K. Marx: Cần luật kiểm duyệt hay luật chống kiểm duyệt?

Chu Mộng Long

Một luật nào đó sinh ra đối với nghề viết, bao gồm báo chí và văn học, theo quan điểm của K. Marx, ở nhà nước độc tài, chỉ có thể là Luật kiểm duyệt. Thay bằng Luật kiểm duyệt, ở nhà nước dân chủ văn minh, là Luật tự do báo chí và tự do sáng tạo, tức Luật chống kiểm duyệt để đảm bảo quyền tự do của nghề viết.

1) Bán chất của viết là tự do, đó là “bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do”, cho nên nó không phải tuân theo điều luật nào ngoài một thứ luật, đó là luật của ngôn ngữ. Luật của ngôn ngữ yêu cầu một lối viết chân thực, đúng, hay, thuyết phục người đọc, ngoài ra không có yêu cầu nào khác. Còn tinh thần của sự viết với tư cách là một chủ thể có ý hướng, nó có quyền tự do bày tỏ, tự do bộc lộ chính kiến trước hiện thực muôn màu muôn vẻ của sự sống. Do đó, cái tinh thần đó không thể bị ràng buộc bởi bất cứ điều luật áp đặt nào. Trong khi đó, mọi điều luật do kẻ thống trị tạo ra thường đều quy về một hình thức duy nhất phục vụ cho lợi ích của chính kẻ thống trị. Marx cáo buộc luật kiểm duyệt là cái nhà tù nhốt toàn bộ vườn hoa tinh thần của con người vào trong một chiếc rọ trang trí bằng hai chữ “văn minh”: “Các anh ca ngợi tự nhiên muôn màu muôn vẻ, vô cùng phong phú. Các anh không đòi hoa hồng phải có mùi thơm của hoa violet, nhưng tại sao cái phong phú nhất, tức là tinh thần lại chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất mà thôi”? (Toàn tập, T1, tr.154, Mega).

2) Tự do đích thực nằm ngoài mọi sự kiểm duyệt, kể cả kiểm duyệt bên ngoài (luật kiểm duyệt) và kiểm duyệt bên trong (tự kiểm duyệt). Một nhà văn tự tước bỏ quyền tự do của mình khi nhà văn rơi vào sợ hãi cùng cực, vì miếng cơm, manh áo, anh ta trở thành người viết đê tiện bẻ cong ngòi bút tôn thờ và hầu hạ quyền lực. “Quyền tự do trước nhất đối với báo chí là ở chỗ: báo chí không phải là một thứ công nghiệp. Nhà văn nào mà hạ thấp báo chí xuống đến mức biến nó thành một phương tiện vật chất, thì đáng bị mất tự do ở bên ngoài, tức là chế độ kiểm duyệt – đó là một sự trừng phạt về sự mất tự do bên trong của anh ta, – hay nói cho đúng hơn, cuộc đời của nhà văn ấy đã là một sự trừng phạt đối với nhà văn ấy rồi” (Toàn tập, T.1, tr.222-223, Mega).

3) Kiểm duyệt thô bạo nhất đối với văn học và báo chí không chỉ là nhà tù mà là mọi hình phạt, trong đó có chiếc kéo cùn cắt xén câu chữ theo khuôn mẫu, đặc biệt là lối phê bình chụp mũ, vu khống. Marx vạch ra, kiểm duyệt khác biệt với phê bình tương tác hay đối thoại bình đẳng. “Phê bình là một sự xét xử mà tự do báo chí sản sinh ra từ bản thân mình”. Còn “kiểm duyệt là sự phê bình với tư cách là độc quyền của chính phủ” “Khi sự phê bình tác động không phải bằng lưỡi dao sắc bén của lý tính mà bằng cái kéo cùn của sự tùy tiện, khi sự phê bình coi việc dùng sức mạnh thô bạo là luận cứ mạnh mẽ – khi đó lẽ nào sự phê bình lại không mất tính chất hợp lý của mình (Toàn tập, T.1, tr.290).

Kiểm duyệt của chính phủ, kéo theo tự kiểm duyệt của nhà văn đều chỉ có thể sinh ra “thứ trật tự của tinh thần không có tinh thần” mà các nhà nước tôn giáo đã làm, biến văn chương thành “thứ quái thai được tắm nước hoa” mà người ta ngộ nhận rằng đó là cái đẹp.

4) Nếu cần một thứ luật cho nghề viết thì đó là “Luật tự do báo chí và xuất bản”, tức “Luật chống kiểm duyệt”. Trong luật đó, chỉ có thể nhấn mạnh đến một thứ quyền: quyền tự do sáng tạo và quyền được đối thoại hay phản biện bình đẳng. Chính đối thoại trong sự tương tác bình đẳng, viết tự thân nó đấu tranh với cái xấu, cái ác, tức tự điều chỉnh những lệch lạc mà không cần kẻ nào tự cho là mẫu mực để đứng ra kiểm duyệt. Marx viết: “Trong lĩnh vực báo chí, những người cai trị và những người bị cai trị có khả năng như nhau để phê bình những nguyên tắc và yêu cầu của nhau nhưng không phải trong khuôn khổ những quan hệ lệ thuộc, mà trên cơ sở ngang quyền với nhau, với tư cách là những công dân của nhà nước – không phải với tư cách là những cá nhân riêng lẻ, mà với tư cách là sức mạnh của trí tuệ, với tư cách là những người thể hiện những quan điểm hợp lý” (Toàn tập, T1, tr.290).

Tóm lại là, thay vì có những điều luật kết án người viết tự do, hãy tạo ra điều luật kết án sự kiểm duyệt thô bạo. Đó là điều luật mang tính đạo đức nhất của xã hội văn minh.

C.M.L.

Đọc thêm trên Tuổi trẻ:

Tranh luận về trách nhiệm của văn học nghệ thuật

Tranh luận về trách nhiệm của văn học nghệ thuật

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Kiểm duyệt và chống kiểm duyệt. Bookmark the permalink.