Hội thảo Biển Đông 13: Trung Quốc bị bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử

ThS. Đỗ Hoàng & Lê Long, Viện Biển Đông

Hạ tuần tháng 11/2021, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”, thu hút gần 600 đại biểu trực tiếp và trực tuyến. Trong số 8 Phiên Hội thảo, Phiên 4 với tên gọi “Hãy công bằng với sự thật lịch sử” là một trong những nội dung được quan tâm nhất.

Phiên lịch sử quy tụ nhiều diễn giả nổi tiếng, bao gồm TS. Erik Solheim, Nguyên Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc, Nguyên Bộ trưởng Môi trường và Phát triển Na-uy (với vai trò Chủ trì), GS. Monique Chemillier-Gendreau (Đại học Paris Diderot, Pháp), TS. Vũ Hải Đăng, (Trung tâm Luật pháp quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore), nhà nghiên cứu độc lập Carl Zha (Trung Quốc) và cựu nhà báo Bill Hayton (Viện Chatham House, Anh).

Các diễn giả trong Phiên 4, Hội thảo Biển Đông 13 (Ảnh: tác giả cung cấp)

Các diễn giả đã tập trung vào các diễn giải này thông qua những nghiên cứu và bằng chứng lịch sử mới, những phân tích đa chiều về các văn bản quan trọng trong thời kỳ hậu Thế Chiến 2 và Chiến tranh Lạnh, bao gồm Hiệp ước San Francisco sau 70 năm ký kết và Hiệp ước Hòa bình Trung – Nhật năm 1952.

Nhà nghiên cứu Carl Zha cho rằng việc xem xét lịch sử yêu sách của Trung Quốc là cần thiết bởi Trung Quốc là nước tranh chấp lớn nhất tại Biển Đông. Nhà nghiên cứu cũng đưa ra các bằng văn bản và bản đồ thời nhà Hán, nhà Tống và nhà Thanh… để chứng tỏ hiện diện của Trung Quốc tại đây, đồng thời khẳng định Trung Quốc là nước đầu tiêu khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo trong lịch sử hiện đại.

Nhà nghiên cứu Carl Zha phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Tuy nhiên, các diễn giả còn lại đã đưa ra lập luận phản bác quan điểm trên. GS. Monique Chemillier-Gendreau cho biết không có triều đại nào ở Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa trước năm 1909, chính quyền Quốc dân Đảng chỉ chiếm giữ Hoàng Sa trong thời gian ngắn 1947-1950 và chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến năm 1988 mới chiếm đóng Trường Sa.

Học giả Bill Hayton cũng đưa ra bằng chứng chính tỏ triều đại nhà Thanh không tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Khi hai tàu SS Bellona của Đức và Himeji Maru của Nhật (do công ty của Anh bảo hiểm) gặp sự cố tại Hoàng Sa, quan chức thời nhà Thanh đã gửi đại diện lãnh sự Anh tại Trung Quốc hai bức thư, trong đó phủ nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hai tàu trên và gọi địa điểm xảy ra vụ việc bằng thuật ngữ “biển cả”. Theo Hayton, hai bức thư cho thấy nhà Thanh đã phủ nhận chủ quyền với Hoàng Sa và thậm chí có thể không biết đến sự tồn tại của quần đảo này vào thời điểm đó.

GS. Monique Chemillier-Gendreau phát biểu trực tuyến tại Hội thảo (Ảnh: Học viện Ngoại giao)

Về các văn kiện quốc tế, GS. Monique cho biết Tuyên bố Hội nghị Cairo 1943 (dù có Tưởng Giới Thạch tham gia) không nhắc tới Hoàng Sa và Trường Sa trong số các lãnh thổ mà Nhật phải trao trả cho Trung Quốc. GS. Monique và TS. Vũ Hải Đăng đều khẳng định Hiệp ước San Francisco 1951 và Hiệp ước Trung – Nhật 1952 đều: i) không công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ mà Nhật phải trao trả lại cho Trung Quốc; ii) chỉ từ bỏ quyền kiểm soát của Nhật đối với hai quần đảo. Đại diện của Trung Quốc cũng không xuất hiện tại Hội nghị San Francisco trong khi đại diện Việt Nam (Thủ tướng Trần Văn Hữu) đã có mặt và khẳng định hai quần đảo thuộc về Việt Nam.

TS. Vũ Hải Đăng cũng khẳng định thêm rằng: i) Việt Nam là quốc gia đầu tiên tuyên bố chủ quyền và là quốc gia duy nhất liên tục quản lý Hoàng Sa và Trường Sa theo luật quốc tế – từ thể kỷ XV, triều đình nhà Nguyễn đã bắt đầu các hoạt động khai thác tại hai quần đảo; ii) Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ nhằm tuyên bố Việt Nam ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, khi Hạm đội 7 của Mỹ tiến vào eo biển Đài Loan.

Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong mọi tranh chấp lãnh thổ nhưng lại thường được diễn giải theo nhiều cách khác nhau để phục vụ các lợi ích khác nhau. Do đó, việc tranh luận thẳng thắn và thông tin rộng rãi về giá trị của các bằng chứng và văn kiện lịch sử dù trong thời đại nào cũng là cần thiết. Hy vọng, các kỳ Hội thảo Biển Đông sắp tới sẽ tiếp tục truyền thống này.

Đ.H. – L.L.

Nguồn: thoidai.com.vn

This entry was posted in Biển Đông, Mặt thật Trung Cộng. Bookmark the permalink.