Phan Tuyết
Nhiều thầy cô giáo đã đặt ra câu hỏi: Xếp hạng giáo viên để làm gì?
(GDVN)- Việc xếp hạng giáo viên không tạo động lực để nhà giáo phấn đấu đạt được mà có tác dụng ngược như tạo ra bức xúc, bất mãn, ít đi sự nhiệt tình, đam mê công việc.
Kể từ khi chùm các Thông tư 20;21;22;23/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên ra đời thì giáo viên đã phải mất rất nhiều tiền để bổ sung các loại chứng chỉ (ít nhất là 3 chứng chỉ với số tiền trên 10 triệu đồng, riêng giáo viên vùng khó do điều kiện học tập khó khăn nên số tiền bỏ ra đi lại, học tập đôi khi gấp đến vài lần).
Giáo viên cùng làm nhiệm vụ giáo dục, đối tượng giảng dạy như nhau vì thế không nên xếp theo hạng (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Năm 2021, chùm các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ra đời thay thế chùm các thông tư cũ, giáo viên tiếp tục được điều chuyển xếp hạng, lần này mỗi hạng lại ứng với một mức lương khác nhau, dẫn đến tình trạng buồn, người có thâm niên lâu năm cũng bằng người mới ra trường được dăm năm và đôi khi “lương thầy thấp hơn cả lương trò”.
Tuy thế chưa phải là hết, nhiều thầy cô giáo cho biết điều tác động nhiều nhất khi thực hiện chùm các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT chính là danh dự nghề nghiệp của không ít thầy cô bị xúc phạm.
Nghịch cảnh cũng đã xảy ra khi thầy lại xếp hạng thua trò trong khi về năng lực, phẩm chất thầy hơn hẳn trò. Hoặc là có những đồng nghiệp hạng thấp cũng chẳng kém cạnh gì nếu không muốn nói còn nổi trội hơn một số đồng nghiệp ở hạng cao hơn.
Nhiều thầy cô giáo đã đặt ra câu hỏi: Xếp hạng giáo viên để làm gì?
Khi xây dựng quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên, các nhà hoạch định chính sách chắc chắn đã hướng tới việc tạo động lực cho giáo viên, thúc đẩy họ cố gắng phấn đấu trong nghề nghiệp để thay đổi hạng chức danh đồng nghĩa với việc cải thiện đồng lương của bản thân.
Điều này, sẽ tránh sức ì và tạo cho môi trường giáo dục luôn năng động, đổi mới theo hướng tích cực.
Mục tiêu hướng tới là hoàn toàn tốt, tuy thế, cách xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT hiện nay, đang bộc lộ nhiều bất cập đi ngược với mục tiêu ban đầu của các nhà hoạch định chính sách giáo dục.
Đó là việc, cũng là giáo viên có cùng trình độ đào tạo, có chung những chứng chỉ theo quy định, cùng làm nhiệm vụ giáo dục, đối tượng giảng dạy như nhau…nhưng người ở thứ hạng cao, người lại thứ hạng thấp.
Giáo viên trong ngành thì quá rõ kiểu xếp hạng giáo viên theo thông tư chỉ mang nhiều tính hên xui là nhiều, như tùy thời điểm xét nâng hạng, tùy địa phương nơi tổ chức thi nơi lại xét, nơi dễ dãi hơn chút nơi lại siết…chứ không hoàn toàn do thầy cô giáo ấy giỏi hơn, xuất sắc hơn đồng nghiệp để được hạng cao hơn.
Còn phụ huynh, họ sẽ nghĩ gì? Liệu ai đó có suy nghĩ con học với giáo viên hạng III là không tốt bằng giáo viên hạng II, hay hạng I?
Trong thực tế hiện nay, có không ít tình trạng, giáo viên chỉ ở hạng III nhưng là giáo viên cốt cán bộ môn của tỉnh, là tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên dạy giỏi các cấp nhiều năm, là chiến sĩ thi đua, nhận nhiều giấy khen của ngành, có nhiều học sinh giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Ngược lại, có những thầy cô giáo ở hạng II nhưng xét về mọi mặt so với những thầy cô hạng III thì vẫn thua xa.
Từ thực trạng ấy, việc xếp hạng giáo viên không tạo ra động lực để các nhà giáo phấn đấu đạt được mà lại có tác dụng ngược như sự bức xúc rồi bất mãn nên sẽ ít đi sự nhiệt tình, đam mê với công việc.
Không xếp hạng giáo viên mà vẫn tạo được động lực phấn đấu cho mỗi nhà giáo thì phải làm thế nào?
Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ đưa ra cảnh báo: Nếu không đưa ra những tiêu chí cụ thể thì vô hình chung lại chuyển từ trả lương theo ngạch bậc “sống lâu lên lão làng” sang thái cực “cào bằng”. [1]
Lý do bởi đặc thù của ngành giáo dục, cùng vị trí việc làm rất khó để nhận xét người này dạy tốt hơn người khác.
Cũng như, cùng đối tượng giáo dục, mọi người không thể nhìn thấy và đánh giá được ngay kết quả người dạy. Để giải quyết vấn đề này, ông Thọ đề xuất duy trì cách tính thâm niên thỏa đáng.
Cùng một vị trí việc làm có bậc lương như nhau nhưng ai làm nghề lâu năm sẽ được thêm phần trăm thâm niên để ghi nhận sự cống hiến. Một vấn đề nữa là đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên theo giai đoạn.
Còn thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho hay: “Những giáo viên dạy môn quan trọng được trường trả lương cao. Giáo viên được học sinh tín nhiệm nhiều cũng được xếp lương cao hơn người không được đánh giá tốt.
Nhà trường cũng căn cứ vào việc thầy cô dạy học sinh có chất lượng để nâng bậc lương, có thể là 3 năm, 2 hoặc 1 năm. Tất nhiên, việc trả lương cao còn căn cứ vào các đánh giá khác một cách chính xác, khoa học, khách quan”. [2]
Thầy Bùi Mạnh Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương Quảng Trị cũng cho biết “Hiện chúng tôi đã thực hiện việc trả lương cho giáo viên theo năng lực, hiệu quả công việc.
Đó là việc, đánh giá giáo viên phải dựa vào nhiều kênh thông tin thu nhận được như từ phụ huynh, từ học sinh, bằng việc quan sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất….
Làm được điều này, trước hết cán bộ quản lý phải là người có tâm, có tài để đánh giá giáo viên công bằng chứ không được cảm tính. Việc trả lương theo vị trí việc làm cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà giáo để họ có động lực phấn đấu, cống hiến”.
Chúng tôi cho rằng, Bộ Giáo dục cũng cần tham khảo thêm quy chuẩn đánh giá giáo viên ở các trường học hệ ngoài công lập, dù không xếp hạng chức danh giáo viên nhưng vẫn tạo được động lực để các thầy cô giáo cố gắng hết sức để trau dồi năng lực, rèn luyện kỹ năng, phấn đấu hết mình trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi/luong-phai-the-hien-ro-uu-dai-voi-nha-giao-351525
[2] https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/tra-luong-cho-giao-vien-theo-vi-tri-viec-lam-tao-su-canh-tranh-lanh-manh-20190322091610803.htm
Phan Tuyết
Nguồn: Giáo dục VN