Phá rừng đặc dụng để làm đường Trường Sơn Đông

Nguyễn Cảnh

Trong vòng 2 tháng, Ban quản lý dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã tự ý mở đường Trường Sơn Đông (đoạn qua Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà) với diện tích hàng nghìn m2 đất rừng đặc dụng mà chưa được chuyển mục đích sử dụng.

Hàng nghìn m2 đất rừng đặc dụng của tỉnh Lâm Đồng đã bị thiệt hại trong quá trình tự ý mở đường phục vụ dự án đường Trường Sơn Đông (ảnh minh họa)

Theo kiểm tra hiện trường thi công đoạn đường Trường Sơn Đông (đoạn tuyến còn lại đi qua tỉnh Lâm Đồng) thuộc huyện Lạc Dương do Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng (đơn vị chủ đầu tư) thực hiện, tổng chiều dài tuyến đường đã mở 3.321m, bề rộng đường trung bình khoảng 4m.

Trong đó, ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (ngoài quy hoạch lâm nghiệp) khoảng 9.000m2 và nằm ngoài ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (thuộc đất rừng đặc dụng) khoảng 4.270m2.

Ngoài ra, ghi nhận 2 vị trí san ủi khác với tổng diện tích 8.300m2 (trong đó, phần diện tích nằm ngoài ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (thuộc đất rừng đặc dụng) là 1.000m2).

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện trường đã bị đào bới, san lấp, rà sửa và đã hình thành tuyến đường (ô tô có thể đi được); mức độ thiệt hại về rừng là 100%, quan sát dọc theo tuyến đường thì hiện chỉ còn lại rải rác một số cây rừng bị san ủi, múc bật gốc, bị đất đá san lấp bên mép đường.

Ngoài ra, BQL dự án 46 (Bộ Tổng Tham mưu) đã tự ý mở đường gây thiệt hại đến tài nguyên rừng khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, và chưa có quyết định cấp phép khai thác tận dụng lâm sản của cơ quan có thẩm quyền là không đúng quy định.

Trong quá trình thi công (tự ý mở đường), BQL dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu đã thi công ra ngoài phạm vi, ranh giới thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng trên diện tích đã chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông. Thời gian thực hiện mở đường khoảng từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2021.

Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo BQL dự án 46 đình chỉ ngay việc thi công công trình đường Trường Sơn Đông đoạn còn lại đi qua tỉnh Lâm Đồng trên diện tích rừng chưa được quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng để điều tra, xác minh, xử lý các sai phạm trong việc thi công công trình đường Trường Sơn Đông trên rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Dự án đường Trường Sơn Đông được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc (tại Thông báo 31/TB-VPCP ngày 25/2/2005 của Văn phòng Chính phủ). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 916 (tháng 5/2015) về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015, trong đó có bố trí vốn cho dự án đường Trường Sơn Đông để thông tuyến toàn bộ các đoạn dở dang thuộc tỉnh Quảng Nam và tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi được Thủ tướng đồng ý tiếp tục triển khai năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho BQL dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu để xây dựng đường Trường Sơn Đông.

Tháng 3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng đường Trường Sơn Đông đoạn còn lại thuộc địa bàn tỉnh gửi Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, thống nhất chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà để thực hiện đoạn đường Trường Sơn Đông còn lại.

Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của cơ quan có thẩm quyền.

Dự án do Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, mục tiêu xây dựng tuyến quốc lộ mới chạy dọc phía Đông Trường Sơn kết nối liên thông các mạng đường ngang của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên cả nước.

Tuyến đường đi qua địa phận 7 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đak Lak và Lâm Đồng. Hình thức đầu tư là xây dựng mới và cải tạo nâng cấp. Nội dung chính và quy mô điều chỉnh bổ sung gồm một số yếu tố liên quan về kỹ thuật thiết kế áo đường, kết cấu mặc đường, cũng như điều chỉnh bổ sung một số đoạn tuyến cho phù hợp quy hoạch mới của địa phương.

Tổng chiều dài toàn tuyến được điều chỉnh bổ sung khoảng 657km, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng (gồm chi phí xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, cùng các nguồn chi phí khác), thuộc nguồn vốn trái phiếu chính phủ, hình thức quản lý dự án chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

N.C.

Nguồn: The Leader

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.