Từ cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc 17/2/1979, nhìn về tương lai

Lê Thân

CLB Lê Hiếu Đằng

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động hai đại quân khu Quảng Tây và Vân Nam, gồm 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 60 vạn binh sĩ, 550 Xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải  và 948 máy bay  sẵn sàng phía sau (gồm 706 tiêm kích J-5, J-6, J-7; 120 tiêm kích bom J-6, Q-5 và 122 máy bay ném bom H-5, H-6).

Hải quân TQ cũng phái một lực lượng đặc nhiệm (gồm hai tàu mang tên lửa cùng ba đội tàu phóng lôi nhanh có hỏa tiễn) tới Quần đảo Hoàng Sa để phòng trường hợp Liên Xô can thiệp bằng hải quân. Không quân Trung Quốc không tham chiến trực tiếp (vì e ngại lực lượng phòng không và lực lượng không quân giàu kinh nghiệm của Việt Nam) nhưng đã có 8.500 chuyến bay trinh thám và 228 chuyến bay trực thăng vận tải.

Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.

Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.

Sau hơn 20 ngày tiến quân xâm lược VN, Trung Quốc đã thương vong 30.000 nhân mạng, mất nhiều xe tăng, pháo, phương tiện cơ giới, buộc phải rút quân.

Tuy nhiên cuộc xâm lược của TQ còn kéo dài cả trên bộ, trên biển với mục đích chiếm đất, chiếm đảo, làm suy yếu VN. Thực chất cuộc chiến tranh xâm lược đó đến nay còn đang diễn biến dưới nhiều hình thức.

Khi ĐCSVN trở thành một bộ phận của Quốc tế CS thì TQ chỉ đạo tiến hành “Cải cách ruộng đất” giết hại 183.000 người, thực chất là nhằm tiêu hao lực lượng người VN yêu nước. Khi VN chiến thắng Pháp ở Điện Biên Phủ buộc Pháp thua cuộc rút quân thì TQ bắt tay tự thỏa thuận với Pháp, bắt ép VN ký Hiệp định Genève chia đôi đất nước, biến Miền Bắc VN thành phên giậu phía Nam TQ và giữ VN luôn phụ thuộc TQ. Khi biết VN sẽ thắng trong cuộc chiến tranh với Mỹ thì TQ tăng cường viện trợ VN để “VN đánh Mỹ đến người VN cuối cùng”. Vừa đẩy Mỹ sa lầy vào chiến tranh VN để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ, vừa nhận sự giúp đỡ của Mỹ để hiện đại hoá đất nước, cạnh tranh với Liên Xô lãnh đạo phong trào CS quốc tế. Thực tế năm 1972 Mỹ đã phải nhờ TQ giúp giải quyết cuộc chiến tranh VN và Mỹ đã phải đưa TQ trở thành 1 trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mặc dù trước đó TQ chưa là thành viên của LHQ. Nói chính xác, chiếc ghế thường trực HĐBA LHQ mà TQ nhận được để nâng cao vị thế chính trị trên trường quốc tế có sự góp phần bằng máu xương của mấy triệu người VN đã ngã xuống. Ngày 19/1/1974, TQ tiến công chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN. Sau 1975 TQ xúi giục Khơme Đỏ tấn công gây chiến tranh với VN ở biên giới Tây Nam với sự hỗ trợ quân sự của TQ, 1979 TQ đánh vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc VN để vừa hỗ trợ cho Khơme Đỏ vừa chứng tỏ với Mỹ “VN là kẻ thù của TQ” nhằm tiếp tục tìm sự giúp đỡ của Mỹ để hiện đại hóa đất nước và nâng cao vị thế TQ trên thế giới. 1988 TQ chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN và tiến hành thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo đó. Trước tình thế VN bị bao vây cấm vận, lại bị bào mòn sức lực bởi 2 cuộc chiến tranh do TQ thực hiện (cuộc chiến Campuchia và biên giới phía Bắc), trong khi khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu tan rã, VN buộc phải ký hiệp định Thành Đô kết thúc chiến tranh, phá thế bị bao vây cấm vận. Một hiệp định ghi dấu “thời kỳ lệ thuộc mới đã bắt đầu” (lời của Phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch). Mặc dù đã ký hiệp định nhưng TQ không ngừng xâm lược gặm nhấm biển đảo, xây dựng và mở rộng các căn cứ quân sự trên các đảo của VN mà TQ đã cướp; liên tiếp gây khó khăn trong việc khai thác dầu khí của VN, đưa giàn khoan 981 vào lãnh hải VN và gây áp lực với các công ty nước ngoài để họ không tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí với VN.

Nhận định:

  1. TQ không bao giờ từ bỏ mưu đồ Hán hóa VN để đi đến xóa sổ dân tộc và đất nước VN như đã Hán Hóa các nước xung quanh như Mông, Hồi, Mãn, Tạng.
  2. Trong khi chưa Hán hóa được thì lợi dụng xương máu của nhân dân VN dưới nhiều chiêu bài khác nhau để thực hiện việc nâng cao vị thế chính trị trên thế giới, hiện đại hóa TQ mọi mặt về kinh tế và quân sự trong mưu đồ bá chủ hoàn cầu.
  3. Luôn luôn tìm mọi cách chia rẽ nhân dân VN với thế giới, ngăn trở mọi sự hợp tác kinh tế giữa VN và cộng đồng thế giới, bằng nhiều phương thức khác nhau gặm nhắm lãnh thổ lãnh hải VN, buộc VN lệ thuộc về mặt kinh tế và chính trị .
  4. So với các nước trên thế giới thì TQ là đối tượng thâm độc nguy hiểm lâu dài đối với an nguy của đất nước VN.

Tình hình như trên có nguồn gốc từ tham vọng vươn lên thành cường quốc và bá quyền của giới cầm quyền TQ và có cả những sai lầm trong chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước VN hiện nay.

TQ là nước láng giềng, dù muốn hay không nhân dân VN cũng phải sống chung hòa bình hữu nghị với nhân dân TQ, tránh mọi cuộc xung đột với TQ nhưng đồng thời phải độc lập tự chủ không lệ thuộc. Con đường của VN hôm nay và sắp tới phải hoàn toàn khác với con đường đã qua, phải từ bỏ ý thức hệ lỗi thời lạc hậu, dân chủ hóa xã hội mọi mặt để đất nước phát triển. (Nạn tham nhũng làm đất nước suy vong. Việc chống tham nhũng vừa qua là một thất bại ai cũng thấy: càng chống, tham nhũng càng gia tăng, vì nguồn gốc tham nhũng ở VN là do thể chế chính trị). Phải dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội để có một chính quyền trong sạch vững mạnh, một nền kinh tế công khai minh bạch phát triển. Dân chủ hóa xã hội cũng đồng thời giải quyết một vấn đề cơ bản nhất của dân tộc, đó là “trồng lại người”. Thay vì chạy theo đồng tiền và quyền lực như tình trạng phổ biến hiện nay, người Việt Nam phải trở về đời sống của con người nhân bản, khai phóng, dân tộc. Giáo dục phải tạo thế hệ mới với những công dân văn minh, thân thiện, khiêm tốn trong xã hội phát triển. Cũng tránh kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tạo nền tảng sống chung hòa bình phát triển cùng với các dân tộc khác.

Dân chủ hóa xã hội VN là điều kiện tiên quyết đồng thời là quyết sách chiến lược để VN từng bước lấy lại những gì đã mất, bảo vệ biên cương, lãnh hải, lãnh thổ của tổ quốc, đồng thời cũng là để thúc đẩy TQ dân chủ hóa xã hội, để hai nước cùng sống chung hòa bình lâu dài.

Saigon, 17 tháng 2 năm 2022

L.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quan hệ Việt - Trung. Bookmark the permalink.