24/01/2022
Nhà hoạt động xã hội dân sự Đặng Đình Bách, người cùng bị bắt giam với nhà báo Mai Phan Lợi hồi tháng 7 năm ngoái vì tội “trốn thuế”, tại phiên toà xét xử ở Hà Nội hôm 24/1. Ông Bách bị kết án 5 năm tù.
Một toà án ở Hà Nội hôm 24/1 kết án ông Đặng Đình Bách, giám đốc một tổ chức phi chính phủ và luật sư vệ quyền môi trường, 5 năm tù về tội “trốn thuế”, chưa đầy 2 tuần sau khi nhà báo Mai Phan Lợi bị tuyên nhiều năm tù cùng tội danh.
Ông Bách và ông Lợi, đều là những thành viên nhóm Tư vấn của Việt Nam về Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), cùng bị bắt giam vào ngày 2/7/2021 và cùng bị truy tố vào tháng 12 cùng năm với cáo buộc “trốn thuế”.
Theo cáo trạng được được đưa ra tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội hôm 24/1, ông Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), bị kết tội là có “liên hệ với các tổ chức nước ngoài, đàm phán nhận các khoản tiền tài trợ để triển khai nhiều chương trình, dự án mà (ông) Bách cho là phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của Trung tâm LPSD”.
Cáo trạng được Vietnam Plus của Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn cho biết, Trung tâm LPSD – một tổ chức khoa học công nghệ chuyên nghiên cứu khoa học và triển khai các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực pháp luật và chính sách phát triển bền vững – đã nhận số tiền hơn 10 tỷ đồng từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Cáo trạng còn nói rằng Trung tâm LPSD do ông Bách, 44 tuổi, đứng đầu “đã nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài”. Theo VOV, trung tâm của ông Bách bị cáo buộc trốn thuế hơn 1,3 tỷ đồng.
Trước đó hôm 11/1, TAND thành phố Hà Nội cũng xét xử vụ án “trốn thuế” đối với ông Lợi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), và tuyên 4 năm tù cho cựu phó tổng thư ký toà soạn báo Pháp Luật.
Ông Lợi, 51 tuổi, từng là một trong những đại diện xã hội dân sự gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hà Nội hồi tháng 5/2016.
Ông Bách và ông Lợi bị bắt sau khi nộp đơn tham gia Mạng lưới VNGO-EVFTA, một nhóm gồm 7 tổ chức dịch vụ cộng đồng được thành lập để phối hợp các hoạt động liên quan đến EVFTA.
Ngay sau khi hai nhà hoạt động dân sự này bị bắt, Nhóm Tư vấn của EU về EVFTA vào ngày 14/7/2021 đã gửi một bức thư đến Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu phụ trách thương mại, Valdis Dombrovskis, và Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thương mại, Denis Redonnet, nêu quan ngại về việc này. Bức thư nói rằng ông Lợi và ông Bách bị công an bắt giam sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam, được thành lập theo Chương 13 của EVFTA.
Cũng theo lá thư do bà chủ tịch của Nhóm Tư vấn của EU ký tên, ông Lợi và ông Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA bao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự, trong đó có LPSD và MEC, được thành lập vào tháng 11/2020 nhằm phổ biến và thông tin về hiệp định EVFTA cũng như sự cấu thành của xã hội dân sự ở Việt Nam.
Lá thư nhắc tới việc ông Bách là người bảo vệ sinh thái ít được biết tiếng trong giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam vì ông tập trung hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm giúp đỡ cộng đồng hiểu biết và bảo vệ các quyền của mình. Trong khi đó ông Lợi là người từng điều hành trang Facebook “Góc nhìn báo chí – công dân” và “Diễn đàn Nhà báo trẻ”, và bị thu hồi thẻ nhà báo vào năm 2016 vì “xúc phạm nghiêm trọng danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam” qua vụ thăm dò ý kiến về lý do máy bay CASA 212 của hải quân Việt Nam mất tích.
Trong lá thư, bà chủ tịch Nhóm Tư vấn EU, Judith Kirton-Darling, kêu gọi Uỷ ban Châu Âu nêu các trường hợp này với quan chức Việt Nam và yêu cầu được giải thích về việc bắt giam ông Bách và ông Lợi.
Trước khi hiệp định EVFTA được Nghị viện EU thông qua, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, bị bắt giam và sau đó bị kết án 15 năm tù. Ông Dũng, cũng là một blogger có tiếng của VOA, từ lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu đặt điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam trước khi ký kết EVFTA.
Trong một phiên toà xét xử riêng biệt hôm 21/1, ông Nguyễn Bảo Tiên, một người phát hành các sách của Nhà Xuất bản Tự do, trong đó có các cuốn sách của nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, bị kết án 6 năm rưỡi tù với 2 tội danh của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 117.
Nguồn: VOA Tiếng Việt