Kháng nghị của Hội đồng sĩ quan toàn Nga đến Tổng thống và công dân Liên bang Nga

Trong ngày 7/2/2022 BVN đã đăng bản dịch (từ văn bản tiếng Anh) của Đàn chim Việt dưới nhan đề Thư ngỏ của tướng ba sao Ivashov Leonid Grigoryevich gởi Tổng thống và toàn dân LB Nga. Nhưng sau khi đọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tường có tỏ ý phân vân về sự xác thực ít hay nhiều của văn bản. Tiếp đấy nhà nghiên cứu Hà Dương Tường cũng cho biết bản dịch này có những chỗ chưa thật sát nghĩa, kể cả lỗi dịch phản nghĩa (contresens – so với bản tiếng Anh), lại bỏ đi mấy câu cuối không dịch, và đề nghị chúng tôi tìm nguyên bản tiếng Nga dịch lại thật sát, đồng thời đối chiếu kỹ với bản tiếng Anh, rồi đăng tiếp lên như một sự bổ sung cho bản dịch đã đăng. May mắn được nhà nghiên cứu Lê Quốc Trinh cung cấp đường link bản tiếng Nga, một biên tập viên và một cộng tác viên đã tiến hành cùng lúc hai bản dịch khác nhau mà kết quả đều được trình bày song song trọn vẹn dưới đây. Mặt khác, cũng để tiện cân nhắc độ xác tín giữa các bản dịch như gợi ý của hai anh Nguyễn Đức Tường và Hà Dương Tường, chúng tôi đã nhờ dịch giả Thục Quyên dịch lại bản tiếng Anh và đặt vào phần thứ ba. Vậy là trong lần đăng lại này, có đến ba bản dịch tất cả. Xin cảm ơn sự góp ý và giúp đỡ chân tình của các bạn cộng tác viên thân tín và xin đăng lên để cung cấp cho bạn đọc một tài liệu nóng, trong tình hình cuộc xung đột Nga-Ukrainne vẫn đang hết sức căng thẳng.

Bauxite Việt Nam 

I. Bản dịch thứ nhất

Ngày 31 tháng 1 năm 2022

Kháng nghị của Hội đồng sĩ quan toàn Nga đến Tổng thống và công dân Liên bang Nga

Chủ tịch “Hội đồng sĩ quan toàn Nga”, Đại tướng Ivashov Leonid Grigoryevich đã viết Kháng nghị gửi Tổng thống và công dân Liên bang Nga vào “Đêm trước chiến tranh”:

Nhân loại hôm nay đang đứng trước nguy cơ chiến tranh. Mà chiến tranh là sự tổn thất không thể tránh khỏi về nhân mạng, là sự tàn phá, là nỗi đau khổ của đông đảo quần chúng nhân dân, phá hủy nếp sống thường ngày, vi phạm nghiêm trọng đời sống của các quốc gia và các dân tộc. Chiến tranh lớn – là thảm kịch khủng khiếp, cũng là tội ác nghiêm trọng của kẻ nào đó. Hóa ra trung tâm thảm họa này lại chính là nước Nga. Và, có lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước.

Trước đây, Nga (Liên Xô) từng tiến hành các cuộc chiến tranh bắt buộc (chính nghĩa), như đã thấy, khi mà không còn lối thoát nào khác, khi quyền sống còn của quốc gia và xã hội bị đe dọa.

Còn hôm nay điều gì đang đe dọa sự tồn vong của chính quốc gia Nga, và liệu có những mối đe dọa như vậy không? Có thể khẳng định có mối đe dọa thực sự – đất nước đang bên bờ vực kết thúc lịch sử của mình. Tất cả các lĩnh vực thiết yếu, bao gồm cả nhân khẩu học, đều đang suy thoái, và tốc độ tuyệt chủng dân số đang phá vỡ kỷ lục thế giới. Và suy thoái vốn mang bản chất hệ thống, mà trong bất kỳ hệ thống phức tạp nào, sự phá hủy một trong các yếu tố có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hệ thống.

Theo chúng tôi, đó chính là mối đe dọa đối với Liên bang Nga. Nhưng hiểm họa này có tính chất nội tại, xuất phát từ mô hình nhà nước, từ chất lượng chính quyền và trạng thái xã hội. Và nguyên nhân hình thành là từ bên trong: sự bất lực của mô hình nhà nước, sự hoàn toàn thiếu năng lực và thiếu chuyên nghiệp của hệ thống chính quyền và hành chính, sự thụ động và vô tổ chức của xã hội. Ở trạng thái này, bất kỳ quốc gia nào cũng không tồn tại lâu được.

Chắc chắn có mặt cả những mối đe dọa từ bên ngoài. Nhưng, theo đánh giá của chuyên gia ta, hiện chúng không nghiêm trọng để có thể đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong và các lợi ích sống còn của quốc gia Nga. Nhìn chung, sự ổn định chiến lược được duy trì, vũ khí hạt nhân nằm trong tầm kiểm soát đáng tin cậy, các lực lượng NATO không tăng cường hoạt động đe dọa.

Do đó, tình hình lộn xộn đang diễn ra xung quanh Ukraine, trước hết, mang tính giả tạo, làm lợi cho lực lượng nào đó, bao gồm cả Liên bang Nga. Với kết quả Liên Xô sụp đổ, trong đó Nga (Yeltsin) đóng vai trò quyết định, Ukraine đã trở thành quốc gia độc lập, thành viên Liên hợp quốc và phù hợp với Điều khoản 51 của Hiến chương Liên hợp quốc có quyền phòng vệ cá nhân và cộng đồng.

Lãnh đạo Liên bang Nga đến nay vẫn chưa công nhận kết quả trưng cầu dân ý về độc lập của DPR (Cộng hòa Nhân dân Donetsk) và LPR (Cộng hòa Nhân dân Luhansk), trong khi đó, không phải một lần, một cách chính thức, trong đó là Đàm phán Minsk, đã nhấn mạnh quyền sở hữu lãnh thổ và dân số của họ là thuộc Ukraine.

Cũng như thế, nhiều lần chính thức nói về mong muốn duy trì quan hệ bình thường với Kiev, không loại trừ quan hệ đặc biệt với DPR và LPR.

Vấn đề diệt chủng do Kiev gây ra ở các khu vực đông nam đã không được nêu ở cả LHQ, cả OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu). Dĩ nhiên, muốn cho Ukraine vẫn là một nước láng giềng thân thiện với Nga, cần phải chứng minh cho nó thấy được sức hấp dẫn của mô hình nhà nước và hệ thống quyền lực Nga.

Nhưng Liên bang Nga đã không trở thành một mô hình như thế, mô hình phát triển và cơ chế chính sách đối ngoại hợp tác quốc tế của nó đã chống lại hầu hết các nước láng giềng, và không chỉ có thế.

Việc Nga giành lại Crimea lẫn Sevastopol và việc cộng đồng quốc tế không công nhận chúng thuộc Nga (nghĩa là, đa số quốc gia trên thế giới vẫn coi chúng thuộc Ukraine) cho thấy một cách thuyết phục sự thất bại trong chính sách đối ngoại, sự kém hấp dẫn trong chính sách đối nội của Nga.

Những nỗ lực ép buộc “yêu quý” Liên bang Nga và giới lãnh đạo của nó thông qua tối hậu thư và đe dọa sử dụng vũ lực là vô nghĩa và cực kỳ nguy hiểm.

Việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại Ukraine, thứ nhất, sẽ đặt ra vấn đề tồn vong của bản thân Nga với tư cách là một quốc gia; thứ hai, nó sẽ mãi mãi khiến người Nga và người Ukraine trở thành kẻ thù không đội trời chung. Thứ ba, sẽ có hàng ngàn (hàng chục ngàn) trai tráng hy sinh, ở bên này và bên kia, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình trạng nhân khẩu học trong tương lai ở các nước đang có nguy cơ tuyệt chủng như chúng ta. Trên chiến trường, nếu điều này xảy ra, quân đội Nga sẽ phải đối mặt với không chỉ quân nhân Ukraine, trong số đó sẽ có nhiều người Nga, mà còn cả quân đội và thiết bị công nghệ từ nhiều nước NATO, rồi các quốc gia thành viên liên minh sẽ có nghĩa vụ tuyên chiến với Nga

Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã tuyên bố rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiến đấu ở phe nào. Và có thể giả định rằng, hai đội quân dã chiến và hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được lệnh “giải phóng” Crimea, Sevastopol, và, có thể xâm lược Caucasus.

Ngoài ra, Nga chắc chắn sẽ bị đưa vào danh sách các quốc gia đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, sẽ chịu những lệnh trừng phạt nặng nề nhất, sẽ biến thành kẻ thù của cộng đồng thế giới, và có thể sẽ bị tước bỏ tư cách một quốc gia độc lập.

Tổng thống và Chính phủ, Bộ Quốc phòng không thể không hiểu hậu quả như vậy, họ không ngu đến thế.

Câu hỏi đặt ra: mục đích thực sự của việc kích động căng thẳng dẫn đến nguy cơ chiến tranh và khả năng bùng phát các hành động thù địch với quy mô lớn là gì? Sẽ cho thấy số lượng, thành phần chiến đấu các nhóm quân của các bên – mỗi bên không dưới một trăm nghìn lính. Với tình trạng hở sườn ở biên giới phía đông, Nga đang chuyển đội hình đến biên giới Ukraine.

Theo chúng tôi, giới lãnh đạo đất nước, khi nhận thấy rằng mình không đủ khả năng dẫn dắt đất nước thoát khỏi khủng hoảng quy mô toàn hệ thống, và điều này có thể dẫn đến việc người dân nổi dậy, thay đổi chính quyền trong nước, với sự hỗ trợ của giới tài phiệt, quan chức tham nhũng, được truyền thông và lực lượng an ninh lôi kéo, đã quyết định kích hoạt đường lối chính trị nhằm phá hủy quốc gia Nga và tiêu diệt người dân bản địa đất nước.

Và chiến tranh là phương tiện giải quyết vấn đề này nhằm duy trì nhất thời sức mạnh phản quốc của nó và bảo toàn của cải cướp được từ dân nhân. Không thể có bất kỳ lời giải thích nào khác.

Chúng tôi, những sĩ quan Nga, yêu cầu Tổng thống Liên bang Nga từ bỏ chính sách tội phạm kích động chiến tranh mà ở đó Liên bang Nga sẽ đơn độc đối đầu với lực lượng thống nhất toàn phương Tây, yêu cầu thực hiện Điều 3 của Hiến pháp Liên bang Nga và từ chức.

Chúng tôi đề nghị tất cả các quân nhân đang trong quân ngũ và đã giải ngũ, toàn thể công dân Nga hãy nêu cao cảnh giác, có tinh thần tổ chức, ủng hộ các yêu cầu của Hội đồng sĩ quan toàn Nga, tích cực phản đối những tuyên truyền phát động chiến tranh, không để xảy ra xung đột nội bộ bằng vũ lực quân sự.

Chủ tịch Hội đồng sĩ quan toàn Nga

Đại Tướng Ivashov L.G.

II. Bản dịch thứ hai

Thông điệp của Hội đồng sĩ quan toàn Nga
gửi Tổng thống và nhân dân Liên bang Nga

Đại tướng Ivashov Leonid Grigoryevich, Chủ tịch “Hội đồng sĩ quan toàn Nga”, đã viết lời kêu gọi gửi Tổng thống và nhân dân Nga trong đêm trước chiến tranh

Ngày nay nhân loại đang sống trong mối đe dọa của chiến tranh. Chiến tranh gây ra sự mất mát không thể tránh khỏi về sinh mạng, gây ra sự tàn phá và đau khổ cho đông đảo người dân; chiến tranh phá hủy các quy tắc và trật tự quan trọng của các quốc gia và các dân tộc, phá hủy lối sống thông thường. Một cuộc chiến tranh lớn là một thảm kịch lớn là tội ác nghiêm trọng mà ai đó gây ra.

Tình hình đang biến chuyển theo hướng nước Nga sẽ trở thanh tâm điểm của mối hiểm họa này. Có lẽ đây là lần đầu trong lịch sử.

Trước đây, Nga (Liên Xô) đã tiến hành các cuộc chiến tranh miễn cưỡng (chính nghĩa) thường diễn ra khi không còn cách nào khác, lúc các lợi ích sống còn của đất nước và xã hội bị đe dọa.

Còn ngày nay, điều gì đang đe dọa sự tồn tại của chính nước Nga và liệu thực sự có những mối đe dọa như vậy không? Có thể lập luận rằng sự thực có mối đe dọa đang hiện hữu – đất nước đang nằm trên bờ vực kết thúc lịch sử của mình. Tất cả các yếu tố chủ chốt, gồm cả dân số đang trên đà suy thoái mạnh, tốc độ suy giảm dân số đang phá vỡ kỷ lục thế giới. Sự suy thoái có bản chất hệ thống, và trong bất kỳ hệ thống phức tạp nào, việc phá hủy một trong các yếu tố có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống.

Và theo chúng tôi, đây là mối đe dọa chính đối với Liên bang Nga. Tuy nhiên đây là hiểm họa có tính chất nội tại, xuất phát từ mô hình nhà nước, chất lượng chính quyền và tình trạng xã hội. Những lý do hình thành đều xuất phát từ bên trong: sự bất lực của mô hình nhà nước, sự bất lực hoàn toàn và thiếu chuyên nghiệp của hệ thống quyền lực và hành chính, sự thụ động và vô tổ chức của xã hội. Ở trạng thái này, bất kỳ quốc gia nào cũng không có khả năng sống lâu.

Liên quan đến các mối đe dọa từ bên ngoài, chúng chắc chắn là có. Nhưng, theo góc nhìn chuyên sâu của chúng tôi, tại thời điểm điển hình này, những mối đe dọa đó không thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của Nga, đến những lợi ích sống còn của đất nước. Vì nhìn chung, chiến lược vẫn được duy trì ổn định, vũ khí hạt nhân nằm trong tầm kiểm soát đáng tin cậy, các lực lượng NATO không phát triển và không có hoạt động đe dọa.

Do đó, tình hình diễn ra xung quanh Ukraine đang bị thổi phồng một cách nhân tạo có chủ đích, có vụ lợi đối với một nhóm lực lượng nội bộ, bao gồm cả Liên bang Nga. Khi Liên Xô sụp đổ, trong đó Nga (Yeltsin) đóng vai trò quyết định, Ukraine trở thành một quốc gia độc lập, một thành viên của Liên hợp quốc, và theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc được quyền phòng vệ cá nhân và tập thể.

Lãnh đạo Liên bang Nga vẫn chưa công nhận kết quả trưng cầu dân ý về sự độc lập của DPR và LPR (Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk), trong khi ở cấp chính thức, kể cả trong quá trình đàm phán Minsk, các bên đã nhấn mạnh rằng các lãnh thổ đó cùng dân số của chúng đều thuộc chủ quyền của Ukraine.

[Các diễn đàn, các quan chức] cấp cao đã nhiều lần khẳng định mong muốn duy trì quan hệ bình thường với Kiev, và không đề cập đến việc thiết lập quan hệ đặc biệt với DPR và LPR. Vấn đề liên quan đến nạn diệt chủng do Kiev gây ra tại các khu vực Đông Nam đã không được nêu ra cả ở LHQ lẫn ở OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu). Đương nhiên, để Ukraine vẫn là một nước láng giềng thân thiện với Nga, thì chúng ta cần phải chứng minh được sức hấp dẫn của mô hình nhà nước và hệ thống quyền lực của Nga.

Nhưng Liên bang Nga đã không trở thành một đất nước như thế, mô hình phát triển và cơ chế chính sách đối ngoại hợp tác quốc tế đã đẩy lùi hầu hết các nước láng giềng, và không chỉ các nước đó

Việc Nga có được Crimea lẫn Sevastopol và việc cộng đồng quốc tế không công nhận điều này (vì đó số lượng lớn các quốc gia trên thế giới vẫn coi những lãnh thổ đó thuộc Ukraine) là một bức tranh thuyết phục về sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Nga, và sự kém hấp dẫn của chính sách đối nội. Những nỗ lực khiến người ta “yêu thích” nước Nga và giới lãnh đạo của nó thông qua một tối hậu thư và những lời đe dọa sử dụng vũ lực là vô nghĩa và cực kỳ nguy hiểm.

Thứ nhất, việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại Ukraine sẽ đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của chính nước Nga với tư cách là một nhà nước. Thứ hai, điều này sẽ mãi mãi khiến người Nga và người Ukraine trở thành kẻ thù không đội trời chung. Thứ ba, sẽ có hàng ngàn (hàng chục ngàn) thanh niên trẻ trung, mạnh khỏe của cả hai bên hi sinh. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình trạng dân số trong tương lai của các nước đang hấp hối như chúng ta. Trên chiến trường, nếu điều này xảy ra, quân đội Nga sẽ phải đối mặt không chỉ với quân đội Ukraine với không ít số lượng chính người gốc Nga trong đó, mà còn cả quân nhân và thiết bị từ nhiều nước NATO, và các quốc gia thành viên của liên minh này sẽ có nghĩa vụ tuyên chiến với Nga.

Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiến đấu theo phe nào. Và có thể giả định rằng hai đội quân dã chiến và một hạm đội của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được lệnh "giải phóng" Crimea và Sevastopol và có thể xâm lược cả Caucasus. Ngoài ra, Nga chắc chắn sẽ bị đưa vào danh sách các quốc gia đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, sẽ chịu những lệnh trừng phạt nặng nề nhất, sẽ biến thành kẻ thù của cộng đồng thế giới, và có thể sẽ bị tước bỏ tư cách một quốc gia độc lập.

Tổng thống và Chính phủ, Bộ Quốc phòng không thể không hiểu hậu quả của việc này, họ không khờ dại đến mức đó.

Câu hỏi đặt ra: mục tiêu thực sự của việc kích động căng thẳng đến ngưỡng chiến tranh và các hành động thù địch quy mô lớn là gì? Và những việc này hoàn toàn có nguy cơ xảy ra căn cứ vào quân số và các phương tiện chiến đấu do các bên đang thành lập – mỗi bên không dưới một trăm nghìn quân nhân. Nga rút lực lượng từ biên giới phía đông để chuyển quân đội đến biên giới của Ukraine. Theo chúng tôi, giới lãnh đạo đất nước nhận thấy rằng mình không đủ khả năng dẫn dắt đất nước thoát khỏi khủng hoảng toàn hệ thống, và điều này có thể dẫn đến một cuộc nổi dậy của dân chúng làm thay đổi quyền lực trong nước. Chính vì vậy với sự hỗ trợ từ giới đầu sỏ, các quan chức tham nhũng, truyền thông nhà nước và lực lượng an ninh, một đường lối chính trị với mục tiêu tàn phá triệt để nhà nước Nga và tiêu diệt người dân bản địa của đất nước đang được quyết định kích hoạt. Và chiến tranh là phương tiện để giải quyết vấn đề này nhằm duy trì đường lối phản quốc cho thời gian gần và bảo toàn của cải đã cướp được từ người dân. Chúng tôi không thể đề xuất bất kỳ lời giải thích nào khác.

Chúng tôi là những sĩ quan của Nga yêu cầu Tổng thống Liên bang Nga từ bỏ chính sách tội lỗi làm kích động chiến tranh, khi mà Liên bang Nga sẽ phải đơn độc chống lại lực lượng tổng hợp của phương Tây, thay vì vậy là tạo điều kiện cho việc thực hiện Điều 3 của Hiến pháp Liên bang Nga và từ chức.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các quân nhân dự bị, lẫn những đã nghỉ hưu, công dân Nga với khuyến cáo hãy giữ cảnh giác, duy trì tổ chức, ủng hộ các yêu cầu của Hội đồng các sĩ quan toàn Nga, tích cực phản đối tuyên truyền và phát động chiến tranh, và ngăn chặn xung đột nội bộ với việc sử dụng vũ lực quân sự.

Chủ tịch Hội đồng Sĩ quan toàn Nga

Đại tướng Ivashov L.G.

Chúng tôi mời bạn phát biểu ý kiến ​​của mình về Kháng nghị này.

Đại tá Petrov V.P, Chủ tịch Совета Hội đồng Sĩ quan toàn Nga và tôi ủng hộ lời kêu gọi này và đề nghị ủng hộ nó thay mặt cho Hội đồng.

III. Bản dịch từ bản tiếng Anh

Thư của Colonel-General Ivashov’s

Ivashov là một vị tướng hàng đầu của Nga từng phục vụ dưới thời Putin.

Đây là diễn văn của Hội đồng các sĩ quan All-Russia, gửi tới Tổng thống và công dân Liên bang Nga

Ngày nay nhân loại đang sống trong cảnh chờ đợi chiến tranh xảy ra. Và chiến tranh là sự mất mát không thể tránh khỏi về nhân mạng, là sự tàn phá, khổ đau của đông đảo quần chúng, là sự phá hủy lối sống bình thường, sự vi phạm các hệ thống quan trọng của các quốc gia và các dân tộc. Một cuộc chiến tranh lớn là một thảm kịch lớn, là tội ác nghiêm trọng của một người nào đó. Tình thế đưa tới là Nga thành trung tâm của thảm họa sắp xảy ra này. Và, có lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Nga.

Trước đây, Nga (Liên Xô) đã từng tiến hành các cuộc chiến tranh bắt buộc (có chính nghĩa) và theo quy luật chỉ khi không còn lối thoát nào khác, khi các lợi ích sống còn của nhà nước và xã hội bị đe dọa.

Vậy điều gì đang đe dọa sự tồn tại của chính nước Nga ngày nay, và liệu có những mối đe dọa như vậy không? Có thể lập luận rằng thực sự có một mối đe dọa – đất nước đang trên đà hoàn thiện lịch sử của mình. Tất cả các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả nhân số học, đang dần suy thoái và tốc độ tuyệt chủng dân số đang phá vỡ kỷ lục thế giới.

Suy thoái có bản chất hệ thống, và trong bất kỳ hệ thống phức tạp nào, sự phá hủy một trong các yếu tố có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống.

Và đây, theo chúng tôi, là mối đe dọa chính đối với Liên bang Nga. Nhưng đây là hiểm họa có tính chất nội tại, xuất phát từ mô hình nhà nước, chất lượng quyền lực và trạng thái xã hội. Và những lý do hình thành nó nằm bên trong: sự bất lực của mô hình nhà nước, sự bất lực hoàn toàn và thiếu chuyên nghiệp của hệ thống quyền lực và hành chính, sự thụ động và vô tổ chức của xã hội. Ở trạng thái này, bất kỳ quốc gia nào cũng không tồn tại lâu.

Các mối đe dọa từ bên ngoài chắc chắn cũng có mặt. Nhưng, theo đánh giá chuyên gia của chúng tôi, chúng hiện không mang tính nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của nhà nước Nga hay những lợi ích sống còn của nó. Nhìn chung, sự ổn định chiến lược đang được duy trì, vũ khí hạt nhân nằm trong tầm kiểm soát đáng tin cậy, các lực lượng NATO không tăng sức mạnh và không có hoạt động đe dọa.

Do đó, tình hình đang dấy động chung quanh Ukraine, trước hết là nhân tạo, có bản chất “đánh thuê” bởi một số lực lượng bên trong, bao gồm cả Liên bang Nga. Kết quả của sự sụp đổ của Liên Xô, trong đó Nga (Yeltsin) đóng vai trò quyết định, Ukraine đã trở thành một quốc gia độc lập, một thành viên của Liên hợp quốc và theo quy định của Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, Ukraine có quyền bảo vệ cá nhân và tập thể.

Lãnh đạo Liên bang Nga vẫn chưa công nhận kết quả trưng cầu dân ý về sự độc lập của DPR và LPR (Donetsk People’s Republic và  Luhansk People´s Republic) trong khi hai nước cộng hoà này đã hơn một lần ở cấp chính thức, kể cả trong quá trình đàm phán Minsk, đã nhấn mạnh họ thuộc về lãnh thổ và dân số của Ukraine .

Nhiều lần cũng đã được nhấn mạnh ở cấp cao về mong muốn duy trì quan hệ bình thường với Kiev, không loại trừ quan hệ đặc biệt với DPR và LPR.

Vấn nạn diệt chủng do Kiev gây ra ở các khu vực đông nam đã không được nêu ra trước LHQ hay OSCE.( Organisation for Security and Co-operation in Europe).

Đương nhiên, để Ukraine vẫn là một nước láng giềng thân thiện với Nga, cần phải chứng minh được sức hấp dẫn của mô hình nhà nước và hệ thống quyền lực của Nga.

Nhưng Liên bang Nga đã không trở thành một mối, mô hình phát triển và cơ chế chính sách đối ngoại hợp tác quốc tế của Nga đã đẩy xa hầu hết các nước láng giềng, và còn hơn thế.

Việc Nga thâu tóm Crimea và Sevastopol và việc cộng đồng quốc tế không công nhận hai vùng này thuộc về Nga (và do đó, số lượng lớn các quốc gia trên thế giới vẫn coi những vùng này thuộc về Ukraine) cho thấy một cách thuyết phục sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Nga, và sự kém hấp dẫn đối nội.

Những nỗ lực tìm sự ‘yêu thích’ Liên bang Nga và giới lãnh đạo, thông qua một tối hậu thư và những lời đe dọa sử dụng vũ lực, là vô nghĩa và cực kỳ nguy hiểm

Trước hết, việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại Ukraine sẽ đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của chính nước Nga với tư cách là một quốc gia; thứ hai, nó sẽ mãi mãi khiến người Nga và người Ukraine trở thành kẻ thù không đội trời chung. Thứ ba, sẽ có hàng ngàn (hàng chục ngàn) người chết trẻ, những người khỏe mạnh của đôi bên, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình nhân số học trong tương lai tại đất nước đang hấp hối của chúng ta. Trên chiến trường, nếu điều này xảy ra, quân đội Nga sẽ phải đối mặt với không chỉ quân đội Ukraine, mà trong đó một số là người Nga, mà còn đối mặt cả quân đội và thiết bị từ nhiều nước NATO, và các quốc gia thành viên của liên minh sẽ có nghĩa vụ phải khai chiến với Nga.

Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã nói rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiến đấu theo phe nào. Và có thể giả định rằng hai toán quânThổ Nhĩ Kỳ và một hạm đội sẽ được lệnh ‘giải phóng’ Crimea và Sevastopol và có thể xâm lược Caucasus.

Ngoài ra, Nga chắc chắn sẽ bị đưa vào danh sách các quốc gia đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, sẽ chịu những lệnh trừng phạt nặng nề nhất, sẽ biến thành kẻ thù của cộng đồng thế giới, và có thể sẽ bị tước bỏ tư cách là một quốc gia độc lập.Tổng thống và Chính phủ, Bộ Quốc phòng không thể không hiểu hậu quả sẽ như vậy. Họ không ngu tới nỗi đó..

Câu hỏi đặt ra: mục tiêu thực sự của việc kích động căng thẳng bên bờ vực chiến tranh và khả năng nổ ra các cuộc thù địch quy mô lớn, là gì? Và sẽ có, thí dụ số lượng và thành phần chiến đấu của các nhóm quân do các bên thành lập – mỗi bên không dưới một trăm nghìn quân nhân. Nga bỏ ngỏ biên giới phía đông để chuyển các đội hình đến biên giới Ukraine

Theo chúng tôi, giới lãnh đạo đất nước vì nhận thấy rằng mình không đủ khả năng dẫn dắt đất nước thoát khỏi khủng hoảng toàn hệ thống (điều này có thể dẫn đến một cuộc nổi dậy của người dân và thay đổi quyền lực trong nước), đã cùng với sự hỗ trợ của giới “đầu sỏ” (oligarchy), của các quan chức tham nhũng và của giới truyền thông cũng như lực lượng an ninh đã bị xỏ mũi, quyết định kích hoạt đường lối chính trị đưa tới sự tàn phá hoàn toàn quốc gia Nga cũng như tiêu diệt người dân bản địa của đất nước.

Và chiến tranh là phương tiện sẽ giải quyết vấn đề này để duy trì sức mạnh phản quốc của nó trong một khoảng thời gian và bảo toàn của cải cướp được từ người dân.

Chúng tôi không thể tìm được bất kỳ lời giải thích nào khác.

Chúng tôi, những sĩ quan Nga, chúng tôi yêu cầu Tổng thống Liên bang Nga phải từ bỏ chính sách hình sự kích động một cuộc chiến mà Liên bang Nga sẽ phải đơn độc chống lại các lực lượng thống nhất của phương Tây, phải tạo điều kiện cho việc thực hiện Điều 3 của Hiến pháp Liên bang Nga và phải từ chức.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các quân nhân đã nghỉ hưu cùng các công dân Nga, với khuyến cáo hãy cảnh giác, có tổ chức, ủng hộ các yêu cầu của Hội đồng các sĩ quan All-Russian, tích cực phản đối tuyên truyền và phát động chiến tranh, và ngăn chặn một xung đột nội bộ với vũ lực quân sự.

Chủ tịch Hội đồng Sĩ quan All-Russia, Colonel-General Ivashov L.G.

Thục Quyên dịch sát nghĩa, chưa trau chuốt

Ý kiến của Thục Quyên trong thư gửi BVN:

Mình sử dụng tài liệu này đồng thời cũng xem xét thêm những đánh giá sau đây mà tôi đọc trên Twitter. Tôi chưa check xem người đưa tin thuộc loại đáng tin tới mức nào.

Ngoài ra nên coi Wiki về Leonid Ivashov

https://fr.wikipedia.org/wiki/Leonid_Ivachov

Tôi dùng google dịch tạm tin trên twitter:

“Có nhiều ồn ào về bức thư này của Tướng Leonid Ivashov và ‘Hội đồng sĩ quan toàn Nga’, kêu gọi Putin từ chức. Tuy nhiên, khi nhóm được thành lập vào năm 2003, họ đã yêu cầu Putin từ chức, được sự ủng hộ của lãnh đạo cộng sản Gennady Zyuganov. Năm 2008, họ thậm chí còn quyết định tổ chức một phiên tòa xét xử quân sự chống lại hành vi “phá hoại” của Putin. Năm 2011, tòa này nhận thấy Putin không phù hợp với các chức vụ công, lần này được sự ủng hộ công khai của Phó Duma Quốc gia Cộng sản Viktor Ilyukhin, người được biết đến với biệt danh “công tố viên đỏ”. Cá nhân OOC và Ivashov theo đuổi một tổ hợp ý thức hệ hoang dã: một chủ nghĩa bảo thủ yêu nước – tôn giáo chính thống, cánh tả của Liên Xô. Điều quan trọng đối với độc giả phương Tây cần hiểu: chống Putin ở Nga không có nghĩa  ủng hộ tự do và thậm chí còn ít ủng hộ phương Tây. OCC, trên thực tế, đã công bố một bức thư khác cách đây đúng một năm, trong đó họ gọi chế độ Nga là “tội phạm”, “bất tài”, và thậm chí ghi nhận các vụ bắt giữ #Navalny, Furgal có động cơ chính trị, v.v. Khi đó không ai chú ý đến. Tóm lại, đây không phải là vì Ukraine”.

Nguồn bản gốc tiếng Nga: Обращение Общероссийского офицерского собрания к президенту и гражданам Российской Федерации

Nguồn bản dịch tiếng Anh: https://www.dailymail.co.uk/news/article-10484417/Top-hardline-Russian-general-warns-Putin-NOT-invade-Ukraine-accuses-criminal-policy.html  

This entry was posted in Xung đột Ukraine. Bookmark the permalink.