So sáng kiến kết nối toàn cầu của EU và Trung Quốc

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Vào ngày 1-12-2021, Ủy ban châu Âu phát đi một thông cáo báo chí nêu rằng tổ chức này sẽ dành EUR (euro) để thành lập sáng kiến Cổng toàn cầu (Global Gateway) nhằm hỗ trợ và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng nằm ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trụ sở EU tại Bỉ.


Mặc dù không có từ “Trung Quốc” nào xuất hiện trong thông cáo này, nhưng nhiều phân tích cho rằng thật khó để không coi Global Gateway là một phản ứng chính sách của châu Âu đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiểu đúng hơn cả, Global Gateway cần được coi là một phản ứng chính sách của châu Âu để thể hiện tầm nhìn về tính độc lập, tự chủ và chiến lược trong chính sách đối ngoại mới của liên minh này. Và do đó, Global Gateway không chỉ đối lập với BRI, nó có thể cũng song song và tách biệt với các sáng kiến mà bộ tứ (QUAD – gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đưa ra liên quan đến cơ sở hạ tầng chất lượng cao và kết nối về kỹ thuật số.

Những khác biệt giữa Global Gateway và BRI

Để tránh ngộ nhận, Global Gateway tập trung vào một nhóm năm lĩnh vực và do đó nó không chỉ là sáng kiến về cơ sở hạ tầng mà có thể là một sáng kiến tổng hợp và là các khoản đầu tư cho tương lai, bao gồm (i) kỹ thuật số; (ii) khí hậu và năng lượng; (iii) kết nối và cơ sở hạ tầng; (iv) sức khỏe; (vi) giáo dục và nghiên cứu.

Thứ hai, về cách huy động và sử dụng nguồn vốn, nếu về phía Trung Quốc, các khoản tài trợ chủ yếu đến từ các khoản vay chính phủ thì Global Gateway sẽ dựa vào đầu tư của cả khu vực công và tư nhân.

Cụ thể là, Quỹ châu Âu về Phát triển Bền vững + (EFSD +), chi nhánh tài chính của NDICI-Global Europe sẽ cung cấp 135 tỷ euro để làm bảo lãnh đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng từ năm 2021-2027. Tối đa 18 tỷ euro sẽ được cung cấp từ ngân sách Liên minh châu Âu (EU) còn các tổ chức tài chính phát triển và tài chính châu Âu khác sẽ huy động 145 tỷ euro. Ngoài ra, EU đang tìm hiểu khả năng thành lập Quỹ tín dụng xuất khẩu châu Âu để bổ sung cho các thỏa thuận tín dụng xuất khẩu hiện có ở cấp quốc gia thành viên và tăng cường sức mạnh tổng thể của EU trong lĩnh vực này.

Vì các dự án cơ sở hạ tầng nảy sinh trong lòng của Global Gateway và cả sáng kiến của QUAD đều liên quan đến những lĩnh vực của tương lai và đầy mới mẻ là kết nối kỹ thuật số, nên có rất nhiều tiêu chuẩn vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được thiết lập và cần thống nhất.

Thứ ba là các tiêu chuẩn khi tiếp nhận khoản vay. Trong thông cáo chung, EU nhấn mạnh về việc cung cấp tài chính “dựa trên các giá trị như minh bạch, tôn trọng luật pháp và điều kiện làm việc địa phương”.

Cuối cùng, Global Gateway nhằm mục đích trở thành một phiên bản hiện đại hơn của BRI, tập trung đầu tư vào các dự án định hướng tương lai, có trách nhiệm với môi trường trong lĩnh vực kỹ thuật số, y tế, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực khác. Chương trình này trông giống với thế kỷ 21 hơn nhiều so với BRI của Trung Quốc, vốn chủ yếu xây dựng đường bộ và đường sắt hoặc cải tạo cầu và cảng.

Đúng lúc hay trùng lặp: những tranh luận về sự cần thiết của sáng kiến mới

Global Gateway đại diện cho chuỗi hành động chiến lược, chính sách và tuyên bố mới nhất của EU được thiết kế để phản ánh và tạo ra một giải pháp thay thế khả thi cho BRI. Dường như ngày càng có nhiều lo ngại trong giới chính sách của EU không chỉ về mức độ triển khai của BRI mà còn về những tác động phụ về kinh tế, xã hội, chính trị và ngoại giao mà nó đang gây ra, đặc biệt là ở những nơi mà các lợi ích chiến lược của EU là không thể bỏ qua. Ví dụ như vùng Balkan, Bắc Phi, châu Phi cận Sahara. Nhưng sáng kiến được đưa ra ở thời điểm này, cũng như chính sách của EU với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đưa ra cách đây ít tháng, có phải đúng lúc hay đã muộn, là sự bổ sung hay là sự trùng lặp với các sáng kiến hiện thời?

Với câu hỏi thứ nhất, có thể thấy, Global Gateway với đích nhắm là chặn và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại các khu vực trong lòng châu Âu vẫn là một sáng kiến “muộn còn hơn không”. Bởi lẽ, những dự án đầu tư kiểu Trung Quốc trong khuôn khổ BRI ở Hungary hay các nước Trung và Đông Âu khác đã làm suy yếu sự đồng thuận và cam kết chung của các quốc gia thành viên châu Âu với các tiêu chuẩn về tài chính, môi trường, lao động mà khối đã dày công gây dựng.

Do đó, Global Gateway rõ ràng là một phần trong nỗ lực nhằm làm cho mô hình cho vay của EU gọn gàng và phù hợp hơn với nhu cầu của các đối tác cần vay vốn. Rốt cuộc, BRI đã nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo ở Nam bán cầu chính vì sự liên kết giữa các lợi ích chính trị địa phương với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và các ngân hàng chính sách đang tìm kiếm các dự án.

Đánh giá cách thức hoạt động của Global Gateway cùng với “Blue Dot Network” do OECD lãnh đạo được hỗ trợ chủ yếu bởi Mỹ, Nhật Bản và Úc có thể thấy nó thực sự là phiên bản “Blue Dot Network” rất riêng của EU. Các giá trị tương ứng của chúng bổ sung cho nhau: tài trợ cho các dự án công khai và bao trùm, minh bạch, khả thi về mặt kinh tế, bền vững về tài chính, môi trường và xã hội; đồng thời tuân thủ các luật, tiêu chuẩn và quy định quốc tế. Nhưng chính vì thế câu hỏi đặt ra là liệu Global Gateway sẽ giống và khác gì, sẽ bổ sung hay cạnh tranh với các sáng kiến “cơ sở hạ tầng chất lượng cao” khác mà Mỹ đang đề xuất và dẫn dắt?

Cần sự phối hợp trong việc thiết lập và duy trì tiêu chuẩn

Vấn đề của việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước phát triển và đang phát triển hiện nay không chỉ là thiếu vốn mà dường như là thiếu sự phối hợp. Và điều này có thể dẫn đến sự đầu tư phát triển thiếu quy hoạch ở các nước tiếp nhận dự án.

Sau khi Trung Quốc công bố BRI, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động cho vay liên quan đến cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do, tập trung vào hai khía cạnh là (i) giúp các quốc gia đối tác phát triển cơ sở hạ tầng và (ii) tăng cường kết nối và kinh tế số. Thông qua hỗ trợ và đào tạo kỹ thuật, Mỹ muốn triển khai các chương trình, bao gồm cả các chương trình thuộc Sáng kiến Mạng lưới Giao dịch và Hỗ trợ cơ sở hạ tầng (ITAN), giúp các quốc gia: (i) thúc đẩy các quy trình mua sắm công khai và minh bạch; (ii) xây dựng năng lực của các quốc gia để tiến hành nghiên cứu khả thi và hồ sơ dự thầu; (iii) phân bổ các nguồn lực của chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng với lợi nhuận cao nhất để tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quy mô lớn.

Ngoài ra, thông qua Cơ sở Hỗ trợ Kỹ thuật (TAF) của ITAN, các quốc gia đối tác sẽ có quyền truy cập vào hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật cần thiết để phân tích tính khả thi của các gói cho vay cơ sở hạ tầng.

Vào tháng 4-2021, tại cuộc họp thượng đỉnh của nhóm QUAD, lãnh đạo của bốn quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã đồng ý lập một hội đồng chuyên gia cơ sở hạ tầng mới để bắt đầu xem xét các dự án trên toàn khu vực và tìm cách tài trợ cho các dự án này. Họ cũng sẽ điều phối các nỗ lực hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, bao gồm cả với các đối tác trong khu vực, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là trong khi châu Âu muốn theo đuổi một chính sách đối ngoại mới, tự chủ, chủ động và mang tính chiến lược hơn đúng như tuyên bố của khối nước này thì sự phối hợp của họ với các đồng minh lâu đời và các đối tác chiến lược khác để làm nổi bật sự khác biệt với sáng kiến BRI của Trung Quốc là gì?

Một hình mẫu lý tưởng của hệ thống đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu có thể là EU phối hợp cùng Mỹ để thiết lập và duy trì các tiêu chuẩn liên quan đến dự án (từ huy động vốn, quản trị dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật đến các tiêu chuẩn bền vững…). Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và các định chế tài chính đa phương đóng vai trò cung cấp nguồn vốn phù hợp với các tiêu chuẩn đã được đề ra. Các quốc gia khác có công nghệ hoặc nguồn vốn có thể tham gia với vai trò của “bên thứ ba”.

Vì các dự án cơ sở hạ tầng nảy sinh trong lòng của Global Gateway và cả sáng kiến của QUAD đều liên quan đến những lĩnh vực của tương lai và đầy mới mẻ là kết nối kỹ thuật số, trong đó nổi bật là hệ thống 5G, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thương mại điện tử nên có rất nhiều tiêu chuẩn vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được thiết lập và cần thống nhất.

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (VNUA)

P.S.T.

Nguồn: thesaigontimes

This entry was posted in BRI. Bookmark the permalink.