Những kêu gọi về công đoàn độc lập chỉ nhằm lật đổ chế độ cộng sản?

Hà Nguyên

Một vài cơ quan truyền thông của Việt Nam cho rằng kêu gọi thành lập công đoàn độc lập là hành vi của ‘án chính trị’, nằm trong nhóm tội phạm được quy định tại Chương XIII của Bộ Luật hình sự hiện hành.

VNTB – Những kêu gọi về công đoàn độc lập chỉ nhằm lật đổ chế độ cộng sản?

Ám ảnh lật đổ?

Ngày 20-11-2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, trong đó quy định cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia.

Khoản 2, Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019 (sửa đổi) quy định: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Đây là một vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ trong pháp luật lao động Việt Nam.

Vì chưa có tiền lệ nên nhà chức trách Việt Nam bị ám ảnh sự kiện phong trào công nhân tại Ba Lan được dẫn dắt bởi “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” (tổ chức liên hiệp của các công đoàn độc lập trong xã hội Ba Lan) những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đã dẫn đến sự mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan vào năm 1989.

Tại Campuchia, tổ chức công đoàn tự do đã lôi kéo hàng chục ngàn công nhân đình công, biểu tình phản đối chính sách của chính phủ, kêu gọi Thủ tướng Hun Sen từ chức…

Là quốc gia không có cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái, nên xem chừng ở đây việc dùng vụ việc của “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” chỉ là bề mặt để nhằm răn đe các quyền lực nhóm ngay trong chính đảng cầm quyền.

Cạnh tranh trong cùng một đảng cầm quyền: tại sao không?

Thử dừng lại để bàn luận về quan điểm ‘diễn biến hòa bình’ trong vấn đề cạnh tranh công đoàn theo khoản 2, Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 (sửa đổi).

Một số cơ quan báo chí đưa ra lập luận rằng thời gian qua, “bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống Công đoàn Việt Nam vẫn chưa thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân, người lao động, dẫn đến nhiều nơi tỷ lệ công nhân, người lao động tham gia công đoàn chưa cao.

Đây sẽ là điều kiện mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng nhằm lôi kéo, kích động công nhân, người lao động thành lập các “tổ chức đại diện người lao động”, âm mưu tập hợp lực lượng, thúc đẩy sớm ra đời tổ chức “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” tại Việt Nam nhằm tạo dựng lực lượng chính trị đối lập, tiến tới thực hiện mưu đồ thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam”.

Cách đánh giá ở trên là phiến diện, là xa rời đường lối “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Bởi pháp luật Việt Nam cho phép hình thành các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Đây là những tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận điều lệ và có hội viên là cá nhân, tổ chức tự nguyện đóng góp tài sản hoặc hội phí nhằm phục vụ mục đích của hội và nhu cầu chung của hội viên là pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự.

Công đoàn độc lập: sự cạnh tranh tất yếu vì lợi ích chung

Tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có một số đặc điểm sau đây: Thành lập theo sáng kiến của nhà nước; Hình thành theo các quy định của nhà nước và được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước; Hỗ trợ nhà nước giải quyết một số vấn đề xã hội; Hoạt động tự quản, cơ cấu do nội bộ tổ chức quyết định, hoạt động không mang tính quyền lực chính trị và hoàn toàn tự nguyện.

Căn cứ vào đặc điểm của các thành viên trong tổ chức, tổ chức hoạt xã hội nghề nghiệp được phân loại thành hai nhóm, cụ thể như sau:

Nhóm 1: Bao gồm các tổ chức xã hội xác lập một nghề riêng biệt được nhà nước thừa nhận, thành viên là những người có chức danh nghề nghiệp do Nhà nước quy định, hoạt động nghề nghiệp được tiến hành theo các quy định riêng biệt và chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đại diện cho nhóm này, có thể kể tên một số tổ chức sau: Đoàn luật sư, Hội nhà báo Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam, Hiệp hội trọng tài…

Nhóm 2: Bao gồm các tổ chức được thành lập dựa trên đặc điểm nghề nghiệp, thành viên là những cá nhân, tổ chức yêu thích ngành nghề đó, tự nguyện tham gia. Ở nhóm này, hoạt động nghề nghiệp của các hội nghề nghiệp không xác định rõ ràng, các thành viên không có chức danh nghề nghiệp riêng biệt.

Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp này vô cùng đa dạng bao gồm những ngành nghề phổ biến trong xã hội như hội làm vườn, hội những người nuôi ong, hiệp hội mây tre đan,…

Nhìn chung, các tổ chức này đều mang đầy đủ những nét đặc trung của tổ chức xã hội nói chung. Các tổ chức được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện, hoạt động mang tính chất tự quản, tổ chức tự mình quyết định cơ cấu tổ chức nội bộ. Đặc biệt nhất, đó là hoạt động của các tổ chức không mang tính quyền lực nhà nước và không nhằm mục đích lợi nhuận.

Đã có tư cách pháp nhân thì đừng chăm chăm ‘chính trị hóa’

Theo các quy định hiện hành, tổ chức xã hội nghề nghiệp được công nhận là có tư cách pháp nhân. Căn cứ vào các quy định điều 74, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Pháp nhân, các tổ chức này đáp ứng đầy đủ các điều kiện là một pháp nhân, cụ thể:

Thứ nhất: Các tổ chức này được thành lập theo các quy định của pháp luật. Việc thành lập các tổ chức này tuân thủ theo các quy định tại nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21-4 -2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Thứ hai: Có cơ cấu tổ chức rõ ràng. Chẳng hạn, Liên đoàn Luật sư là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hoạt động theo chế độ tự quản, quản lý thống nhất trong phạm vi toàn quốc của các Luật sư Việt Nam. Đoàn Luật sư Việt Nam có cơ cấu tổ chức chặt chẽ bao gồm: Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc; Hội đồng Luật sư toàn quốc; Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư; Văn phòng Liên đoàn Luật sư; Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư; Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư; Các ủy ban chuyên môn: Ủy ban hợp tác quốc tế, Ủy ban khen thưởng, kỷ luật,…

Thứ ba: Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Thứ tư: Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Mặt khác, theo quy định tại điều 76, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về pháp nhân thương mại, khẳng định rõ rằng Tổ chức xã hội nghề nghiệp được công nhận là pháp nhân phi thương mại.

Như vậy, trong trường hợp cụ thể các tổ chức xã hội nghề nghiệp này hình thành những tổ chức công đoàn độc lập của chính pháp nhân phi thương mại đó, thì tất cả đều là phù hợp với pháp luật hiện hành.

H.N.

VNTB gửi BVN

Link ảnh:

https://vietnamthoibao.org/vntb-nhung-keu-goi-ve-cong-doan-doc-lap-chi-nham-lat-do-che-do-cong-san/

This entry was posted in Công đoàn độc lập. Bookmark the permalink.