(Trụ sở Liên Thành thương quán năm 1922 [bên trái] và hiện nay [bên phải] tại Sài Gòn)
Bài viết này giới thiệu ngắn gọn về truyền thống hiến tặng cho giáo dục đại học ở Mỹ, điểm lại lịch sử truyền thống hiến tặng cho giáo dục ở Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam trong giai đoạn canh tân và khai sáng xã hội cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, và phân tích một số vấn đề thể chế ngăn cản sự hình thành hoạt động hiến tặng cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở Việt Nam hiện nay.
Hiến tặng cho giáo dục ở Mỹ
Nếu coi đại học chỉ là nơi đào tạo nghề, cung ứng lao động cho xã hội, chắc hẳn đại học có thể hoạt động bằng học phí mà không cần tài trợ. Nhưng nếu coi đại học là nơi sản xuất ra tri thức, công nghệ và các giá trị văn hoá mới, thông qua xây dựng con người, là nơi bảo tồn chúng và truyền chúng cho các thế hệ tương lai, thì đại học cần rất nhiều tài trợ từ nhà nước và xã hội.
Với ý nghĩa này, đại học không chỉ có giảng đường mà cần có thư viện, bảo tàng văn hoá nghệ thuật, có các cơ sở nghiên cứu và thực hành, có các công ty trực thuộc để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ích dụng cho xã hội và có khả năng thương mại. Đại học còn phải xây dựng một môi trường để người học trải nghiệm một “student life”, một đời sống sinh viên qua đó họ được thực hành các giá trị văn hoá thông qua việc tiếp xúc với một môi trường văn hoá đa dạng, qua các câu lạc bộ nghệ thuật, học tập và thực hành xã hội… Ký túc xá, do đó, cũng không chỉ là nơi ăn và ngủ mà là một không gian trải nghiệm.
Nếu hiểu về đại học như vậy, học phí sẽ không bao giờ đủ để đại học vận hành được mà họ cần tài trợ. Việc các trường đại học nhận tài trợ từ các nhà hảo tâm là việc bình thường xưa nay ở các nước phát triển. Các đại học tư, phi lợi nhuận như Đại học Johns Hopkins, Đại học Cornell, Đại học Stanford, Đại học Chicago, Đại học Rockefeller đều được xây dựng và phát triển từ các nguồn tài trợ của những người giàu có.
Về nghĩa vụ giữa nhà trường và nhà hảo tâm, thông thường thì cả hai thực hành nghĩa vụ đối với tiến bộ xã hội.
Andrew Carnegie ở Mỹ là một doanh nhân đại tài cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, đã hiến tặng tài sản của mình cho các hoạt động nhân ái, trong đó có phát triển giáo dục đại học của Mỹ. Ông kinh doanh để tạo ra một nguồn của cải khổng lồ, và hiến tặng nguồn của cải đó cho xã hội với triết lý “ai chết giàu có là chết trong hổ thẹn”.
Những người giàu trong các trường hợp trên đồng thời cũng là các nhà khai sáng về mặt tinh thần cho xã hội, không chỉ bằng cách lập thuyết mà còn bằng cách thực hành chính lý thuyết, lý tưởng của mình, bằng hành động hiến tặng cụ thể nguồn lực vật chất cho văn hóa, giáo dục và y tế. Cho nên cả người hiến tặng và nhà trường, nơi được nhận hiến tặng, đều đi theo một lý tưởng nhân văn cao cả.
Nếu nói đến nghĩa vụ thì đó là nghĩa vụ xây dựng các nền tảng văn hóa giáo dục và khai sáng cho xã hội tương lai. Tất nhiên, sẽ có những nghĩa vụ đương nhiên về mặt quản lý, ví dụ, nhà trường nhận tiền tài trợ sẽ phải thực hiện việc chi tiêu một cách đúng đắn, liêm chính, đúng mục đích khoa học, giáo dục và văn hóa mà các bên đã thống nhất, tránh lợi dụng tiền tài trợ để làm việc bất chính.
Ngày nay, truyền thống hiến tặng đó vẫn tiếp tục. Theo báo cáo Giving USA 2018, người Mỹ hiến tặng cho giáo dục 58,9 tỷ USD vào năm 2017, trên tổng số hơn 410 tỷ USD từ thiện của họ. Nói chung, sinh viên đóng học phí cao để nhập học, nhưng các trường đại học phi lợi nhuận còn chi cho nghiên cứu và giáo dục cao hơn gấp nhiều lần tổng số học phí của sinh viên đã trả cho trường. Nói cách khác, sinh viên nhận được nhiều giá trị hơn số học phí mà họ đóng góp cho trường.
“Nghĩa lợi lưỡng toàn”: Khai sáng, canh tân, hiến tặng
Ở Đông Bắc Á, tinh thần hiến tặng cho đại học như một phương thức xây dựng các điều kiện xã hội, văn hoá và giáo dục cho công cuộc “khai sáng văn minh”, tức xây dựng ý thức về nhân quyền và giá trị của con người cá nhân, giải phóng sức sáng tạo tiềm ẩn của xã hội, được hình thành trong giai đoạn tiếp xúc với phương Tây cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Nhật Bản là nơi khởi đầu hiện tượng này, tiêu biểu là Shibusawa Ei-ichi (渋沢 栄一, 1840 – 1931) người được tôn vinh là “người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật”. Là một quan chức cấp cao của Triều đình Minh Trị, ông từ quan, bước vào thương trường, sáng lập và đầu tư vào khoảng 500 công ty cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 ở Nhật. Cho đến thập niên 1910s, những doanh nghiệp ông sáng lập và đầu tư đã có quy mô ước tính tương đương khoảng 50% GDP của Nhật thời đó. Đồng thời ông cũng thực hiện khoảng 600 dự án thiện nguyện, trong đó có việc hiến tặng tài sản để phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục dành cho phụ nữ. Ông là người làm cho Nhật Bản trở thành một trong những nơi có nhiều trường dành riêng cho người học là phụ nữ nhất thế giới. Trước lúc Shibusawa mất, con cháu ông chỉ còn giữ lại một phần rất nhỏ trong quỹ đầu tư của ông (dưới 2%).
Ông hành động theo lý thuyết mà chính ông đề xướng, trên cơ sở hiện đại hoá Nho giáo, là doanh nhân “nghĩa lợi lưỡng toàn”, có nghĩa là doanh nhân vừa phải có tài để tạo ra của cải, vừa có lòng nhân ái để dùng của cải đó phụng sự cho tiến bộ xã hội. Tinh thần “nghĩa lợi lưỡng toàn” của doanh nhân Nhật Bản đã được truyền sang các nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam đầu thế kỷ 20 dù quy mô nhỏ bé hơn.
Zhang Jian (Trương Cảnh 張警, 1853 – 1926) được coi là người khai sơn phá thạch cho cuộc hiện đại hoá ở Trung Quốc cận đại.[1]
Zhang thi đỗ Trạng Nguyên năm 1894 và được bổ vào Hàn lâm Viện 翰林院 của triều Mãn Thanh, một định chế giáo dục được thành lập từ thời Huyền Tôn nhà Đường, chuyên đào tạo quan lại.
Cuộc chiến Pháp Thanh trên lãnh thổ Bắc Kỳ Việt Nam, tranh giành quyền ảnh hưởng và áp chế đối với Việt Nam, kết thúc năm 1885 với phần thua thuộc về Mãn Thanhh. Mãn Thanh chấp nhận mất chư hầu Việt Nam vào tay Pháp. Và 10 năm sau, năm 1894, khi Zhang đỗ trạng nguyên và được bổ vào Hàn Lâm viện, cuộc chiến Giáp Ngọ (theo cách gọi của Trung Quốc, và “Chiến tranh Nhật Thanh” theo cách gọi của Nhật) nổ ra ở Triều Tiên, và kết thúc vào năm sau, với phần thắng thuộc về Nhật Bản. Mãn Thanh mất nốt chư hầu Triều Tiên. Kết quả cuộc chiến làm cho Zhang thức tỉnh về cuộc canh tân của Nhật Bản, về tính cấp thiết của việc hiện đại hoá Trung Quốc.
Sau khi về quê chịu tang cha một năm, ông không trở lại quan trường mà dấn thân vào thị trường, thành lập Công ty Sản xuất bông vải Dah Sun ở Nantong (Nam Thông, thuộc Giang Tô, phía bắc Thượng Hải). Sau đó, ông dấn thân vào các lĩnh vực cải tạo đất nông nghiệp, bảo tồn nguồn nước, và đặc biệt là giáo dục.
Hoạt động thực nghiệp của Zhang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tinh thần Nhật Bản. Năm 1903, Zhang đến Nhật Bản nghiên cứu về cuộc Duy tân Minh Trị. Ông đi từ thành phố cảng Nagasaki ở phía nam đến Hokkaido ở phía bắc, thăm viếng các trường học, viện bảo tàng và quan sát xã hội. Đặc biệt, đối với giáo dục, ông tìm hiểu khoảng 20 trường khác nhau ở Nhật, từ trường mẫu giáo đến đại học, các trường sư phạm (Shihan Gakko 師範学校 “sư phạm học hiệu”, chuyên đào tạo giáo viên), các trường dạy nghề (Senmon Gakko), đến thăm Ryohei Murayama, chủ tịch báo Asahi, chủ tịch ngân hàng Sanjushi, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka (大阪商工会議所) là Doi Michio, gặp Kano Jigoro (Hiệu trưởng của Trường Đào tạo Giáo viên Trung học Tokyo 東京高等師範学校 đồng thời là sư tổ của phái võ Judo), thăm dòng tộc Nozaki, một dòng họ thường dân sản xuất muối lớn nhất Nhật Bản đương thời.[2]
Trung Quốc đầu thế kỷ 20 vẫn thiếu những chính trị gia ở thượng tầng đủ năng lực để thúc đẩy cuộc hiện đại hoá. Khác với Shibusawa Ei-ichi ở Nhật Bản, Zhang Jian đã quay trở lại quan trường sau đó. Năm 1909, ông lãnh đạo Giang Tô Tư nghị Cục, (Tư nghị Cục 諮議局 là một cơ quan do triều đình Mãn Thanh thành lập ở các tỉnh để chuẩn bị cho việc soạn thảo Hiến pháp). Sau Cách mạng Tân Hợi, năm 1912, ông là người soạn chiếu thoái vị của Tuyên Thống Đế 6 tuổi của nhà Thanh (tức Phổ Nghi), và trở thành Thực nghiệp Tổng trưởng (Bộ trưởng Bộ Thực nghiệp) của Chính phủ Lâm thời Trung Hoa Hoa Dân quốc. Năm 1913 ông là Công thương Tổng trưởng (Bộ trưởng Bộ Công thương) kiêm nhiệm Nông Lâm Tổng trưởng (Bộ trưởng Bộ Nông lâm), và năm 1914 là Toàn quốc Thuỷ lợi Cục Tổng tài (Giám đốc Cục tài nguyên nước Quốc gia). Nắm giữ các chức vụ cao nhất ở những ngành liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, Zhang Jian được coi là một trong những người tiên phong trong cuộc canh tân ở Trung Quốc.
Thành công trong kinh doanh và nắm những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước Trung Quốc mới sau Cách mạng Tân Hợi, Zhang Jian cũng tự mình hiến tặng và vận động các hoạt động hiến tặng to lớn cho giáo dục Trung Quốc.
Năm 1904, với tầm nhìn phát triển nghề cá để bảo vệ và bành trướng chủ quyền trên biển, ông đề xuất xây dựng “Thuỷ sản học hiệu”, tiền thân của Trường Đại học Hải dương Thượng Hải sau đó. Năm 1905, ông tham gia cùng nhiều chí sỹ khác vận động thành lập Đại học Phúc Đán (Fudan University) ở Thượng Hải. Ngày nay Đại học Phúc Đán là một trong những trường hàng đầu Trung Quốc. Năm 1909, ông sáng lập Trường trung học cơ sở Nam Thông, tỉnh Giang Tô 江苏省南通中学, từ thập niên 1930s được xem như một trường trung học “tinh hoa” ở Trung Quốc. Năm 1912, ông sáng lập Trường Cao đẳng Y tế Nam Thông 私立南通医学专门学校 và Trường Cao đẳng Dệt may Nam Thông 南通纺织专门学校, là tiền thân của Đại học Nam Thông 南通大学 ngày nay. Năm 1915, ông thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hohai 河海工程专门学校 chuyên nghiên cứu và đào tạo nhân lực bảo tồn nguồn nước, tiền thân của Đại học Hohai (河海大学 Hà Hải Đại học)
Ở Việt Nam, mẫu hình người doanh nhân làm ra của cải để cống hiến cho sự khai sáng xã hội xuất hiện lần đầu tiên năm 1906, do các sỹ phu Bình Thuận thực hiện, để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng ở Trung Kỳ. Họ sáng lập đồng thời ba tổ chức hoạt động gắn kết với nhau, là “Liên Thành thương quán” để kinh doanh kiếm tiền, thực hiện phương châm “hậu dân sinh”, “Dục Thanh học hiệu” để đào tạo tri thức và giáo dục tinh thần khai sáng, thực hiện phương châm “khai dân trí”, và “Liên Thành thư xã” để phổ biến tân thư theo tinh thần khai sáng, thực hiện phương châm “chấn dân khí”.
Liên Thành thương quán hoạt động chủ yếu ở thị trường nước mắm, một nghề có truyền thống ở Bình Thuận, đến 1975 ở Miền Nam Việt Nam đã trở thành một công ty mạnh và mở rộng thị trường sang một số nước Đông Nam Á. Công ty bị quốc hữu hoá năm 1975 và được khôi phục lại từ thập niên 1990s.
Hệ thống 3 tổ chức nói trên của Liên Thành không để lại tuyên ngôn nào. Có lẽ họ không lập thuyết vì nhóm lãnh đạo phong trào Duy tân đã nói đủ và đúng, qua 3 mệnh đề “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Chúng ta không khó để nhận thấy họ nhận ảnh hưởng từ tinh thần “nghĩa lợi lưỡng toàn” của Nhật Bản thông qua “tân thư” của Trung Quốc. Nam Phong tạp chí những năm 1917, 1918 có một số bài của Phạm Quỳnh dùng khái niệm “nghĩa lợi lưỡng toàn” nhưng không giải thích ý nghĩa. Chúng ta có thể phán đoán rằng khái niệm “nghĩa lợi lưỡng toàn” này có thể đã trở nên phổ biến trong giới trí thức mới ít ỏi thời bấy giờ, đủ để Phạm Quỳnh chỉ cần sử dụng khái niệm mà không cần diễn giải gì thêm.
Hoạt động hiến tặng cho giáo dục đại học cũng phổ biến ở Miền Nam Việt Nam trước 1975. Sau đó, hiện tượng văn hoá xã hội này bị xoá sổ và đến giờ vẫn chưa khôi phục lại được. Đây là một câu chuyện dài. Chúng tôi sẽ khảo sát thêm trong một dịp khác. Phần tiếp theo sẽ bàn về Việt Nam đương đại.
Hiến tặng cho đại học ở Việt Nam đương đại
Cho đến nay, hiến tặng cho giáo dục đại học chưa phải là thói quen và xu hướng hành động của giới nhà giàu Việt Nam.
Việt Nam mới có những hiện tượng nhỏ lẻ. Ví dụ, doanh nhân Phan Văn Bên, chủ công ty lúa gạo Cỏ May ở Đồng Tháp, hiến tặng khoảng 2 triệu đô la để xây dựng khu học xá cho sinh viên ở Trường Đại học Nông Lâm Tp. HCM, theo mô hình học xá ở một số nước tiên tiến, tức là nơi ở đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, sáng tạo, học tập, thể thao, rèn luyện tinh thần, chứ không đơn giản chỉ là một “ký túc xá” (nơi ở).
GS. Trần Thanh Văn cũng hiến tặng khoảng 2 triệu đô la để xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành – ICISE năm 2013 và Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành – IFIRS năm 2016 ở Quy Nhơn.
Giáo dục Việt Nam cũng nhận được một vài hiến tặng đáng kể từ nước ngoài nhưng truyền thông ít nói đến. Chuck Feeney là một tỷ phú và nhà từ thiện nổi tiếng của Mỹ. Ông đã hiến tặng một nửa kinh phí xây dựng Trường Đại học RMIT Việt Nam (khoảng 33 triệu USD), ông cũng hiến tặng cho một dự án giáo dục của Đại học Đà Nẵng. Ông cũng là nhà hiến tặng hào phóng cho các trường đại học Mỹ.
Chuck Feeney sống một cách giản dị, không sở hữu nhà riêng mà ở chung cư thuê, không có xe hơi mà đi phương tiện công cộng, người ta chỉ biết ông giàu thế nào khi đếm số tiền ông cho đi, khoảng hơn 8 tỷ USD. Năm 2020, ông đóng cửa quỹ từ thiện của mình sau khi đã cho đi tất cả, với triết lý như ông thể hiện trong thư gửi cho Bill Gate, “cho người khác” cũng là một cách vì bản thân mình, “vì mình” không theo nghĩa ích kỷ mà theo nghĩa sống với giá trị mình theo đuổi:
“Tôi không thể nghĩ ra cách nào sử dụng của cải một cách phù hợp và bổ ích cho cá nhân mình hơn là cho đi khi còn sống — để cống hiến bản thân hết mình cho những nỗ lực có ý nghĩa, nhằm cải thiện điều kiện sống của con người.” (Xem thư ông gửi Bill Gate)
Những bất cập về mặt thể chế ngăn cản hiến tặng cho giáo dục đại học ở Việt Nam
Sự hiến tặng chỉ trở nên phổ biến khi nhà giàu và nhà trường có cùng chung lý tưởng phát triển xã hội và quốc gia, đồng thời có cơ chế quản lý minh bạch để bảo đảm số tiền được chi đúng mục đích.
Việt Nam giống các nước là có 2 khối đại học công và tư. Ở các nước phát triển, Đại học công lập cũng nhận được rất nhiều hiến tặng, vì nó là một định chế tự trị, chỉ phục vụ cho lợi ích quốc gia và nhân loại, không phục vụ cho một đảng phái chính trị nào, không vận hành dưới sự kiểm soát của đảng phái nào cả, không có các cơ sở đảng phái chính trị trong trường, và nếu có các tổ chức chính trị thì chỉ có tính chất cá nhân mà không có quyền lực. Nó là một định chế “nghịch lý”, tức là vừa nhận tài trợ to lớn từ chính quyền nhưng vừa tự trị và độc lập trước chính quyền. Một môi trường như thế mới có thể nhận hiến tặng vô tư từ các nhà hảo tâm. Việt Nam dĩ nhiên không có các điều kiện này.
Ở khối đại học tư của Việt Nam, chúng ta cũng hiếm thấy hiện tượng hiến tặng cho giáo dục đại học, ngược lại, chúng ta thấy phổ biến hiện tượng doanh nghiệp sở hữu các cơ sở giáo dục đại học, hoạt động vì lợi nhuận từ giáo dục, tức coi giáo dục như một phương thức kinh doanh.
Nhiều trường đại học tư nhân này đều trực thuộc một doanh nghiệp, giảng viên đại học nhận lương hàng tháng từ công ty trả cho, lợi nhuận hàng năm được chia cho cổ đông. Những năm gần đây, hiện tượng mua bán sáp nhập trường học tương tự như mua bán sáp nhập doanh nghiệp diễn ra khá nhộn nhịp. (Xem “Sôi động làn sóng mua bán, sáp nhập trường”, SGGP, 2018)
Sở dĩ có hiện tượng này vì cách thiết kế luật ở Việt Nam. Luật Giáo dục Đại học năm 2012 cho phép thành lập đại học cả “vì lợi nhuận” lẫn “không vì lợi nhuận”. Cả đại học “vì lợi nhuận” lẫn “không vì lợi nhuận” đều có “Hội đồng quản trị” được cấu thành bởi các “nhà đầu tư” giống như doanh nghiệp, do đó “Hội đồng quản trị” của trường đại học tư nhân cũng hoạt động theo các nguyên tắc được thiết kế dành cho “Hội đồng quản trị” trong Luật doanh nghiệp.
Điều 12 của Luật này “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi”, nhưng Điều 66 của nó lại quy định trường đại học “vì lợi nhuận” chỉ cần đầu tư trở lại cho giáo dục tối thiểu 25% trên nguồn thu, tức là có thể đem 75% tổng nguồn thu để làm lợi nhuận. Do đó, nội dung cấm đoán ở Điều 12 không còn ý nghĩa.
Điều 66 cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư mở trường đại học bằng cách quy định miễn thuế phần 25% đầu tư trở lại cho nhà trường. Thực tế, 25% này tương đương hoặc thấp hơn phần chi thường xuyên cho việc vận hành của trường. Do đó, thực chất, Luật đã không phân biệt giữa chi thường xuyên và chi cho phát triển của trường đại học tư nhân.
Đối với trường đại học “không vì lợi nhuận”, Luật thiết kế một điều nghịch lý là “nhà đầu tư” vẫn được nhận lợi tức chia hằng năm (không quá lợi tức trái phiếu chính phủ – Điều 4). Luật sửa đổi số 34/2018/QH14 năm 2018 đã bỏ quy định ở điều 4 này, tuy nhiên, thực tế thì người ta có rất nhiều cách để mang hình thức “không vì lợi nhuận” nhưng vẫn nhận được lợi nhuận.
Trong một nền giáo dục tư nhân được vận hành dựa trên bối cảnh luật pháp như vậy, rất khó để ra đời hiện tượng hiến tặng cho đại học tư. Bởi lẽ đương nhiên, các nhà hảo tâm chỉ hiến tặng khi chắc chắn tiền của mình được phục vụ cho lợi ích công cộng, không trở thành lợi nhuận của các “nhà đầu tư giáo dục”.
Ngoài ra, quy định pháp luật về việc miễn giảm thuế cho các khoản hiến tặng cho giáo dục cũng không khuyến khích hoạt đồng này, vì các văn bản luật mâu thuẫn nhau. Luật Giáo dục Đại học năm 2012 cũng không có quy định nào về việc miễn thuế, giảm thuế cho các nhà hảo tâm hiến tặng cho đại học. Khoản 2, Điều 98 của Luật Giáo dục năm 2019 (về nguyên tắc là bao trùm cả lĩnh vực đại học) có quy định miễn thuế các khoản hiến tặng cho giáo dục nói chung. Tuy nhiên, theo các quy định pháp luật về thuế thì không dễ dàng được khấu trừ thuế cho số tiền hiến tặng cho giáo dục. Doanh nghiệp hiến tặng cho giáo dục thì có thể được khấu trừ thuế (theo Khoản 2.23, Điều 6 của thông tư Số: 78/2014/TT-BTC, hướng dẫn thi hành nghị định chính phủ về thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp), nhưng cá nhân hiến tặng cho giáo dục thì không được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, trừ khi hiến tặng cho Mặt trận Tổ quốc và các quỹ được nhà nước cấp phép (theo thông tư Số: 111/2013/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân). Thực tế, một số nhà hảo tâm cũng cho biết họ không được khấu trừ thuế khi hiến tặng trực tiếp cho một ngôi trường nào đó.
Để phục hồi tinh thần hiến tặng cho giáo dục từ thời phong trào duy tân đầu thế kỷ 20, Việt Nam phải sửa chữa toàn diện nhiều mặt, từ tinh thần khai sáng và triết lý giáo dục đến thiết kế luật pháp và các định chế chính trị xã hội.
N.L.K.K.
Nguồn: uoregon
Chú thích
[1] Xem thêm: Nakai Hideki, Khảo cứu so sánh các doanh nhân cận đại Nhật Bản và Trung Quốc: Trương Cảnh và Shibusawa Ei-ichi, Tạp chí Hitotsubashi Ronso, Đại học Hitotsubashi, Vol. 98, No. 6 (中井英基, 張警と澁澤栄 一: 日中近代企業者比較論, 一橋論叢 第98巻 第6号)
[2] Xem thêm: Tsuchiya Hiroshi, Khảo cứu về chuyến thăm của hai quan chức Trung Quốc đến nhà dòng tộc Nozaki vào cuối thời Minh Trị và Mãn Thanh – Trương Cảnh và Tưởng Phủ, Tạp chí “Nghiên cứu cộng sinh văn hóa”, số 15, tháng 3 năm 2016, Trường Cao học Khoa học Xã hội và Văn hóa, Đại học Okayama, (明治・清末期、野﨑家を訪問した中国の官紳 ―張謇と蒋黼―, 『文化共生学研究』, 岡山大学大学院社会文化科学研究科, 第15号, 3. 2016)