không giống cuộc chiến tranh Trung – Việt năm 1979?

Khang VuThe Diplomat

1/3/2022

BVN dịch

Điều quan trọng là, một số cư dân mạng ở Việt Nam đã bày tỏ lo lắng rằng việc Nga xâm lược Ukraine nhắc nhở họ về mối đe dọa về một cuộc xâm lược bất ngờ tiềm tàng của Trung Quốc nếu Việt Nam nghiêm túc xem xét việc tham gia một liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, lo lắng này là quá sớm, vì sự sẵn sàng trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc do mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa VN với Mỹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không nhất thiết liên quan đến bài học của cuộc xâm lược của Nga. Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ lo lắng về kỳ vọng Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam vào thời điểm xâm lược, cán cân quân sự Trung – Mỹ ở Đông Á, các cam kết quân sự của Washington với Đài Loan, mức độ hỗ trợ của Nga (điều này sẽ khiến Trung Quốc sẵn sàng để lộ sườn phía bắc của mình), hoặc các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Những tính toán tại thời điểm hành động thậm chí còn quan trọng hơn những bài học rút ra từ lịch sử. Sự lo sợ phi lý của Việt Nam về một cuộc xâm lược của Trung Quốc có thể cản trở những cải thiện trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam – mối quan hệ cần thiết để kiểm tra tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, sự e sợ này, một cách ngược lại, có thể mời gọi thêm sự gây hấn của Trung Quốc khi Trung Quốc thấy cam kết an ninh của Hoa Kỳ đối với Việt Nam là thấp.

Liên minh của Việt Nam với Liên Xô đã đặt ra những giới hạn khi Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Những giới hạn như vậy không có trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Vào rạng sáng ngày 24/2, Nga chính thức tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, đánh dấu bước leo thang lớn đối với xung đột Nga – Ukraine bắt đầu từ năm 2014. Cuộc chiến đã làm chấn động phần còn lại của thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga, sau khi Nga không có được cam kết từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng sẽ không mở rộng thành viên sang Ukraine, khiến nhiều người Việt Nam nhớ đến cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc vào năm 1979, sau khi Việt Nam nghiêng về Liên Xô qua việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Mátxcơva năm trước.

Why the Russia-Ukraine War is Not the Same as the Sino-Vietnamese War of 1979

Nhiều cư dân mạng Việt Nam đã rút ra sự tương đồng giữa hai cuộc xâm lược: một nước lớn, không hài lòng với chính sách đối ngoại của một nước nhỏ, quyết định tiến hành một cuộc xâm lược để dạy cho nước nhỏ một bài học. Theo cách nghĩ này, việc Trung Quốc phát động một cuộc xâm lược chớp nhoáng vào Việt Nam vào rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, với sự tham gia của hơn 600.000 quân, gần giống với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Mặc dù rất hấp dẫn để rút ra mối liên hệ giữa hai sự kiện này, nhưng sự ví von như vậy làm bỏ sót điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam năm 1979 và Ukraine năm 2022.

Cụ thể, Trung Quốc đã xâm lược một quốc gia được hậu thuẫn bởi một siêu cường mà họ đã có hiệp ước chính thức, trong khi Ukraine không chính thức có bất kỳ một liên minh quân sự nào với phương Tây.

Trong khi mục tiêu của hai cuộc xâm lược có thể giống nhau, đều nhằm làm suy giảm niềm tin của Việt Nam vào các cam kết an ninh với Liên Xô, và của Ukraine với NATO, thì sự hiện diện của đồng minh cường quốc Liên Xô trong trường hợp Việt Nam đã hạn chế đáng kể cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiến hành chiến tranh. Đối với trường hợp của Nga, cho đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy Nga cảm thấy bị bất kỳ hạn chế nào từ NATO khi tính toán các kế hoạch chiến tranh của mình.

Liên minh khác với liên kết ở ý chính: có tồn tại hay không một văn bản pháp lý quy định rõ ràng rằng một bên phải đứng ra bảo vệ bên kia khi có mối đe dọa quân sự.

Hiệp ước liên minh có ý nghĩa về một số khía cạnh. Thứ nhất, nó tạo ra các cơ chế trói buộc có thể làm phát sinh chi phí nếu một bên không giữ vững cam kết. Thứ hai, nó đặt nền tảng cho sự hợp tác quân sự trước khi một cuộc chiến bắt đầu, để tăng cơ hội chiến thắng và giảm chi phí hỗ trợ quân sự. Trong khi đó, sự liên kết dựa trên kỳ vọng (chứ không phải nghĩa vụ) về sự hỗ trợ khi có xung đột phát sinh. So với liên kết giữa Ukraine và NATO, liên minh giữa Việt Nam và Liên Xô năm 1978 đặt Việt Nam vào một vị trí mạnh mẽ hơn để ngăn chặn và phòng thủ chống lại Trung Quốc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979 trước hết là kết quả của liên minh giữa Hà Nội với Liên Xô. Các học giả Trung Quốc cho rằng quyết định xâm lược Việt Nam là “lý thuyết về kẻ thù chính”: rằng chính sách của Trung Quốc đối với một quốc gia là kết quả của chính sách của quốc gia đó đối với kẻ thù chính của Trung Quốc. Theo lý thuyết này, Trung Quốc sẽ trở nên thù địch với một quốc gia nếu quốc gia đó cải thiện quan hệ với kẻ thù chính của Trung Quốc. Động cơ của Trung Quốc trong việc ngăn chặn một liên minh thù địch đe dọa quê hương có thể giống với động cơ của Nga khi xâm lược Ukraine, nhưng phạm vi của hai cuộc chiến có thể rất khác nhau.

Trước cuộc chiến và cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã coi khả năng Liên Xô trả đũa dọc biên giới phía Bắc Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng đằng sau phạm vi giới hạn của cuộc xâm lược. Giới lãnh đạo Trung Quốc nhất trí rằng không nên đe dọa sự tồn vong của chính quyền Hà Nội, và cuộc chiến chỉ nên giới hạn ở các khu vực biên giới. Quân đội Trung Quốc sẽ rút lui sau khi chiếm các thành phố biên giới của Việt Nam. Điều quan trọng là, Trung Quốc cố ý nói rõ với công chúng rằng cuộc xâm lược sẽ được giới hạn thời gian, để tránh sự can thiệp của Liên Xô.

Cần nhắc lại rằng Liên Xô đã đóng quân 44 sư đoàn dọc theo biên giới Trung-Xô vào thời điểm Trung Quốc xâm lược. Các cuộc triển khai của Liên Xô đã khiến Đặng lo lắng khi ông đang tìm cách bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ với chính quyền Jimmy Carter vào năm 1978. Khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam, họ không tìm cách lật đổ chính quyền Hà Nội vì lo ngại rằng họ có thể thúc đẩy sự can thiệp của Liên Xô. Liên Xô, mặc dù viện dẫn hiệp ước 1978, tin rằng cuộc xâm lược sẽ bị hạn chế đúng như những gì Đặng dự định báo hiệu, và họ chỉ cung cấp quân nhu và cố vấn cho Hà Nội.

Đây không phải là những gì đang xảy ra ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin không đưa ra tín hiệu rằng cuộc xâm lược sẽ diễn ra trong thời gian ngắn hoặc giới hạn về phạm vi. Ngũ Giác Đài đã cảnh báo rằng Putin muốn chặt đầu chính phủ Kyiv và thay vào đó những nhân vật thân Nga. Hơn nữa, Nga không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa tức thời nào ở biên giới với quy mô mà Trung Quốc lo ngại vào năm 1979. Nga được cho là tự tin rằng quan hệ đối tác quân sự của họ với Trung Quốc đủ mạnh để họ có thể để hở sườn phía đông và chuyển quân sang phía tây cho một cuộc xâm lược Ukraine. Ông Putin cũng bảo vệ quân đội Nga ở Ukraine bằng cách đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phương Tây can thiệp. Nói tóm lại, mục tiêu chiến tranh của Putin là tối đa và dường như ông ấy đã chuẩn bị sẵn sàng để trả một cái giá đắt cho chúng, trái ngược hoàn toàn với “bài học” hạn chế và thận trọng nhiều mặt của Đặng đối với Việt Nam.

Sự khác biệt trong việc Việt Nam có đồng minh chính thức trong khi Ukraine không có làm cho việc dự đoán các hành vi của Nga dựa vào chiến tranh Trung-Việt là không phù hợp. Chúng ta thậm chí không thể đoán được liệu cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam có bị hạn chế khi không có liên minh Việt-Xô hay không, hay liệu Trung Quốc có xâm lược nếu Hà Nội chưa bao giờ nghiêng về phía Liên Xô ngay từ đầu. Suy luận phản thực tế hiếm khi dễ dàng.

Điều quan trọng là, một số cư dân mạng ở Việt Nam đã bày tỏ lo lắng rằng việc Nga xâm lược Ukraine nhắc nhở họ về mối đe dọa về một cuộc xâm lược bất ngờ tiềm tàng của Trung Quốc nếu Việt Nam nghiêm túc xem xét việc tham gia một liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, lo lắng này là quá sớm, vì sự sẵn sàng trừng phạt Việt Nam của Trung Quốc do mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa VN với Mỹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không nhất thiết liên quan đến bài học của cuộc xâm lược của Nga. Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ lo lắng về kỳ vọng Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam vào thời điểm xâm lược, cán cân quân sự Trung – Mỹ ở Đông Á, các cam kết quân sự của Washington với Đài Loan, mức độ hỗ trợ của Nga (điều này sẽ khiến Trung Quốc sẵn sàng để lộ sườn phía bắc của mình), hoặc các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Những tính toán tại thời điểm hành động thậm chí còn quan trọng hơn những bài học rút ra từ lịch sử. Sự lo sợ phi lý của Việt Nam về một cuộc xâm lược của Trung Quốc có thể cản trở những cải thiện trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam – mối quan hệ cần thiết để kiểm tra tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, sự e sợ này, một cách ngược lại, có thể mời gọi thêm sự gây hấn của Trung Quốc khi Trung Quốc thấy cam kết an ninh của Hoa Kỳ đối với Việt Nam là thấp.

Ngay cả khi có thông tin hoàn hảo về ý định của nhau, một cuộc chiến có thể tự phát huy và có thể tiến triển vượt ra ngoài mục tiêu ban đầu của bên chủ mưu. Do đó, điều quan trọng cần lưu ý là chiến tranh rất phức tạp và chúng ta nên thận trọng với việc vẽ ra các phép loại suy lịch sử hời hợt, vội vàng.

K.V.

Tác giả là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Boston

This entry was posted in Chiến tranh biên giới 1979, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.