07/01/2022
Chuyến thăm Miến Điện của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm nay, 07/01/2022, có thể gây phương hại cho những nỗ lực của khối các nước Đông Nam Á nhằm chấm dứt bạo lực ở Miến Điện kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính ngày 01/02 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (trái) và lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing trong cuộc gặp tại Naypyidaw, Miến Điện, ngày 07/01/2022. AP
Cách đây hai ngày, thủ tướng Hun Sen đã cho biết ông không đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo ngoại quốc đến Miến Điện kể từ sau đảo chính. Ông cũng đã biện minh cho quyết định của ông đối thoại trực tiếp với lãnh đạo của phe đảo chính, khẳng định mục tiêu của ông hoàn toàn theo đúng tinh thần của bản Đồng thuận 5 điểm của ASEAN, được thông qua tại một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 4/2021.
Văn bản này kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện chấm dứt bạo lực, chấp nhận đối thoại với tất cả các bên, đồng thời bổ nhiệm một đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện.
Mặc dù ASEAN đã không mời đại diện của tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự thượng đỉnh của Hiệp hội vào tháng 10, do chính quyền Naypyidaw vẫn không hợp tác thi hành Đồng thuận 5 điểm, thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố sẽ thi hành một chính sách “thực dụng” đối với tập đoàn quân sự trong thời gian Cam Bốt giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Người đứng đầu chính phủ Phnom Penh chủ trương nên mời các lãnh đạo của tập đoàn quân sự đến dự các cuộc họp của ASEAN. Phát biểu ngày 06/12 năm ngoái, ông Hun Sen lập luận: “Là một thành viên gia đình ASEAN, họ phải có quyền dự các cuộc họp. Nếu tôi không làm việc với các lãnh đạo đó, thì tôi có thể làm việc với ai?”. Thủ tướng Cam Bốt còn tự mô tả ông một nhà kiến tạo hòa bình, có đủ kinh nghiệm để mang lại một giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện.
Theo nhận định của trang The Diplomat ngày 06/01/2022, khi chấp nhận đối thoại với tập đoàn quân sự Miến Điện trong khi họ không chứng tỏ một tiến bộ nào trong việc thực thi bản Đồng thuận 5 điểm, ông Hun Sen coi như phá hỏng mọi khả năng gây áp lực của ASEAN đối với những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính tháng 2/2021.
Đồng ý gặp các tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện, thủ tướng Cam Bốt mặc nhiên chấp nhận những hạn chế mà tập đoàn quân sự áp đặt, cụ thể là ông không được phép gặp lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi cũng như các đại diện những lực lượng phiến quân chống chính quyền Naypyidaw.
Khi gọi điện cho Hun Sen ngày 05/01, tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo đã nhắc nhở thủ tướng Cam Bốt: Khi nào mà tập đoàn quân sự chưa thực thi Đồng thuận 5 điểm của ASEAN thì đại diện của họ sẽ chưa được mời đến dự các cuộc họp của khối Đông Nam Á.
Trên mạng Twitter ngày 03/01, Tổ chức các nghị sĩ ASEAN về nhân quyền (APHR) so sánh chính sách “ngoại giao cao bồi” của ông Hun Sen về Miến Điện với thời gian mà Cam Bốt nắm chức chủ tịch lần trước vào năm 2012.
Vào năm đó, do hành động ngăn chận của Phnom Penh, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, khối các nước Đông Nam Á đã không thể ra một thông cáo chung. Lý do là vì Cam Bốt đã không chấp nhận cho ASEAN ra tuyên bố chỉ trích các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền trên vùng Biển Đông.
Về phần mình, ông Phil Robertson, Phó giám đốc ban Châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng chuyến đi của ông Hun Sen đến Miến Điện là một “vố đau” đối với 8 thành viên kia của ASEAN, không có một tiếng nói nào trong vấn đề này”.
T.P.
Nguồn: RFI Tiếng Việt
Link ảnh:
https://www.rfi.fr/vi/phân-t%C3%ADch/20220107-chuyến-thăm-của-hun-sen-có-thể-phá-hỏng-nỗ-lực-của-asean-về-miến-điện