Văn hóa thế này thì nhân quyền ra sao?


Đông Đô

Không thấy ở “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” này đặt vấn đề vì sao văn hóa nhân quyền lại chưa có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam như nhiều quốc gia khác.


VNTB – Văn hóa thế này thì nhân quyền ra sao?

(VNTB) – Văn hóa nhân quyền phản ánh các giá trị đương đại, gắn liền với tiến bộ và văn minh của nhân loại.

Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 24-11-1946, đây là lần thứ 3 một hội nghị văn hóa được gọi tên Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Nịnh ‘bề trên’, ông Đỗ Hồng Quân ‘đổ thừa’ cấp dưới

“Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa – văn nghệ vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới” – ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhấn mạnh “Đảng, nhà nước ta đã dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học – nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, “những nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, nhà nước lại chưa thể đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn, chưa thấm sâu vào đời sống xã hội để có những tác động, chuyển biến tích cực làm thay đổi diện mạo và chất lượng văn học, nghệ thuật”.

Theo ông Đỗ Hồng Quân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tình trạng trên. Về khách quan, sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, nhanh chóng của môi trường văn hóa thế giới do tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin khiến cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam rơi vào thế lúng túng, bị động.

Nguyên nhân chủ quan là do các cấp quản lý, các địa phương, các ngành chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng; chưa có cơ chế phù hợp, hữu hiệu, đủ mạnh để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược, chính sách của nhà nước vào cuộc sống.

Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp, chưa được đa dạng hóa, lại chưa được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó là sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức…

Tất cả những điều này dẫn đến 35 năm qua, những thành tựu văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, chưa xứng tầm với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”.

Nôm na, tham luận của ông Đỗ Hồng Quân tại “Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” tại thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu làm văn hóa và trực tuyến với toàn quốc hôm 24-11-2021, cho thấy “lệnh bề trên sáng suốt”, nhưng “phận bề tôi” lại “bất tài”…

Vậy là “văn hóa” như thân phận của ví von “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” –  là lời nhún nhường của Thúy Kiều trong lần sang chơi chỗ Kim Trọng ở trọ, nhân lúc song thân và hai em vắng nhà. Sảy chân ở chốn hồng trần, nàng Kiều trôi dạt và dường như kể từ đó “phận mỏng cánh chuồn” được mặc định cho những phận đời tương tự, bất kể giới tính, già trẻ hay cảnh ngộ…

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức tại phòng họp Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội, với sự hiện diện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên được nhiều chuyên gia văn hóa đặt tên “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” bởi kỳ vọng về tầm quan trọng của nó.

Văn hóa nhân quyền qua lăng kính của hai ‘cận thần’ Hữu Thỉnh – Phùng Xuân Nhạ

Tin tức hậu trường cho biết, ông Hữu Thỉnh – nguyên chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam – là một trong các thành viên ban cố vấn bài phát biểu của Tổng bí thư tại hội nghị. Ông cho biết bài phát biểu được chuẩn bị rất công phu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt cho hội nghị lần này.

Ông Phùng Xuân Nhạ – phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo, trưởng Ban tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc – nhấn mạnh hội nghị lần này là một diễn đàn để lắng nghe tiếng nói của những người làm văn hóa.

Hội nghị sẽ đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Không thấy ở “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” này đặt vấn đề vì sao văn hóa nhân quyền lại chưa có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam như nhiều quốc gia khác.

Một chút về Hữu Thỉnh

Ở cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật chiều 4-8-2017, khi trực tiếp giải quyết nhiều kiến nghị của giới văn nghệ, ông Hữu Thỉnh đề nghị được chuyển khoản kinh phí hỗ trợ hằng năm khoảng 90 tỷ đồng thành khoản được chi thường xuyên, Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật không phải lập đề án đi xin trong từng giai đoạn.

Hay một việc khác là hiện nay nhiều văn nghệ sĩ có công, có thành tựu nhưng đời sống khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật đề nghị Thủ tướng lập đề án xây dựng làng nghệ sĩ khoảng 300 căn nhà để giải quyết vấn đề nhà ở cho các văn nghệ sĩ, để nghệ sĩ yên tâm cống hiến.

Ông Hữu Thỉnh cũng cho biết theo quy định thì chức danh của ông được hưởng chế độ xe như bộ trưởng, trưởng ban Đảng, nhưng 10 năm nay không có xe, phải mượn xe và xe đó đã quá rách nát. “Tôi từng là người lính, qua mấy cuộc kháng chiến, phương tiện đi lại với người lính không có vấn đề gì. Nhưng đối với người đứng đầu Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy” – ông Thỉnh giãi bày.

Với tâm thế “công thần”, có lẽ không mấy ai mong mỏi gì về việc ông Hữu Thỉnh trong chuyện “cố vấn” về “văn hóa nhân quyền” trong soạn bài phát biểu cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một chút về Phùng Xuân Nhạ

Từng là một “Thượng thư Lễ bộ” dưới “triều” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, báo chí từng nhắc đến ông Phùng Xuân Nhạ trong vụ ‘hầu rượu quan anh’:

Sáng 16-11-2016, khi các đại biểu Quốc hội “truy” về chuyện điều động giáo viên mầm non, tiểu học… ở thị xã Hồng Lĩnh đi tiếp khách, “hầu rượu”, đi hát hò… Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm khi sự việc gây dư luận không tốt cho ngành, bởi dù sao ông cũng là “tư lệnh”, người đứng đầu ngành giáo dục.

Nhưng ngay sau đó, ông nói, phía địa phương cho rằng “cũng là vì vui vẻ thôi”, khiến không ít đại biểu quốc hội phản ứng. Do đó, đến đầu giờ chiều, tiếp tục phiên trả lời chất vấn, ông phải giải thích lại từ “vui vẻ”.

“Nhưng có lẽ là do tôi diễn đạt chưa rõ ý, trong đó có từ ‘vui vẻ’. Khi yêu cầu địa phương giải thích thì họ cũng nói rằng đây là hoạt động đối ngoại, vui vẻ. Có lẽ là diễn đạt chưa được rõ ý, xin báo cáo lại để đại biểu thông cảm”, ông Nhạ nói.

Đúng là phải giải thích rõ, bởi sự việc không đơn giản chỉ là vui vẻ. Vui vẻ hay không, nếu chồng con các nữ giáo viên ấy nhìn thấy vợ mình, mẹ mình đang cợt nhã mời rượu những người đàn ông xa lạ? Trong khi giờ đó, có thể ông chồng, các con đang ngồi chờ mẹ về chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà…

Vui vẻ không, một khi vợ con những vị khách quý ấy bắt gặp hình ảnh chồng mình, cha mình đang cười ha hả, cố gắng nắm tay, đụng chạm và ánh mắt đưa đẩy khi chạm ly với những cô giáo trẻ?

Vui vẻ hay không, khi phụ huynh các em nữ sinh lỡ mà nhìn thấy người dạy con gái mình đang lả lơi rót rượu, bá vai những người đàn ông? Tất nhiên nhiều người trong số họ sẽ nghĩ: “Con mình sẽ học được những gì từ những cô giáo như vậy?”.

Và bản thân những người đàn ông này, bao nhiêu người sẽ cảm thấy chỉ là vui vẻ thôi, khi nhìn thấy cảnh vợ mình đang “hầu rượu”, đụng chạm, cọ quẹt, đong đưa tình tứ… với khách? Mà khách quen gì cho cam, đó chỉ là những vị khách của các sếp!

Nếu những nữ giáo viên ấy là vợ chúng ta, hoặc em gái, con gái… của chúng ta, là người thân của ngài Phùng Xuân Nhạ, ai dám hể hả chấp nhận lời giải thích chỉ là ‘vui vẻ’?

Thay lời kết

Nếu như chính trị là biểu hiện sự khác biệt mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giai, tầng, nhóm, xã hội và lợi ích của quốc gia dân tộc, thì tính văn hoá là sự biểu hiện lợi ích chung của cả cộng đồng, sự khác biệt về bản chất là ở tính đa dạng chứ không phải là sự xung đột về lợi ích.

Tính văn hoá của quy phạm pháp luật tăng lên một cách tương đối so với tính chính trị của các quy phạm pháp luật cả trong khuôn khổ quốc gia – dân tộc và trong cộng đồng nhân loại. Đây là cơ sở lịch sử hình thành văn hóa nhân quyền.

Trên một bình diện khác, nếu như văn hoá chủ yếu phản ánh truyền thông, quá khứ, trình độ phát triển của một quốc gia – dân tộc – nó vừa mang tính tiến bộ vừa mang tính bảo thủ lạc hậu thì văn hóa nhân quyền phản ánh các giá trị đương đại, gắn liền với tiến bộ và văn minh của nhân loại.

Tiếc là trong bài phát biểu của Tổng Bí thư: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chưa thể hiện được những đòi hỏi về “văn hóa nhân quyền” ở thể chế chính trị đơn nguyên.

Đ.Đ.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Văn hóa Cộng sản. Bookmark the permalink.