Lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, thử bàn về Đức tin – Tôn giáo – Nhân quả – Luân hồi

Trần Gia Ninh

Tháng Giêng là tháng của lễ hội. Hội là cuộc vui của cộng đồng. Lễ là biểu hiện của Đức tin. Hán-Viêt 信念 Tín niệm, trước đây các cụ gọi là Tín ngưỡng. Nhiều người nói rằng ở đâu khoa học không tới được, ở đấy Đức tin chiếm lĩnh. Chắc là không đúng vậy. Đức tin và khoa học, đặc biệt là khoa học chính xác thực chứng như Vật lý luôn song song tồn tại. Vật lý hiện nay không chứng minh cho Đức tin, nhưng Đức tin hiện đại lại luôn muốn viện dẫn đến Vật lý. Có cần phải như thế không? Không cần, bởi vì Đức tin là những tín điều mà chúng ta cho là đúng mà không cần có bằng chứng hoặc chứng minh rõ ràng. Còn Vật lý (và một số khoa học chính xác) thì ngược lại.

Người ta thường đồng nhất ĐỨC TIN (Beliefs, Faith) với TÔN GIÁO (Religion). Quan niệm như vậy là không chính xác và dẫn đến ngộ nhận và hành xử sai lầm. Đức tin có thể tiến tới tôn giáo, nhưng không nhất thiết là như vậy.

Nếu một cộng đồng người cùng có chung hay được dẫn dắt để cùng có chung một Đức tin thì nó sẽ dần biến thành một Tôn giáo (Religion). Hầu hết các tôn giáo cũng xuất phát từ những lẽ được coi là hiển nhiên, được phán truyền bằng một cách nào đó, mà người ta gọi là “Mặc Khải” (reveilation). Tín đồ tất nhiên không được nghi ngờ, chất vấn dù nó mơ hồ, huyền bí đến mức nào đi nữa (!). Ví như với đơn thần giáo, chẳng hạn đạo Thiên chúa thì coi đó là lời của Chúa Trời gửi qua Jesu Christ là con của Chúa Trời. Đạo Hồi thì coi đó là lời của Đấng Tối cao (Allas) gửi cho tín đồ qua nhà tiên tri Mohamed, người đưa tin (Mesenger) duy nhất của Allas. Trong tín ngưỡng đa thần của Ấn giáo, mặc khải về thuyết LUÂN HỒI được ghi lại trong Phạn Thư (kinh Bà La Môn, brāhmaṇa梵書,TK10 TCN), và hoàn chỉnh lại trong Áo Nghĩa Thư (奥义书 Upanishads TK 7-5 TCN). Luân Hồi (轮回 nguyên gốc:Samsāra)là một trong những mặc khải chính đó. Theo Ấn giáo Luân Hồi còn được gọi là lưu chuyển, luân chuyển, đầu thai, có hàm nghĩa là sinh rồi tử, tử rồi lại sinh, sinh tử luân hồi, cuộc sống và cái chết bất tận, giống như bánh xe (luân) quay không ngừng, hết chu kỳ này đến chu kỳ khác ,vô tận.

Thuở nguyên sơ Phật giáo không hẳn là một tôn giáo, Phật giáo vốn chỉ là một triết thuyết cũng không phải là khoa học (có người nói là trên cả khoa học (!)). Dẫu vậy thì có thể xếp vào nhóm NHÂN THÁNH GIÁO, tương tự như Khổng giáo, Đạo giáo. Nhân Thánh giáo là do các tín đồ tôn trọng một triết thuyết của một cá nhân nào đó dựng nên sau khi nhân vật đó đã khuất, Triết thuyết đó không phải là mặc khải từ một lực lượng siêu nhiên duy nhất. Do vậy mà các tôn giáo Phật, Khổng, Lão hoà hợp đồng hành với nhau, tín đồ có thể đồng thời trao gửi đức tin vào nhiều nhân thánh giáo.

Rõ ràng thuyết Luân Hồi không phải là mặc khải của Đạo Phât, bởi vì Thích Ca Mau Ni (Shakyamuni Buddha) tức Đức Phật, là một đạo sư Ấn giáo có thật đã sống và truyền dạy giáo lý ở phía đông tiểu lục địa Ấn Độ vào giữa thế kỷ thứ 6 và 4 TCN mà Thuyết Luân Hồi thì đã có từ trước đó 4,5 thế kỷ. Phật giáo thừa nhận tất cả các sinh linh đều ở trong vòng Lục Đạo (Thiên, Nhân, Atula, Súc Sinh, Quỷ đói, Địa ngục) Luân Hồi, tử sinh, sinh tử nối nhau bất tận không có điểm dừng nếu không cầu tầm giải thoát. Đức Phật sau khi tu luyện, đã ngộ ra con đường thoát vòng luần hồi và truyền lại cho chúng sinh. Giáo lý mà đức Phật truyền giảng về sau được các đệ tử chép lại, là cơ sở của Phật Giáo.

Bởi vậy, nói rằng “yêu quý ai đó thì nên cầu cho họ đươc thoát vòng luân hồi” thì đó đúng là tâm nguyện của Đức Phật từ bi, và đó cũng là đạo làm người lương thiện của chúng sinh. Ai đó vì lý do vô lý nào đó cố cưỡng lại lẽ tự nhiên, buộc người mình yêu quý “ sống mãi” một cách giả tạo, không rơi vào vòng luân hồi, thì chẳng những làm hại người đó mà còn không cho người mình yêu quý cơ hội để siêu thoát. Thật là tàn nhẫn!

Đức tin của cộng đồng có thể không dẫn đến thành tôn giáo. Như việc tin rằng lễ ngày rằm tháng Giêng là thiêng nhất chỉ là biểu thị một niềm tin mơ hồ về một điều thiêng liêng vô hình nào đó có thể phù hộ cho họ. Cũng giống như vây, cộng đồng dân tộc ta luôn nghĩ rằng Nhân Quả là quy luât, nghĩa tử là nghĩa tận. Chống lại di chúc của người đã khuất được yên nghỉ theo ý nguyện là một tội lỗi. Lại để người đã khuất đóng vai như người còn sống để người đời chiêm ngưỡng… chẳng những là chống lại đạo lý dân tộc mà còn làm cho linh hồn người đã khuất không đươc bình yên, siêu thoát. Đó không phải là thiện tâm mà là tạo nghiệp chướng cho cả dân tộc. Bởi vì Dân tộc ta không có lệ ướp xác. Nên nhớ rằng các nền văn minh lớn từng phát triển rực rỡ mà lại tôn thờ xác ướp như Ai Cập, Inca, Aztec, Soviet… trước sau đều bị tuyệt diệt trong lịch sử nhân loại.

T.G.N.

Nguồn: FB Gia Ninh Trần

This entry was posted in Tôn giáo. Bookmark the permalink.