Thục Quyên
Tết Nhâm Dần vừa qua.
Sống ở ngoại quốc mà không có vài cái bánh chưng gói lá xanh vuông vức nằm trên bàn thờ tổ tiên thì chẳng có chút hơi hướng gì là Tết cả.
Hoa đào khó mua, trồng được cây mai thì yêu quí quá, không dám vặt lá tháng trước, nên chẳng có cái hoa nào. Phải cắm hoa Forsythia (Mai Đông Á) là một loại cây thuộc họ Ô liu (Oleacea). Mùa đông cắt những cành khẳng khiu đem vào nhà khoảng mười ngày thì hoa vàng nở rộ.
Mấy ngày nay trên “phây” (Facebook) thấy sóng gió kinh hoàng về cái bánh chưng.
Dĩ nhiên cũng chỉ là một trong nhiều cơn bão trong chén trà, nhưng đó cũng là cách hiếm hoi để theo dõi những quan tâm và suy nghĩ của người Việt phần lớn là ngoài nước, sống xa nhau vạn dặm, chịu ảnh hưởng của những không gian sống khác nhau.
Đọc từ bài viết của nhà văn Phạm thị Hoài (1) cho đến những phản biện khen, chê, tâng bốc hay chửi rủa tôi đều ngỡ ngàng, vì không hiểu tại sao chỉ có một món bánh mà hình ảnh cột chặt với cái Tết Nguyên Đán Việt Nam lại có thể bị tố khổ đến mức đó?
Hay cũng chẳng nên ngạc nhiên vì chính cái Tết Nguyên Đán cũng đã từng bị mổ xẻ, chê bai, và có người còn đòi bãi bỏ?
Cũng có lẽ vì âm hưởng tuần lễ Tâm tang cho Thầy Nhất Hạnh nên tôi tự cắt nghĩa vụ “đánh võ bánh chưng” cho mình một cách “Phật giáo”, là không có gì có một cái ngã riêng biệt. Thầy Nhất Hạnh thường cắt nghĩa:
Ta có thể thấy ta được làm bằng nhiều yếu tố, như nước chẳng hạn. Nếu lấy yếu tố nước ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại được. Ta được làm bằng yếu tố đất. Nếu lấy yếu tố đất ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Ta được làm bằng yếu tố không khí (gió). Ta cần không khí vô cùng, không có không khí ta cũng không thể sống được. Vì vậy, nếu lấy yếu tố gió ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Và trong ta cũng có yếu tố lửa, yếu tố làm nên sức nóng và ánh sáng. Ta biết rằng ta cũng được làm bằng ánh sáng. Không có ánh sáng mặt trời thì không có gì có thể tồn tại trên trái đất này” …..
Thành thử đọc những chưởng được tung ra trong trận “đấu võ bánh chưng” tôi thấy cả trăm loại gọi là bánh chưng nhưng hoàn toàn khác nhau, vì mỗi người đã đem sự hiểu biết của họ nặn chung với những ký ức, cảm nhận và những kinh nghiệm bản thân thành cái bánh chưng của riêng mình. Nói ngược lại thì trong mỗi cái “bánh chưng riêng” đó là một con người, và trong mỗi con người là cha mẹ, tổ tiên của mình. Rồi chỉ vì cái danh xưng “bánh chưng” ai cũng dùng để gọi cái “bánh chưng riêng” của mình nên cuộc “đánh võ bánh chưng” hoàn toàn hỗn loạn, đưa cả tới xúc phạm, chửi rủa lẫn nhau.
Có người viết tác giả Phạm Thị Hoài dùng cái bánh chưng để xúc phạm Tổ Hùng Vương, người khác thì nói đem truyền thuyết của cả một dân tộc ra để khích bác mỉa mai v.v. Đến độ này lại càng khó nữa. Cái bánh chưng là một thực thể, sờ được, mó được, mà ý niệm về nó đã gây đấu đá, thì những gì mông lung như truyền thuyết, niềm tin, đụng vào hẳn không thể tránh sẽ nổ như bom nguyên tử.
Cái bánh chưng làm tôi nhớ lại hai vật thể khác cũng đã gây một trận bão trong chén trà: đó là cái Y vàng và cái Mão Quan Âm Thầy Nhất Hạnh phải đội trong vòng nửa ngày khi về Việt Nam năm 2007 để cử hành “Thủy Lục Giải Oan Bình Đẳng Cứu Bạt Trai Đàn” (Trai đàn bình đẳng chẩn tế giải oan). Chính các học trò mọi quốc tịch xuất gia lẫn tại gia của Thầy Nhất Hạnh trước giờ chỉ biết thầy mình trong cái y dài nâu, đầu đội cái mũ len cũ rích, chân đi guốc mùa hè cho chí mùa đông, thêm cái nón lá Việt Nam khi nắng, đều lắc đầu chê y mão vàng “xấu” quá, không “giống” Thầy. Còn những người không thân thiện với Thầy thì ôi thôi nháo lên chê trách, bôi bác.
Cái bánh chưng gói lá dong hay lá chuối xanh, buộc dây lạt hay ngày nay buộc dây nylon, tưởng đơn giản và quen thuộc như thế, mà tùy sự hiểu biết của từng người còn bị đánh giá đủ kiểu, thì nói chi đến pháp phục Phật giáo Việt Nam mà chính các vị tu sĩ Phật giáo trẻ ngày nay cũng chẳng rành. Mão Quan Âm ở Việt Nam thường được may bằng gấm và thường có màu vàng, đỏ hoặc nâu. Mão này được các vị Trưởng Lão tôn túc Miền Bắc cũng như Miền Trung đội khi chứng minh Trai Đàn hoặc là đăng đàn truyền giới.
Nhưng cũng như mỗi cái “bánh chưng riêng” không chỉ có nếp, có đậu, có thịt mỡ, có lá dong lá chuối xanh, mà còn có bàn tay nhọc nhằn của mẹ, bàn tay run run khô đét của bà, còn có ngọn lửa ấm của thanh củi cha đã gom nhặt, có mái tranh vách đất ông đã gầy dựng ấm cúng gia đình, thì cái y cái mão không chỉ là miếng gấm vàng mà Thầy Nhất Hạnh cả đời không ưa thích, mà còn là truyền thống Phật giáo Việt Nam, là sự kính trọng các vị tiền bối, là những câu chú đại bi Thượng tọa Lệ Trang niệm mỗi ba mũi kim khi ngồi may áo mão, là tình huynh đệ giữa các tôn túc với nhau.
Không khác cái “tiểu bão bánh chưng”, cơn “tiểu bão y mão” đã phản chiếu đủ mọi trình độ hiểu biết, cộng thêm vài mưu đồ ác ý: nào thì những vị tu sĩ Phật giáo chân chính như Đức Tăng Thống Quảng Độ chẳng bao giờ áo mão như vậy mà lúc nào cũng chỉ nâu sồng. Đó chẳng qua là nói bậy vì đã không biết mà còn thiếu đứng đắn vì không chịu tìm hiểu.
Đức đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Trai đàn bình đẳng chẩn tế giải oan).
Dù sao, mọi ý kiến đối chọi, bàn thảo trái chiều, nếu giữ được phần nào lịch sự với nhau, đều có thể là điều tích cực nếu được coi là dịp để kiểm lại mức hiểu biết của mình và học cách suy luận dựa trên dữ kiện vững chắc. Quan trọng là người Việt ở hải ngoại đừng xa rời cuộc sống thực tế của người dân trong nước, nếu nói rằng còn muốn góp phần xây dựng tự do, no ấm cho Việt Nam.
Tết qua, bao nhiêu người Việt có bánh chưng để ăn?
Làm thế nào để nhà cầm quyền chấp nhận rằng tự do dân chủ là sức mạnh mềm để Việt Nam khỏi lệ thuộc Trung Quốc?
T.Q.
Tác giả gửi BVN