Viết blog sau bức tường tre ở Việt Nam

Trong thời đại ngày nay, khi mà người ta đánh giá sự “thành công” qua đồng tiền, qua những bộ đồ thời trang đắt tiền, sự làm đẹp để thi hoa hậu, hay những hành động theo câu hỏi “Làm cái này tôi sẽ được gì?”, thì hành động của Như Quỳnh phải nói là rất hiếm hoi trong xã hội.  Hiếm hoi một cách đáng trân trọng.

Phụ nữ Việt Nam khi đã chống ngoại xâm thì họ rất can đảm và kiên cường.  Cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống Tàu là do hai người phụ nữ, chứ không phải nam giới.  Việt Nam hiện đại còn có vài nữ tướng!  Có lẽ truyền thống đó trở thành gene chống ngoại xâm ở phụ nữ Việt Nam rồi.  Cho nên không ngạc nhiên khi thấy những người như Như Quỳnh dám lên tiếng chống Trung Quốc.  Đáng lẽ chữ “dám” không nên có trong câu văn đó, nhưng điều đáng buồn là nó cần thiết trong môi trường Việt Nam ngày nay.  Nhìn như thế để thấy việc làm của cô ấy rất đáng khâm phục.

Nhưng có lẽ đó chỉ là cái nhìn của cá nhân tôi, chứ Nhà nước thì có cái nhìn khác.  Điều vui trong bài này là khi phóng viên Mỹ hỏi Bộ Ngoại giao Việt Nam về “freedom of expression” (tự do bày tỏ quan điểm), thì Bộ trả lời bằng văn bản như sau: “In Vietnam, freedom of information and freedom of speech are guaranteed and practiced in accordance with the law. Such concern as ‘government threatens free expression online and an open internet’ is groundless” (“Ở Việt Nam, quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận được bảo đảm và thi hành đúng theo luật pháp. Những quan ngại kiểu như là ‘chính quyền đe dọa việc bày tỏ quan điểm trên mạng và cản trở internet thông thoáng’ là vô căn cứ”). Câu phát biểu này phải được đặt trong bối cảnh sau đây thì chúng ta sẽ có cái nhìn cân bằng hơn.

Nguyễn Văn Tuấn

TP Hồ Chí Minh, Việt Nam (CNN) – Tay cắp chiếc mũ bảo hiểm, sau một cuộc hành trình bằng mô tô dài 450 km, thoát khỏi con mắt theo dõi của an ninh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã đến kể cho CNN câu chuyện cô bị cầm tù vì viết blog ở Việt Nam.

“Ba ngày đầu tiên tôi cảm thấy rất sợ hãi”, cô cho biết về 10 ngày tù của mình, trong khi các nhân viên điều tra thì chỉ hỏi đi hỏi lại những gì cô đã viết và truy vấn xem cô có nhận tiền của các nhóm chống đối Chính phủ ở hải ngoại không.

Điểm nhấn:

· Hiện có 24 triệu người Việt Nam sử dụng internet

· Dân blog bàn về nhiều đề tài, kể cả tham nhũng và chiếm đoạt đất đai

· Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết cô bị bắt vì những bài viết phê phán

· Chính phủ tuyên bố việc siết chặt quyền tự do ngôn luận trên mạng là không có căn cứ

Những người Việt Nam như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rất hân hoan khi internet hoàn toàn rộng mở. Hiện nay có đến 24 triệu người sử dụng internet, chiếm gần một phần ba dân số. Một thập kỷ trước, con số này là 200.000 người. Các quán internet đã và đang bùng nổ ở khắp nơi trên TP Hồ Chí Minh, và các mạng xã hội đang ngày càng phổ biến cùng với việc sử dụng internet di động.

“Sinh hoạt internet phát triển quá nhanh”, một blogger nổi tiếng, yêu cầu giấu tên vì vấn đề an toàn cho mình, đã nhận định, “Kể cả tôi, là một cư dân mạng có tên tuổi mà cũng không thể tưởng tượng nổi nó phát triển nhanh đến thế”.

“Và gần như, cứ mỗi người Việt Nam đều có blog riêng”.

Cũng như mọi nơi khác, hầu hết các blog tiếng Việt đều viết về cuộc sống, công việc, chuyện hài hoặc về khoa học kỹ thuật. Nhưng có một nhóm các blogger chú tâm vào một lãnh địa nguy hiểm hơn trong một nước độc đảng cộng sản cầm quyền: Họ viết về tệ nạn tham nhũng, chiếm đoạt đất ở địa phương và tình trạng bị lệ thuộc và Trung Quốc gia tăng. Họ cũng phàn nàn về tình trạng thiếu dân chủ đa nguyên.

Nói một cách ngắn gọn, họ viết về các đề tài mà bạn có thể gặp rắc rối to ở Việt Nam hiện nay.

Điều này hẳn Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, viết blog dưới bút danh Việt là “Mẹ Nấm” biết rõ.

Blog của cô có những bài viết về cuộc sống hàng ngày của mình và lưu những hình ảnh của đứa con gái nhỏ, nhưng cô cũng bày tỏ rõ quan điểm chống lại sự can thiệp của Trung Quốc vào đất nước mình, kể cả việc Bắc Kinh đầu tư tài chính khai thác mỏ bauxite gây nhiều tranh luận ở Tây Nguyên.

Những quan điểm này làm cho cô bị cầm tù mất 10 ngày hồi tháng Tám, vì tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ và làm phương hại đến lợi ích quốc gia”, cô cho biết.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc được với Quỳnh, thời điểm một năm sau sự kiện, điện thoại cũng như mọi hoạt động của cô đều bị theo dõi. Cô bảo tôi chỉ có e-mail là cách tốt nhất để liên lạc mà thôi.

“Tôi sẵn lòng kể cho chị nghe chuyện của tôi”, cô viết cho tôi, và cho biết có thể đi từ Nha Trang vô TP Hồ Chí Minh để gặp chúng tôi.

Mười hai tiếng sau, cô gửi một email khác, “Liệu chị có bảo đảm là việc quay phim sẽ ổn thỏa và an toàn cho chúng ta không?” Cô sợ an ninh sẽ ngăn cản việc cô đi, nhưng cô sẽ cố.

Ngày hôm sau cô ấy đến, hai tiếng sau đó, cô kể chuyện của mình.

“Tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng liên tục vào những ngày thứ Tư, Năm và Sáu [ở trong tù] họ chỉ lặp lại những câu hỏi giống nhau, tôi lo ngại cho tình trạng của mẹ, con gái và chồng tôi. Tôi đã không muốn nghĩ tới điều đó khi tôi đang ở trong tù, vì nếu tôi nghĩ tới là tôi đã có thể làm mọi điều để về với gia đình”.

Gần như là điều kiện để đổi lấy sự tự do, cô đã đồng ý từ bỏ viết blog, viết một thư tay công bố trên trang blog của mình giải thích với mọi người rằng cô đã thể hiện tình yêu nước của mình theo cách mà chính quyền nghĩ đó là sai trái. Hai tháng sau đó, bị từ chối cấp visa, cô đã quyết định viết blog trở lại.

“Tôi đã viết một entry khác vào blog của mình rằng tôi đã từ bỏ, nhưng họ đã không để tôi yên”, cô nói, “Tôi phải đoạt lại quyền được nói những gì tôi nghĩ”.

Vậy cô nghĩ chính quyền sẽ làm gì khi cô kể chuyện của mình trên CNN?

“Tôi nghĩ rằng chính họ phải nghĩ về điều đó”, Cô nói. “Bởi vì tôi chỉ có nói lên sự thật… Nếu mà họ bắt tôi trở lại chỉ vì tôi đưa thông tin ra thế giới, tôi chẳng sợ. Điều này có nghĩa là họ cho thế giới biết rằng chúng tôi không hề có tự do như họ đã tuyên bố”.

“Ở Việt Nam, quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận được bảo đảm và thi hành đúng theo luật pháp. Những quan ngại kiểu như là ‘chính quyền đe dọa việc bày tỏ quan điểm trên mạng và cản trở internet thông thoáng’ là vô căn cứ”.

Quỳnh và tôi vẫn giữ liên lạc qua email thường xuyên từ khi câu chuyện của cô phát sóng trên kênh truyền hình quốc tế CNN vào tuần trước.

“Cám ơn chị rất nhiều về đoạn film…”, cô viết cho tôi hôm thứ Bảy. “Cám ơn các bạn đã đến để đưa tin về đất nước tôi”.

Và ở cuối thư, chỗ chữ ký điện tử của mình, trong mỗi email đều có một dòng chữ: “Ai sẽ lên tiếng nếu bạn không làm?”

PB

Nguyên Đình dịch từ CNN

This entry was posted in Blog. Bookmark the permalink.