Xuân Lan
Hôm 8/12, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc do lo ngại về lao động cưỡng bức, Reuters đưa tin. Dự luật đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng trong bối cảnh Washington tiếp tục lên án việc Bắc Kinh đàn áp người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
“Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ” đã nhận được ủng hộ gần như tuyệt đối tại Hạ viện với tỷ lệ 428-1. Để trở thành luật, nó sẽ phải được Thượng viện thông qua và sau đó được ký bởi Tổng thống Joe Biden.
Luật này sẽ tạo ra một “giả định có thể bác bỏ” rằng tất cả hàng hóa từ Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới rộng lớn các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác, đều được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Các công ty sẽ có quyền kháng cáo nếu họ có thể đưa ra “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng chuỗi cung ứng của họ không có lao động cưỡng bức.
Đây là lần thứ hai Hạ viện thông qua dự luật này, sau khi các thành viên Hạ viện đồng ý với dự luật vào năm 2020 trước khi nó bị dừng lại khi Quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng.
Trung Quốc phủ nhận các vụ lạm dụng ở Tân Cương, nhưng chính phủ Mỹ và nhiều nhóm nhân quyền cho rằng Bắc Kinh đang thực hiện hành vi diệt chủng ở đó.
Trước đó, nhiều đảng viên Cộng hòa đã cáo buộc Nhà Trắng và các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội chậm ban hành đạo luật vì nó sẽ làm phức tạp thêm chương trình nghị sự về năng lượng tái tạo của Tổng thống, do Tân Cương là nơi cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất tấm pin mặt trời ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong khi đó, Nhà Trắng và các đảng viên Dân chủ Quốc hội phủ nhận việc trì hoãn dự luật vì lý do trên.
Quan ngại về các hành vi nhân quyền “tàn bạo” của Trung Quốc, chính quyền Biden hôm thứ Hai tuyên bố rằng các quan chức chính phủ Mỹ sẽ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.
Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo cũng đã thông qua hai nghị quyết khác liên quan đến Trung Quốc vào thứ Tư.
Cụ thể, Hạ viện đã bỏ phiếu 428-0 cho một nghị quyết nói rằng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã vi phạm các cam kết nhân quyền của chính họ khi hợp tác với chính phủ Trung Quốc.
Nghị quyết cáo buộc IOC đã giúp Bắc Kinh che đậy vụ cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ tấn công tình dục đối với vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Soái.
Nghị quyết thứ hai, nhận được tỷ lệ ủng hộ 427-1, lên án “tội ác diệt chủng đang diễn ra và chống lại loài người” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo và tín ngưỡng khác của Trung Quốc và kêu gọi Liên Hợp Quốc hành động.
Trước khi dự luật lao động cưỡng bức được thông qua, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang “thiếu trách nhiệm” chống lại tội ác diệt chủng và chỉ ra rằng luật này là một công cụ hiệu quả để chống lại lao động cưỡng bức.
Với dự luật, “chúng tôi đưa ra ánh sáng mô hình lạm dụng này và chúng tôi gửi cho Bắc Kinh một thông điệp rõ ràng rằng chế độ diệt chủng này phải chấm dứt ngay bây giờ,” bà Pelosi nói.
X.L.
Nguồn: Tri Thức.vn