Việt Nam sẽ cải cách thể chế chính trị từ nguồn vốn vay WB?

Lynn Huỳnh

VNTB – Việt Nam sẽ cải cách thể chế chính trị từ nguồn vốn vay WB?

(VNTB) – Khoản tín dụng giá 221,5 triệu USD của  Ngân hàng Thế  giới nhằm khuyến khích Việt Nam cải cách chính sách.

World Bank và Chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD (khoảng 4.900 tỷ đồng) giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Khoản tín dụng này sẽ được cung cấp thông qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới – World Bank (WB). Đây là đơn vị chuyên cung cấp các khoản vay ưu đãi dành cho các quốc gia có thu nhập thấp. Theo WB, 221,5 triệu USD sẽ được giải ngân trực tiếp vào ngân sách, với các điều khoản ưu đãi trong thời hạn 30 năm, thời gian ân hạn là 5 năm. Khoản tín dụng này nhằm khuyến khích Việt Nam cải cách chính sách theo hai trụ cột.

Trụ cột thứ nhất là hỗ trợ kinh tế Việt Nam hồi phục một cách bao trùm, thông qua giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ tài chính của các nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, khoản tín dụng còn hướng đến thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Trụ cột thứ hai là góp phần vào việc xanh hóa các chính sách thương mại, thúc đẩy chính phủ điện tử và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Về nguyên tắc, để thực hiện tốt cả hai trụ cột đó đòi hỏi phải có các chính sách quản trị quốc gia tương ứng, và đây cũng chính là các yêu cầu mà Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất khai mạc hôm 4-1-2022, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 và tạo lập nền tảng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Các nội dung được bàn luận để đi đến sự đồng thuận về thể chế cần có ở kỳ họp đầu năm 2022 này của Quốc hội, được thông báo là dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự; dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các nội dung của kỳ họp bất thường trong phiên bế mạc chiều ngày 11-1-2022.

Trong một diễn biến liên quan và có thể cũng sẽ là phép thử cho cải cách thể chế chính trị trong cách hiểu lâu nay về Điều 4 của Hiến pháp ở việc “Đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội”, đó là Chương trình thứ hai của WB sử dụng khoản vay 100 triệu USD trong khuôn khổ hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD, sẽ dành hỗ trợ TP.HCM thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu không gian tích hợp và minh bạch cho quản lý đô thị.

Chương trình này được xây dựng cho mục tiêu tăng cường quản lý nợ và tài sản công, và cải thiện hoạt động cung cấp các dịch vụ ưu tiên của thành phố, tức ba yếu tố cơ bản để quản lý hiệu quả một thành phố hiện đại.

Phía WB kỳ vọng những cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin quy hoạch sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh của thành phố, từ đó thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, tăng năng suất lao động và tạo việc làm.

WB cho rằng bằng cách tăng cường hiệu quả quản lý nợ và tài sản công của thành phố, chương trình này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả tài khóa và tạo thêm nguồn thu trong những năm tới. Và về lâu dài, người dân sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ đô thị chất lượng cao hơn, sau khi thành phố thực hiện cải cách nhằm nâng cao tính cạnh tranh và minh bạch của các thủ tục trong lĩnh vực giao thông và bất động sản.

Ngoài ra, chương trình này sẽ giúp thành phố giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu, thông qua tăng cường tính minh bạch về quy hoạch phân khu có tính đến yếu tố khí hậu, mở rộng mạng lưới thoát nước và dự kiến chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng ít phát thải carbon hơn.

Chương trình của WB cũng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái sử dụng phương tiện giao thông công cộng do khả năng kết nối và an toàn cá nhân đều được nâng cao.

Quan sát những gì đang diễn ra công khai trên chính trường Việt Nam đầu năm 2022, cho thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định gói hỗ trợ thể chế là quan trọng nhất.

Tại kỳ họp lần này Chính phủ đã đề xuất Quốc hội ban hành một luật sửa tám luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhưng đây mới chỉ là một bước tập trung vào việc tháo gỡ các dự án đầu tư công, dự án thương mại nhà ở là chủ yếu.

Doanh nghiệp có tiền nhưng vẫn vướng mắc về thể chế thì rất khó làm, nên đây là giải pháp đột phá trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

L.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.