Chúc mừng năm mới Nhâm Dần

Đội ngũ cộng tác viên thân yêu và bạn đọc quý mến!

Chúng tôi đang cùng quý bạn chia tay một năm Tân Sửu (2021) và bước sang một năm Nhâm Dần (2022) với nhiều cảm giác chẳng lấy gì làm ngọt ngào. Một năm Tân Sửu tiếp liền với năm Canh Tý (2020) trước đó, là hai năm đại dịch bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đẩy nhân loại vào vòng khốn khó với bao nhiêu nỗi đắng cay chồng chất: chạy dịch, trốn dịch, chết dịch, đeo khẩu trang, sống cách ly, ngoáy mũi hàng ngày… vì dịch. Trường học đóng cửa, nhà máy dừng sản xuất, tàu xe đình trệ, bệnh viện quá tải, vacxin không có, lò thiêu xác hết chỗ, đi kèm theo đó là hàng hóa khan hiếm, lạm phát tăng cao, đói khát, mất việc… đều từ đại dịch mà liên tiếp phát sinh. Cả thế giới bị cuốn vào một cơn bão lốc cho đến hôm nay vẫn chưa thuyên giảm, mà hầu như tất cả mọi nạn nhân, hàng chục tỷ người trên khắp hành tinh, từ Bắc cực đến Nam cực, từ Đông bán cầu đến Tây bán cầu,… không một cá nhân, cá thể nào chủ động được hành xử của mình, dù có kẻ nào đó lên tiếng hùng hổ rằng mình “tự do hành động”.

Việt Nam không đứng ngoài cơn cuồng phong hỗn loạn. Ở chặng khởi đầu, Việt Nam có một may mắn là con covid-19 ghé thăm tương đối chậm. Khi đại dịch đã bùng lên khủng khiếp ở Vũ Hán và tràn sang hầu khắp các nước Âu và Mỹ khiến phương Tây cuống cuồng lo đối phó, thì ở VN chỉ mới lác đác xuất hiện một vài cho đến dăm ba chục vụ, chủ yếu là du khách người Việt trở về từ nước ngoài, rước theo cả covid cùng về. Và cả bộ máy ào lên đối phó, quyết liệt, hăng hái, cố nhiên là đối phó được ngay. Các ca F0 đều bị chăng dây cách ly với cộng đồng. Những người dương tính mới đếm trên đầu ngón tay cũng lập tức được đem đi tập trung chữa trị, dứt điểm chóng vánh. Phải thừa nhận đó là một phản ứng tích cực. Thành quả “chín sớm” được thông báo lên đài: hết thảy những ai bị nhiễm covid ở Việt Nam thời gian qua đều đã được đội ngũ bác sĩ tận tình điều trị hiệu quả, kể cả một ông khách người Anh nhiễm bệnh nặng. Còn ai mà không hãnh diện và vui thích! Tuy nhiên, mặt trái của thắng lợi này cũng không phải nhỏ, nó làm cho tâm lý tự kiêu tự mãn “thoát vòng kiềm tỏa” bật dậy khá nhanh. Và dự cảm tỉnh táo về những gì không hay sẽ có thể còn xẩy tới – điều cực kỳ quan trọng – đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, hoặc bị khuất lấp đi. Bộ máy tuyên truyền được dịp tăng tần số phát rộng rãi ra khắp năm châu, khiến thế giới sẵn lòng tin rằng tại mảnh đất hình chữ S ở vùng Đông Nam Á có một nhà nước biết xây dựng cả một chiến lược phòng và chống dịch hữu hiệu và thần tốc. Dân chúng càng thêm phấn chấn khi nghe bề trên nói năng mạnh miệng: Nếu cột điện ở Mỹ mà biết đi thì nó cũng tìm cách về Việt Nam để chữa trị covid (1).

Y như rằng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Một nước nghèo, tiềm lực không có gì, lại sẵn căn bệnh chủ quan, thì khi đại dịch tràn đến thật, hậu quả thế nào hẳn ai cũng hiểu được. Thật chẳng may điểm trũng của đại dịch lại rơi đúng nơi trọng điểm kinh tế của cả nước: Sài Gòn. Vẫn liệu pháp coi Covis 19 là kẻ thù phải “truy cùng diệt tận” mà không một ai lường tính loại virus này có mãnh lực ghê gớm đến đâu, tóm gọn được chúng dễ hay khó, thành thử “truy diệt” virus chưa thấy nhưng người dân của cả một thành phố lớn đông nghẹt đã nghiễm nhiên trở thành đối tượng của các thứ chính sách luật lệ “cách ly nghiệt ngã”, “xét nghiệm ráo riết” được ban bố liên tục từng ngày một. Và hai hệ quả song song đi liền nhau là một chuỗi sự cố liên hoàn đầy ám ảnh: dịch không bớt mà càng chống càng loang, con số nhập viện và chết mỗi ngày một tăng kinh hồn. Đáng nói hơn, đi cùng với công văn giấy tờ, trạm kiểm soát nhan nhản mọc lên, còn có tất cả mọi tệ nạn quan liêu, chuyên chế, hách dịch, cửa quyền… lưu cữu từ lâu, nay đang phơi bày ra hết trong liền mấy tháng chứng kiến con vi rus hoành hành, đẩy người dân sống tập trung ở thành thị cũng như người công nhân sống tập trung trong các khu công nghiệp đến tình thế cơ hồ như thân mình, công việc buôn bán và lao động ngày đêm của mình, cuối cùng là sống chết của mình, không còn do mình làm chủ nữa. Nào là bắt mọi người phải nhốt mình lại trong nhà, đói rã họng ghé ra chợ kiếm chút gì ăn cũng bị tóm cổ. Nào là phải ngoáy mũi hàng ngày theo lệnh, không chịu ngoáy đội ngũ bảo vệ cũng phá khóa lôi ra bắt làm. Nào là tập trung tất cả những ai bị tuyên bố là F0 để cách ly, bởi phương châm “chống dịch như chống giặc”, ai không đi chính là tội phạm. Vân vân và vân vân. Quan trọng hơn nữa, tất cả những việc được bộ máy quan tâm như thế lại đi kèm với một điều kiện duy nhất là phải có tiền chi trả, mà tiền thì tìm đâu ra được khi các nhà máy, chợ búa đóng cửa hàng loạt, người quen làm việc  không ngơi chân ngơi tay bỗng phải ru rú, chịu đói và khát trong nhà. Đến nhà nước cũng chẳng có đồng nào chu cấp cho dân, trong khi đó lại làm một việc xem ra thừa và tăng thêm gánh nặng, đó là điều động quân đội các nơi đến “giúp dân giao dịch”, nghĩa là quân nhân trở thành người tự do đi lại và tiếp xúc với hết người này người khác (vốn là điều cấm kỵ), còn người dân sở tại thì bắt buộc ở vào thế “nội bất xuất ngoại bất nhập” ngăn cách hẳn với xã hội bên ngoài. Không nói cũng rõ, cái gì đến trước sau rồi phải đến: một sớm nào đó bỗng nhiên có hàng nghìn, rồi hàng vạn và nhiều hơn hàng vạn người, vợ chồng con cái bồng bế nhau, dắt díu nhau, lôi thôi lếch thếch, quyết đánh liều lên đường bằng mọi phương tiện mình có, xe máy, xe đạp, đi bằng chân, để rời bỏ Sài Gòn, Bình Dương. Bất chấp các bốt canh trên đường ngăn cản-nghiêm cấm, họ quyết băng qua, quyết chống bằng được mệnh lệnh cứng đờ cứng ngắc, vượt hàng ngàn cây số trong mưa gió về quê nhà tận ngoài Bắc, tận những làng mạc vùng sông nước miền Tây. Họ trở về lại nơi nhiều năm trước đã tự nguyện đi lên thành phố mong một cuộc đổi đời. Đón tiếp, cưu mang họ dọc đường là những bà con nghèo khổ nhưng với tất cả từ tâm, biết cuộc đi này là cái thế bất đắc dĩ của những nông dân mới khoác áo công nhân đâu dăm bảy năm, nay đành phải trở lại quê hương để tìm đường sống.

Quý bạn cộng tác viên và bạn đọc thân mến,

Phác lại một vài nét sơ qua như trên để nhắc nhở với nhau những gì chúng ta từng tận mắt chứng kiến trong hai năm Canh Tí và Tân Sửu. Đó là những trải nghiệm chua xót mà đồng bào chúng ta gánh chịu trong cơn đại dịch và trong áp lực của những tệ nạn nẩy sinh cùng với đại dịch. Chúng nương theo nhau, góp sức đẩy bà con vào cái thế lực kiệt sức cùng. Nhưng không phải bà con ra đi, đánh đường về quê là mọi sự đã xong. Không, tất cả vẫn còn nguyên phía trước. Việc Công ty Kit test Việt Á bị bắt tạm giam mà chưa xét xử ẩn giấu phía sau nó một vụ tham nhũng ghê gớm có nguy cơ lũng đoạn cả bộ máy điều hành đất nước ở cấp cao nhất mà bản Tuyên bố của sáu tổ chức xã hội dân sự in cùng trong số Tết Nhâm Dần này cho thấy, quả như chúng tôi đã nói, đại dịch Covid 19 đã làm lộ ra những gì là yếu kém nhất, tệ hại nhất tồn tại sâu và lâu trong nhiều cơ tầng của đất nước chúng ta. Nếu không nhận thức được nó để cấp bách tiến hành một cuộc đổi mới lần hai rất cơ bản là đổi mới thể chế thì rõ ràng nước nhà sẽ không thoát tình trạng lâm nguy.

***

Chúng ta cũng hẳn chưa quên mở đầu cho năm Canh Tí là những phát đạn trong đêm bắn trúng tim lão nông đảng viên Lê Đình Kình làm bàng hoàng cả nước. Cái chết oan ức của Cụ Kình kéo theo một vụ án có đến mấy lớp người vòng trong vòng ngoài theo nhau vào tù, có người bị tuyên tử hình (2). Trong nhà lao cũng đã có một bị can mang án tử hình từ nhiều năm nay chưa sáng tỏ tội danh là Hồ Duy Hải mà người dân địa phương đã lần lượt tìm ra nhiều chứng cớ oan khuất, nhiều bằng chứng tréo ngoe, nhưng vẫn chưa đủ cho ông Chánh án và 16 vị Thẩm phán Tòa tối cao phiên xử Giám đốc thẩm trong năm Canh Tí xét lại bản án vốn đang đè nặng lên lương tâm mọi người và như một sự trêu cợt đối với luật pháp XHCN (3). Sau phiên xử này, trong năm Tân Sửu lại có tiếp hàng trăm người bị bắt bớ, bị luật pháp của nhà nước kết tội, phải vào ngục làm tù nhân lương tâm, trong đó có nhiều người là bạn hữu của chúng ta trong xã hội dân sự, những người được thế giới vinh danh như Phạm Đoan Trang. Việc bắt các nhà báo đến mức nặng đồng cân khiến cho Việt Nam được thăng cấp, nhảy lên hàng “nhà tù lớn thứ 3 thế giới đối với tự do báo chí” (4).

***

Trở lên là một đôi điều tâm sự về những dấu ấn khiến chúng tôi xếp hai năm Chuột và Trâu Canh Tí-Tân Sửu vào một thời đoạn không mấy ngọt ngào, nói đúng là có nhiều nhức nhối. Ngoảnh nhìn ra thế giới cũng chưa thấy ở đâu hé lộ một cục diện thật sáng tươi khi cơn sốt biến chủng Omicron chưa chấm dứt, viễn cảnh xâm lược của Nga đối với Ukraine làm nhiều nước lo lắng. Mặc dù kẻ thượng tôn da trắng ở Mỹ đã xuống khỏi chiếc ghế Tổng thống được một năm, tình hình rối nhiễu tâm lý trên đất nước cờ hoa do kẻ háo thắng bệnh hoạn gây ra vẫn đang hàng ngày gây biến động. Cuộc đảo chính của bè lũ quân phiệt Miến Điện lật đổ Chính phủ dân sự sau năm năm cầm quyền nhiều hứa hẹn, hay sự trở lại làm chủ Afghanistan của nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban đang phục hồi những luật lệ man rợ, hà khắc nhất… là những vết thương mưng mủ cho nền dân chủ. Dầu sao đi nữa thì thời gian cũng là phép màu cho người ta hy vọng một sự đổi thay. Biết rằng trái đất vẫn vận hành theo luật tuần hoàn, nhưng cứ tuần hoàn không thôi là đã không thể đứng im một chỗ. Huống chi ngay cả trong tuần hoàn cũng có hàm chứa không phải ít bước sóng đột biến quan trọng. Cái Tết và mùa xuân đang kề cận trước mắt mọi người chẳng phải luôn luôn đem lại cho tạo vật sự sinh sôi nẩy nở, sự đột ngột thăng hoa là gì? Hỏi có ai trên trái đất này cưỡng được nhịp điệu của mùa xuân đang thấm vào làn da thớ thịt của chính mình trong thời điểm giao mùa, từng ngày từng giờ, thậm chí từng giây từng phút? Mặt khác thì năm Nhâm Dần con hổ biết đâu lại chẳng dự báo một “tiếng hổ gầm”. Lành hay dữ? Dở hay hay? Ta hãy cứ chờ xem.

Xin chúc quý bạn một năm Nhâm Dần có đầy đủ nội lực để đương đầu với mọi khó khăn trắc trở và cùng nhau dành hết tâm sức tiếp tục vun bón cho mầm cây dân chủ để trong bất kỳ thời tiết nào cũng giữ được nguyên nhựa sống, chờ đúng điểm hẹn xuân về sẽ nẩy lộc đâm chồi.

Xin phép quý bạn nghỉ Tết Âm lịch từ Thứ Bảy 29/01/2022 và hẹn quý bạn sẽ trở lại có mặt vào ngày Thứ Ba 7/2/2022.

Bauxte Việt Nam

Chú thích:

(1) Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội hôm 8/6/2020. Xem: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-people-in-the-us-have-no-intention-of-settling-down-in-vn-dt-06092020140437.html

(2) Xem: http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings

(3) Xem: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu-cua-hoi-dong-tham-phan/toa-an-nhan-dan-toi-cao-cong-bo-quyet-dinh-giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai /

(4) Xem: https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-nha-tu-lon-thu-3-the-gioi-doi-voi-tu-do-bao-chi/6384863.html

This entry was posted in Chúc mừng năm mới. Bookmark the permalink.