Phản biện “điều không được làm”

Nguyễn Đình Cống

Đó là Quy định về những điều đảng viên không được làm, gọi tắt là lệnh cấm, vừa được ban bố bởi QĐ 37 do TBT BCHTW ĐCSVN ký ngày 25 tháng 10 / 2021.

Đảng có điều lệ, quốc gia có luật pháp. Những thứ đó đủ để hướng dẫn và khống chế hoạt động và hành vi của đảng viên khi Đảng có tổ chức bình thường và sự lãnh đạo là đúng đắn. Thế mà phải ban hành thêm rất nhiều lệnh cấm. Việc đó chứng tỏ tổ chức của đảng đang rệu rã, sự lãnh đạo sai hoặc nhầm phương hướng. Đúng là “lạy ông tôi ở bụi này”.

Bình thường Đảng phải dùng chất keo về lý tưởng và sự tự giác để tạo nên tổ chức, nhưng rồi phải dùng đến biện pháp cấm đoán, đó là kế sách thấp nhất mà hình như ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam không có đảng chính trị nào khác trên toàn thế giới dùng đến.

Trong Điều lệ Đảng trước năm 2006 không có những điều cấm. Sau Đại hội X, khi công nhận đảng viên có quyền làm kinh tế tư nhân thì phát sinh yêu cầu cấm đảng viên bóc lột. Vào tháng 12 năm 2007 Bộ Chính trị ra QĐ 115 cấm đảng viên làm một số việc. Đại hội XI thông qua điều lệ mới, trong điều 2, ngoài nhiệm vụ thông thường còn thêm: “Chấp hành quy định của BCH TƯ về những điều đảng viên không được làm”. Tháng 11 năm 2011 BCH TƯ ra Quy định 47 QĐ/TƯ thay thế QĐ 115 của BCT.

QĐ 47 nêu 19 điều đảng viên không được làm, đã gây ra một làn sóng lo lắng, sợ sệt trong một số các tổ chức đảng ở cơ sở. Các đảng viên hỏi nhau, liệu việc như thế này, như thế kia có vi phạm 19 điều cấm hay không. Người ta còn lợi dụng 19 điều để dọa nhau, ngăn cản nhau làm một số việc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng hoặc giúp đỡ người khác, để tố cáo nhau lên cấp trên với ý đồ lập thành tích ngầm.

QĐ 47 là một văn bản phạm nhiều lỗi lôgic. Một số trang mạng, trong đó có Bauxite Việt Nam, vào cuối tháng 7 / 2015 đăng bài “Bàn về những điều cấm đảng viên (*). Hình như một vài góp ý trong bài đó đã được tham khảo khi soạn thảo QĐ 37.

Mười năm thực hiện QĐ 47, tưởng rằng Đảng sẽ trong sạch hơn, vững mạnh hơn, nhưng ngược lại, nó càng rệu rã hơn. Vì thế mà lại phải bổ sung thêm vài điều cấm. Tuy bổ sung nhưng nội dung được ghép vào nhau nên vẫn giữ 19 điều với trên 1300 chữ. Tại sao 19? Chắc rằng muốn giữ nguyên con số như trong QĐ 47. Với nội dung trong 1300 chữ thì có thể biên soạn thành từ 1 cho đến trên 100 điều. Phải chăng 19 điều của QĐ 47 chỉ là ngẫu nhiên chứ không phải số 19 có gì đó linh thiêng.

Đã có nhiều bài bình luận về QĐ 37 với các quan điểm khác nhau. Lề Đảng hết lời ca ngợi. Thì bộ máy đã rất sẵn sàng, vừa nghe tiếng có gì đó mới do TBT phát ra là vội ca ngợi ngay mà chưa biết hay dở thế nào. Lề Dân chủ yếu là phân tích, phê phán, trong đó có ba ý chính. Một là chuyến này ông Trọng xiết lại quá ghê. Hai là tăng cường cấm đoán chỉ chứng tỏ đang bất lực. Ba là ra văn bản chủ yếu để lên gân, dọa nhau chứ rồi chẳng giải quyết được việc gì đáng kể.

Thí dụ:

1- Cấm bản thân đảng viên nhập quốc tịch nước ngoài, mua bán tài sản nước ngoài chứ không cấm con và vợ/chồng làm chuyện đó. Thế thì lách điều này dễ ợt.

2- Cấm dùng bằng giả. Điều này thì dân thường cũng bị cấm chứ riêng gì đảng viên! Mà bằng giả ít nguy hại hơn bằng thật với kiến thức giả, việc này đang lan tràn mà không sao cấm được.

Viết bài này tôi chỉ phản biện một vài điểm về hình thức (Về nội dung đã có một số người bàn đến).

Người làm lãnh đạo, quản lý, giáo dục khi ra lệnh cấm ai làm việc gì đó phải hết sức thận trọng, cân nhắc. Dùng lệnh cấm trong đời sống giống như “dùng độc trị độc” trong chữa bệnh. Một tổ chức cần dùng nhiều lệnh cấm chứng tỏ đã và đang phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối mà không thể khắc phục được bằng những biện pháp giáo dục thông thường. Cấm chỉ là biện pháp thô bạo ở đầu ngọn. Điều cần và quan trọng bậc nhất là tìm đúng nguyên nhân cơ bản và có biện pháp chữa từ gốc rễ. Không giải quyết vấn đề từ gốc mà chỉ thô bạo xử lý việc đầu ngọn là cách làm của kẻ hung hăng, không những kém trí tuệ mà kém cả đạo lý.

Trong tổ chức, trong xã hội cần duy trì kỷ luật. Cao nhất là kỷ luật tự giác. Người xưa hay dùng từ “Vô vi” nhằm ca ngợi sự quản lý xã hội để cho mọi người tự giác tuân theo tự nhiên, theo đúng Đạo, đúng luật Trời. Để có được tự giác của mọi người thì bề trên phải có đường lối, có cách hành xử đúng đạo lý, gương mẫu, quần chúng bên dưới có lòng tin cậy và được bảo vệ bằng luật pháp nghiêm minh. Khi bề trên vì kém trí tuệ, phạm khuyết điểm thì đó là “nhà dột từ nóc”, còn vì u mê mà tham quyền cố vị thì không chỉ dột mà hỏng nát, lại thêm quần chúng mất lòng tin vì cảm thấy bị lừa dối thì không cách gì tạo lập được sự tự giác cần có.

Về lệnh “cấm”, hoặc “không được làm”. Theo ngữ pháp và logic thì có thể ra lệnh: “Cấm làm việc X” hoặc “Không được làm việc X” chứ không có ý nghĩa thực tế khi ra lệnh: “Không được không làm việc X”. Thay cho “Không được không làm” phải dùng “Bắt buộc phải làm”. Thông thường ở một vài biển cấm người ta còn thêm từ “không được”, như là để nhấn mạnh. Hãy phân biệt nội dung, ý nghĩa ba lệnh sau : 1- Cấm xả rác (ở đây); 2- Cấm không được xả rác (ở đây); 3- Cấm không xả rác (ở đây). Câu 1 và 2 có cùng nội dung, từ cấm hoặc không được ở 2, thêm vào là thừa, chỉ là để nhấn mạnh. Câu 3 là một lệnh vô nghĩa. Cấm không tuy là phủ định của phủ định nhưng dùng trong câu mệnh lệnh sẽ vô nghĩa.

Hãy xem một số diễn tả của QĐ 37. Trong QĐ chữ “Không được” đã đặt thành “thừa số chung” cho mọi điều, dưới đây khai triển nó ra cho từng ý.

Điều 2- Không được không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Điều 3- Không được không thực hiện trách nhiệm nêu gương. Không được không bảo vệ khi thấy đúng, không được không đấu tranh khi thấy sai.

Điều 5- Không được không đăng tải ý kiến phản hồi.

Điều 6- Không được không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Điều 11- Không được không báo cáo, không được không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí.

Điều 16- Không được không thực hành tiết kiệm.

Những việc vừa kể trên là cần thiết, quan trọng, phải làm. Hãy ghi chúng vào mục nhiệm vụ ở văn bản khác. Ghi chúng vào trong các điều không được làm nghe quá lạ. Không những lạ mà sai về ngữ pháp và logic.

Một số điều ghi ở QĐ 47 cũng như ở QĐ 37 là thừa, vì Hiến pháp và Luật đã có quy định cho công dân, như vậy cũng đã quy định cho đảng viên. Đó là các việc như:

Làm những việc mà pháp luật không cho phép (điều 1); Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo (điều 6); Đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với tổ chức, cá nhân (điều 8); Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả (điều 9); Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ, hoạt động rửa tiền (điều 14); Đánh bạc, hành vi bạo lực (điều 18).

Không được tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc… khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép (điều 2) là hạn chế quyền dân chủ. Theo Điều lệ Đảng thì đảng viên có quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng. Đó là quyền đương nhiên, không cần thêm điều kiện “được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”.

Điều 3 với nội dung mới như sau: (Không được) Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chủng.

Nội dung trên có một số điểm tù mù, dễ lẫn lộn. Chủ nghĩa Mác- Lê nin là một khái niệm rất rộng. Thí dụ 1- Tuyên ngôn cộng sản năm 1848 có thuộc Chủ nghĩa đó không? Trong Tuyên ngôn đó viết rằng phải xóa bỏ mọi tư hữu. Thế thì ĐCS đang khuyến khích kinh tế tư nhân có phản bác CN Mác-Lê không? Hay là không được phản bác bằng bài viết hoặc lời nói còn làm thực thì được, hay là chỉ cấm đảng viên thường còn toàn đảng thì được? Thí dụ 2- Có người phát hiện rằng lý thuyết đấu tranh giai cấp, định nghĩa bản chất con người của Mác, quan điểm về nhà nước của Lê nin là không đúng với thực tế, họ muốn nêu ra và thảo luận để nhận thức chân lý. Việc này có bị cho là vi phạm điều cấm hay không?

Về trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên làm tròn trách nhiệm là theo nghĩa vụ và lương tâm, khi làm tốt sẽ có tác dụng nêu gương. Còn làm việc gì mà chăm chăm vào trách nhiệm nêu gương thì đã bị lệch lạc trong động cơ.

Về chủ nghĩa cá nhân. Trên thế giới, chủ nghĩa này vốn có nhiều tích cực, nhưng rồi ở Việt Nam, có người đã gán cho nó toàn những thứ xấu xa, vì vậy nên chăng viết rõ: chủ nghĩa cá nhân theo định hướng XHCN của VN để khỏi nhầm với cách hiểu thông thường.

Nhân đây tôi xin kê ra vài điều QĐ 37 có sửa so với QĐ 47 nhưng nửa vời. Những sửa chữa ấy không biết là ban soạn thảo tự nghĩ ra hay là theo góp ý của bài đã dẫn (*).

Ở QĐ 47, tại các điều 8, 11 và 16 có quy định “Cấm việc để cho bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh chị em ruột thực hiện một số điều như làm dự án, kinh doanh, lợi dụng chức vụ, đi du lịch tham quan… trái quy định.

Bài (*) viết: Theo lôgic thì không cấm việc để cho những người khác ngoài các người đã kể (như chú bác cô cậu, anh chị em họ, bạn bè, người quen…) làm trái quy định. Thí dụ có đảng viên cao cấp để cho ông cậu lợi dụng chức vụ của minh nhằm trục lợi, không thể kết luận đảng viên đó vi phạm điều 11, vì ông cậu không thuộc những người đã được liệt kê trong điều đó. Như vậy để xem xét hoặc xử phạt việc để cho ông cậu lợi dụng trục lợi phải vận dụng điều luật khác. Mà đã có điều luật khác bao quát hơn thì còn cần soạn thêm điều cấm 11 làm gì?

Ở QĐ 37 sửa lại như sau : Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi… đi du lịch, học tập, chữa bệnh (điều 11 và 17).

Ở QĐ 47 viết: Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi” (điều 19).

Bài (*) phân tích: Quy định như vậy tưởng là hết sức chặt chẽ nhưng nếu tổ chức ăn mừng khỏi ốm, ăn mừng tránh được tai nạn (của bất kỳ người nào trong gia đình) nhằm trục lợi thì rõ ràng không vi phạm điều cấm vừa kể.

Ở QĐ 37 đã chữa như sau : Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi.

Thêm vào các chữ “và người khác” hoặc “các sự kiện khác” có chặt chẽ hơn, nhưng vẫn rườm rà, có thể viết ngắn gọn hoặc sáng sủa hơn.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Điều lệ Đảng. Bookmark the permalink.