Người hiền – Đại tá Phạm Quế Dương. Kỳ 2

Phạm Đình Trọng

2. HỘI NHÂN DÂN ỦNG HỘ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CHỐNG THAM NHŨNG

Không chấp nhận ách cai trị độc tài của đảng cộng sản, không chấp nhận đảng cộng sản kiên trì thứ chủ nghỉa xã hội đã thất bại trên toàn thế giới, đang nhấn chìm Việt Nam vào sâu nghèo đói, trì trệ, tụt hậu, Tướng Trần Độ, nguyên uỷ viên trung ương đảng bị kỷ luật khai trừ đảng.

Một tổ chức dân sự hợp pháp là Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng (Hội NDUHĐ&NNCTN) đang công khai làm thủ tục thành lập, Đại tá Phạm Quế Dương, một trong bốn người khởi xướng, vận động thành lập hội liền nhận án tù.

Để kỷ luật khai trừ đảng với nhà tư tưởng Trần Độ, Đảng Cộng sản phải dàn dựng tạo ra chứng cứ sinh hoạt không lành mạnh cho ông tướng già. Để tống tù Đại tá nghỉ hưu Phạm Quế Dương, công an nhà nước cộng sản phải biến tờ giấy mỏng manh, chỉ có một trang chữ viết tay ghi tên hơn chục người dân tham gia Hội NDUHĐ&NNCTN thành “tài liệu có nội dung xuyên tạc đường lối chủ trương chính sách của đảng và nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hội Nhân dân chống tham nhũng đã được nguyên Viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính cùng nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an, Đại tá nghỉ hưu Lê Hồng Hà bàn tính từ năm 1998. Sáng kiến lập Hội Nhân dân chống tham nhũng của hai lão thành dân chủ được giới đấu tranh dân chủ hưởng ứng tích cực tất nhiên không thoát khỏi antel giám sát dày đặc của bộ máy an ninh nhà nước cộng sản và không khỏi làm cho nhà nước độc tài cộng sản thấy bất an. 

Chỉ những kẻ nắm quyền lực đảng, nhà nước cộng sản mới có thể tham nhũng. Chức càng cao, quyền càng lớn, tham nhũng càng bẫm. Đảng Cộng sản cầm quyền đã thực sự là tập đoàn tham nhũng tạo ra quốc nạn tham nhũng khủng khiếp như nguyên Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Nhơn đã chỉ ra:

Quốc nạn chất chồng lên quốc nạn,

Hiệu ứng lan truyền cấp số nhân.

Đảng chính trị nhuốm màu băng đảng,

Loạn kiêu binh, tặc tử, gian thần.

Đảng và nhà nước tham nhũng bày đặt ra cơ quan chống tham nhũng chỉ để thanh trừng phe cánh trong đám quyền lực và loại bỏ những con bài đã thối, những kẻ đã rành rành lòi mặt tham nhũng làm lộ bộ mặt tội lỗi của đảng cầm quyền, gây phẫn nộ trong lòng dân. Tức nước vỡ bờ, kẻ tham nhũng lộ liễu không bị trừng trị có thể dẫn đến bão táp cách mạng nhân dân.

Tham nhũng là hệ quả tất yếu của nhà nước độc tài, làm sao nhà nước độc tài có thể chống tham nhũng?! Cơ quan chống tham nhũng của nhà nước đó chỉ là một hình thức mị dân mà thôi. Còn Hội Nhân dân chống tham nhũng thì khác. Tham nhũng dù quyền uy, tinh vi đến đâu cũng không che giấu, mua chuộc, uy hiếp được dân. Dân sẽ thẳng thừng lôi tất cả lũ sâu dân mọt nước ra công luận để dư luận lên án và buộc pháp luật phải trừng trị sẽ là cuộc công phá dữ dội vào nhà nước độc tài và tham nhũng, sẽ là nguy cơ bùng nổ sức mạnh nhân dân quét phăng chính quyền độc tài tham nhũng. Nguy cơ đó phải diệt trừ từ mầm mống.

Cuối tháng Tám năm 2001, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê từ Sài Gòn ra Hà Nội. Sau khi gặp hai lão thành dân chủ Hoàng Minh Chính và Lê Hồng Hà, ngày 2.9.2001 nhà Hán Nôm học Trần Khuê đến 37 Lý Nam Đế, cạnh kinh thành cổ Thăng Long Hà Nội gặp Đại tá Phạm Quế Dương, triển khai ý tưởng của hai lão thành dân chủ.

Trần Khuê kém Phạm Quế Dương năm tuổi nhưng mái tóc dày bồng bềnh đã bạc trắng như mây trời. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Thượng tá Phạm Quế Dương là Trưởng phòng Tuyên huấn quân khu Hai, lặn lội khắp những cánh rừng Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, tóc ông lả tả rụng như lá rừng mùa thu, giờ chỉ còn lớp mỏng manh, mơ hồ. Hai mái tóc, một bạc trắng, một lơ thơ kề cận bên nhau. Hai nỗi niềm với dân với nước bàn tính vạch ra hình hài đầu tiên của bản thiết kế Hội Nhân dân chống tham nhũng như sau:

Tên gọi: Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng (Hội NDUHĐ&NNCTN)

Hội trưởng: Nhà triết học Hoàng Minh Chính

Hội phó thứ nhất, thường trực phía Bắc: Đại tá Phạm Quế Dương, Hà Nội

Hội phó thứ hai, thường trực phía Nam: Nhà Hán Nôm học Trần Khuê, Sài Gòn

Phạm Quế Dương đảm nhiệm làm thủ tục đăng ký với chính quyền. Hội được chính quyền công nhận sẽ chính thức đi vào hoạt động. Ngày chính quyền ký công nhận hội là ngày thành lập hội.

Năm ngày sau khi gửi văn bản đến các cơ quan quản lý nhà nước xin đăng ký hoạt động cho Hội NDUHĐ&NNCTN, Đại tá Phạm Quế Dương nhận được giấy của Bộ Công an mời làm việc. Suốt một tuần, một nhóm an ninh gầm gừ truy hỏi, hạch sách về nguyên cớ, mục đích, tài chính, con người, lực lượng và hệ thống tổ chức của hội ở trong nước và ngoài nước.

Đám an ninh đặc biệt riết róng, săm soi nguồn tài chính và hệ thống tổ chức của hội ở nước ngoài. Hội phó thường trực phía Bắc, Đại tá Phạm Quế Dương phải nói đi nói lại với họ rằng tham nhũng diễn ra trong nước thì Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng chỉ cần có mặt trong nước thôi, cần gì có mặt ở nước ngoài. Hội ra đời từ trách nhiệm công dân thì trách nhiệm công dân của gần trăm triệu người dân Việt Nam, nguồn lực trong dân sẽ bảo đảm cho mọi hoạt động của hội. Nhưng vẻ mặt đám an ninh vẫn rất căng thẳng.

Đọc đi đọc lại điều 69 Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”, các từ [người dân] “có quyền” lặp đi lặp lại tới ba lần trong điều 69 Hiến pháp chỉ gồm ba mươi mốt từ càng củng cố niềm tin cho những người khởi xướng thành lập Hội NDUHĐ&NNCTN đinh ninh rằng đã là quyền của người dân thì người dân đăng ký sử dụng quyền của mình chỉ là thủ tục hành chính ở cơ quan tổ chức chính quyền.

Nhưng cơ quan tổ chức chính quyền nhận văn bản đăng ký hoạt động của Hội NDUHĐ&NNCTN cứ im re. Còn cơ quan sức mạnh chỉ là công cụ bạo lực nhà nước không liên quan đến hội hè dân sự lại mau mắn nhảy xổ vào cuộc. Đám an ninh mặt lừ lừ, giọng gầm gừ cật vấn, tra hỏi một công thần của nhà nước cộng sản, một công dân lương thiện đầy trách nhiệm công dân như hạch sách tra hỏi một tội phạm.

Xác định Hội NDUHĐ&NNCTN vô cùng cần thiết khi tham những như những trận bão lũ triền miên đang cuốn phăng, nuốt chửng mọi nguồn lực của đất nước, và Hội ra đời, hoạt động hoàn toàn trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, không có gì sai trái, những người sáng lập hội không bỏ cuộc, chỉ nhắc nhau kiên trì, thận trọng, kín kẽ hơn và cần có thời gian tìm đến với người dân, được đông đảo người dân hưởng ứng, hội mới có lý do và sức mạnh tồn tại.

Nhưng luật pháp nhà nước cộng sản chỉ để trị dân. Điều 4 Hiến pháp đã cho đảng cộng sản đứng ngoài và đứng trên Hiến pháp thì đám công cụ bạo lực chuyên chính vô sản của đảng cứ ngạo nghễ xé toạc mọi luật pháp.

P.Đ.T.

Đón đọc: Kỳ 3 – Mười chín tháng tù vì thực hiện quyền công dân được bảo đảm tại điều 69 Hiến pháp 1992

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Phạm Quế Dương. Bookmark the permalink.