Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông: Hiệu quả đầu tư thật thảm hại!

TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON,

Viện trưởng Viện Điện – Điện tử -Tin học EEI

Chữ “đầu tư” là chữ Hán, phần lớn người Việt Nam không hiểu nghĩa, và sử dụng rất tùy tiện, ngược với ý nghĩa thật của nó. Trong chữ Hán chữ “đầu” nghĩa là “tung ra”, “ném vào”, chữ “tư” nghĩa là “tư bản”, là “vốn liếng”, là “tiền vốn”.

Vậy chữ “đầu tư” nghĩa là “tung tiền vốn” vào xây dựng Công Trình.

Trên toàn Thế giới, các Chủ Đầu Tư khi có ý định “tung tiền vốn” vào xây dựng Công Trình, phải thuê Công ty Tư vấn làm “Báo cáo nghiên cứu khả thi”. Báo cáo này sẽ cho Chủ đầu tư biết với số tiền định tung ra thì sẽ xây dựng được một công trình với quy mô nào, Tổng vốn đầu tư, Doanh thu và Lợi nhuận hàng năm khi Công trình được đưa vào vận hành sử dụng, và Hiệu quả kinh tế của Công trình: Tỷ suất Lợi nhuận hàng năm trên Tổng vốn đầu tư, và Thời gian Thu hồi vốn.

Tất cả các nước trên Thế giới, các Chủ đầu tư chỉ tung tiền đầu tư vào Công trình với điều kiện: “Báo cáo nghiên cứu khả thi” cho kết luận: Tỷ suất Lợi nhuận hàng năm trên Tổng vốn đầu tư  lớn hơn 12%, và Thời gian Thu hồi vốn nhỏ hơn 1/12% = 8,33 năm.

Riêng ở Việt Nam phần lớn các Công trình do Nhà nước tung vốn đầu tư thường không làm “Báo cáo nghiên cứu khả thi”, không xét Hiệu quả kinh tế, mà đầu tư theo ý chí của Lãnh đạo.

Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Chủ đầu tư là Bộ GTVT, Công trình khởi công từ năm 2008, cho đến nay 2021 chưa nghe nói đến “Báo cáo nghiên cứu khả thi” của Công trình này. Có lẽ vì vậy không ai tính toán Hiệu quả kinh tế của Công trình.

Nay sau 13 năm xây dựng, đã xây dựng xong Công trình đường sắt 13km này, ngày 6/11/2021 bắt đầu vận hành thương mại.

Xin được mạn phép tính toán Hiệu quả kinh tế của Công trình này.

1. Tổng vốn đầu tư:

- Tổng Vốn đầu tư: Tính bằng USD:

                     Năm 2008: TQ đầu tư 419 triệu USD, Việt Nam đầu tư: 133 triệu USD

                     Năm 2017: TQ đầu tư 669 triệu USD, Việt Nam đầu tư: 199 triệu USD

                     Tổng cộng: 419 triệu + 133 triệu + 669 triệu + 199 triệu = 1.420 triệu USD

- Tổng Vốn đầu tư: Tính bằng VNĐ:

Từ ngày bắt đầu vận hành thương mại 6/11/2021, Công trình sẽ có Doanh thu và Tiền lời, bằng tiền Việt, là tiền vé của Hành khách. Tiền lời của Công trình sẽ mua tiền USD để trả nợ hoặc hoàn vốn.

Tiền Việt để mua USD trả nợ hoặc hoàn vốn, phụ thuộc vào tỷ giá VNĐ/USD.

Tỷ giá này thường xuyên biến đổi.

Nên Tổng vốn đầu tư tính bằng tiền Việt sẽ thay đổi theo thời gian.

Nay thử tính Tổng vốn đầu tư bằng tiền Việt, vào ngày bắt đầu khai thác thương mại 6/11/2021:

Tỷ giá VNĐ/USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 6/11/2021 là 23.133 VNĐ/USD.

Vậy Tổng Vốn đầu tư của Công trình, tính bằng VNĐ vào ngày 6/11/2021 là:

1.420 triệu USD x 23.133 VNĐ/USD = 32.848.860 triệu VNĐ = 32.848,86 tỷ VNĐ

2. Doanh thu hàng năm:

-  Doanh thu của công trình này là: Tiền bán vé cho Hành khách đi tàu

-  Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: Dự kiến khai thác hàng ngày từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, tần suất cao nhất là 6 phút 1 chuyến tàu (là 10 chuyến/1 giờ).

-  Như vậy số giờ khai thác là 18 giờ/ngày, 10 chuyến tàu/giờ, mỗi ngày có 18 x 10 = 180 chuyến tàu, tính cả hướng đi hướng về thì mỗi ngày có 180 chuyến x 2 = 360 chuyến.

- Lãnh đạo Sở GTVT cho biết: Mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở tối đa 240 người, vậy mỗi chuyến tàu có 240 x 4 = 960 Hành khách

-  Nhằm mục đích đạt được Doanh thu và Lợi nhuận thật cao, ở đây giả thiết những thông số tối ưu trong tính toán:

- Cho rằng lúc nào cũng chật cứng Hành khách, vậy mỗi chuyến tàu có  4 x 240 = 960 Hành khách/chuyến

-  Tổng số hành khách mỗi ngày là: 960 Hành khách/chuyến x 360 chuyến = 345.600 Hành khách/ngày

-   Lãnh đạo Bộ GT nói giá vé toàn tuyến là 15.000 VNĐ

-  Vậy mỗi ngày thu được 15.000 VNĐ x 345.600 Hành khách/ngày = 51.840 triệu VNĐ/ngày = 5,184 tỷ VNĐ/ngày

-  Doanh thu một năm: 5,184 tỷ VNĐ/ngày x 365 ngày = 1.892,16 tỷ VNĐ

3. Lợi nhuận hàng năm:

Khoa học quản lý Kinh tế đã tổng kết về Tỷ suất Lợi nhuận trên Doanh thu, cho các ngành nghề kinh doanh: Ngành Công nghiệp là 18% – 20%, ngành Dịch vụ du lịch Khách sạn là 45% – 48%, vv.

Kinh doanh đường sắt thuộc ngành Công nghiệp chỉ 18% – 20%, nhưng giả thiết rằng Kinh doanh đường sắt trên cao có suất Lợi nhuận rất lớn, tương đương Ngành du lịch Khách sạn, nên chọn mức Lợi nhuận cao nhất là 48%.

Vậy Lợi nhuận hàng năm của Công trình này là: 1.892,16 tỷ VNĐ x 48% = 908,237 tỷ VNĐ/năm.

4. Tỷ suất Lợi nhuận trên Tổng vốn đầu tư và Thời gian Thu hồi vốn:

-   Tỷ suất Lợi nhuận trên Tổng vốn đầu tư  908,237 tỷ VNĐ/32.848,86 tỷ VNĐ = 2,76%

-   Thời gian Thu hồi vốn: 32.848,86 tỷ VNĐ/908,237 tỷ = 36,17 năm

           1/2,76% = 36,17 năm

5. Kết luận:

Tất cả các nước trên Thế giới, người ta chỉ tung tiền đầu tư Công trình với điều kiện Tỷ suất Lợi nhuận hàng năm trên Tổng vốn đầu tư  lớn hơn 12%, và Thời gian Thu hồi vốn nhỏ hơn 1/12% = 8,33 năm.

Nhưng hỡi ơi, Công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông của Bộ GTVT chúng ta thì Tỷ suất Lợi nhuận hàng năm trên Tổng vốn đầu tư  nhiều lắm cũng chỉ 2,76%, và Thời gian Thu hồi vốn phải trên 36 năm.

N.B.P.

Nguồn:

This entry was posted in Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Bookmark the permalink.