ASEAN nỗ lực xây dựng lòng tin

Việt Nam đang làm Chủ tịch luân lưu khối Asean

Việt Nam đang làm Chủ tịch luân lưu khối Asean

Các Ngoại trưởng ASEAN sắp họp tại Hà Nội nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin trong khi có quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cuộc họp Ngoại trưởng sẽ bắt đầu họp hôm thứ Ba 20/07, tiếp theo là cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN với đồng nhiệm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vào thứ Tư.

Vào thứ Sáu 23/07, Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN, thêm 17 quan chức hàng đầu của các nước khác, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, sẽ có mặt trong Diễn đàn An ninh Khu vực (ASEAN Regional Forum – ARF).

Nhân dịp ARF nhóm họp, Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo vừa có bài phân tích tình hình an ninh khu vực, trong đó nói việc Trung Quốc tăng cường năng lực quốc phòng đang gây quan ngại cho các nước xung quanh và dẫn tới chạy đua vũ trang giữa các nước.

Hãng thông tấn lớn của Nhật nói quá trình củng cố quốc phòng của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các nước Đông Nam Á cũng đồng loạt tăng chi tiêu quân sự và hiện đại hóa quân đội.

Kyodo trích lời ông Huang Jing, chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc tại Học viện Chính sách công cộng mang tên Lý Quang Diệu ở Singapore nói: “Quân đội Trung Quốc phát triển khá nhanh trong vài năm qua, nhất là hải quân”.

“Điều này đã ảnh hưởng tới các nước Đông Nam Á. Trung Quốc nay là động lực cho cả khu vực, vốn đã trở nên hòa nhập hơn vào nền kinh tế Trung Quốc”.

Ông Huang nói trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, các nước Đông Nam Á đang “tìm cách chung lưng chống lại Trung Quốc”.

Tăng chi tiêu quốc phòng

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm, Thụy Điển, lượng vũ khí mà các nước Đông Nam Á mua vào từ 2005 tới 2009 tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước đó.

Ngày 13/07/2010, người phát ngôn BNG TQ Tần Cương nói rõ: “Chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển quốc gia đều thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Trước đây TQ quy định Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương thuộc lợi ích cốt lõi của họ, gần đây Biển Đông đã được liệt vào phạm trù trên. “Chủ quyền của TQ tại Biển Đông” đã và sẽ được thể hiện trên bốn mặt: hành chính, pháp luật, quân sự và dư luận.

Nhà nghiên cứu TQ Dương Danh Dy

Malaysia là nước tăng chi tiêu trong việc mua vũ khí nhiều nhất, tới 722%, Singapore tăng 146% và Indonesia 84%.

Singapore là quốc gia đứng thứ tư ở châu Á về ngân sách mua vũ khí, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Hàn.

Nước này vừa mua 8 chiến đấu cơ F-15E của Mỹ, hai tàu chiến La Fayette của Pháp và 40 xe tăng của Đức.

Năm ngoái Malaysia mua chiến đấu cơ của Nga, tàu ngầm của Pháp và Tây Ban Nha, tàu chiến của Đức và xe tăng của Ba Lan.

Theo chuyên gia Huang Jing, quân đội Trung Quốc đã “hùng mạnh nhất trong khu vực”.

“Mười năm trước, Mỹ vượt Trung Quốc tới 40 năm nếu nói về khả năng quân sự. Nay khoảng cách chỉ còn 15 năm”.

Hải quân Trung Quốc, vốn khá lạc hậu trong những năm 1990, nay đã bắt đầu tham vọng tiến ra xa bờ.

Vào tháng Ba năm nay, quan chức Trung Quốc bắt đầu loan báo chính sách mới, coi Biển Đông là một trong “các quan tâm chủ đạo” của Trung Quốc về chủ quyền. Điều này có nghĩa Bắc Kinh nay quyết tâm bảo vệ quyền lợi hàng hải trong một khu vực nhiều huyết mạch quan trọng của thế giới.

Điều này được các chuyên gia nhận định là cũng khiến các nước lân bang trở nên lo lắng hơn.

Một số nước ASEAN – Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với Trung Quốc.

Các nước Asean đang nỗ lực xây dựng một bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông, nhưng quá trình này gặp nhiều trở ngại. Hãng Kyodo nói Trung Quốc không chấp thuận việc ASEAN không tham vấn Trung Quốc trước khi họp về chủ đề này, bởi vì không muốn vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100719_hanoi_asean_meeting.shtml

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.