Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng lên Campuchia như thế nào

15/02/2022

Brice Pedroletti(đặc phái viên Le Monde ở Dara Sacor, Campuchia)
Nguyễn Huệ Chi dịch và chú thích

PHÓNG SỰ: Các thành phố, khu công nghiệp, căn cứ quân sự… vương quốc ghi nhận một sự cuồng nhiệt hối hả của những công trình xây dựng [ăn nhịp] cùng với những “con đường tơ lụa mới”.

Đó là một con đường rộng rãi và bốn làn xe mỗi bên nhưng không có vạch chia làn, xuyên qua khu rừng nhiệt đới khoảng 80 km, trước khi rẽ ngoặt về phía một bờ biển cát trắng, nơi ta có thể phân biệt được địa hình của sân gôn và một khu phố mang phong cách Châu Âu. Đây là Dara Sakor – “đại dương đầy sao” trong tiếng Khmer. Khu đất rộng 380 kilômét vuông này được cắt ra từ một công viên quốc gia kéo dài từ dãy núi Cardamom (1) đến Vịnh Thái Lan, vào năm 2008, dưới hình thức nhượng quyền sở hữu chín mươi chín năm, được cấp cho một công ty tư nhân Trung Quốc – Union Development Group ( UDG), một tập đoàn bất động sản ở Thiên Tân, thành lập vào năm 1995.

Qua trạm kiểm soát, ta phát hiện ra sòng bạc Rồng Bay (2), mà những dải ruy băng đỏ ở lối vào giúp nhớ lại lễ khánh thành vừa mới gần đây, vào ngày 18 tháng 11 năm 2021, với khu “duty free” [buôn bán miễn thuế] ngay bên cạnh. Dịch xuống vài kilômét về phía nam, một sân gôn khác và một khách sạn “kiểu Pháp”. Một đường băng bằng latêrit, xa hơn 20 kilômét, dẫn đến sân bay quốc tế Dara Sakor tương lai mà nhà ga đang trên tiến độ hoàn thành. “Hai tỷ đô la [1,8 tỷ euro] đã được đầu tư vào đây kể từ năm 2008. Trong ba mươi năm nữa, ba triệu người sẽ sống ở Dara Sakor” – lời Jiang Lu, chàng trai Trung Quốc điều hành một phòng trưng bày sang trọng tại chỗ, đại diện cho Tập đoàn Phát triển thành phố duyên hải, một công ty con của UDG.

Con đường mới đảm bảo giao thông cho Dara Sakor ở Campuchia, vào ngày 20 tháng 12 năm 2021. Ảnh: Philong Sovan cung cấp cho Le Monde.

Sòng bạc Rồng Bay và một khu dân cư rộng lớn “phong cách châu Âu”. Ảnh: Philong Sovan cung cấp cho Le Monde.

Trên một mô hình khổng lồ, ta nhận ra tại vị trí trung tâm, thành phố Dara Sakor và “khu phố kinh doanh” của nó; về phía đông, một khu hậu cần (3) cũng như một “thành phố thương mại quốc tế” và một bến cảng côngtenơ; và xa hơn về phía tây, một “thành phố của tương lai” dành riêng cho công nghệ cao và một sự phân lô hình những cánh hoa nổi lên giữa một hồ nước. Thêm vào tất cả những dự án này còn có một cảng cho tàu 100.000 tấn và một “thành phố y tế”, với bệnh viện và những khu nhà nghỉ. “Dara Sakor kéo dài hơn 90 km đường bờ biển, chiếm 1/5 toàn bộ bờ biển Campuchia [435 km]!” – Jiang Lu tự hào giải thích.

“Chúng tôi không thể chờ đợi”

Quan tâm của Trung Quốc đối với miền nam Campuchia không phải là không liên quan đến kinh tế: đó là giải tỏa các địa điểm quá đông đúc của thủ đô Phnom Penh, và của trung tâm du lịch Siem Reap, nơi có ngôi đền Angkor Wat. Với Dara Sakor, ta tưởng như đang chứng kiến ​​sự ra đời của Singapore hoặc Hồng Kông, những sản phẩm do Đế chế Anh sáng tạo ở thế kỷ 19, đã trở thành các đô thị thương mại và tài chính hùng mạnh. “Nếu không có Trung Quốc, chúng tôi không thể tự mình phát triển nhanh đến như vậy. Không ai có thể chờ đợi được. Phương Tây vẫn không ngừng lên tiếng về nhân quyền, về dân chủ, nhưng người ta đang lăn xe trên những con đường của Trung Quốc!” – từ Phnom Penh, Kin Phea, Tổng Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, lên tiếng phản ứng.

Công thức thì khắp mọi nơi đều thống nhất: kiến tạo các khu dân cư và khu du lịch cho người Trung Quốc (2 triệu người trong số họ đã đến thăm đất nước này vào năm 2019), tích hợp các sòng bạc, nằm xung quanh các khu kinh doanh và các cơ sở hạ tầng hậu cần (3). Mặc dù Covid-19 và vắng mặt khách du lịch, các máy xúc đang sẵn sàng hoạt động.

Phnom Penh vào năm 2016 bắt đầu tham gia “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc – “Sáng kiến Vành đai và Con đường​​”(BRI) trong tiếng Anh, một dự án khổng lồ về liên kết hàng hải và đường sắt giữa Trung Quốc và Châu Âu. Năm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Campuchia. Kể từ đấy, hàng chục dự án cơ sở hạ tầng sắp ra đời hoặc đã xuất hiện, đều nhận được nhãn hiệu “BRI”. Năm 2019, Dara Sakor trở thành một trong 19 “dự án trọng điểm” của những “con đường tơ lụa” ở Campuchia, dưới sự chỉ định chính thức là “khu thí điểm đầu tư và phát triển toàn diện giữa Campuchia và Trung Quốc”. Nằm cách bốn mươi kilômét theo đường chim bay là thành phố cảng Sihanoukville mà vào năm 2021, cả một tỉnh [mang chung tên đó] đã được chỉ định là “đặc khu kinh tế”, theo mô hình Thâm Quyến, Trung Quốc.

Một mô hình đại diện cho một quận của thành phố tương lai Dara Sakor, ở Campuchia, vào ngày 20 Tháng 12 năm 2021. Ảnh: Philong Sovan cung cấp cho Le Monde.

Cơn sốt hối hả xây dựng này ở Dara Sakor đã có tác dụng cảnh báo Washington về các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh trên đoạn bờ biển nằm giữa Thái Lan và Việt Nam: UDG đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump trừng phạt vào tháng 9 năm 2020, trên danh nghĩa “những cuộc trục xuất bắt buộc đối với người Campuchia” và “những suy thoái về môi trường” gây ra bởi việc xây dựng khu kinh tế. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lấy cớ về những “thông tin đáng tin cậy” mà Dara Sakor “có thể đã được sử dụng” để tiếp nhận các phương tiện quân sự [Trung Quốc], vì lý do hải cảng và sân bay của nó.

Đường băng của sân bay dài 3,4 kilômet đủ nhìn thấy một chiếc Boeing 777 hạ cánh. Logic đối với “thành phố toàn cầu của du lịch sang trọng và công nghệ cao” tương lai này – theo một tờ quảng cáo – thực tế cũng là sự phù hợp cho đủ loại máy bay tiêm kích hoặc máy bay ném bom của Trung Quốc. “Trong trường hợp xung đột, Trung Quốc có thể “bay ngang dọc” khắp bầu trời Việt Nam bằng máy bay ném bom và máy bay tiêm kích, cất cánh từ Dara Sakor và hạ cánh trên đường băng của Trung Quốc ở Biển nam Trung Hoa, trên bãi đá Chữ Thập, đảo Phú Lâm hoặc đảo đá Xu Bi, trước khi khởi động bay trở về” – Drake Long, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại, trên trang mạng The Diplomat năm 2020, khi nói tới các hòn đảo và đá ngầm ở Biển Đông được Trung Quốc cải tạo thành căn cứ quân sự, đã viết như trên.

“Cạnh tranh với sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ”

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc triển khai “phương tiện quân sự” của Trung Quốc ở Campuchia. Tuy nhiên, “Campuchia là chỗ dựa chính trị hàng đầu của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Nó có mọi lợi ích trong việc định vị chiến lược của mình liên quan đến các xung đột ở Biển Đông, và sau hết để cạnh tranh với sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực – nhà địa lý học Gabriel Fauveaud (4), một chuyên gia về Campuchia tại trung tâm Nghiên cứu Châu Á từ Đại học Montreal ước đoán như vậy. Vậy thì, nó có thể đang trong quá trình thử nghiệm các hình thức đối tác quân sự mới và đảm bảo các lợi ích chiến lược của nó” [tác giả in nghiêng].

Một bến tàu được xây dựng cho một trong những cảng nước sâu trong tương lai của Dara Sakor, đối diện với Đảo Vua, Campuchia, ngày 20 tháng 12 năm 2021. Ảnh: Philong Sovan cung cấp cho Le Monde.

Người Mỹ cũng rất quan tâm đến những cải tạo bí ẩn trên căn cứ hải quân Ream (5) của Campuchia, cách Sihanoukville 25 kilômét về phía đông nam: hai nhà chứa máy bay “chiến thuật” xưa kia từng được Hoa Kỳ biếu tặng đã bị người Campuchia phá bỏ vào năm 2020. Năm vừa qua, Washington đã tiết lộ rằng một thỏa thuận bí mật đã cho phép Trung Quốc tiếp cận Ream.

Viện trợ không rõ ràng của Bắc Kinh

Ẩn mình sau cánh cổng, căn cứ [hải quân này] tiếp nhận các tàu tuần tra do Bắc Kinh tặng vào năm 2007. Diện tích của nó gồm 19.000 mét vuông, gấp hơn hai lần căn cứ quân sự Djibouti của Trung Quốc (9.000 mét vuông). Năm 2016, một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, Công ty cổ phần Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC), đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Quốc phòng Campuchia về việc mở rộng “căn cứ hải quân quân sự”: Trang web MCC thông báo một hầm tàu khô 5.000 tấn, một ụ cơ khí 1.500 tấn, một khoang lộ thiên, một cửa hàng sửa chữa, và gần 2 hectar đất cải tạo từ biển. Đây có phải là dự án đang diễn ra? Không thể biết được.

Dù sao, cảng Ream không có đủ độ sâu để chứa những chiếc tàu lớn: vào năm 2016, trong lần dừng chân đầu tiên của các tàu chiến Trung Quốc ở Campuchia – hai tàu khu trục nhỏ Liễu Châu và Tam Á đã cập cảng Sihanoukville. Tuy nhiên, đến giữa tháng 1 năm 2022, hai tàu cuốc đã xuất hiện ngoài khơi Ream, một dấu hiệu của các cuộc đào đất trong vịnh. Washington sau đó lập tức yêu cầu Phnom Penh “hoàn toàn minh bạch” về “ý định, bản chất và tầm quan trọng của những công trình xây dựng đang tiến hành”.

Dọc theo bờ biển giữa Ream và Sihanoukville, Campuchia, ngày 19 tháng 12 năm 2021. Ảnh: Philong Sovan cung cấp cho Le Monde.

Ream thực sự được bao quanh bởi các dự án “thị trấn du lịch” của Trung Quốc. Tới mức mà, theo một nhà quan sát nước ngoài yêu cầu giấu tên, “lựa chọn hợp lý là sẽ di dời cảng của nó đến nơi khác, khi các dự án này đi vào hoạt động”. Vụng biển tiếp giáp với căn cứ Ream ở một vài trăm mét về phía tây, nhờ đó đang được làm đầy lại khoảng 8 kilômét vuông để tạo ra thành phố Ream, một “thành phố thông minh” trong tương lai. Khởi xướng nó là một người Trung Quốc 33 tuổi, Chen Zhi, quê ở Phúc Châu, thủ phủ của Phúc Kiến, đã đến Campuchia năm 2010, nhập quốc tịch Campuchia năm 2014 rồi được “phong tước” – danh hiệu danh dự của Khmer “okhna” – năm 2020, phần thưởng cho các nhà đóng góp lớn.

Nhóm của anh ta  được thành lập vào năm 2015, có Prince Holding, điều hành sòng bạc Jinbei sang trọng ở Sihanoukville, là một trong số ít các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc mà các dự án không được đóng dấu chính thức “BRI”, nhưng vẫn tìm cách tận dụng động lực đang trên dòng chảy để kiếm lợi – dù đó chỉ là để cho quay vòng nguồn thu nhập từ bất động sản và trò chơi cờ bạc.

Ở phía nam Campuchia, Trung Quốc đang chơi trò “cho tất cả mọi thứ củi gỗ vào lửa” (6), với sự trợ giúp của một dàn diễn viên cực kỳ hỗn tạp, như thể nó phải giành cho được càng nhiều mặt đất càng tốt chỉ trong một khoảng thời gian tối thiểu.

B.P.

Chú thích của người dịch:

(1) Là dãy núi nằm ở tây nam Campuchia và đông Thái Lan. Tên gọi Campuchia hiện nay là Chuor Phnom Krâvanh.

(2) Nguyên văn Longbay. Đây là tiếng Campuchia nhưng chắc có ảnh hưởng của tiếng Việt, vì thế chúng tôi tạm dịch là Rồng Bay. Ta để ý dưới các tấm ảnh đều có ghi mấy chữ Philong Sovan pour “le monde”, chúng tôi nghĩ rất có thể Philong là một người Trung Quốc mà tên người đó dịch ra tiếng Việt cũng là Rồng Bay.

(3) Dịch zone logistique là khu hậu cần thật ra chưa hoàn toàn chính xác. Theo đường link https://logistics4vn.com/logistics-la-gi thì chữ logistics tiếng Anh có nghĩa là dịch vụ thương mại, và điều 235 luật thương mại quy định: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.” Vậy khu logistics có nội hàm rộng hơn chữ hậu cần.

(4) Gabriel Fauveaud: hiện là PGS ĐH Tổng hợp Montréal, Canada, có viết một số bài về “Con đường tơ lụa Trung Quốc ở Campuchia”. Xem thêm: https://m.facebook.com/gabriel.fauveaud.5

(5) Tên chính thức là Vườn quốc gia Preah Sihanouk Ream, nằm ở phía đông nam huyện Prey Nob thuộc tỉnh Sihanoukville, bên bờ vịnh Thái Lan. Nó bao gồm 210 km2 (81 dặm vuông Anh), trong đó có 146,76 km2 (56,66 dặm vuông Anh) là diện tích đất liền và phần còn lại là khu vực biển.

(6) Nguyên văn fait feu de tout bois là một thành ngữ trong tiếng Pháp, có nghĩa là tranh thủ mọi thứ theo ý mình, sử dụng mọi khả năng, tận dụng mọi tài nguyên trong môi trường của mình để đạt được một mục đích nào đó. Chúng tôi dịch theo cách chơi chữ.

Nguồn bản tiếng Pháp do nhà nghiên cứu Hà Dương Tường cung cấp (xin được cảm ơn ông): https://www.lemonde.fr/international/article/2022/02/15/villes-nouvelles-zones-industrielles-bases-militaires-la-chine-accroit-son-emprise-sur-le-cambodge_6113702_3210.html

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Mặt thật Trung Quốc, Quan hệ Mỹ - Trung, Quan hệ Trung - ASEAN, Quan hệ Trung Việt. Bookmark the permalink.