Thu Thuỷ
VietTimes – Ngày 26/10, nhiều cơ quan truyền thông của Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin vu cáo Việt Nam “lấp biển tạo đảo” và đe dọa lính Trung Quốc ở Trường Sa – một động thái kiểu “kẻ trộm hô bắt trộm”.
Đảo Phan Vinh tháng 10/2021 (Ảnh: SCSPI).
Theo báo chí Trung Quốc: “gần đây, một số hình ảnh vệ tinh do các cơ quan truyền thông công bố cho thấy Việt Nam đang tích cực xúc tiến công trình lấp biển tạo đảo ở đảo chìm Phan Vinh (Trung Quốc tự đặt tên là Bisheng Jiao) và cho rằng phía Việt Nam xây dựng các cơ sở quân sự, bố trí vũ khí ở các đảo sẽ đe dọa việc triển khai của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông”.
Các thông tin trên báo chí Trung Quốc dẫn nguồn tin trên trang weibo chính thức của trung tâm tư vấn “Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông” (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh hôm 25/10. Theo SCSPI: “các hình ảnh chụp từ vệ tinh công bố cho thấy gần đây, một số tàu vận tải và tàu công trình đã xuất hiện tại vùng biển phía đông bắc của bãi san hô Phan Vinh do Việt Nam kiểm soát, cùng ít nhất một cầu cảng sà lan và năm tàu cuốc”.
Theo họ: “điều này cho thấy Việt Nam lại bắt đầu xúc tiến các dự án lấp biển tạo đảo tại đây”.
Các báo Trung Quốc dẫn truyền thông Đài Loan cho rằng: “rạn san hô Phan Vinh chỉ cách đảo nhân tạo Chữ Thập do Trung Quốc chiếm đóng trái phép khoảng 100 km và Việt Nam đã mua các dàn rốc két tầm xa có tầm bắn 150 km, nếu xảy ra xung đột sẽ đe dọa trực tiếp đến các cơ sở quân sự trên đá Chữ Thập, việc triển khai lực lượng của PLA ở Biển Đông vì thế sẽ mất đi sự bảo vệ.”.
Thông tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam trên trang weibo của SCSPI
Họ cho rằng: “nếu PLA bị mất đi đá Chữ Thập, sức chiến đấu của lực lượng này ở Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng trống và chỉ có thể tấn công từ xa, điều này rất bất lợi”.
Trang Sunnews của Trung Quốc thể hiện thái độ “trộm hô bắt trộm” khi viết rằng: “Chúng ta cũng không nên xem nhẹ việc Việt Nam cải tạo, mở rộng đá ngầm trái phép, rõ ràng là họ đang muốn cưỡng bức Trung Quốc bằng những việc đã rồi. So với các hình ảnh vệ tinh được SCSPI công bố năm 2013, nhiều cơ sở mới đã được Việt Nam xây dựng thêm ở đá Phan Vinh, bao gồm doanh trại, bãi đáp trực thăng, trạm radar và vườn cây. Hơn nữa, một số lượng lớn máy xúc tập trung tại khu vực các lô cốt nhân tạo mới được xây dựng ở phía tây nam, cho thấy Việt Nam vẫn đang mở rộng bãi san hô hoặc xây dựng các cơ sở khác. Trước đó, một số cơ quan truyền thông Mỹ đã phân tích rằng việc Việt Nam xây dựng các trạm radar trên đá Phan Vinh là để ngăn Trung Quốc thực hiện các hoạt động đổ bộ và ngăn Trung Quốc can thiệp vào việc tiếp tế cho các đảo và đá ngầm của Việt Nam.
Một số công trình của Việt Nam trên đảo Phan Vinh (Ảnh: Sina).
Trên thực tế, không phải chỉ đá Phan Vinh, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng tại rất nhiều trong số 29 đảo và đá ngầm trên Biển Đông do họ kiểm soát thực sự. Vào tháng 2 năm nay, một báo cáo và hình ảnh vệ tinh liên quan do một cơ quan của Mỹ đưa ra cho thấy trong hai năm qua, Việt Nam đã tiến hành các hoạt động cải tạo trái phép và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên các đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa; trong đó các hệ thống phòng không và phòng thủ biển đã được xây dựng trên các đảo Đá Tây và Sinh Tồn.
Chỉ là những hoạt động này của Việt Nam khá kín tiếng do các phương pháp và kỹ thuật lấp biển tạo đảo, mở rộng bãi san hô của họ vẫn tương đối truyền thống và tiến độ xây dựng diễn ra chậm chạp. Mặt khác, do Việt Nam không muốn kích động các nước có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, nên khi diện tích các đảo, bãi đá ngày càng lớn, các nước láng giềng chắc chắn sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.
Đảo Phan Vinh tháng 3/2013 (Ảnh: SCSPI).
Thật nực cười khi SCSPI so sánh hoạt động cải tạo thế phòng thủ của Việt Nam trên lãnh thổ của mình với hoạt động lấp biển tạo đảo trái phép của Trung Quốc. cho rằng, “hoạt động xây dựng các đảo và bãi đá ngầm của Việt Nam là lâu dài, được che giấu và mang tính tổng hợp, đáng được cộng đồng quốc tế quan tâm. Trên thực tế, do các đảo và các bãi đá ngầm do Việt Nam chiếm đóng gần bờ biển Việt Nam hơn nên phía Việt Nam đã tiến hành cải tạo và xây dựng đảo từ rất sớm. Tuy nhiên, Mỹ và các nước phương Tây thường chỉ trích hoạt động xây dựng các đảo và đá ngầm ở Biển Đông của Trung Quốc nhưng lại im lặng trước hành vi của Việt Nam, bộc lộ rõ ‘tiêu chuẩn kép’ của họ”.
Truyền thông Trung Quốc vẫn lặp lại luận điệu cũ rích: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) và vùng biển lân cận, Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng ở Nam Sa (tức Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) thông qua hiệp thương hữu nghị song phương”.
Sina viết: “Sở dĩ chúng ta phải hết sức cảnh giác trước những ‘hành động nhỏ’ của Việt Nam ở Biển Đông là vì Việt Nam được coi là ‘kẻ chiến thắng lớn nhất’ trong cuộc chiến tranh giành các đảo ở Biển Đông với số đảo và bãi đá ngầm bị họ chiếm lên tới 29 cái; trong khi Trung Quốc thực sự chỉ kiểm soát 9 đảo, bãi đá ở Nam Sa (tức Trường Sa) bao gồm cả đảo Ba Bình do chính quyền Đài Loan kiểm soát, và điều kiện tự nhiên rất tồi tệ”.
Sina biện bạch: “Việc Trung Quốc mở rộng diện tích các đảo và bãi đá ngầm này ở Biển Đông bằng cách lấp biển tạo đảo trên phạm vi lớn cũng là để cải thiện điều kiện đồn trú của quan binh canh giữ biển đảo. Giờ đây, với năng lực công nghệ và kỹ thuật mạnh mẽ, chỉ trong vài năm Trung Quốc đã đạt được “phép thần” ở Biển Đông. Đây là giai đoạn lịch sử mà người Trung Quốc tự hào”.
Sina viết: như Trung tâm Nhận thức tình hình chiến lược Biển Đông nêu, các hoạt động bồi đắp biển đảo của Việt Nam chưa bao giờ dừng lại. Ngay từ năm 2016, báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS) cho thấy Việt Nam đã tiến hành các hoạt động cải tạo trên hơn 20 đảo và bãi đá ngầm do họ kiểm soát, trong đó có đảo Trường Sa lớn đã kiểm soát lâu nhất. Các dự án lớn như việc mở rộng đường băng sân bay đã biến đảo Trường Sa lớn trở thành trung tâm chỉ huy quân sự và trung tâm hành chính của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Một số tàu vận tải và công trình Việt Nam ở vùng biển Đông Bắc đảo Phan Vinh (Ảnh: SCSPI).
|
Sina xuyên tạc: “lý do chúng ta (Trung Quốc) cần hết sức cảnh giác trước hành vi xây đảo của Việt Nam ở Trường Sa là vì Việt Nam có khả năng bị phương Tây lợi dụng và xúi giục, tiếp tục kích động và thách thức sự kiên nhẫn của Trung Quốc thông qua các hành vi tương tự, từ đó cung cấp “đạn dược” cho phương Tây bao vây Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.
Đồng thời, TQ tiếp tục ám chỉ các động thái của Mỹ và đe dọa: “Tuy nhiên, các cường quốc bên ngoài khu vực và các quốc gia trong khu vực đang gây rối ở Biển Đông không được vì thế mà ngông cuồng, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị đầy đủ về quân sự trước tình hình phức tạp ở Biển Đông và các hành động gây sức ép của một số đối thủ”.
Việc truyền thông Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đe dọa binh lính Trung Quốc” ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào thời điểm này có thể chuẩn bị dư luận cho những hành động phiêu lưu mới.
T.T.
Nguồn: Viettimes
This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Biển Đông. Bookmark the permalink.
|