Nguyễn Ngọc Chu
1. AI SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ PHẢI CHỈ ĐỊNH THẦU?
Chính phủ cho phép Bộ trưởng GTVT và người có thẩm quyền áp dụng hình thức chỉ định thầu cho 12 gói thầu dài 729 km đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đây là điều chưa có tiền lệ. Lý do không đấu thầu là vì đấu thầu sẽ kéo dài thời gian thêm 3, 4 tháng. Quyết định của Chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ trưởng GTVT (https://dangcongsan.vn/…/chinh-phu-dong-y-chi-dinh-thau…).
Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông có kế hoạch xây dựng đã cả chục năm, tại sao đến lúc này vẫn không kịp 3, 4 tháng để đấu thầu?
Nếu các công ty tư nhân như Vingroup mà làm việc theo kiểu Bộ GTVT thì làm sao có thể triển khai sản xuất xe thương mại Vinfast trong vòng chưa đầy 2 năm?
Ai sẽ chịu trách nhiệm về phải chỉ định thầu? Vì chỉ định thầu theo cách hiện hành không thể tránh khỏi giá cao hơn giá thực.
2. NHANH HƠN 3, 4 THÁNG ĐỂ MẤT ĐI 3, 4 CHỤC NGÀN TỶ ĐỒNG THÌ CÓ NÊN LÀM KHÔNG?
12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trên các cung đường Bãi Vọt (Hà Tĩnh) – Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau dài 729 km, 4 làn xe, có dự toán ban đầu (không kể chi phí giải phóng mặt bằng) do Chính phủ trình Quốc hội lên đến 146 990 tỷ đồng, bình quân 201,6 tỷ đồng/km. Theo Kiểm toán Nhà nước, sau khi rà soát giảm xuống còn 130 605 tỷ đồng (88,8%), tương ứng 179,1 tỷ đồng/km.
Giá thành 179,1 tỷ đồng/km (không kể chi phí giải phóng mặt bằng) là rất cao.
Giá thành xây dựng đường giao thông của nước ta cao hơn nhiều so với các nước. Như đường sắt Cát Linh – Hà Đông lên đến 66,8 triệu USD/km, trong khi tuyến đường sắt Vientiane – Boten dài 414 km của Lào tốc có độ 150 km/h chở khách và 120 km/h chở hàng chỉ có giá thành 14,25 triệu USD/km (mà đây cũng là chưa phải giá xây dựng thực).
Nhân đây xin viện dẫn lại một trường hợp cụ thể trong quá khứ để rút ra cách hành xử trong xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam hiện nay.
Ngày 20/11/2013 ông Tạ Quyết Thắng, TGĐ Công ty TNHH Sơn Trường đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện. Trong đó chỉ ra cụ thể giá thành tính theo m2 của cầu bắc qua sông Bạch Đằng, cửa Nam Triệu:
“Phần cầu, phương án của Sơn Trường là 8 triệu đồng/m2 nếu bỏ thông thuyền và 30 triệu đồng/m2 nếu có 2 khoang thông thuyền giống như thiết kế của Bộ GTVT. Trong khi đó, của Bộ GTVT là 115 triệu đồng/m2. Thứ tự chênh lệch là 14 lần và 3,83 lần”.
“Phần trên bờ (gồm 3,35 km cầu dẫn và 10,2 km đường dẫn): Phương án của Bộ GTVT 22,6 triệu đồng/m2, phương án của Sơn Trường đưa ra là 7,2 triệu đồng/m2 đã có đường bộ vượt 2 đường sắt ở đây. Mức chênh lệch là 3 lần”.
Nhưng cuối cùng thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn quyết định theo phương án đắt đỏ gấp nhiều lần của Bộ GTVT! Cho dù ông Tạ Quyết Thắng đã cất lên những lời gan ruột: “Không phải chỉ cá nhân như chúng tôi mà dư luận và công chúng đều mong đợi Thủ tướng xem xét lại dự án Tân Vũ – Lạch Huyện để hạ tổng mức đầu tư vì đây là vốn vay quá tốn kém, con cháu chúng ta vừa phải trả nợ vừa oán trách thế hệ chúng ta”.
Bỏ đấu thầu, chưa chắc đã cắt ngắn thời gian xây dựng được 3, 4 tháng như dự báo của Bộ GTVT, nhưng chịu đắt đỏ lên nhiều chục ngàn tỷ đồng (có thể đến 3, 4 chục ngàn tỷ đồng) là điều chắc chắn. Để nhanh hơn 3, 4 tháng mà mất đi 3, 4 chục ngàn tỷ đồng thì có nên không?
3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỈ ĐỊNH THẦU SÁT GIÁ?
Chỉ định thầu như Nhà nước đã từng làm trong xây dựng đường giao thông không bao giờ sát giá. Bằng chứng cụ thể là Bộ KHĐT đã thẩm định giá 146 990 tỷ đồng để Chính phủ trình Quốc hội, nhưng Kiểm toán Nhà nước đã cắt đi 16 330 tỷ đồng, chỉ còn 130 605 tỷ đồng. Con số này vẫn còn quá cao. Nếu để các giám đốc các công ty xây dựng tư nhân đánh giá, tương tự như trường hợp công ty Sơn Trường trong dự án Tân Vũ – Lạch Huyện nêu trên, thì tổng chi phí dự báo sẽ không vượt quá 100 ngàn tỷ đồng.
Chính phủ đã quyết định chỉ định thầu. Vậy làm thế nào để chỉ định thầu sát giá?
ĐỀ XUẤT
Các cơ quan thẩm định giá của Nhà nước, như thực tiễn nhiều chục năm đã chứng minh, và nóng hổi nhất là giá thiết bị y tế phòng chống Covid -19, luôn thẩm định giá cao hơn giá thực tế phải mua. Không có cách nào để sửa chữa khuyết tật này nếu chỉ dựa vào các cơ quan thẩm định giá của Nhà nước. Vì sao thì ai cũng rõ.
Bởi vậy, nên trả một khoản tiền, chẳng hạn 0,5% giá trị tổng thầu cho 12 nhóm chuyên gia tư nhân độc lập để xác định sát giá cho 12 gói thầu nêu trên. Vấn đề là chọn những chuyên gia tư nhân độc lập nào? Và làm thế nào để tin chắc rằng, không ai trong số các chuyên gia đó bị “tác động”?
Dầu sao, nhờ các nhóm chuyên gia tư nhân độc lập tư vấn, không xác định đúng 100 % giá thành mà cho biên độ 105% giá thành, thì cũng giảm được nhiều chục ngàn tỷ đồng.
Thiết nghĩ, mục tiêu hoàn thành 729 km đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đúng thời hạn năm 2025 không quan trọng bằng chi phí đúng giá. Không chỉ có một cách xác định gần đúng giá như vừa nêu trên. Còn có những cách khác nữa để xác định sát giá. Chỉ có điều là ai sẽ cầm chịch.
Đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng bày tỏ trong phiên thảo luận chiều ngày 06/01/2022 của Quốc hội:
“Việc làm cao tốc Bắc – Nam, kể cả những đoạn đang dở dang, đặc biệt là 746 km còn lại là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước. Mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với các cơ chế giám sát một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình”(https://laodong.vn/…/thuc-hien-cac-du-an-duong-cao-toc…).
Không biết mong muốn của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thành hiện thực hay không trong sự chỉ định thầu này?
Không biết còn bao nhiêu lời gan ruột như ông TGĐ Công ty Sơn Trường bị lãng quên?
N.N.C.
Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu