Biden muốn ‘lấy lại vị thế của Mỹ ở ASEAN’

28/10/2021

VOA Tiếng Việt

Tổng thống Joe Biden phát biểu với các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến

Tổng thống Joe Biden phát biểu với các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến

Việc Tổng thống Joe Biden dự Thượng đỉnh với ASEAN ngay trong năm đầu tiên nắm quyền cho thấy quyết tâm củng cố vị thế của Mỹ trong khu vực vốn đã bị suy yếu sau 4 năm và là ‘bước đi hiệu quả’ để đối phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, các phân tích gia nhận định.

Gói hỗ trợ 102 triệu đô la

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/10 đã khởi động lại mối quan hệ đã thụt lùi giữa Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với việc tham dự cuộc họp thường niên của khối 10 thành viên bằng hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, ông đã loan báo khoản ngân quỹ 102 triệu đô la để mở rộng quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, một tổng thống Mỹ dự họp ở cấp cao nhất với một khối năng động về kinh tế vốn được coi là chìa khóa để cản bước Trung Quốc. Lần cuối cùng một tổng thống Mỹ dự họp thượng đỉnh với ASEAN là ông Donald Trump vào năm 2017 tại Manila. Ông Trump đã bỏ qua liên tục ba kỳ thượng đỉnh sau đó.

Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN và gọi mối quan hệ này là ‘trụ cột để duy trì khả năng chống chọi, thịnh vượng và an ninh của khu vực chúng ta’.

“Quan hệ đối tác của chúng ta là cần thiết để duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, vốn là nền tảng của an ninh và thịnh vượng chung của chúng ta trong nhiều thập kỷ,” ông Biden phát biểu từ Nhà Trắng khi các nhà lãnh đạo ASEAN lắng nghe. “Và Mỹ ủng hộ mạnh mẽ triển vọng của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trật tự khu vực dựa trên luật pháp”.

Gói tài trợ 102 triệu đô la này bao gồm 40 triệu cho một sáng kiến giúp ứng phó đại dịch COVID-19 và tăng cường khả năng của ASEAN trong việc ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch khác có thể có trong tương lai.

Ngoài ra, 20,5 triệu sẽ tài trợ cho việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và 20 triệu sẽ hỗ trợ hợp tác về thương mại và đổi mới. Còn 17,5 triệu đô la dành cho các dự án giáo dục và 4 triệu là để thúc đẩy bình đẳng giới.

Mỹ tụt lại sau Trung Quốc

Ông Marc Mealy, phó chủ tịch cấp cao về chính sách tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nói với VOA ông hoan nghênh sự tái can dự của ông Biden. “Chúng ta đang nói về một khu vực mà đến năm 2030 sẽ là một trong những nền kinh tế khu vực lớn nhất thế giới,” ông cho biết.

Mặc dù được xem là giúp đảm an ninh khu vực trước tham vọng gia tăng của Trung Quốc, Washington đang tụt hậu so với Bắc Kinh về quan hệ kinh tế với các nước ASEAN. Theo dữ liệu của ASEAN, khối này đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020.

ASEAN và Trung Quốc cũng nằm trong hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, tức RCEP, vốn chiếm gần 30% nền kinh tế toàn cầu. Mỹ không tham gia hiệp định này.

Cựu Tổng thống Trump cũng đã tự loại Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà tiền thân của nó (TPP) đã được cựu Tổng thống Barack thúc đẩy hồi năm 2016.

Prashanth Parameswaran, nhà nghiên cứu thuộc chương trình châu Á của Trung tâm Wilson chỉ ra rằng về mặt địa lý, Washington bị bất lợi và cần phải làm nhiều hơn để tranh thủ ASEAN cùng lúc với việc các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đang mong muốn can dự.

“Khi Mỹ nâng chuẩn mực lên, và sau đó Mỹ bỏ đi, thì bất lợi chồng bất lợi,” Parameswaran nói.

Tuy nhiên, ông Ngô Vĩnh Long, Giáo sư tại Đại học Maine, cho rằng mặc dù đang thua kém Trung Quốc nhưng ảnh hưởng kinh tế của Mỹ trong khu vực vẫn còn rất lớn. Ông chỉ ra số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào khu vực trong năm 2020 là 330 tỷ đô la trong khi kim ngạch của Mỹ với khối đông nam Á đạt 350 tỷ, chiếm trên 1/3 giao thương của Mỹ với toàn bộ châu Á.

“Lẽ dĩ nhiên sau 4 năm (dưới chính quyền Donald Trump) không có quan hệ thì mất thế đứng của Mỹ ở đông nam Á, như vậy Trung Quốc ngày càng lấn,” Giáo sư Long nói với VOA. (2:45)

‘Ưu tiên số 1’

Vị giáo sư này nhận định rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là ‘ưu tiên số 1’ trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Joe Biden, ‘thậm chí còn quan trọng hơn dưới thời [cựu tổng thống] Barack Obama’.

“Vùng đông nam Á nằm chắn giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nếu để Trung Quốc lấn dần dần thì Mỹ sẽ mất chỗ đứng trên thế giới,” ông Long nói và cho biết đó là lý do chính quyền Biden phải củng cố lại quan hệ với các nước ASEAN.

Theo ông Long thì việc sau khi lên nắm quyền Tổng thống Biden đã tiếp xúc ngay với các nước đồng minh mà không đả động gì đến các nước ASEAN – điều này đã làm cho lãnh đạo các nước ASEAN phiền lòng – đó là do ông Biden cần thống nhất lập trường với các nước đồng minh trước khi nói chuyện với các nước ASEAN.

Trên trang của Hội đồng Đối ngoại (Council Foreign Relations) – một viện nghiên cứu chiến lược của Mỹ, ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia cao cấp về Ðông Nam Á, nhận định rằng ‘việc ông Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự thượng đỉnh ASEAN trong 4 năm bản thân nó đã là một chiến thắng nhỏ cho Mỹ trong quan hệ với ASEAN, vốn cảm thấy bị chính quyền Mỹ ngó lơ trong thời gian qua’.

Ông Biden đã nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng ông và các lãnh đạo cao cấp khác của Mỹ sẽ hiện diện nhiều hơn ở Đông Nam Á trong tương lai.

Đối phó Trung Quốc

Chính quyền Biden cũng đang tiếp tục theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do từ thời ông Trump, vốn chỉ ra rằng Bắc Kinh theo đuổi bá quyền trong khu vực.

Nhưng hầu hết các nước ASEAN không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc và nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với cả hai, trong khi đảm bảo tự do hàng hải, bao gồm cả eo biển Đài Loan.

“Xung đột xảy ra trong khu vực này sẽ có lợi ích gì? Ai sẽ được lợi?” Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan nói với VOA. “Không có ai cả. Chỉ riêng COVID là đã quá đủ rắc rối rồi,” ông nói.

Ông Joshua Kurlantzick ở Hội đồng Đối ngoại cho rằng Tổng thống Biden ‘đã thể hiện sự khôn ngoan khi không nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, đồng thời nhấn mạnh rằng ASEAN – ngay cả khi có Bộ Tứ – vẫn rất quan trọng đối với an ninh của Hoa Kỳ.

“Các nước ASEAN nằm trong số những nước am hiểu nhất về hành động và nền ngoại giao hung hăng của Trung Quốc trong thời gian qua, nhưng rất ít nước muốn thể hiện công khai tại cuộc họp thượng đỉnh là họ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc,” ông Kurlantzick viết.

Về phần mình, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng các bước đi của ông Biden tại ASEAN đều nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, có điều ‘không nói ra công khai’.

Ông nói Mỹ không cần buộc các nước ASEAN phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, điều mà họ sẽ không chấp nhận. Thay vào đó, Mỹ cần phát triển quan hệ tốt với các nước ASEAN để họ có thêm lựa chọn.

“Đó là điều các nước ASEAN sẽ hoan nghênh,” ông Long phân tích. “Nhiều nước, nhất là Việt Nam, không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc nên rất muốn cân bằng bằng mối quan hệ với Mỹ.”

Ông Long cũng phê phán chính quyền Trump ‘theo đuổi chính sách một mình một ngựa để đối phó Trung Quốc mà không cần đồng minh’.

“Bất cứ nước nào dù mạnh thế nào đi nữa cũng cần có liên minh, nhưng ông Trump đã phá hủy quan hệ của Mỹ với Ðông Nam Á,” ông Long chỉ ra.

“Chiến lược kết đồng minh của Biden dĩ nhiên hiệu quả hơn nhiều so với Trump trong việc đối phó Trung Quốc,” ông nhận định.

Theo ông Long, cách tiếp cận về dân chủ-nhân quyền của chính quyền Biden đối với khu vực ‘là đúng’ mặc dù nhiều nước ASEAN dị ứng về việc này. “Nếu không nhấn mạnh vào dân chủ-nhân quyền thì các nước ASEAN sẽ nghĩ là họ cần độc tài như Trung Quốc mới là tốt để phát triển,” ông giải thích.

Ông chỉ ra việc các lãnh đạo ASEAN, kể cả Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đều đã lên tiếng phê phán tập đoàn quân sự Myanmar, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận của chính quyền Biden đạt hiệu quả.

Nguồn: voatiengviet.com

This entry was posted in Biden, Quan hệ Mỹ - ASEAN. Bookmark the permalink.