Từ Bái Đính đến Tam Chúc, và… hay chân dung một bạch tuộc trưởng giả

Phạm Lưu Vũ

Từ đâu mà giang sơn gấm vóc bị một thiểu số liên kết với nhau để cắt xén từng vạt từ 5,7 héc ta đến 3,4 ngàn héc ta, thậm chí 2,3 chục ngàn héc ta? Đó là từ “sở hữu toàn dân”.

Nhân danh phát triển kinh tế, lấy cả trăm ngàn héc ta đất để làm dự án, đã không tránh khỏi lãng phí, vì la liệt khắp nơi đất hoang hoá nằm chờ dự án cả chục năm mà chưa thấy tăm hơi. Lại còn tai vạ hơn khi cả ngàn héc ta đất được phân chia cho buôn thần bán thánh.

Tín ngưỡng là điều thiêng liêng. Nhưng buôn thần bán thánh, xô đẩy hàng triệu người lạc lối vào mê tín là tội lỗi.

Một dân tộc mà số đông lạc lối vào mê tín sẽ không tránh được đại hoạ.

Đã đến lúc phải thức tỉnh.

Nguyễn Ngọc Chu

Năm 2014, Xuân Trường đã dùng Đại lễ Phật Đản quốc tế để quảng bá cho Bái Đính, như một sự “nghiệm thu” tâm linh, để từ đó đến nay, Bái Đính khổng lồ, nơi lầu các của chư tăng, chốn bồng lai của quan chức, chỗ cúng tiền, hành xác của khách thập hương… đã trở thành cỗ máy in tiền không phải đóng thuế của doanh nghiệp. Xuân Trường, kẻ rất giỏi biến giang sơn cẩm tú của đất nước thành vườn riêng nhà mình, để xây la liệt những chùa chiền, tùng lâm, điện các… thực chất là trục lợi trên tâm linh, là hủy hoại Phật Pháp, là biến dạng Tam Bảo và làm hổ lốn tín ngưỡng…

Năm nay Xuân Trường cũng sử dụng Đại lễ Phật Đản quốc tế (Vesak 2019) để rầm rộ quảng bá và “nghiệm thu” Tam Chúc, một “tùng lâm” còn mênh mông hơn Bái Đính, vì chiếm dụng giang sơn đã lên tới 4000 ha, kệch cỡm hơn Bái Đính, vì tham vọng đã vươn tới thiên thạch, đáng sợ hơn Bái Đính, vì đã biến một bộ phận Phật Giáo quốc tế, quốc nội thành công cụ quảng cáo cho mình.

Biển bạc đã trở thành quá khứ, rừng vàng đang biến mất dần dần. Chưa dừng lại ở đây, con bạch tuộc Xuân Trường đã thò cái vòi xôi thịt của mình ra Hồ Núi Cốc, phả hơi đồng ra nhòm ngó thắng cảnh chùa Hương… Muốn nhập nhèm trộm làm Đại trưởng giả của Phật Giáo, như Ngài Tu Đạt Đa, như Thái tử Kỳ Đà, như Úc Già Trưởng Giả ngày xưa đây. Vậy hãy lấy bốn nhiếp sự của Đức Phật dạy các đệ tử tại gia ra, xem ông ta “hành” như thế nào?

Nhiếp sự là nguyên tắc hành đạo của đệ tử tại gia. Bốn nhiếp sự gồm: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Bốn nhiếp sự ấy là cỗ xe chuyên chở cả thế gian, hẹp thì duy trì Tăng đoàn, rộng thì hòa hiệp đại Chúng, rộng nữa thì lợi ích cho tất thảy chúng sinh…

Thứ nhất Bố thí, là đem của cải của mình ra cúng dường Tam Bảo, là bố thí không phân biệt cho mọi chúng sinh, tất cả đều phải bằng của cải của mình. Nay Xuân Trường xây chùa bằng tiền của dân, làm đường bằng vốn nhà nước, dùng đủ mọi thủ đoạn để chiếm đoạt ngân sách, chỉ riêng dự án nạo vét sông Sào Khê, từ 72 tỷ đồng nâng lên thành 2.600 tỷ đã đủ nói lên điều đó. Chưa kể những việc quy hoạch, làm hạ tầng xung quanh… đều do nhà nước bỏ tiền, để phục vụ cho Bái Đính, Tam Chúc… để Xuân Trường kinh doanh, móc túi khách hành hương, bất kể kẻ viếng chùa hay người đi du lịch. Thế khác nào ăn cắp để cúng dường, thì còn gọi là “bố thí” nữa hay không?

Thứ hai Ái ngữ, là hành khẩu nghiệp bằng cách nói lời thân thương, an ủi đồng loại, tán thán người thiện, lên án kẻ ác… Là hướng đạo cho kẻ ngu si, thuyết pháp cho người loạn trí, giảng đạo lý cho lũ quan tham… Xuân Trường đã thực hiện một tí ti món “nhiếp sự” này bao giờ chưa? Than ôi, một người chuyên toa rập với quan trường để chiếm đoạt đất đai, để đục khoét ngân sách… thì thân lúc nào cũng hiện lên tướng con buôn, tâm lúc nào cũng toát ra mùi gian trá… làm sao có thể thốt ra nổi một lời tử tế, nói gì đến Ái ngữ, đạo lý…

Thứ ba Lợi hành, là làm những việc tốt, chỉ những việc tốt có lợi cho mọi người, có lợi cho đất nước, cho tất thảy nhân loại, chúng sinh… Không quản cứu giúp bất kỳ ai gặp nạn, sẵn sàng dẫn mọi kẻ ác ra khỏi nghiệp địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Người chưa tin thì thị phạm cho tin, người tin rồi thì làm cho đức tin bền chắc, kẻ phá giới thì tìm phương tiện ngăn chặn, người keo kiệt thì khuyến khích thí xả, hạng tham, sân thì hóa độ tùy duyên… Chao ôi, kể ra những điều này mà nghĩ đến những việc làm của Xuân Trường, thì trăm điều chưa chắc đã có lấy một, thậm chí toàn thấy ngược lại, nói chi đến cái sự “lợi hành”.

Thứ tư Đồng sự, là đoàn kết tăng đoàn thì Xuân Trường xây lầu vàng, điện ngọc khiến các sư tranh nhau, là bình đẳng xã hội thì Xuân Trường chỉ làm tăng khoảng cách giầu nghèo, đẩy dân ra khỏi những nơi chôn rau cắt rốn của mình. Là hỗ trợ ngũ giới thì nhìn vào Xuân Trường, chỉ thấy khuyến khích ngũ dục, là hướng tới các quả thánh đạo, Bồ Đề thì nhìn vào Xuân Trường, chỉ thấy cắm ngược đầu vào chỗ phàm phu. Là nhân cách giản dị, giúp mọi người cùng thăng hoa đạo pháp thì Xuân Trường dùng sự khuếch trương, lòe loẹt, hổ lốn và phi pháp, khiến ai cũng nổi cơn ghen tị, tranh giành…

Chỉ cần hành trì một cách nghiêm cẩn bốn nhiếp sự nói trên của đệ tử tại gia, đã đủ khiến các vị Đại Trưởng Giả thời Phật tại thế đi vào kinh điển. Hàng bạch y (tại gia) như các Ngài còn vượt xa khối đệ tử xuất gia. Nay làm ngược lại bốn nhiếp sự tới chừng ấy, thì Xuân Trường rõ ràng là hạng bạch tuộc trưởng giả rồi còn gì.

P.L.V.

Nguồn: FB Phạm Lưu Vũ

This entry was posted in Buôn thần bán thánh, Phật giáo. Bookmark the permalink.