Lê Vĩnh Triển – Nguyễn Quỳnh Huy – Võ Tất Thắng – Dương Trọng Hải
(KTSG) – Chính sách tăng trưởng kinh tế vừa qua đã giúp quốc gia khai thác được các nguồn lực để nâng cao đời sống vật chất của người dân. Tuy nhiên, tăng trưởng nhưng không chú trọng đến tính bền vững của môi trường sống và tính minh bạch, giải trình của hệ thống đã dẫn đến những hệ lụy về tham nhũng, thất thoát, tổn hại môi trường và phân hóa giàu nghèo.
Nhu cầu chuyển đổi số khu vực công hướng đến thúc đẩy sự minh bạch và giải trình và đặt người dân ở vị trí trung tâm sẽ giúp thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao chất lượng tăng trưởng…
Nhìn lại tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế đã trở thành cách thức nhằm bảo vệ và nâng cao uy tín chính quyền kể từ sau Đổi mới 1986. Với một nền sản xuất có xuất phát điểm thấp sau nhiều năm đóng cửa, kế hoạch hóa nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế cao gần như là điều tự nhiên khi chấp nhận thị trường. Thập niên 1990 chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng cao với trung bình gần 7%/năm, cuộc sống của người dân cũng được cải thiện rõ. Điều này giúp củng cố lòng tin của người dân vào Nhà nước và của Nhà nước vào vai trò của thị trường và từ đó mở rộng thương mại quốc tế.
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì với tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và đặc biệt là mở rộng khu vực tư nhân đồng thời thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng xuất khẩu. Việc cổ phần hóa DNNN vừa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thua lỗ triền miên, vốn ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín Nhà nước, vừa để thu hút vốn tư nhân vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên Nhà nước vẫn là một nhà đầu tư lớn trong nền kinh tế với việc thường xuyên mở rộng chính sách đầu tư công.
Khai thác tài nguyên thiên nhiên, thu hút FDI, cổ phần hóa DNNN, đầu tư công và định hướng xuất khẩu trở thành nền tảng cho chính sách tăng trưởng của Nhà nước, góp phần nâng cao mức sống của người dân, và làm tăng uy tín cũng như tính chính danh của chính quyền. Tuy nhiên, vì sự bất cập của hệ thống thể chế, việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là tham nhũng, tàn phá môi trường và bất công trong phân phối thu nhập xã hội, làm tổn hại uy tín của chính quyền.
Nếu tiếp tục chính sách tăng trưởng chỉ tập trung vào tốc độ như thời gian qua, Nhà nước sẽ đối mặt với nhiều tình huống tiêu cực hơn trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là Chính phủ sẽ lựa chọn cách thay đổi nào, một là “vá lỗ thủng” và hai là “may áo mới”.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải cách thể chế
Các nhà phê bình chính sách tăng trưởng kinh tế có lý khi đề cập đến chất lượng của tăng trưởng. Cụ thể, ngoài chuyện gây bất công bằng trong phân phối của cải xã hội, tham nhũng còn lấy bớt đi một số phần trăm của tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân. Câu chuyện tăng trưởng kinh tế càng nóng hơn khi áp lực cải cách thể chế ngày càng lớn với các quốc gia muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Có thể nhận thấy, Việt Nam không đáp ứng được việc duy trì tăng trưởng cao trong thời gian đủ dài như các nước đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình có nguyên nhân từ thể chế. Bài học cho thấy để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian đủ dài, các nước/vùng lãnh thổ đã cải cách thể chế mạnh mẽ.
Các cải cách đó một mặt đã giải phóng quốc gia thoát khỏi sự lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, vào lao động chân tay như ở giai đoạn đầu tăng trưởng. Các cải cách thể chế theo hướng tăng minh bạch và giải trình nhà nước, tăng sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị ở Hàn Quốc và Đài Loan đã mang đến lợi kép. Đó là, Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng được cải thiện thông qua việc giảm thiểu tham nhũng, tôn trọng môi trường sống, thúc đẩy công bằng xã hội. Thứ hai, giải phóng các nguồn lực trí tuệ của quốc gia, thể hiện qua việc nâng cao hàm lượng công nghệ vào các sản phẩm cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế.
Như vậy, để tăng trưởng cao và có chất lượng, Việt Nam không thể tiếp tục tận dụng lao động rẻ và giản đơn mãi ở vị thế gia công, lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên (mà hậu quả là tổn hại môi trường) mà phải hướng tới khai thác tài nguyên là trí tuệ con người, nâng cao hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm cạnh tranh. Việt Nam vì thế cần cải cách thể chế từ tính chất bòn rút khai thác sang kiến tạo, bao trùm; từ can thiệp và trực tiếp kinh doanh sang hỗ trợ cạnh tranh công bằng, đề cao minh bạch, trách nhiệm giải trình; đồng thời gia tăng mạnh mẽ sự tham gia của người dân trong các hoạt động chính trị-xã hội.
Cải cách thể chế theo hướng kiến tạo và hỗ trợ, và có sự tham gia của người dân trong đời sống chính trị-xã hội sẽ giúp đất nước dần thoát khỏi tham nhũng cấu kết và từ đó lại làm tăng chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Sự tăng trưởng kinh tế có được nền tảng cải cách thể chế như vậy được mong đợi sẽ giúp đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà quan trọng hơn còn tạo lập một nền tảng phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Vậy cải cách thể chế bắt đầu như thế nào và có những rào cản gì cần phải vượt qua?
Điểm nghẽn chủ quan và quyết tâm của hệ thống chính trị
Cải cách thể chế đòi hỏi ý chí của hệ thống chính trị trong việc tự soi rọi lại hệ thống. Quyết tâm làm cho hệ thống minh bạch hơn, tạo ra những cơ chế để chính quyền giải trình và chịu trách nhiệm cụ thể và rõ ràng hơn nhằm kiểm soát quyền lực của chính mình rõ ràng là một thách thức đối với bất kỳ hệ thống chính trị nào.
Việc tranh quyền kiểm soát của các người/nhóm người này với người/nhóm người khác vốn gây ra bất công và chiến tranh là một câu chuyện dài của lịch sử nhân loại cho đến khi xuất hiện các thiết chế dân chủ, khi đó quyền lực thuộc về người dân và chính quyền là đại diện của người dân, do dân và vì dân để giải quyết vấn đề của một nước. Bản thân các thể chế dân chủ cũng phải luôn tự hoàn thiện.
Vì bản chất của con người luôn là tranh giành quyền lực kiểm soát lẫn nhau, nên các thể chế dân chủ phải luôn hoàn thiện các thiết chế kiểm soát quyền lực của người đại diện. Việc cải cách thể chế của Việt Nam theo hướng minh bạch, giải trình và chịu trách nhiệm vì lẽ đó cũng nhằm tạo ra các cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chính quyền như vậy. Vì thế đòi hỏi nhận thức và quyết tâm của chính hệ thống chính trị.
Nhận thức: Cần phải nhận thức rằng chính việc không hay chậm cải cách thể chế theo hướng đã nêu sẽ đe dọa sự tồn vong của hệ thống chính trị chứ không phải cải cách thể chế sẽ đe dọa sự tồn vong của hệ thống chính trị. Cụ thể, quá trình tăng trưởng kinh tế có vấn đề về chất lượng như đã diễn ra, ngoài việc dẫn đến hệ lụy là tham nhũng và tổn hại môi trường (làm mất uy tín chính quyền) còn tạo ra mất cân đối trong phân phối các nguồn lực và thu nhập quốc gia, khoét ngày càng sâu khoảng cách giàu nghèo.
Tăng trưởng kinh tế trong thể chế không minh bạch và thiếu giải trình tạo ra một bên là những nhóm lợi ích ngày càng mạnh theo hướng quay lại làm tha hóa quyền lực nhà nước và bên kia là số đông ngày càng nghèo đi tương đối (trong mối tương quan với nhóm thứ nhất) mà hệ lụy có thể là những bất ổn chính trị-xã hội.
Trong hoàn cảnh đó, để giải quyết vấn đề hay làm giảm phân hóa xã hội, nhận thức quốc gia cần theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành tầng lớp trung lưu là thành phần nòng cốt thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng ôn hòa. Nếu không cải cách thể chế thì sự lớn mạnh của nhóm thứ nhất (đã làm tha hóa hệ thống chính trị) sẽ đe dọa sự tồn vong của chính hệ thống chính trị. Đồng thời, sự phân hóa giàu nghèo càng thúc đẩy số đông dân chúng nghèo tạo ra những bất ổn, cũng đe dọa thể chế chính trị. Như vậy để giữ quyền lực hay quyền định đoạt hệ thống, chính hệ thống chính trị cần quyết tâm cải cách thể chế.
Lập luận khách quan
Ở góc độ quản trị quốc gia, cải cách thể chế cũng chính nhằm tạo thế cân bằng giữa ba trụ cột – nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội của người dân. Nhà nước không để sự phát triển ngoài tầm kiểm soát đối với thị trường nhưng cũng không thể can thiệp quá sâu làm thị trường bị tê liệt. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho người dân tham gia vào đời sống chính trị-xã hội qua việc hình thành và hoạt động của các tổ chức xã hội của họ.
Vì chính các tổ chức này sẽ một mặt gia tăng sự giải trình và minh bạch của chính quyền và sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; mặt khác bổ khuyết những việc mà thị trường và chính quyền không thể thực hiện. Nếu không cải cách thể chế, thị trường sẽ tạo ra các nhóm lợi ích; sự thiếu minh bạch và giải trình của Nhà nước sẽ càng tạo điều kiện để các nhóm lợi ích làm tha hóa chính quyền như đã đề cập, trước sự thiếu vắng các tổ chức xã hội của người dân nói chung.
Có lập luận cho rằng sự hình thành tầng lớp trung lưu đủ mạnh sẽ thúc đẩy cải cách thể chế và thành phần kinh tế xã hội này ở Việt Nam còn yếu và chưa đủ lực để thúc đẩy cải cách thể chế nhằm giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình đã nêu ở phần đầu, khi bàn về tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, dựa trên phân tích thực trạng thể chế nêu trên, có thể thấy rằng, nếu giả định này đúng với Việt Nam thì yêu cầu đối với cải cách thể chế càng cần thiết vì chính thể chế hiện nay tạo ra sự phân cực đã nêu. Như vậy, có thể cho rằng cải cách thể chế sẽ góp phần tạo ra và thúc đẩy tầng lớp trung lưu, và chính tầng lớp trung lưu lại sẽ thúc đẩy cải cách thể chế càng sâu rộng hơn.
Qua phân tích trên, có thể nhận thấy cải cách thể chế có mối quan hệ hỗ tương với sự hình thành và phát triển các tổ chức xã hội của người dân cũng như thúc đẩy sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu nhằm hạn chế sự phân cực về tài sản và nguồn lực xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của thể chế vì chính tầng lớp trung lưu là đối tượng tham gia sâu rộng trong các tổ chức xã hội này nhằm cân bằng hay kiểm soát quyền lực của các trụ cột trong quản trị quốc gia.
Bối cảnh mới, cơ hội và thách thức với cải cách thể chế
Qua phân tích ở trên, có thể nhận thấy, Việt Nam chưa đạt đến ngưỡng thu nhập cao đủ để có thể vượt bẫy thu nhập trung bình với việc cải cách thể chế sâu rộng. Với mức độ cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế đã nêu, cho thấy viễn cảnh khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình nếu không cải cách thể chế!
Đại dịch Covid-19 đã lộ rõ các yếu kém trong hệ thống quản trị nhà nước và tầm quan trọng của chính các trụ cột nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội của người dân. Khi ý kiến của các bên liên quan được lắng nghe, niềm tin cũng như sự ủng hộ của người dân thể hiện đối với các cách thức chống dịch, Nhà nước đã có những thành công trong xử lý làn sóng đầu tiên của đại dịch.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta đã làm phá sản phương thức chống dịch mà Việt Nam đã đeo đuổi và từng mang lại thành công. Trong hoàn cảnh các nước đã ứng phó bằng vaccine, các chính sách chống dịch của chính quyền chưa thể hiện sự linh hoạt và lắng nghe đối với các phản ánh nhanh nhạy từ người dân và các nhóm đại diện của họ.
Song song đó, do thiếu vắng thể chế minh bạch và giải trình trong hệ thống nhà nước, đại dịch đã làm lộ rõ việc trục lợi nguồn lực công từ các nhóm lợi ích cấu kết với một phần đã bị tha hóa của chính quyền. Hậu quả là sự hao tổn sinh mạng con người, tổn hao nguồn lực quốc gia và càng làm bần cùng hơn số đông nhóm yếu thế trong xã hội.
Tuy vậy, nếu nhận thức được nguyên nhân của tình trạng nêu trên chính từ sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình của khu vực nhà nước, cũng như từ việc thiếu cơ chế phối hợp để lắng nghe ý kiến trí tuệ của các giới (khu vực dân chúng, xã hội) sẽ là cơ hội để chính quyền quyết tâm mạnh mẽ cải cách thể chế. Ngoài cơ hội về nhận thức và quyết tâm cải cách của chính quyền vừa nêu, đại dịch cũng đã giúp chính quyền và toàn xã hội rút ra được những bài học và những bài học này cũng là các cơ hội do chính đại dịch mang lại nhằm tăng khả năng thành công của công cuộc cải cách thể chế.
Thứ nhất, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong tương tác xã hội (giữa các trụ cột của quản trị quốc gia) sẽ là công cụ để hỗ trợ xử lý các khủng hoảng như đại dịch. Những thất bại trong xử lý đại dịch do thiếu vắng các nền tảng như dữ liệu số lớn, hạ tầng công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ có thể lặp lại khi xử lý khủng hoảng nếu chính quyền không quyết tâm xây dựng các hạ tầng công nghệ này.
Thứ hai, các nhóm yếu thế là số đông trong xã hội và là nhóm chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhóm thu nhập thấp, công nhân, người làm công ăn lương, người nhập cư nghèo đến các thành phố lớn để lao động là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đại dịch xảy ra trong điều kiện các thiết chế thị trường và xã hội bị tê liệt và gánh nặng đặt lên vai Nhà nước. Hệ thống phúc lợi xã hội, chính sách cứu trợ, hỗ trợ không hiệu quả, thất thoát khi hạ tầng thông tin yếu kém trong điều kiện thể chế thiếu minh bạch và giải trình.
Tuy đã có những nỗ lực từ các tổ chức xã hội tự nguyện tự phát, sự thiếu vắng các tổ chức xã hội chính thức đã làm giảm hiệu quả tích cực của trụ cột quan trọng này trong việc cùng với Nhà nước giải quyết khủng hoảng. Hệ thống hỗ trợ, phúc lợi từ khối doanh nghiệp cũng mong manh do chính sách kinh tế ưu tiên cho khu vực FDI và chủ doanh nghiệp hơn là những ràng buộc trách nhiệm của họ đối với người lao động. Nhận thức và quyết tâm giải quyết các bất cập nêu trên nhằm cải thiện công bằng xã hội, vì lẽ đó, sẽ là một cơ hội để ổn định xã hội và phát triển kinh tế một cách bền vững hơn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số khu vực nhà nước và minh bạch đầu tư công – Nhận thức về thể chế
Chuyển đổi số khu vực nhà nước qua phân tích rõ ràng là một giải pháp trong việc giúp Nhà nước xử lý khủng hoảng đồng thời với việc phục vụ tốt hơn các thành phần yếu thế trong xã hội. Vì đặc trưng của chuyển đổi số là nhằm gia tăng tính minh bạch và giải trình của hệ thống, nên một cách tự nhiên, chuyển đổi số cũng là phương cách hữu hiệu của cải cách thể chế cho mục đích này.
Về mặt kinh tế, chuyển đổi số khu vực nhà nước là một hình thức đầu tư công. Như vậy, để giải quyết các vấn đề kinh tế hậu đại dịch, đầu tư công thông qua các gói kích cầu, và chuyển đổi số khu vực công đều có thể dẫn đến hệ lụy về tham nhũng trong một thể chế thiếu minh bạch và giải trình như đã nêu ở phần đầu.
Trước tình hình chuyển đổi số khu vực công đang trở thành một trào lưu, một chiến lược cấp quốc gia và triển khai ở khắp các tỉnh thành, Nhà nước không thể không quan tâm đến các thiết chế nhằm ngăn ngừa tham nhũng và thất thoát.
Tham nhũng có thể xảy ra ở các khâu của quá trình lựa chọn lĩnh vực đầu tư chuyển đổi số, đấu thầu và phê duyệt dự án. Thất thoát có thể xảy ra ở việc thiếu nghiên cứu khả thi, tổng thể dẫn đến đầu tư trùng lắp và thiếu đồng bộ giữa các ngành và địa phương.
Như vậy, chuyển đổi số khu vực công với mục đích trùng với cải cách thể chế có thể bị vô hiệu khi thiếu một cơ chế nghiên cứu khả thi, minh bạch và giải trình có trước. Khi đó, những thất thoát và tham nhũng từ chính chính sách đầu tư công (kích cầu) hậu đại dịch, trong đó có chuyển đổi số khu vực công, sẽ lại làm giảm sút chất lượng tăng trưởng kinh tế như đã phân tích, và hậu quả có thể làm khoét sâu hơn sự bất công bằng trong phân phối.
Trước tình hình này, sự tham gia của người dân trong các nhóm/tổ chức xã hội đại diện họ để làm áp lực cho sự minh bạch và giải trình của khu vực nhà nước và thị trường, hạn chế sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích thực sự là bước đi cần thiết, song song với chính sách kích cầu và chuyển đổi số khu vực công.
Chính sách tăng trưởng kinh tế cần xem lại trong tư duy cải cách thể chế mới mang tính bao trùm
Chính sách tăng trưởng kinh tế vừa qua đã giúp quốc gia khai thác được các nguồn lực để nâng cao đời sống vật chất của người dân. Tuy nhiên, tăng trưởng nhưng không chú trọng đến tính bền vững của môi trường sống và tính minh bạch, giải trình của hệ thống đã dẫn đến những hệ lụy về tham nhũng, thất thoát, tổn hại môi trường và phân hóa giàu nghèo như đã phân tích.
Các hệ lụy càng lộ rõ và trầm trọng hơn qua đại dịch Covid-19. Các hệ lụy này đã gióng lên cảnh báo về mặt thể chế, nếu thúc đẩy mạnh mẽ hơn quyết tâm cải cách của Nhà nước, sẽ trở thành cơ hội của đất nước. Trong đó nhu cầu chuyển đổi số khu vực công hướng đến thúc đẩy sự minh bạch và giải trình và đặt người dân ở vị trí trung tâm sẽ vừa giúp thúc đẩy cải cách thể chế, vừa đặt ra câu hỏi cho chính thể chế hiện tại.
Để cải cách thể chế thành công mà chuyển đổi số khu vực công là một chiến lược vừa mang tính kinh tế – đầu tư công vừa mang tính mục tiêu của cải cách thể chế là hướng đến sự minh bạch và giải trình của hệ thống, Nhà nước không thể không nhận thức được điểm nghẽn này và không thể không tạo lập riêng một quyết sách nhằm làm minh bạch và nâng cao tính giải trình của cả hệ thống, bao gồm các gói kích cầu hậu đại dịch và đầu tư vào chuyển đổi số khu vực công.
Về lâu dài, ngoài việc chất lượng của tăng trưởng kinh tế cần được nâng lên, quan điểm về tăng trưởng kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên và lao động giản đơn cũng cần được xem xét lại. Cụ thể, để tăng trưởng kinh tế thực sự có chất lượng (giải quyết được các hệ lụy), tư duy kinh tế cần thay đổi mạnh mẽ theo hướng hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI, nâng cao trách nhiệm của thị trường của các doanh nghiệp trong việc đảm bảo yêu cầu phúc lợi xã hội đối với người lao động, giám sát và kiểm soát ngân sách đầu tư công.
Thứ hai và có ý nghĩa quyết định, đó là tư duy về cải cách thể chế cần thay đổi theo hướng tạo lập một thể chế theo hướng bao trùm. Cụ thể là, việc kích cầu và vận động mọi nguồn lực trong nền kinh tế vào phát triển không chỉ giới hạn ở các nguồn lực vật chất tự nhiên, sức lao động mà phải có chính sách khai thác các nguồn lực tinh thần và trí tuệ của người dân.
Khi khai thác được nguồn lực này, các sản phẩm cạnh tranh sẽ mang hàm lượng công nghệ cao hơn về mặt kinh tế, giới trung lưu có cơ hội phát triển mạnh mẽ để cân bằng quyền lực với các nhóm lợi ích đang làm suy yếu Nhà nước và xã hội. Việc định hướng sáng tạo không dừng ở khía cạnh phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế vật chất mà còn ở khía cạnh sáng tạo mang tính văn hóa, chính trị-xã hội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống của toàn dân.
Tư duy tăng trưởng kinh tế thay đổi giúp quốc gia giải phóng và sử dụng nguồn lực một cách tốt hơn, giúp nền kinh tế cạnh tranh mạnh mẽ hơn, giảm thiểu tham nhũng và nâng cao mức sống của số đông dân chúng. Đổi mới tư duy về cải cách theo hướng bao trùm sẽ giải phóng được sự sáng tạo mang tính trí tuệ và tinh thần của người dân từ đó càng làm tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa thiết thực và bền vững. Đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên mới của cạnh tranh quốc tế một cách sáng tạo, nhân văn, công bằng và bền vững.
L.V.T. – N.Q.H – V.T.T. – D.T.H.
Nguồn: Thesaigontimes